Hiện nay, trên thị trường, ngoài mỹ phẩm và hóa mỹ phẩm, còn có một phân khúc sản phẩm với tên gọi dược mỹ phẩm. Dược mỹ phẩm là một loại sản phẩm chăm sóc da có chứa các thành phần hoạt tính sinh học có khả năng tạo ra những thay đổi sinh lý cho da.
Với các ưu điểm từ chất lượng cho đến độ an toàn, dược mỹ phẩm đang được đánh giá là sự lựa chọn hàng đầu hiện nay.
Dược mỹ phẩm có các thành phần đặc trị cho các vấn đề về da như mụn, nám, lão hóa,… và ngày càng được sử dụng phổ biến. Theo Mordor Intelligence, Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam là các quốc gia có nhu cầu sử dụng dược mỹ phẩm cao và có ưu thế để mở rộng thị trường, nhờ vào cơ cấu dân số trẻ.
Trong khi đó, thị trường cũng dần xuất hiện một tệp khách hàng quan tâm đến các thành phần hóa học, những hoạt tính nổi trội có trong sản phẩm. Họ được gọi chung là skintellectual và được xem là những người mua sắm mỹ phẩm có chọn lọc.
Tuy nhiên, khi một sản phẩm trở nên phổ biến thì thông tin về chúng cũng sẽ đa dạng về nguồn gốc và độ tin cậy. Internet, các beauty blogger, influencers giúp dược mỹ phẩm trở nên gần gũi hơn bao giờ hết.
Tuy nhiên, hãy lưu ý rằng đây không phải là những sản phẩm thông thường mà có chứa những thành phần hoạt tính rất mạnh. Từ đó dẫn đến việc sử dụng dược mỹ phẩm thật sự không đơn giản như cách nhiều bài viết và chia sẻ đang tràn lan trên mạng.
Trong bài viết này, Vietcetera mời BS Da liễu thẩm mỹ – Trương Hữu Hoàng Huy để giải đáp các vấn đề về việc lạm dụng dược mỹ phẩm, tự làm dược mỹ phẩm cũng như cách sử dụng hiệu quả, an toàn.
Hiểu sai - dùng sai về dược mỹ phẩm
BS Huy cho biết dược mỹ phẩm với thành phần hoạt tính cao không phải lúc nào cũng phù hợp với làn da của bạn. Đặc biệt, nếu sử dụng không khéo sẽ thành con dao hai lưỡi vì thành phần quá mạnh thì sức “tàn phá” trên da cũng sẽ dữ dội hơn. Người dùng Việt Nam thường có một số sai lầm trong việc dùng dược mỹ phẩm:
Nồng độ càng cao càng tốt: Tâm lý sử dụng sản phẩm nồng độ cao vẫn còn thấy ở nhiều người dùng. Phần lớn cho rằng nồng độ cao hiệu quả nhanh, tiết kiệm thời gian và tiền bạc để không phải kéo dài liệu trình. Tuy nhiên, việc sử dụng không phải nằm ở nồng độ cao hay thấp mà ở lịch sử làn da của bạn.
Có nhiều làn da chưa bao giờ dùng dược mỹ phẩm mà đã dùng nồng độ cao sẽ rất có hại. Nên nhớ dược mỹ phẩm có nhiều loại dùng để trị liệu (treatment) phải được cân nhắc về liều lượng rất kĩ.
Sử dụng với tần suất dày đặc: Dược mỹ phẩm về mặt nào đó vẫn có tính dược nên cần lưu ý về tần suất sử dụng. Đây có thể được xem là loại mỹ phẩm dục tốc bất đạt bởi cần thời gian khá lâu để thấy kết quả. Không phải cứ có từ “dược” là sẽ điều trị hiệu quả ngay được. Retinol, Tretinoin, Niacinamide đều cần từ 2 đến 3 tháng để thấy kết quả trên da.
BS từng chứng kiến một bệnh nhân dùng salicylic acid 2% và dùng một ngày 2 lần, liên tục trong một tuần. BHA tẩy tế bào chết mạnh nên vài hôm đầu da rất mịn, sờ rất thích. Nhưng chỉ sau 7 ngày, khi hoạt chất vào da nhiều khiến da bị break-out nặng nề.
Mua dược mỹ phẩm trên mạng: Hiện nay có rất nhiều nơi bán các loại dược mỹ phẩm. Tuy nhiên, nhiều người dùng sẽ căn cứ vào giá để mua sản phẩm nên không đến các nơi chính hãng (giá cao hơn các nơi khác).
Điều này dẫn đến mua lầm, mua những sản phẩm kém chất lượng, mạo danh hãng lớn với giá thành rất rẻ. Đồng thời, bác sĩ từng thấy nhiều bạn nghe theo người nổi tiếng, influencers và mua các sản phẩm cũng tự nhận là dược mỹ phẩm nhưng chứa nhiều thành phần hại da.
Tàn phá da do dược mỹ phẩm cũng rất khó trị
Nhiều bạn lầm tưởng dược mỹ phẩm là tuyệt đối an toàn, tuy nhiên sự thật không phải vậy. Bạn hẳn đã biết làn da bị tàn phá bởi kem trộn thực chất là da bị nhiễm corticoid. Tương tự, một làn da khi dùng dược mỹ phẩm sai cách cũng sẽ bị xuống cấp nặng và cần tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc để chữa lành.
Bác sĩ từng gặp một trường hợp bệnh nhân dùng mỹ phẩm có thành phần acid mạnh chấm lên da để giảm tàn nhang. Tuy nhiên, do hoạt chất quá mạnh dẫn tới hiện tượng da bị tăng sắc tố, vết tàn nhang còn đậm hơn trước.
Một bệnh nhân khác cũng sử dụng acid để lột da hay còn được quảng cáo là thay da sinh học. Tuy nhiên không rõ thành phần bệnh nhân này dùng có đảm bảo hay không nhưng dẫn đến da bị phỏng, đỏ và phồng rộp lên.
Trong khi đó, các trường hợp dùng hoạt chất quen thuộc như Retinol, salicylic acid, tretinoin… cũng gặp phải tình trạng viêm da tiếp xúc, nhiễm khuẩn da do tần suất bôi dày. Thậm chí có trường hợp còn đỏ lên, bề mặt da gồ ghề, tăng sắc tố hoặc nổi mụn toàn mặt.
Có thể thấy nếu dược mỹ phẩm dùng sai cách thì cũng để lại hậu quả rất nặng nề. Việc điều trị lâu dài, tốn kém có thể từ vài triệu cho đến hàng chục triệu đồng. Thời gian điều trị ít nhất phải mất 4 tuần, lâu hơn có thể kéo dài từ 3 đến 6 tháng. Điều đặc biệt là làn da sau điều trị cũng khó trở lại trạng thái khỏe mạnh ban đầu mà trở nên mỏng và nhạy cảm hơn.
Cân nhắc trước những hướng dẫn sử dụng
Theo BS Hoàng Huy, việc hướng dẫn sử dụng trên bao bì và trên mạng thường dành cho các các nền da khỏe mạnh, mẫu số chung. Tuy nhiên, hiện tại làn da của nhiều người Việt vốn yếu, mỏng manh nên nếu dùng theo các chỉ dẫn này có thể bị kích ứng. Chính vì vậy, việc sử dụng dược mỹ phẩm nên có sự tham vấn và chẩn đoán của bác sĩ da liễu.
Mục đích là có thể tìm ra tần suất và số lượng sản phẩm sử dụng một cách phù hợp. Thông thường, việc dùng dược mỹ phẩm nên được bác sĩ theo dõi trong 8 đến 12 tuần để tránh các nguy cơ phản ứng mạnh. Khi da đã dần quen, bạn có thể tự điều chỉnh lại.
Hiện nay, hầu hết các loại dược mỹ phẩm khi dùng đều cần có sự chỉ định từ bác sĩ. Tuy nhiên không phải ai cũng đủ điều kiện và cả kiên nhẫn để đến gặp các bác sĩ chuyên khoa. Thông thường người dùng chỉ đến khi có vấn đề xảy ra.
Tuy nhiên, quy trình sử dụng đúng là bạn nên có sự thăm khám da trước, mô tả lịch sử da cho bác sĩ để có thể đưa ra một lời khuyên dành riêng cho bạn. Hoặc bạn có thể tìm kiếm các dịch vụ coaching da để có được sự hướng dẫn cụ thể.
Đừng tự làm dược mỹ phẩm “handmade”
Bác sĩ Hoàng Huy cho biết hiện nay nhiều thành phần đặc trị như Niacinamide, glutathione, HA, salicylic acid, alpha arbutin, tretinoin… đang được bày bán tràn lan. Thậm chí chúng còn được cho vào các kit để tự làm mỹ phẩm tại nhà.
Theo bác sĩ, đây hoàn toàn không thể được xem là dược mỹ phẩm. Lý do đơn giản, để làm dược mỹ phẩm cần phải đảm bảo dược lý, dược tính bởi các thiết bị, máy móc khép kín, vô trùng.
Nếu bạn tự làm các mỹ phẩm với các thành phần hoạt tính này trong môi trường bên ngoài thì rất dễ biến chất. Chẳng hạn Niacinamide, Vitamin C đem ra ngoài pha chế rất nhanh bị oxy hóa. Khi bôi lên da sẽ dễ gây kích ứng.
Vì thế, dù bạn tự pha chế tại nhà nhưng bản chất các thành phần và độ an toàn vẫn không được đảm bảo. Chưa kể việc pha chế nồng độ không có chuyên môn cũng sẽ tạo nên một thành phẩm rất có hại cho da.