Euphoria đã vẽ nên bức tranh cảm xúc như thế nào? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
16 Thg 03, 2022
Điện ẢnhTráng Film

Euphoria đã vẽ nên bức tranh cảm xúc như thế nào?

Nói về nghiện ngập, tệ nạn xã hội,... Sam Levinson đã truyền tải thế giới của cảm xúc những người trẻ như thế nào?
Euphoria đã vẽ nên bức tranh cảm xúc như thế nào?

Nguồn: Euphoria

Với 21 tập phim, mùa 2 của Euphoria đã kết thúc với sự thành công rực rỡ.

Số lượng tương tác người xem của Euphoria tăng vọt tại mùa 2, trở thành một trong những TV series được mong chờ và bán tán nhiều nhất trên mạng xã hội vào thời điểm ra mắt. Với lượng người xem tăng hơn 100% qua hai mùa, độ ảnh hưởng cực kì đáng kể của Euphoria tại Mỹ là không thể phủ nhận.

Là một series đề cập rất nhiều đến các chủ đề nhạy cảm, Euphoria được làm ra để khám phá cuộc sống học đường dưới một góc nhìn nghiêm túc và trực diện.

Thế nhưng, sự lựa chọn này lại mang đến nhiều rủi ro nếu cách tiếp cận của chúng thiếu đi sự thấu hiểu và rõ ràng. Vậy Euphoria đã làm những gì để vượt qua những trở ngại ấy?

Chỉ đề cập đến tệ nạn thôi là chưa đủ

Những bộ phim chọn cách khai thác cuộc sống học đường xoay quanh những vấn đề nghiêm trọng của tuổi teen như lạm dụng thuốc, bia rượu, quan hệ tình dục, bệnh tâm lí,... sẽ phải đối diện với khá nhiều những khó khăn.

Một ví dụ điển hình là 13 Reasons Why, bộ phim này đã bị chỉ trích bởi khá nhiều chuyên gia vì những khắc họa sai sự thật về các căn bệnh tâm lí. Từ đó, các sự kiện nghiêm trọng (xả súng, tự tử,...) diễn ra trong series bị đánh giá là chỉ mang yếu tố bề mặt nhằm đẩy câu truyện về trước. Chúng không có đủ chất liệu và độ sâu để có thể nói lên bất kì điều gì ý nghĩa về những vấn đề này.

Một lỗi mà các TV series dạng này thường mắc phải nữa là vô tình hào quang hóa các tệ nạn xã hội. Những buổi tiệc phức tạp, những lần sử dụng chất cấm và những mối quan hệ tình dục bừa bãi cần được tiếp cận cực kì thấu đáo để không khuyến khích những khán giả trẻ tuổi tham gia vào chúng.

alt
Rue trong một buổi tiệc | Nguồn: Euphoria

Euphoria là một TV series không thiếu những chủ đề nhạy cảm. Từ các căn bệnh tâm lí đến các hành vi như tống tình, tống tiền,... Euphoria đều có đủ. Vậy TV series này đã làm gì để không mắc phải những lỗi kể trên?

Một bức tranh sự thật được vẽ bằng cảm xúc nhân vật

Nhìn qua đánh giá tiêu cực từ trang báo lớn The Times, có thể thấy được lí do vì sao Euphoria là một bộ phim dễ gây tranh cãi: “Teen thích nghĩ về họ như một cá nhân bất hạnh và mỏi mệt, nên Euphoria chắc chắn sẽ tìm được người hâm mộ, đặc biệt là những khán giả trẻ.” Thật ra chính lời chỉ trích này của The Times lại nói lên chính những gì mà series này đang hướng tới.

Nói về quá trình sáng tạo nên Euphoria, Sam Levinson, đạo diễn/ biên kịch/ nhà sản xuất của series đã nói:

“Chúng tôi đã thể hiện từ khá sớm rằng những cảnh phim là một bản miêu tả lại sự thật, hay chính xác hơn là một sự đại diện của sự thật cảm xúc. Tôi không quan tâm đến sự thật. Tôi chỉ hứng thú đến sự thật cảm xúc.”

alt
Một cảnh quay với căn phòng xoay tròn trong lúc Rue đang lâng lâng | Nguồn: Euphoria

Sự thật cảm xúc, hay “emotional realism” được định nghĩa trong cuốn Tell It Slant như sau: “Con người sáng tạo nên chúng vì thế giới và cuộc sống chúng ta chứa đựng nhiều hơn là sự thật đơn thuần. Sự tưởng tượng và cách chúng ta tưởng tượng chính là một phần của chính bản thân, một phần quan trọng như chính sự thật vậy.”

Phân cảnh Rue và Jules xăm “Rules” lên bên trong môi nhau được thể hiện trong series như một sự việc đã diễn ra. Thế nhưng, vào những tập sau của series, chính Rue đã nói rằng đây chỉ là một việc mà họ bàn với nhau, chứ không thật sự một việc đã diễn ra.

Đây chính là một sự thật cảm xúc của Rue, vì với cô, chỉ sự bàn luận và nghĩ đến chuyện xăm tên nhau lên môi đã thể hiện đủ sức nặng và ý nghĩa để cô xem nó như một việc đã xảy ra.

Yếu tố hình ảnh là một trong những phương tiện đầu tiên mà Sam Levinson sử dụng để truyền đạt sự thật cảm xúc đến với khán giả. Làm việc với đạo diễn hình ảnh Marcell Rév, Sam Levinson đã luôn muốn Euphoria nhìn như những gì mà thế hệ tuổi teen hình dung về chính cuộc sống của họ.

Theo lời của Rév, từng cảnh phim của Euphoria đều bắt nguồn từ những yếu tố cảm xúc. Những thành phần khác như ánh sáng, chuyển động camera đều sẽ được phát triển dựa trên yếu tố cảm xúc đó. Vậy Euphoria đã thể hiện thế giới qua ánh nhìn của nhân vật như thế nào?

Ánh đèn sân khấu của tuổi trẻ

Một trong những điểm quan trọng nhất để hiểu về hình ảnh của Euphoria là ánh sáng và màu sắc. “Chúng tôi muốn bộ phim thật sặc sỡ để truyền tải được cảm giác lâng lâng. Thế nhưng, chúng tôi lại không muốn màu sắc ấy như một chiếc cầu vồng, với không một hệ thống rõ ràng nào.” Marcel Rév nói về cách ông và Sam Levison lựa chọn bảng màu cho Euphoria.

Kết hợp giữa sắc đỏ của nhiệt huyết, nhục dục cùng màu xanh của trầm lắng và thấu cảm, Euphoria khoác lên mình màu sắc chủ đạo là màu tím. Một sự kết hợp hoàn hảo để thể hiện sự phức tạp của tâm lí tuổi teen.

alt
Những màu sắc chủ đạo của Euphoria | Nguồn: Euphoria

Ba màu sắc này lần lượt xuất hiện trong từng cảnh quay như một sự mở rộng của nhân vật. Họ trải nghiệm sự việc dưới một góc nhìn qua những lăng kính màu sắc tương ứng với cảm xúc họ đang cảm nhận.

Việc thay đổi ánh sáng màu liên tục cũng chính là một công cụ để Sam Levinson và Marcell Rév thể hiện cảm giác dằn xé và lẫn lộn về cảm xúc của nhân vật. Chẳng hạn như khi Rue đang lâng lâng hay khi Jules đang ngoại tình với một cô gái khác.

Chuyển động của camera để kết nối câu chuyện

“Về phần cú máy, chúng tôi rất muốn chúng có một dạng năng lượng để nối nhiều câu chuyện lại với nhau… Sự chuyển động của camera chính là chất keo dán cho bộ phim này,” Marcel Rév nói.

Như cuộc sống của bất kì học sinh cấp 3 nào, Euphoria là hàng chục những mối quan hệ nhập nhằng, những câu chuyện “drama” mà gần như ai cũng là một phần trong đó. Sự liên kết chặt chẽ giữa các nhân vật và cách mà họ ảnh hưởng lên nhau chính là một chủ đề chủ đạo của bộ phim.

Một trong những cảnh quay ấn tượng nhất của Euphoria trong tập 4 mùa 1 thể hiện chính xác điều đó. Từ chiếc xe bán bánh vòng kiêm chất kích thích của Fezco, một cú máy liên tục dài hơn 2 phút luồn lách giữa không gian lễ hội, đi từ nhân vật này sang nhân vật khác, thể hiện sự kết nối chặt chẽ giữa họ.

Cũng giống với hầu hết các bối cảnh khác của Euphoria, không gian lễ hội với hàng chục những sạp đồ, trò chơi mạo hiểm đều được dựng lên hoàn toàn bởi đoàn phim. Điều này giúp cho Sam Levinson có sự tự do tối đa trong cách anh điều khiển máy quay, tạo nên những phân cảnh 100% từ chính trí tưởng tượng và óc sáng tạo của người đạo diễn.

Trong mắt bất kì cá nhân tuổi teen nào, họ cũng là nhân vật chính

Một trong những yếu tố nổi bật nhất của Euphoria chắc chắn là những cảnh quay và khung hình được lấy cảm hứng từ những sản phẩm nghệ thuật khác nhau. Với từng cảnh quay như vậy, Sam Levinson đã tạo ra thêm chiều sâu cho nhân vật theo một cách gần như chưa từng được làm trước đây.

Chẳng hạn như phân cảnh khi Rue và Jules hóa thân thành những nhân vật trong các bức tranh, những bộ phim nổi tiếng về tình yêu. Sự hóa thân này đã khéo léo thể hiện cách cả hai nhân vật nhìn nhận mối quan hệ của họ, một tình yêu xứng đáng để so sánh với những tình yêu đẹp nhất thế giới.

alt
Một khoảnh khắc "nhân vật chính" của Cassie | Nguồn: Euphoria

Cassie đắm mình trong nỗi buồn giữa một rừng hoa. Đây có thể là một phân cảnh không thể nào xa rời thực tế hơn, tuy nhiên chúng lại thể hiện một sự thật cảm xúc cực kì sâu của Cassie. Cô cho rằng nỗi buồn, sự đau khổ vì tình yêu này thật đẹp và đáng ngưỡng mộ. Với Cassie, trong nỗi tuyệt vọng sâu thẳm đó là bản chất của một tình yêu đích thực.

Những phân cảnh nơi nhân vật bước vào một thế giới hoàn toàn khác với thế giới của Euphoria, như cảnh Rue trở thành giáo viên, thám tử,... đã tạo ra thêm những tầng nghĩa cảm xúc cho nhân vật dựa trên những thể loại mà phân cảnh đó được dựa trên.

Tuổi trẻ là khi cảm xúc chiến thắng hậu quả

“Việc đánh giá bộ phim này giống như tự bước vào bẫy vậy. Chỉ ra rằng yếu tố bạo lực và tình dục đang bị lạm dụng sẽ khiến tôi nghe như một người cực kì nhạy cảm… Việc tôi cảm thấy nhẹ nhõm khi những nhân vật cùng nhau làm một việc bình thường như đi chơi bowling vốn đã nói khá nhiều về series này.” Rebecca Nicholson viết trên tờ The Guardians.

Đúng, Euphoria không phải là một series dễ xem ở bất kì một yếu tố nào. Điều này lại đặt ra một câu hỏi khác, quan trọng hơn, việc nhìn về những sai lầm của tuổi trẻ có bao giờ là một điều dễ làm?

Sam Levinson tiếp cận những vấn đề nhạy cảm của bộ phim bằng cách cho khán giả thấy được cảm giác tuyệt vời nhất thời của chúng để họ có thể thấu hiểu những quyết định dại dột ấy. Nhưng anh cũng không quên đề cập đến độ tàn phá mà chúng gây lên gia đình, cuộc sống của chính cá nhân đó, để cảnh cáo và truyền đi một thông điệp cực kì mãnh liệt.

“Điều tồi tệ nhất của việc sở hữu một căn bệnh nghiện ngập, ngoài việc mắc phải nó, là việc không ai trên thế giới này xem nó là một căn bệnh.” Nhân vật Ali nói với Rue trong một tập phim.

Đã từng là một con nghiện, Sam Levinson có lẽ hiểu hơn bất kì ai khác về thế giới mà anh phải trải qua trong những ngày còn trẻ. Việc chọn cách khai thác về sự thật cảm xúc chính là một lựa chọn bao dung nhưng đầy thấu hiểu về một thời kì trong cuộc đời con người nơi cảm xúc nhất thời sẽ dễ dàng đánh bại những hậu quả về sau.