1. Chuyện gì vừa xảy ra?
Sáng 12/10, nhiều người dùng bị Facebook cho "bay màu" một số lượng lớn người theo dõi. Cụ thể, các tài khoản có hàng trăm nghìn, hay hàng triệu followers như Sơn Tùng M-TP, cầu thủ Quang Hải, ca sĩ Bích Phương, hay thậm chí Mark Zuckerberg … bất ngờ còn dưới con số 9.000 theo dõi.
Người phát ngôn của Meta (công ty mẹ của Facebook) phản hồi rằng, họ thấy một số tài khoản không hiển thị số lượng người theo dõi nhất quán. Facebook đang nỗ lực hết sức để đưa mọi thứ trở lại bình thường nhanh nhất có thể và rất xin lỗi nếu quá trình này gây ra sự bất tiện.
2. Tại sao nên quan tâm điều này?
Theo Hieupc (Ngô Minh Hiếu), người dùng nên cảnh giác trước vấn đề này để không bị lừa đảo. Có thuyết âm mưu cho rằng Facebook đang quét các tài khoản, làm giảm lượng người theo dõi. Hieupc cho rằng, đây là lỗi hiển thị của hệ thống trong quá trình ứng dụng này nâng cấp.
Anh cũng cho biết thêm, Facebook đang nâng cấp một số tính năng thú vị mới, hỗ trợ nhiều hơn cho tài khoản cá nhân như tăng lượt hiển thị, hệ thống quản lý chuyên nghiệp.
3. Chuyện lớn hơn có thể là gì?
Mỗi lần Facebook thay đổi thuật toán hoặc nâng cấp đều mang đến một điều gì đó mới cho người dùng, và có lợi cho chính họ. Ví dụ như, Facebook đã không ít lần thay đổi thuật toán bằng cách ưu tiên cho những nội dung có nhiều tương tác.
Tuy nhiên vấn đề nằm ở chỗ, nội dung có tương tác cao thường mang tính thù ghét, bạo lực và gây tranh cãi như trước đây đã chỉ ra. Những nội dung này giúp người dùng tham gia nhiều hơn, lâu hơn và sâu hơn, từ đó giúp Facebook thu lợi nhuận nhiều hơn (theo tài liệu của Frances Haugen).
Chưa rõ ràng lỗi lần này của Facebook là gì? Họ tiếp tục nâng cấp hay thay đổi thuật toán ra sao? Tuy nhiên, người dùng luôn hy vọng Facebook sớm khắc phục lỗi và được hỗ trợ nhiều hơn nữa khi sử dụng nền tảng mạng xã hội này.
4. Facebook đang gặp vấn đề gì nữa?
Một năm trước, Facebook đã đổi tên thành Meta với những kỳ vọng về metaverse - vũ trụ ảo hoành tráng mà Mark Zuckerberg luôn mơ về và muốn thực hiện. Tuy nhiên, Meta ra đời còn giúp tách bạch các sản phẩm như Instagram, Whatsapp, Oculus ra khỏi "tai tiếng" của Facebook lúc đó.
Sau một năm, Facebook đổi tên thành Meta nhưng dường như vẫn chưa thể "đổi vận." Meta khó nhọc xây dựng vũ trụ ảo (metaverse) nhưng thị trường không thích, người dùng không dùng, nhà đầu tư thì tỏ ra nghi ngờ. Hình ảnh đồ họa sơ sài của metaverse bị đưa ra làm trò cười, còn nhân viên Meta thì không muốn dùng sản phẩm mà chính họ tạo ra.
Tương lai cũng không mấy tươi sáng đối với Meta, cụ thể là Facebook. Người dùng đang dần rời đi còn các nhà quảng cáo đang cắt giảm chi tiêu trên nền tảng này.
Sau lần đầu chứng kiến doanh thu quý giảm (quý 2/2022), thì Meta có thể chứng kiến điều tương tự trong quý 3/2022. Ngoài ra, vấn đề tuyển dụng của Meta cũng trở nên khó khăn hơn khi nhiều nhân sự mới, trẻ muốn được làm việc cho TikTok (ByteDance) hơn.
Facebook vẫn chưa thoát ra được "vận xui" khi liên tiếp gặp những vấn đề về kiện tụng, luật pháp, hay tình hình kinh doanh ảm đạm. Mới đây, Cơ quan giám sát tài chính Nga liệt Meta là tổ chức cực đoan. Trước đó, Facebook và Instagram của Meta đã bị cấm hoạt động trên lãnh thổ Nga từ tháng 03/2022.
5. Vũ trụ ảo rồi sẽ tới đâu?
Bước đầu của metaverse do Meta và Mark Zuckerberg tạo ra chưa thực sự thành công nhưng đã cung cấp những nền tảng cần thiết. Với con số 70 tỷ USD đang được đổ vào dự án, metaverse dù bị chê cười là dự án "làm Mark Zuckerberg vui (Make Mark Happy)" vẫn còn nhiều điều bỏ ngỏ.
Metaverse hay vũ trụ ảo được nhận định là một xu hướng tất yếu, thay vì là xu hướng nhất thời. Tờ New York Times từng cho rằng, dù vẫn còn nhiều ý kiến bất đồng nhưng khó có thể phủ nhận sức mạnh của xu thế này (metaverse) trên mọi mặt của đời sống.
Có thể nói, chúng ta đang đến gần hơn với vũ trụ ảo thông qua sự phát triển của công nghệ blockchain, tiền mã hóa (crypto), NFT... Bên cạnh đó, con người cũng đang được vây quanh bởi những công nghệ nền tảng thực tế ảo như VR, AR...
Liệu metaverse (siêu vũ trụ/vũ trụ ảo) có thực sự diễn ra trong tương lai gần hay nó đang thực sự diễn ra nhưng không phải do Meta (Facebook) cầm trịch?
Những tựa game nhập vai như The Sims hay Animal Crossing, Fortnite giúp ta làm quen với xã hội "ảo" khép kín. Các nhãn hàng thời trang như Gucci hay Balenciaga đã có những show diễn thời trang ảo... Vì thế, chúng ta đã thực sự tham gia vào vũ trụ ảo, dù là theo cách này hay cách khác.