1. Fad diet là gì?
Fad diet /fˈad dˈaɪət/ (danh từ) chỉ tất cả các chế độ ăn kiêng rộ lên theo phong trào.
Fad diet hứa hẹn giúp bạn giảm cân nhanh chóng chỉ bằng chế độ ăn kiêng không tổn hại đến sức khỏe. Dù vậy, các fad diet đa phần không có nghiên cứu khoa học rõ ràng.
Một số fad diet được đánh giá là kém lành mạnh khi cắt giảm chất xơ, carbohydrate, vitamin, khoáng chất cần thiết khỏi cơ thể. Điều này dẫn đến cơ thể không đủ năng lượng để hoạt động. Bạn cũng dễ mệt mỏi, cáu kỉnh do lượng đường trong máu thấp.
Các chế độ ăn này giúp bạn đạt kết quả trước mắt, nhưng thường là do tiêu hao cơ và lượng nước trong cơ thể, thay vì mỡ.
2. Nguồn gốc của fad diet?
Từ "diet" có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp cổ là "diaita". Ban đầu, từ này được dùng để mô tả một lối sống toàn diện, bao gồm cả tinh thần và thể chất. Vì các bác sĩ Hy Lạp và La Mã cho rằng cơ thể hoạt động như thế nào phần lớn phụ thuộc vào thực phẩm chúng ta ăn.
Fad diet sớm nhất được tìm thấy là từ thế kỷ 19, thời Victoria tại Anh. Thời điểm ấy, các nhãn hàng đều quảng cáo sản phẩm của mình là thực phẩm lành mạnh, thúc đẩy mọi người mua hàng để có một cơ thể đẹp.
Fad diet hiện đại có từ những năm 1930, với chế độ cắt giảm calories đầu tiên được đông đảo người biết đến là ăn bưởi và uống nước bưởi trong mỗi bữa ăn. Người ta còn gọi đây là "Hollywood diet".
3. Vì sao fad diet phổ biến?
Sự phổ biến và thành công của fad diet đa phần đến từ cái nhìn của xã hội lên cơ thể của một cá nhân, thay vì sức khỏe thể chất của họ. Làn sóng eo nhỏ, chân thon đến từ các idol Hàn và Trung Quốc khiến bạn áp lực phải giảm cân nếu muốn có một cơ thể hấp dẫn.
Vì lẽ đó, một số chế độ ăn kiêng của người nổi tiếng cũng được đón nhận khá nhiệt liệt. Các chế độ này có phần cực đoan khi khẩu phần ăn không đủ nhu cầu năng lượng của người trưởng thành. Chẳng hạn, thực đơn ăn kiêng của IU trong vài ngày trước show diễn chủ yếu chỉ là khoai lang và protein đóng chai.
Phần lớn những người giảm cân bằng fad diet cần tiếp tục giảm lượng calo tiêu thụ để có thể duy trì cân nặng. Nhưng việc liên tục để ý về calo có thể dẫn đến ám ảnh về cân nặng, từ đó hình thành chứng rối loạn ăn uống (eating disorder).
Những người bị rối loạn ăn uống thường cảm thấy tội lỗi nếu phá vỡ' chế độ ăn kiêng. Từ đó, họ sẽ hình thành xu hướng né tránh xã hội vì sợ người khác chú ý hành vi khi ăn của mình. Ngoài ra, rối loạn ăn uống cũng liên quan đến việc giảm khả năng đối phó với các tình huống căng thẳng.
Nếu bạn giới hạn thực đơn trong thời gian dài, cơ thể sẽ phản ứng bằng cách giảm tỷ lệ trao đổi chất và dần khởi phát sự thèm muốn ăn vô độ (bulimia nervosa). Tiêu cực hơn, khi áp lực giảm cân khiến bạn hạn chế hết mức lượng thức ăn nạp vào cơ thể, bạn sẽ phải đối phó với chứng chán ăn (anorexia nervosa).
Dù vậy, không phải tất cả fad diet đều vô hiệu. Một số phương pháp như Ketogenic, thuần chay đã được nghiên cứu chứng minh tác dụng giảm cân và có lợi cho sức khỏe.
Một số dấu hiệu giúp bạn nhận biết một fad diet kém lành mạnh gồm:
- Hứa hẹn giảm cân chỉ trong thời gian ngắn mà không cần tập thể dục.
- Loại trừ hoặc hạn chế một loại thực phẩm nhất định dẫn đến mất cân bằng dinh dưỡng.
- Phương pháp không có bằng chứng khoa học, chỉ dựa trên câu chuyện của cá nhân.
- Đề xuất chế độ ăn uống giống nhau cho tất cả mọi người mà không tính đến nhu cầu cụ thể.
4. Cách dùng fad diet?
Tiếng Anh
A: I gained 5kg in 2 weeks. Should I try that new low-carb diet on TikTok?
B: Calorie deficit and work out, please. Do not try those fad diets.
Tiếng Việt
A: Tao tăng tận 5 kí trong có 2 tuần. Tao có nên thử phương pháp giảm cân low-carb đang nổi trên TikTok không mày?
B: Giảm calo và tập thể dục giùm tao. Đừng có thử mấy phương pháp ăn kiêng theo phong trào đó.