Lược dịch từ bài viết “Can You Spot These 10 Thinking Sins?”, đăng tại blog cá nhân của tác giả Leo Babauta.
Tôi ước gì mình sẽ nhận được tiền (dù chỉ là 500 đồng) mỗi khi nghe ai đó nói những lời tiêu cực. Cứ thế tích luỹ qua nhiều năm có lẽ cũng đủ để tôi hưởng thụ không lo nghĩ khi về già! Đó là chưa kể có những câu chưa được nói ra thành tiếng, mà mới chỉ ở dạng ý nghĩ.
Chúng không phải lúc nào cũng xấu, và thậm chí còn là một phần phản ứng tự nhiên của não bộ, tuy nhiên, nếu cứ để não bộ tự do điều khiển, nhận thức của chúng ta có thể bị biến dạng. Ít nhất hãy cùng kiểm tra lại rằng mình có đang “sản xuất” những suy nghĩ này, để hạn chế tác động của nó.
1. Mình sẽ hạnh phúc khi có được món đồ A (hay mức thu nhập X).
Nếu bạn nghĩ rằng bạn không thể hạnh phúc cho đến khi bạn đạt được một “thành tựu” nhất định (có nhà riêng, xe hơi...), thì có lẽ bạn sẽ không bao giờ hạnh phúc. Vì giả như tới một lúc bạn đạt được những mục tiêu đó, bạn sẽ lại muốn có nhiều hơn thế. Đó là một bản năng dễ khiến chúng ta kiệt sức.
Khả năng kiểm soát suy nghĩ rằng mình hạnh phúc ở bất kỳ thời điểm nào (ngay cả khi chưa có món đồ A, mức thu nhập X) sẽ giúp cân bằng lại cuộc sống.
Giải pháp: Hãy ngồi lại và viết ra những điều bạn cảm thấy may mắn vì sở hữu chúng, dù chỉ là một bữa ăn sáng với chiếc bánh mì không quá 15 nghìn.
2. Ước gì mình là người nổi tiếng (là anh này, chị kia).
Sẽ không có ai đó là xinh đẹp, tài năng, giàu có, tuyệt vời nhất trần đời. Dựa vào một tiêu chuẩn nhất định, sẽ luôn có người này tốt hơn người kia.
Mặt khác, hầu hết chúng ta, bao gồm cả một số thần tượng "hoàn hảo nhất", đều có xu hướng tự ti về một đặc điểm cơ thể, tính cách, hay hoàn cảnh đặc biệt nào đó của bản thân.
Điều đó có nghĩa là khi bạn ngưỡng mộ, hay ghen tỵ với một người nào đó, có thể là họ cũng đang ghen tỵ với chính bạn.
Giải pháp: Ngừng so sánh mình với người khác. Bạn có thể ngưỡng mộ thành công của họ, nhưng hãy học hỏi từ đó bối cảnh và con đường họ đã đi. Song song với đó là tìm hiểu sâu hơn về cội nguồn, gia đình, về sở thích và khả năng của bạn, để “thiết kế” nên cuộc đời của riêng mình.
3. Mình là một kẻ thất bại/ Mình chẳng làm được việc gì nên hồn...
Ngay cả những người mà bạn nghĩ là may mắn, thành công, thì nhiều khả năng là họ cũng đã nếm đủ mùi thất bại ở các khía cạnh khác nhau.
Cuộc sống có rất nhiều lăng kính, bạn hầu như chỉ nhìn thấy những gì người khác muốn bạn nhìn thấy, nên đừng vội đánh giá rồi cảm thấy tự ti về bản thân.
Giải pháp: Bắt đầu viết nhật ký, bằng sổ tay giấy hoặc điện tử tuỳ bạn. Ghi lại những khó khăn và thành tựu nhỏ của bạn qua từng ngày, từng tuần, từng tháng. Khi nhìn lại những gì bạn đã đạt được trong hơn một năm, bạn sẽ ngạc nhiên đấy!
4. Sao chuyện xui xẻo cứ xảy ra với mình vậy?
Có một thực tế là, điều tồi tệ xảy ra với tất cả mọi người.
Giải pháp: Nếu điều bạn cảm thấy điều “xui xẻo” (một tai nạn hay thất bại nào đó) gây ra tổn thương lớn, bạn có thể làm nguôi ngoai nó, hoặc thậm chí vượt qua nó, bằng cách tìm đến những người cùng chung hoàn cảnh (thông qua những hội nhóm trên mạng xã hội, qua các blog cá nhân, các bài nhạc, hay những cuốn phim về cuộc đời).
Yên tâm rằng bạn sẽ tìm được họ thôi, vì đau khổ là một phần cài đặt sẵn trong thân phận mỗi người. Sẽ luôn có ai đó đã mạnh mẽ vượt qua nó và truyền lại năng lượng tích cực cho bạn, hoặc chính bạn, cũng có thể trở thành “người mạnh mẽ” đó.
5. Không đời nào mình sẽ giúp họ.
Vì giả định rằng thành công chỉ đến với một số người nhất định, mà chúng ta dường như luôn cố gắng cạnh tranh với người khác để đạt được nó.
Chẳng hạn như, một YouTuber có thể nghĩ rằng các YouTuber làm cùng lĩnh vực khác là đối thủ, và không bao giờ hợp tác với họ. Tuy nhiên, trong thực tế, việc bắt tay với “đối thủ” lại có thể mang lại lợi ích “tăng độ nhận biết thương hiệu” cho cả hai bên.
Giải pháp: Xem thành công, hay những mục đích tương tự, là điều có thể chia sẻ. Hai người giúp đỡ nhau để hướng tới một đích đến sẽ luôn tốt hơn là hai người cố gắng lấn át nhau để đạt được nó.
6. Sao cậu ấy/em ấy/... cứ không thể làm cho đúng được nhỉ?
Đây là câu trách móc (không thốt ra thành tiếng) mà bạn muốn nói với một người nào đó, có thể là bạn của bạn, cấp dưới của bạn… nhưng nó không giúp tình hình tốt hơn là bao. Nếu ai cũng có thể làm đúng, theo cách của bạn, thì có lẽ chúng ta đã đều là người máy.
Giải pháp: Hãy coi những sai lầm của người khác như một cơ hội để bạn hướng dẫn họ cách làm đúng. Tìm hiểu tại sao họ lại nghĩ cách làm của họ, chứ không phải của bạn, là đúng? Tôn trọng sự khác biệt đó, và luyện tập cách lắng nghe thấu cảm.
7. Thôi mình không làm được đâu, không kỷ luật được như vậy đâu.
Nếu bạn tự thuyết phục rằng mình không thể làm được điều gì đó, thì khả năng lớn là bạn sẽ không làm được thật. Không phải là vì bạn không có khả năng hay đủ kỷ luật để đạt được nó, mà vì bạn chưa muốn nó đủ nhiều và thật sự dành thời gian cho nó. Động lực và sự tập trung sẽ giúp bạn có mọi thứ.
Giải pháp: Thay vì đặt mục tiêu cho sau này, hãy bắt đầu ngay bây giờ. Tập trung vào một mục tiêu tại một thời điểm, dồn hết sức lực cho nó, và tìm kiếm sự giúp đỡ từ nhiều nguồn nhất có thể.