Giờ giấc cao su: Đừng để thời gian trôi! | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Giờ giấc cao su: Đừng để thời gian trôi!

Ẩn sau chuyện đúng giờ và việc đợi chờ là những tìm sâu triết lý nào?
Giờ giấc cao su: Đừng để thời gian trôi!

Nguồn: Salvador Dalí, The Persistence of Memory

Trong cách chơi chữ của người Việt, chúng ta thường dùng một sự vật liên quan để gọi cùng một hiện tượng cụ thể. Ví dụ như người Bắc dùng giờ cao su, người Nam dùng giờ dây thun để chỉ sự co giãn, không chuẩn xác trong việc hẹn hò.

Có lẽ cao su giờ giấc là một trong những thói quen xấu mà nhiều người ghét, nhưng cũng nhiều người mắc phải. Tôi và bạn, hẳn đều khó chịu khi bị người khác om lịch hẹn. Và khi người om là chúng ta, thì tôi và bạn bỗng nhiên cũng biến thành những người khó ưa.

Điều tệ hơn của việc trễ hẹn không phải là ta tới muộn 10 hay 15 phút, mà là ta để người khác phải chờ. Khoảng thời gian chờ đợi một người dễ trở thành thời gian chết, và trong xã hội hiện đại nơi người ta cân đo từng phút giây, thì thời gian chết là sự lãng phí.

Khác với những số Triết Xuất khác, bài viết này không nhằm mục đích bênh vực thói quen xấu được nêu, mà còn muốn kịch liệt lên án. Điều mà Vietcetera muốn độc giả cùng khám phá là những ẩn ý đằng sau sự tức giận trước việc ai đó có thể cao su, lý giải sự tồn tại của hiện tượng này trong đời sống hàng ngày, và phân tích sự tương đối của trải nghiệm thời gian đối với con người.

Thời gian xưa và nay không giống nhau

Ngày xưa, quan niệm về thời gian của thế hệ đi trước khác hẳn quan niệm của lớp người hiện đại. Điều này thể hiện qua câu “Tháng chạp là tháng trồng khoai/Tháng giêng trồng đậu, tháng hai trồng cà,” trong những tháng ấy người nông dân trồng khoai, đậu hay cà vào bất cứ lúc nào họ thấy thuận, không nhất thiết cụ thể vào ngày nào.

Thời gian trong quan niệm của người Việt rất khác biệt so với thời gian sản xuất công nghiệp mà chúng ta đã quen thuộc ngày nay với đại diện là chiếc đồng hồ. Người Việt xưa xác định thời gian theo canh, theo khắc, theo tiếng gà gáy, theo chuyển động của sao trên trời và độ nghiêng của bóng. Thời gian với họ không mang tính chính xác tuyệt đối, mà để lại khoảng trống cho trải nghiệm thời gian riêng của mỗi người.

Trong khi người xưa coi thời gian như sự quy định của trời đất với các trải nghiệm nối tiếp nhau theo sự vận hành của thiên nhiên, thì xã hội công nghiệp bẻ thẳng dòng thời gian. Thời gian trong xã hội công nghiệp là một chuỗi liên tiếp và có những hoạch định cụ thể cho từng công việc. Từ quá khứ tới tương lai, thời gian được cắt đều thành những khoảng đồng nhất như hàng loạt những ngăn kéo rỗng xếp cạnh nhau.

Bạn có thể tùy ý sắp xếp lịch trình và sự kiện vào các ngăn kéo thời gian ấy, miễn sao cách bạn điều chỉnh tạo ra những thực tiễn tốt hơn thực tại. Bạn chỉ có thể đi mãi theo dòng thời gian, bởi trong xã hội công nghiệp thời gian không tuần hoàn, mà một đi không trở lại.

Cách tư duy về thời gian như một dòng chảy tuyến tính ra đời cùng với các cuộc cách mạng công nghiệp tại Tây Âu vào thế kỷ 17, 18 rồi lan tỏa theo những con tàu hàng và những chiếc tàu chiến tới các nước thuộc địa. Cũng chính tư duy này đã giúp các nước thực dân biến thuộc địa thành công xưởng, xóa bỏ toàn bộ phong tục địa phương và tín ngưỡng dân gian rồi thay bằng thói quen làm lụng theo ca kíp của công xưởng.

19oct2022imageforentry6bxujpg
Chia nhỏ thời gian thành những khoảng bằng nhau để tính năng suất làm việc. | Nguồn: Getty Images

Vì thế, việc cao su thời gian theo nếp xưa trong bối cảnh ngày nay là sự lai ghép giữa thời gian áng chừng truyền thống và thời gian công nghiệp. Nói cách khác, đây là di sản còn tồn đọng của quá khứ trong hiện tại, của lối sống cũ trong thực tại mới.

Tự thân lối sống ấy, di sản ấy không có gì xấu, và trong bối cảnh lịch sử quá khứ thì nó phù hợp với tập tính, nếp sống của cộng đồng. Nhưng ở thời điểm hiện tại, khi một ngày chỉ tương đương với hai vòng quay của kim đồng hồ, thì cảm giác nhìn thời gian trôi bỗng rõ rệt hơn rất nhiều, bởi với đồng hồ, ta có thể nhìn thấy phần thời gian vàng ngọc đã mất.

“Peer pressure” và nỗi sợ khi đợi chờ

Trong xã hội công nghiệp, thì giờ có thể sinh ra tiền. Việc đúng hẹn và trân trọng thời gian vừa là cách tối ưu hóa năng suất, vừa thể hiện sự tôn trọng mọi người xung quanh. Nhiều nền văn hóa trên thế giới nổi tiếng là “gắt gỏng” về chuyện giờ giấc như Đức hay Nhật chung quy lại cũng chỉ vì muốn tôn trọng người khác, không muốn họ phải đợi chờ.

Sự khó chịu và bất an khi phải đợi chờ, thực tế lại rất hợp lý trong quan niệm về thời gian công nghiệp. Với chiếc đồng hồ và múi giờ địa lý, cảm thức về thời gian ở mọi nơi trên thế giới được đồng bộ.

Theo nhà sử học Benedict Anderson, khi các dòng thời gian được đồng bộ, con người cảm nhận được tính đồng thời. Họ có thể tưởng tượng, khi mình đang làm việc A ở một nơi, thì vô vàn con người vắng mặt trước ánh nhìn của họ đang làm việc B, C. Những sự kiện xảy ra đồng thời tại chung một lát cắt của thời gian.

Trí tưởng tượng này khiến chúng ta so sánh với nhau rằng, trong cùng một đơn vị thời gian, mình đã làm việc đủ tốt, đủ hiệu quả như hằng hà sa số người khác, đang làm trên toàn bộ quả địa cầu, trong cùng khoảnh khắc đó hay chưa. Sau khi nhận ra số lượng hành động và sự biến trong một khoảnh khắc là nhiều vô kể, ta tự đặt áp lực lên vai mình qua sự so sánh ấy.

Thời gian biến thành một loại tài nguyên. Nó không co lại, không giãn ra, mà lạnh lùng trôi qua theo mỗi tiếng tíc tắc của kim đồng hồ và dây cót. Thứ tài nguyên này liên tục vơi đi, vì đời người là hữu hạn. Ta cảm thấy sợ thời gian chết, vì thế, cao su là hành động không thể chấp nhận được.

Kết

Một bài ca của Ngọt có lời hát như sau: "Nhìn thời gian trôi/Mà không tiếc nuối/Là người tự do." Nếu có thể thảnh thơi để thời gian trôi qua kẽ tay mà không lo sợ đợi chờ hay lãng phí, thì đó đúng là một cuộc sống đáng mơ ước.

Tiếc thay, tất cả chúng ta đều là tù nhân của chiếc đồng hồ, bởi thời gian của mỗi người đều có hạn. Thử hình dung trong một ngày chúng ta có biết bao nhiêu cuộc làm việc, họp hành, và các cuộc hẹn. Mỗi lần đến trễ là một sự lãng phí vì thời gian là tiền bạc. Có thể chưa ai quy đổi ra con số chính xác nhưng thiệt hại cho xã hội và cho chính người hẹn hẳn là không nhỏ.

Ta hoàn toàn có quyền giận dữ khi bị chiếm dụng thời gian, dù là thời gian riêng hay thời gian làm việc. Trễ hẹn không hẳn lười biếng, thiếu tôn trọng người khác mà lắm khi là thói quen nhưng tác động xấu đến mối quan hệ, sự nghiệp, công việc, thậm chí là thu nhập của mình.

Bài viết là phần mở rộng nội dung của Podcast Chuyện bé xé to, episode 5: Giờ cao su