Giọt nước mắt của nữ hoàng | Vietcetera
Billboard banner
09 Thg 09, 2022
Sáng TạoĐiện ẢnhDVD

Giọt nước mắt của nữ hoàng

The Queen thành công đến vậy là vì đã xây dựng được chân dung Nữ hoàng Elizabeth II quá xuất sắc, ở khía cạnh rất con người của bà.
Giọt nước mắt của nữ hoàng

Helen Mirren trong vai Nữ hoàng Elizabeth II | Nguồn: The Queen

Sáng nay dậy sớm, mở facebook ra, thấy tin tức Nữ hoàng Elizabeth II băng hà tràn ngập trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt là những tờ báo tiếng Anh.

Và thế là tôi thay đổi giờ đọc sách buổi sáng của tôi thành buổi xem phim, hơi tréo ngoe một chút khi xem phim vào sáng sớm - nhưng đó là cách để tôi bày tỏ lòng ngưỡng mộ và tiễn biệt bà: Nữ hoàng Elizabeth II, dù là qua một bộ phim tiểu sử.

Hình ảnh của người Nữ hoàng khiến người dân Anh cực kỳ phẫn nộ

The Queen, ra mắt năm 2006 và thành công vang dội. Dame Helen Mirren đã chiến thắng giòn giã từ giải Nữ diễn viên xuất sắc của LHP Venice đến Oscar, Quả Cầu Vàng và Bafta khi hóa thân không thể xuất sắc hơn vào vai Nữ hoàng Elizabeth II, trong một giai đoạn có thể nói là khó khăn nhất cuộc đời bà.

Đó là cái chết bi thảm của Công nương Diana và sự phẫn nộ của công chúng với Hoàng gia Anh khi Nữ hoàng Elizabeth II từ chối tổ chức lễ tang theo nghi thức của Hoàng gia và sự thờ ơ có phần vô cảm của bà.

Sở dĩ bộ phim này thành công đến vậy là vì đã xây dựng được chân dung Nữ hoàng Elizabeth II quá xuất sắc, ở khía cạnh rất con người của bà. Quan trọng hơn nữa, nó đã cho khán giả thấy được thế giới nội tâm của bà (dù là qua tưởng tượng của biên kịch), ở một giai đoạn ngắn ngủi, hình ảnh của Nữ hoàng bị xấu đi đáng kể trong mắt người dân Anh và thậm chí cả trên thế giới.

Trong giai đoạn căng thẳng đó, chi tiết trong phim tiết lộ qua một cuộc thăm dò trên báo chí cho thấy, 70% người tin rằng hành động vô cảm của Nữ hoàng Elizabeth II sau cái chết của Công nương Diana đang phá hoại chế độ quân chủ.

Và cứ một trong bốn người Anh lại muốn bãi bỏ chế độ quân chủ. Chính Nữ hoàng Elizabeth II (tất nhiên qua diễn xuất của Helen Mirren) cũng phải thừa nhận rằng: "Ta chưa bao giờ bị ghét đến vậy."

alt
Nữ hoàng Elizabeth II và Dame Helen Mirren, người đóng vai bà trong The Queen và giúp khán giả phần nào thấu hiểu được nội tâm cũng như phẩm cách cao quý của Nữ hoàng. | Nguồn: The Guardian

Ấn tượng sâu sắc nhất của tôi đối với bộ phim là giọt nước mắt của Nữ hoàng Elizabeth II, dù được đạo diễn xử lý vô cùng tinh tế để khán giả không thấy bà khóc trong một cơn xáo động, mà chỉ là một giọt lệ vừa kịp tràn ra bên khóe mắt. Để rồi sau đó nhòa đi để làm nổi bật một chủ thể khác: con hươu sừng tấm tuyệt đẹp đang gặm cỏ ở gần Lâu đài Balmoral.

Hầu như ai cũng biết mối quan hệ giữa Nữ hoàng Elizabeth II và Công nương Diana không thuận hòa tốt đẹp. Nhưng khi nghe tin cái chết đầy thảm kịch của Diana trong tai nạn dưới đường hầm nước Pháp do paparazzi gây ra, Nữ hoàng đã buông một câu lạnh lùng thế này: "Cô ta biến mình trở thành nạn nhân của truyền thông vì suốt ngày phô bày ra trước bọn họ."

Bà cũng cấm những người phục vụ thân cận trong Lâu đài, thu hết các thiết bị radio, TV để hai vị hoàng tử nhỏ tuổi William và Harry không biết được tin tức bi thảm về mẹ của họ.

Dù đau buồn trước cái chết của Công nương Diana, Nữ hoàng Elizabeth II vẫn quyết định tổ chức tang lễ riêng tư chứ không theo nghi thức Hoàng gia, vì cho rằng Diana không còn là người của Hoàng gia nữa. Thậm chí, bà còn không cho treo cờ để tưởng niệm Diana ở Điện Buckingham và cũng không đến London để bày tỏ sự đau buồn trước quan tài của Diana.

Hành động này của Nữ hoàng đã khiến người dân Anh cực kỳ phẫn nộ. Họ đau buồn trước cái chết tang thương của Diana, người rất được lòng truyền thông và công chúng qua hình ảnh và phẩm cách tuyệt vời của cô.

Vị tân thủ tướng trẻ tuổi Tony Blair trở thành người ở giữa Nữ hoàng và người dân, tìm cách xoa dịu cả hai bên.

Ông gọi điện cho Nữ hoàng và khuyên bà nên nhượng bộ người dân, nhưng bà đáp lại, rất cứng rắn: "Tôi nghi ngờ nếu ai đó nói rằng họ hiểu người Anh hơn tôi. Chúng ta chọn tưởng niệm một cách riêng tư và cá nhân. Đây là cách ta giải quyết mọi chuyện ở đất nước này: lặng lẽ, nhưng đầy tự trọng. Và đây cũng là điều mà thế giới ngưỡng mộ chúng ta."

alt
Hai biểu tượng của Vương quốc Anh trong một poster phim | Nguồn: The Queen

Trước sự cứng rắn của Nữ hoàng, Thủ tướng Tony Blair chỉ biết đáp lại: "Nếu đó là quyết định của Nữ hoàng, chính phủ sẽ ủng hộ."

Nhưng sự cứng rắn của Nữ hoàng như giọt nước tràn ly, khiến sự giận dữ của dân chúng bùng nổ và lên án bà dữ dội. Họ đặt câu hỏi thẳng thừng: "Khi nào thì bà ta đến London để tưởng niệm công nương Diana?"

Họ phẫn nộ: "Bà ta chỉ là bù nhìn. Hoàng gia đã phạm một sai lầm nghiêm trọng."

Báo chí thì giật những cái tít bìa chất vấn: "Nữ hoàng của chúng tôi đâu? Lá cờ của bà ấy đâu?" hay "Nữ hoàng bị cáo buộc thờ ơ và vô cảm trước cái chết thảm kịch của Diana" rồi thì "Hãy giương cao lá cờ ở Buckingham lên! Nữ hoàng cần ở đây để thể hiện sự tôn trọng", "Cho chúng tôi thấy sự quan tâm của bà?" đăng kèm với bức hình chân dung cáu kỉnh của Nữ hoàng.

Thậm chí, ngay cả những bó hoa của dân chúng đến tưởng niệm Công nương Diana ở Điện Buckingham cũng không quên thòng vài câu mỉa mai hay chỉ trích Hoàng gia và Nữ hoàng.

Có lẽ chưa bao giờ trong suốt 50 năm trị vì (đến lúc đó), Nữ hoàng Elizabeth II lại bị công chúng căm ghét như thế. Trong một cuộc trò chuyện qua điện thoại với Tony Blair, Nữ hoàng tỏ ra phiền muộn khi biết rằng cứ bốn người dân thì có một người bỏ phiếu hạ bệ bà.

Đó là một sự tổn thương lớn đối với Nữ hoàng, người chỉ có một mục đích phụng sự những giá trị cao quý của vương quốc Anh và người dân của mình.

Ý thức được sự nghiêm trọng của tình thế, Nữ hoàng Elizabeth II đành nhượng bộ dân chúng bằng cách cho treo cờ ở cung điện Buckingham và các tòa nhà của Hoàng gia.

Đồng thời ba cũng rời lâu đài Balmoral, bay đến London để tổ chức nghi thức tang lễ trọng thể và bày tỏ sự thương tiếc trước quan tài của Diana, qua một bài phát biểu xúc động nhưng vẫn giữ được sự mực thước.

Hành động của bà ít nhiều xoa dịu công chúng, cho dù không ít người mỉa mai bà giả tạo (trong đó có bà vợ của ông Tony Blair).

Trong cuộc đối thoại cuối cùng với ông Tony Blair (trong phim), sự bày tỏ của Nữ hoàng Elizabeth II giúp ta hiểu được phẩm cách và những nguyên tắc ứng xử của bà để bảo vệ những di sản của Hoàng gia.

"Bây giờ người ta chỉ muốn sự hào nhoáng và nước mắt, những màn biểu diễn hoành tráng. Ta không giỏi những việc đó. Chưa bao giờ. Ta chỉ thích giữ cảm xúc cho riêng mình. Và chua xót thay, ta lại nghĩ người dân của ta muốn điều đó ở Nữ hoàng của mình, người không làm to chuyện, không thể hiện cảm xúc quá lộ liễu. Trách nhiệm Hoàng gia đặt đầu tiên, rồi mới đến bản thân. Đó là cách ta được nuôi dạy."

Và bà (có phần chua xót), nói thêm rằng: "Nhưng ta có thể thấy thời thế đã thay đổi, và ta nên tiến bộ hơn."

Một vai diễn được chính cả Nữ hoàng Elizabeth II đánh giá cao

Lựa chọn một thời điểm cực kỳ quan trọng cũng như cực kỳ riêng tư và nhạy cảm để tái hiện chân dung hình ảnh Nữ hoàng Elizabeth II - tôi cho đó là thành công của biên kịch và đạo diễn bộ phim này. Họ là hai tên tuổi lớn của điện ảnh Anh đương đại: biên kịch Peter Morgan và đạo diễn Stephen Frears.

Và tất nhiên, thành công nhất của bộ phim này là màn hóa thân đỉnh cao của Helen Mirren. Không chỉ xuất sắc đến từng cử chỉ, phong thái bên ngoài, Helen Mirren còn khiến người xem phải sững sờ trước cách thể hiện những biến chuyển nội tâm của Nữ hoàng Elizabeth II trong những thời khắc khó khăn nhất của cuộc đời bà.

alt
Nguồn: The Queen

Làm sao để bảo vệ những nghi thức và di sản của Hoàng gia trước làn sóng phản đối và tẩy chay của công chúng? Và làm sao để xoa dịu công chúng nhưng vẫn không làm mất đi những giá trị truyền thống và phẩm cách của người kế thừa những giá trị cao quý đó?

Tất cả những thách đố đó đã được Helen Mirren thể hiện trọn vẹn đến từng khoảnh khắc. Đó là lý do mà trong một bảng đề cử Oscar Best Actress năm đó với sự cạnh tranh khốc liệt bậc nhất cùng 4 cái tên khác là Meryl Streep (The Devil Wears Prada), Judi Dench (Notes on a Scandal), Kate Winslet (Little Children) và Penelope Cruz (Volver), Helen Mirren đã chiến thắng tuyệt đối.

Helen Mirren cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ lớn đối với Nữ hoàng Elizabeth II khi nói rằng: "Đối với tôi, bà ấy như tháp Big Ben vậy. Bà ấy luôn ở đó. Nữ hoàng lên ngôi vương khi tôi mới 7 tuổi và bà đã ở đó suốt cả cuộc đời tôi. Nhưng tôi không thực sự ghi nhận bất kỳ điều gì về bà cho đến khi tôi bắt đầu nghiên cứu về bà với tư cách một cá nhân, một con người thực sự. Và từ đó, tôi thực sự ngưỡng mộ và tôn trọng bà."

Khi báo chí hỏi Mirren rằng bà có nhận được phản hồi gì không từ phía Nữ hoàng hay Hoàng gia Anh sau khi bộ phim The Queen thành công vang dội không, bà trả lời rằng: "Tôi nghĩ họ đã xem và đánh giá cao về nó, dù tôi chưa bao giờ nghe trực tiếp từ họ."

Thực ra, Nữ hoàng Elizabeth II đã dành cho Helen Mirren sự đánh giá cao về vai diễn của bà trong The Queen và mời bà đến Điện Buckingham để tiếp đãi. Nhưng Helen Mirren đã không tham dự được vì bận đóng phim tại Hollywood với lịch trình dày đặc sau khi thắng Oscar.

alt
Hình ảnh cuối cùng của Nữ hoàng Elizabeth II trước khi tạ thế | Nguồn: Điện Buckingham

Trong những lời tưởng niệm của những người nổi tiếng dành cho Nữ hoàng Elizabeth II, tất nhiên không thể thiếu Dame Helen Mirren: "Tôi đang đau buồn và thương tiếc - cùng với người dân của đất nước tôi - trước sự ra đi của một Nữ hoàng vĩ đại. Tôi tự hào là người thuộc thời đại Elizabeth. Cho dù có hay không có vương miện trên đầu, bà vẫn là hiện thân của sự cao quý."

Lời tạm biệt của một biểu tượng

25 năm trước, đúng 1/4 thế kỷ, Công nương Diana qua đời trong một tai nạn thảm kịch. Và hôm nay, Nữ hoàng Elizabeth II băng hà, chấm dứt một giai đoạn trị vì kéo dài tới hơn 70 năm.

Cho dù mối quan hệ của họ có thể không thuận hòa và tốt đẹp, nhưng giờ đây, chắc họ đã có thể mỉm cười với nhau ở bên kia thế giới, khi đã để lại những di sản và hình ảnh mang tính biểu tượng cũng như không thể thay thế được.