Greenflation - Khi nền kinh tế sạch không “sạch” như ta nghĩ | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Greenflation - Khi nền kinh tế sạch không “sạch” như ta nghĩ

Hội nghị COP26 vừa qua đã nhấn mạnh chuyển đổi năng lượng là chìa khóa cho các cam kết về phát thải ròng và nhiệt độ hành tinh
Greenflation - Khi nền kinh tế sạch không “sạch” như ta nghĩ

Trà Nhữ @averagetea_ cho Vietcetera

1. Greenflation là gì?

Greenflation /ɡriːnˈfleɪʃn/ (danh từ) là hiện tượng tăng mạnh giá nguyên liệu cần thiết để sản xuất năng lượng xanh.

Trong những năm gần đây, xu hướng "trung hòa carbon" nhằm bảo vệ môi trường khuyến khích các quốc gia giảm lượng phát điện từ than đá. Đây là một trong những lý do mà Trung Quốc cấm hoạt động khai thác Bitcoin, hay các ngân hàng tại Anh thì "mạnh tay" ngừng tài trợ các dự án có lượng phát thải vượt quá quy định.

Các quy định về môi trường cũng ngày càng được thắt chặt khiến những hoạt động khai thác thải ra nhiều carbon bị ảnh hưởng nặng nề. Điều này khiến nhiều quốc gia rơi vào tình trạng thiếu nguyên liệu và năng lượng. Bản thân "năng lượng xanh" cũng cần những nguyên liệu như đồng, nhôm... Hệ quả của việc này chính là lạm phát.

Lúc này, giá các kim loại trọng yếu cho công nghệ tái tạo như thiếc, nhôm, đồng, niken, cobalt tăng mạnh từ 20% lên 91%. Tiếp đó, giá cả hàng hóa cũng ghi nhận mức tăng kỷ lục kể từ năm 1973. Tuy vậy, greenflation được nhận định chỉ là mối đe dọa tạm thời trong nỗ lực phủ xanh nền kinh tế.

2. Nguồn gốc greenflation?

Greenflation được cho là bắt nguồn từ các chuyên gia kinh tế nhưng chưa rõ đích danh và thời điểm. Theo thống kê của Google Trends, mọi người bắt đầu tìm kiếm về greenflation từ tháng 4 năm 2021. Đầu năm nay, các từ điển Cambridge và Collins đã đưa thuật ngữ này vào danh sách từ mới chờ kiểm duyệt.

Greenflation được kết hợp bởi 2 từ: green và inflation. “Green” chỉ năng lượng xanh như thủy điện, điện mặt trời, điện gió. “Inflation” là sự tăng giá liên tục theo thời gian của hàng hóa và dịch vụ, cụ thể ở đây là nguyên nhiên liệu.

3. Vì sao greenflation trở nên phổ biến?

Hội nghị COP26 vừa qua đã nhấn mạnh chuyển đổi năng lượng là chìa khóa cho các cam kết về phát thải ròng và nhiệt độ hành tinh. Tuy nhiên, việc đổ xô vào năng lượng tái tạo trong bối cảnh khan hiếm nguyên liệu đầu vào đã đẩy lạm phát leo thang.

alt
Các loại năng lượng khoáng sản cần thiết cho công nghệ năng lượng sạch | Nguồn Bloomberg

Năng lượng sạch vốn không “sạch” như ta nghĩ. Đồng và nhôm là hai nguyên liệu chủ chốt cho quá trình điện hóa xanh. Lượng đồng sử dụng trong năng lượng mặt trời gấp sáu lần so với sản xuất điện thông thường. Nghịch lý thay, quá trình tạo đồng và khai thác boxit để lấy nhôm lại đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Hệ quả là nguồn đầu tư để tăng sản xuất các kim loại “bẩn” nhưng thiết yếu bị hạn chế. Thay vào đó, việc khử carbon trong các chuỗi cung ứng được ưu tiên tài trợ.

alt
Giá đồng năm 2021 | Nguồn: Intuition

Ví dụ như gần đây, một mỏ mới ở bang Alaska, Mỹ phải đóng cửa do lo ngại về tác động đến người dân và loài cá hồi địa phương. Điều tương tự diễn ra với Chile và Peru, nơi cung cấp gần 40% sản lượng đồng toàn cầu. Việc hai quốc gia này áp dụng các quy định môi trường mới sẽ làm những dự án khai khoáng bị đình trệ và khó sinh lời. ESG (môi trường, xã hội và quản trị) không còn là câu chuyện giàu - nghèo.

Tuy nhu cầu về nhôm hứa hẹn sẽ tăng vọt nhưng Trung Quốc - nhà sản xuất nhôm lớn nhất thế giới vẫn kiên định với “giấc mơ xanh”. Một thập kỷ về trước, Trung Quốc sẵn sàng xuất khẩu nguồn nguyên liệu thô dồi dào như quặng sắt và thép ra thị trường nước ngoài. Giờ đây, quốc gia này đã quyết định thắt chặt kinh phí cho khâu nấu chảy quặng do lượng khí thải carbon quá lớn. Bắc Kinh cũng buộc phải cắt giảm sản lượng.

Tờ Financial Times cảnh báo, nếu đóng cửa nền kinh tế cũ quá nhanh sẽ khiến việc xây dựng nền kinh tế sạch hơn vượt tầm với. Vì thế, trong giai đoạn chuyển đổi và phục hồi kinh tế, các mỏ dầu và giàn khoan vẫn cần được duy trì để đáp ứng tiêu thụ.

Về lâu dài, kinh tế quy mô (economy of scale) được các chuyên gia tin tưởng sẽ giúp cân bằng cung - cầu. Nếu sản xuất với quy mô càng lớn thì giá thành trên một đơn vị sản phẩm sẽ càng giảm. Các khoản phí khác cũng được tiết chế như chi phí giấy phép, nhân công lắp đặt và phí quảng cáo. Nhờ đó, lợi nhuận gia tăng và bền vững hơn.

4. Cách dùng greenflation?

Tiếng Anh

A: I hope that Vietnam can quickly transition to green energy.

B: Yeah! Hope so, but we still need to be careful with the risk of greenflation.

Tiếng Việt

A: Tao chỉ mong Việt Nam có thể nhanh chóng chuyển qua dùng năng lượng xanh.

B: Ừ. Tớ cũng mong thế nhưng nước mình vẫn phải cẩn thận với nguy cơ lạm phát xanh.