Hà Đỗ: “Tìm một khoảng nghỉ để về lại nguyên bản.” | Vietcetera
Billboard banner

Hà Đỗ: “Tìm một khoảng nghỉ để về lại nguyên bản.”

"Ai cũng cần một khoảng nghỉ - không dài thì ngắn - để đi tìm chất liệu, làm giàu ý tưởng, sau đó mới phát tiết ra thành sự sáng tạo."
Hà Đỗ: “Tìm một khoảng nghỉ để về lại nguyên bản.”

Nguồn: Hoàng Phúc cho Vietcetera.

Essilor

Để có được một cuộc hẹn với Hà Đỗ là rất khó, vì chị bận… sống trong mốc thời gian những năm 60s-90s của Em và Trịnh - một bộ phim của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh mà chị đảm nhận vai trò thiết kế sản xuất.

Hơn 11 năm trong cương vị Giám đốc sáng tạo của Đẹp magazine, trước đó là nhiều năm trong ngành quảng cáo, khi được hỏi vì sao vẫn “nhảy" sang điện ảnh, chị rất tự tin: “Vì chưa thỏa hết sáng tạo!” Nhưng cũng là chị, trong vai trò làm mẹ lại trả lời rụt rè thế này: “Là một người có nhiều kiến thức nuôi mèo hơn em bé, tôi nghĩ mình có nhiều thứ cần phải học lắm...”

Theo bạn, “một người phụ nữ quyền lực” như chị, ở giai đoạn được tự do chọn những thứ mình thích để làm, sẽ chọn gì?

Ha Do
Nguồn: Hoàng Phúc cho Vietcetera.

Cơ duyên nào dẫn chị đến với điện ảnh?

Tôi làm tạp chí đến nay cũng được 11 năm rồi, nhưng vẫn chưa được thoả hết. Nên khi hai đạo diễn Bảo Nhân và Nam Cito ngỏ lời mời giữ vai trò Giám đốc sáng tạo cho bộ phim Gái già lắm chiêu 3, tôi nhận lời ngay. Thời điểm ấy, Gái già lắm chiêu rất hợp với những gì tôi muốn làm: một bộ phim thời trang, drama.

Sau đó tôi cũng có nhận được một số lời mời làm phim, nhưng đến Em và Trịnh của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, tôi mới nhận lời làm tiếp. Em và Trịnh là một dự án điện ảnh lớn, với số lượng bối cảnh rất nhiều. Dự án này chiếm gần hết quỹ thời gian của tôi trong năm qua, hiện vừa đóng máy vào tháng 3 và đang trong giai đoạn hậu kỳ.

Chị thích điều gì ở vai trò Giám đốc sáng tạo/Nhà thiết kế sản xuất cho các dự án phim điện ảnh?

Đối với tôi, tạp chí và điện ảnh là hai “creative outlet” rất khác nhau. Tôi thích quy trình sản xuất phim, thích từ thiết kế, tạo hình nhân vật, cho đến cách sử dụng trang phục, màu sắc, chất liệu. Trong phim, mỗi bộ trang phục không chỉ đẹp trong một bối cảnh, mà còn là mắt xích trong câu chuyện lớn hơn. Nó khiến quá trình sáng tạo trở nên dài hơn, khó hơn, và đòi hỏi một đội ngũ lớn hơn (cả 100-200 người).

Đi phim mới biết, làm phim rất khó. Ngồi chê thì khoẻ, nhưng làm phim hay dở gì thì cũng đều rất mệt. Vậy nên tôi thật sự rất khâm phục những anh chị đi trước.

Khởi đầu từ ngành quảng cáo, chuyển qua báo chí, rồi phim ảnh… có phải chị luôn xác định rõ điểm đến tiếp theo trong sự nghiệp?

Tôi chưa bao giờ hoạch định sẽ đi cung đường thế nào, tôi cũng không biết điều đó có tốt hay không, nhưng tôi tin vào năng lượng mình toả ra. Tôi thuộc tuýp “mọt sách", “nghệ nghệ", hướng nội; và nếu thích gì, sẽ tìm tòi, học hỏi và làm hết mình. Không quan tâm lời lỗ, tính toán thiệt hơn, hay người khác nói gì.

Tôi nghĩ, cứ làm tốt công việc của mình, tự khắc sẽ thu hút được những người giống mình, và cùng nhau thăng hoa trong công việc.

Chị thích làm việc với những người như thế nào?

Tôi nghĩ đội ngũ có “hợp cạ" với nhau không thì một phần do duyên, phần còn lại phụ thuộc vào “chemistry". Còn nếu phải đúc kết ra 2 giá trị cần-có để làm việc với nhau lâu dài, thì với tôi, đó là “chăm chỉ” và “thành thật". Tài năng cũng cần thiết, nhưng một dự án sẽ cần những mảnh ghép khác nhau. Chung quy thì, việc xây dựng và quản lý đội ngũ cũng là một kỹ năng mà người làm sáng tạo cần học.

Ha Do 45
Nguồn: Hoàng Phúc cho Vietcetera.

Làm sáng tạo và làm mẹ, vai trò nào chiếm nhiều thời gian của chị hơn?

Tôi rất thích một nhà thiết kế đồ hoạ người Áo sống tại New York, ông tên là Stefan Sagmeister. Cứ khoảng 7-8 năm, Stefan Sagmeister sẽ có một khoảng nghỉ rất dài để tái tạo năng lượng và sắp xếp lại ưu tiên trong cuộc sống.

Tôi đã có một tuổi trẻ hết mình với công việc, nhưng giờ tôi nhận ra, không ai làm sáng tạo mãi được. Ai cũng cần một khoảng nghỉ - không dài thì ngắn - để đi tìm chất liệu, làm giàu ý tưởng, sau đó mới phát tiết ra thành sự sáng tạo.

Đến thời điểm này, tôi nghĩ đã đến lúc cần phải sắp xếp lại thứ tự ưu tiên trong cuộc sống của mình. Tôi muốn sống chậm lại để học cách làm mẹ, cùng con khám phá những thú vui mới. Biết đâu sau khoảng nghỉ này, tôi có thể trở lại mới mẻ hơn với sự nghiệp sáng tạo của mình.

Cuộc sống của chị trước và sau khi có con có khác đi không?

Tôi hay đùa cuộc sống của mình đang chạy bon bon trên đường, tự nhiên có con thì trở thành tàu lượn, lượn mãi vẫn chưa chạm đất.

Hồi mang thai Leon, tôi làm việc liên tục. Trước ngày sinh, tôi vẫn đi chụp hình đến nửa đêm. Hai năm vừa rồi, có nhiều lúc tôi để Leon ở nhà, theo đoàn phim rong ruổi mấy tháng trời. Những lúc đó, tôi sống theo thời gian của nhân vật. Mỗi lần về nhà, quầy tiếp tân dưới sảnh đã đổi một kiểu trang trí khác, từ Lễ Tạ ơn, qua Giáng Sinh, qua Tết, rồi đến 14/2…

Gần đây nhất, khi đưa Leon đi chơi, em tự nhiên nắm tay tôi và năn nỉ: “Mẹ Hà ơi, con không thích mẹ đi làm suốt đâu. Con ở nhà một mình rất buồn.” Khi ấy tôi thấy mình thật đáng trách. Leon chỉ mới 3 tuổi, mà tôi hầu như đã bỏ lỡ những khoảnh khắc mà mình đáng lẽ phải ở đó cùng con.

Nuôi con một mình, tôi luôn có cảm giác giằng xé - ở với êkip thì tội lỗi với con, mà ở bên con thì lại khiến êkip chờ mình.

Ha Do 2
Hà Đỗ với kính Eyezen (Essilor). | Nguồn: Hoàng Phúc cho Vietcetera.

Giữa những áp lực, chị làm thế nào để giữ bình tĩnh?

Có những lúc tôi căng thẳng đến mức không ý thức rằng mình đang nín thở, tay chân co cứng lại. Khi ấy, tôi ước gì mình là quả bóng cao su, va vào tường kiểu gì cũng không bể!

Tôi cũng biết mình cần tập thiền, tập thở, tập yoga để bình tâm. Nhưng nói thế thôi, chứ tôi tập mãi vẫn chưa thiền được. Chỉ biết cố gắng thở đều...

Nhưng stress cũng có hai mặt - một mặt nó làm cho em đau khổ, nửa đêm vẫn trằn trọc vì công việc; mặt khác, nó giúp em tập trung cao độ và hoàn thành công việc đúng thời hạn.

Khi cần tìm cảm hứng sáng tạo, chị làm gì?

Tôi rất khâm phục những người hoạ sĩ ngồi trước toan trắng mà vẫn có rất nhiều ý tưởng, chất liệu. Còn tôi, trong bốn bức tường, tôi thấy mình là một cá thể vô dụng.

Tôi thích đi khắp mọi nơi, từ những miền đất hoang vu trong nước đến nước ngoài. Nhưng nếu chỉ du lịch tay không thì phí quá, những nơi ấy xứng đáng được lên hình. Làm phim cồng kềnh thì mình chụp hình thời trang.

Ví như những bộ hình Đẹp hợp tác cùng Hermes, đó là một hành trình xuyên suốt trên dải đất hình chữ S theo năm tháng. Từ cao nguyên đá Hà Giang, Cố đô Huế, xứ sở văn hóa Chăm – Châu Đốc cho đến vùng nước lợ đồng bằng sông Cửu Long – thành phố Bạc Liêu…

Mọi người hay hỏi: Tại sao đi chụp tôi “hành” êkip như thế, chụp mấy trăm tấm chỉ để lấy được vài tấm mà êkip vẫn vui? Thật sự những chuyến đi vui lắm, không hề cảm thấy mình đang làm việc.

Ha Do 3
Nguồn: Hoàng Phúc cho Vietcetera.

Chuyến đi nào là “giông bão" nhất trong sự nghiệp của chị?

Cái thời chưa có Instagram, tôi đọc được đâu đó trên mạng là bên Campuchia có một casino bỏ hoang hơi giống phim The Shining. Tôi thích lắm nên mới dắt cả êkip sang đấy để chụp.

Thời đấy kinh phí ít dư dả, chúng tôi không được đi tiền trạm, cứ thế bắt xe buýt đi thẳng qua Phnôm Pênh, rồi từ đó đi xe thêm mấy tiếng để đến địa điểm chụp. Ngồi xe gian nan mà đến nơi thì toàn bộ casino đã được sơn trắng. Vậy là “bể” bối cảnh, phải chụp cho xong để đi về, và cuối cùng không sử dụng được tấm nào.

Hay chuyến đi Bhutan năm 2019 cũng vậy. Đợt đấy, toàn bộ êkip bị… lừa, nhưng đến nơi, nhìn thấy con người Bhutan má ai cũng ửng hồng, trên môi thì luôn cười rất tươi, tự nhiên tôi thấy mình được chữa lành. Quả thật là một đất nước hạnh phúc.

Đây là năm thứ 11 của chị tại Đẹp. Điều gì vẫn giống như thuở ban đầu?

Đó là: trước bất kỳ buổi chụp nào, dù là buổi chụp đầu tiên, hay buổi chụp thứ 1.000, tôi đều không ngủ được. Tôi biết đó là thói quen rất xấu, nhưng nỗi lo “mọi thứ diễn ra không như ý muốn” khiến tôi không ngủ được.

Hơn nữa, đến tận bây giờ, tôi vẫn thấy mình may mắn vì được nhìn thấy những thứ xảy ra sau hậu trường của ngành thời trang. Làm báo cho tôi đặc quyền trở thành những người đầu tiên trải nghiệm các bộ sưu tập, được tận tay sờ vào từng bộ trang phục, thấy rõ ràng quá trình sáng tạo của người làm ra nó.

Tôi cũng hứng thú với cách mà người ta thực hiện các chiến dịch quảng bá và chiến dịch ra mắt các bộ sưu tập. Niềm yêu thích đó cứ khiến tôi phải liên tục dõi theo, cập nhật.

Ha Do 4
Nguồn: Hoàng Phúc cho Vietcetera.

Chị có nghĩ Đẹp là một phần danh tính của mình không?

Cách đây không lâu, tôi có được mời sang làm cho một tạp chí khác, nhưng tôi không thể tưởng tượng mình sẽ làm nơi nào khác ngoài Đẹp. Đẹp là đứa con tinh thần của tôi. Ở Đẹp, tôi có rất nhiều tự do để sáng tạo. Đẹp cũng mang lại cho tôi những đồng nghiệp, những người bạn mà giờ tôi xem như gia đình. Nên tôi chỉ nghĩ đơn giản là, nếu còn yêu công việc, vẫn thấy mỗi số báo ra là một nguồn cảm hứng mới, thì hãy cứ gắn bó.

Thước đo quan trọng nhất trong sự nghiệp của chị là gì?

Hệ quy chiếu của tôi là những mối quan hệ và niềm vinh hạnh được ngắm nhìn sự phát triển của những người hiện diện trong đời mình. Có những bạn là nhân tố mới, ngày trước còn là thực tập sinh/trợ lý, giờ đã trở thành nhà thiết kế, chủ của các thương hiệu lớn.

Hoặc những anh chị tiền bối với phong độ xuất chúng, như anh Công Trí. Tôi đã làm việc cùng anh từ những mùa Đẹp Fashion Show đầu tiên cho đến triển lãm Cục Im Lặng mà anh đã ấp ủ gần 2 năm.

Hay như hôm vừa rồi, khi đi Hội An học vẽ tranh lụa, tôi thấy mình như được đi vào một bầu khí quyển hoàn toàn mới - xa rời những thứ mình quen thuộc để tìm về một sự nguyên bản trong sáng tạo. Cô của tôi, hoạ sĩ Lê Thuý, cho tôi thấy một sự nhất quán được thể hiện từ bản tính con người đến tác phẩm của họ. Tôi rất yêu quý những người phụ nữ như vậy, sự an nhiên của họ luôn tràn trề cảm hứng và năng lượng.

Ha Do 45
Nguồn: Hoàng Phúc cho Vietcetera.

Cho khoảng nghỉ sắp tới, chị có dự định gì chưa?

Tôi sẽ sống theo thời gian biểu của Leon. Một ngày của em chỉ có chạy nhảy, chơi đùa, nên mình phải nghĩ ra đủ thứ trò, dẫn em đến đủ thứ nơi. Gọi là khoảng nghỉ, nhưng tôi nghĩ mình sẽ bận rộn lắm. Tôi sẽ để Leon là thầy của mình, sẽ thử nhìn cuộc sống qua lăng kính của con, biết đâu lại tìm ra những nguồn cảm hứng sáng tạo mới.

Tôi cũng muốn về lại với những thứ nguyên bản nhất của nghệ thuật, là vẽ tay, vẽ trên những chất liệu khác nhau. Đã rất lâu rồi, kể từ ngày tốt nghiệp đại học, tôi bỏ quên mất thú vui này.

Là người cận khá nặng, chị có bí quyết nào để mang kính đẹp và phù hợp với nhiều hoàn cảnh khác nhau không?

Quan trọng nhất luôn là sự phù hợp và thuận tiện. Rất nhiều phụ nữ thường ngại đeo kính kể cả khi họ có những vấn đề về mắt như cận thị, có thể vì họ cảm thấy đeo kính sẽ làm họ mất tự tin.

Cũng tương tự như việc chọn trang phục phù hợp với vóc dáng và hoàn cảnh, nếu biết cách chọn gọng kính hài hòa với khuôn mặt và có chi tiết điểm nhấn, kính cũng có thể trở thành món phụ kiện thời trang tinh tế.

Ngoài ra, phải lựa chọn tròng kính tốt để bảo vệ thị lực và đem lại sự thoải mái cho mọi hoạt động thường nhật. Gần đây tôi đã chuyển sang sử dụng các loại tròng kính công nghệ cao, giúp thư giãn, bảo vệ mắt khỏi tác hại từ các loại màn hình và đổi màu khi ra nắng.

Cùng đón chờ những nhân vật tiếp theo của “Tìm - Thấy”, một series được hợp tác bởi Essilor và Vietcetera!

Eyezen là thương hiệu tròng kính tiên tiến nhất thế giới từ tập đoàn Essilor (Pháp) – giúp bảo vệ và thư giãn mắt bạn khi tiếp xúc với các thiết bị kỹ thuật số. Từng đoạt nhiều giải thưởng quốc tế về phát minh đột phá và được tin dùng bởi hàng chục triệu người trên toàn thế giới, Eyezen tiếp thêm năng lượng cho đôi mắt để cùng bạn hướng đến những chân trời mới.