Hạ viện Thái Lan đồng tình với hôn nhân đồng tính | Vietcetera
Billboard banner
29 Thg 03, 2024
Cuộc SốngLGBT+Tóm Lại Là

Hạ viện Thái Lan đồng tình với hôn nhân đồng tính

Dù cởi mở nhưng Thái Lan cũng mất hơn 10 năm để luật hóa hôn nhân đồng giới. Liệu Việt Nam có thuận lợi hơn?
Hạ viện Thái Lan đồng tình với hôn nhân đồng tính

Nguồn: The Pink News

1. Chuyện gì đã xảy ra?

Mới đây, Hạ viện tại Thái Lan đã thông qua dự luật bình đẳng hôn nhân, trong đó công nhận hôn nhân đồng giới thay vì chỉ công nhận quan hệ hôn nhân dị tính như luật pháp hiện có.

Hiện nay, quy định này chưa có hiệu lực bởi dự luật cần phải được thông qua bởi Thượng viện tại Thái Lan, và sau đó phải được Quốc vương Thái Lan chấp thuận.

2. Điều này có ý nghĩa thế nào đối với Thái Lan?

Thái Lan tiến gần tới việc trở thành quốc gia hoặc vùng lãnh thổ đầu tiên ở Đông Nam Á (thứ ba tại châu Á sau Nepal và Đài Loan) hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới. Đây là một bước tiến quan trọng với một quốc gia vốn đã cởi mở hơn với người đồng tính và người chuyển giới.

alt
Nghị sĩ Thái Lan hoan nghênh quyết định của Hạ viện. | Nguồn: Screenshot/YouTube France 24

Quyết định này còn quan trọng với ngành du lịch của quốc gia này, bởi Thái Lan có thể biến việc thân thiện với người chuyển giới thành một yếu tố trong bộ nhận diện quốc gia, từ đó củng cố ngành du lịch đang đóng góp khoảng 12% cho nền kinh tế của nước này.

Trong tương lai ngắn hạn, nhóm ngành truyền thông, marketing, và quảng cáo tại Thái có thể cũng sẽ hưởng lợi nhờ việc hợp tác với các những influencers đồng tính.

3. Với các cặp đôi đồng tính tại Thái thì sao?

Hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới tương đương với việc các cặp đôi đồng tính sẽ được hưởng đầy đủ những quyền lợi hôn nhân bao gồm cả quyền nhận nuôi con, quyền thừa kế, và cả quyền hưởng trợ cấp thuế.

Ví dụ, nếu chỉ một trong hai người có thu nhập, thì người đó có thể được khấu trừ thuế thêm 30 ngàn Baht. Ngoài ra còn có những khoản trợ cấp thuế liên quan tới con cái.

29mar2024cde85517d7c74b8b8022aab28398eb66jpeg
Nguồn: Benar News

Sự thành công bước đầu của đạo luật này không có nghĩa là đã hết những điểm cần phải khắc phục. Mặc dù một số nhóm nghị sĩ đã đề nghị chỉnh sửa những khái niệm pháp luật có yếu tố giới như “cha” và “mẹ” thành những thuật ngữ trung tính hơn như “phụ huynh,” đề xuất này đã không được chấp thuận.

Bên cạnh đó, các nhà lập pháp của nước này sẽ phải thảo luận thêm về quyền tạo dựng gia đình đầy đủ, quyền nhận con nuôi, và việc thúc đẩy dịch vụ mang thai hộ để đảm bảo rằng các cặp đôi đồng tính có đầy đủ các quyền lợi hôn nhân.

4. Trước hôn nhân đồng giới, người Thái đã có bước đệm nào?

Trong quá khứ, chính phủ Thái Lan cũng như những nhóm hoạt động tại nước này đã tham gia soạn thảo dự luật công nhận các cặp đôi đồng tính dưới dạng mối quan hệ kết hợp dân sự hay chung sống dân sự (civil partnership).

Đây là một hình thức công nhận mối quan hệ đồng giới ở những quốc gia hay vùng lãnh thổ không (hoặc chưa) công nhận hôn nhân cùng giới. Về lý thuyết, loại quan hệ này tương đồng với quan hệ hôn nhân dị tính.

Nhưng trên thực tế, trong bối cảnh Thái Lan, mối quan hệ này không có ràng buộc về pháp luật và không được hưởng những đặc quyền của một mối quan hệ hôn nhân. Tuy vậy, người Thái vẫn thấy cần phải thúc đẩy công nhận kết hợp dân sự.

Đó là điều mà nhiều nhà lập pháp và nhóm hoạt động vì quyền con người tại Thái Lan đã đấu tranh trong thập kỷ trước. Xã hội Thái lan cũng ủng hộ hướng đi này, với ví dụ là bản kiến nghị có 60 ngàn chữ ký, yêu cầu công nhận quyền kết hợp dân sự vào năm 2017 từ người dân.

5. Liệu Việt Nam có thể chung vui với Thái Lan trong tương lai gần?

Trong khoảng 10 năm gần đây, các quốc gia Đông Nam Á đang dần cởi mở hơn với cộng đồng LGBT+. Cách đây gần 2 năm, Singapore cũng đã bỏ đạo luật cấm quan hệ đồng giới nam.

Từ năm 2014, Việt Nam cũng đã có những đề xuất về hình thức kết hợp dân sự để công nhận cộng đồng LGBT+ mà không gây những xáo trộn lớn tới tình hình xã hội.

Chặng đường hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới tại Việt Nam chắc chắn sẽ khó khăn hơn Thái Lan - đất nước vốn không quá ngặt nghèo với nhóm LGBT+. Sẽ cần nhiều thời gian để tích lũy sự ủng hộ của xã hội với hôn nhân cùng giới. Việc chuyển hóa sự thay đổi đó thành luật có lẽ sẽ còn mất nhiều thời gian hơn.

Tuy nhiên, ngày càng nhiều quốc gia đang công nhận các cặp đôi đồng giới, và điều này cũng ít nhiều có thể tác động tới Việt Nam. Ví dụ, vào ngày 22/1/2019, trong một cuộc họp ở Liên Hiệp Quốc, Iceland, Hà Lan, và Canada đã đề xuất Việt Nam hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới. Hơn nữa, thế hệ trẻ cũng đã cởi mở hơn với cộng đồng LGBT+.