Học sinh cấp 3 trả lời câu hỏi kinh điển của nhân loại như thế nào? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Học sinh cấp 3 trả lời câu hỏi kinh điển của nhân loại như thế nào?

Đề tài khoa học có tính định hướng cho thế hệ trẻ, nhận được nhiều phản hồi tích cực từ các bạn học sinh cấp 3.
Học sinh cấp 3 trả lời câu hỏi kinh điển của nhân loại như thế nào?

Nguồn: Lao Động

1. Chuyện gì đã xảy ra?

“Tôi là ai?” là một câu hỏi kinh điển trong lịch sử tư tưởng của nhân loại. Câu hỏi này xuất hiện trong nhiều văn cảnh, từ những đàm thoại triết học, những “kiệt tác” self-help bán chạy, tới những buổi phỏng vấn xin việc hay trong những trải bài tarot. Và mới đây, hai học sinh lớp 11 đã dùng câu hỏi này làm trọng tâm trong đề tài nghiên cứu khoa học kỹ thuật của mình.

Vào sáng ngày 4/2, tại vòng chung kết cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học TP.HCM, hai học sinh lớp 11 trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa đã giới thiệu và trình bày đề tài nghiên cứu “Các yếu tố tác động đến quá trình định hình bản sắc cá nhân của thanh thiếu niên tại TP.HCM.” Thành quả cuối cùng của đề tài này là bộ cẩm nang “Tôi là ai?”

06feb2023toilaaijpg
Cuốn cẩm nang "Tôi là ai?" | Nguồn: Lao động lấy từ Lê Đông Nguyên - Nguyễn Minh Huy

Sự hiện diện của một đề tài nghiên cứu như vậy càng trở nên nổi bật hơn giữa nhiều đề tài về khoa học kỹ thuật, khoa học tự nhiên, hay các đề tài ứng dụng công nghệ mới. Điều này cũng cho thấy rằng giới trẻ đang có nhận thức sâu sắc hơn về bản thân mình, cũng như vị trí và trải nghiệm của bản thân trong xã hội.

2. Mục đích của đề tài nghiên cứu là gì?

Chia sẻ với cơ quan truyền thông, đại diện nhóm tác giả cho biết: “Nhóm tác giả nhận thấy rằng thời đại hiện nay, các bạn thanh thiếu niên chỉ tập trung cho việc học mà quên mất việc khám phá chính mình. Trong khi đó mới là mục đích cần học. Các bạn không khám phá ra được thế mạnh, điểm yếu cũng như biết mình thích gì…”

Như vậy, đề tài nghiên cứu xuất phát từ một thực trạng thực tiễn là sự mơ hồ, hoài nghi của tuổi mới lớn trong môi trường xã hội nhiều áp lực.

Theo nhóm tác giả, bộ cẩm nang ra đời nhằm “giúp đỡ các bạn thanh thiếu niên đang trong giai đoạn khủng hoảng bản sắc hiểu rõ bản thân hơn cũng như tìm được thế mạnh, đam mê và không còn mơ hồ, bối rối về chính mình.”

3. Có gì thú vị trong bộ cẩm nang?

Chỉ trong hơn 30 trang, nhóm tác giả đã cung cấp một bản mô tả và hướng dẫn khá chi tiết về cách hiểu về bản thân, cách xác định bản sắc cá nhân, cũng như những kinh nghiệm giúp cho duy trì một đời sống lành mạnh và đa trải nghiệm.

06feb2023camnangtoilaaijpg
Một số thông tin trong sách | Nguồn: Lao động lấy từ Lê Đông Nguyên - Nguyễn Minh Huy

Bộ cẩm nang mở đầu với mô hình phân loại tính cách MBTI và sử dụng nó làm cơ sở để đề xuất những nghề nghiệp và vai trò xã hội tương ứng cho mỗi nhóm tính cách, mang lại giá trị hướng nghiệp cho đề tài nghiên cứu. Không dừng lại ở đó, “Tôi là ai?” kêu gọi các bạn thanh thiếu niên đa dạng hóa vốn sống và trải nghiệm của mình thông qua những hoạt động ngoại khóa phù hợp.

Điểm nổi bật nhất trong bộ cẩm nang là những mô tả chi tiết về vòng tròn xã hội, các mối quan hệ lành mạnh cũng như các tiêu chí nhận biết những mối quan hệ lành mạnh. Bên cạnh việc hướng dẫn duy trì những kết nối lành mạnh, nhóm tác giả cũng đưa ra một số kiến thức về các mối quan hệ không lành mạnh và giới hạn dừng lại dành cho những mối quan hệ đó.

06feb2023image20230206170021641png
Các thông tin về mối quan hệ không lành mạnh. | Nguồn: Lê Đông Nguyên - Nguyễn Minh Huy

Cuối cùng, cuốn cẩm nang dành một dung lượng khá lớn để hướng dẫn người trẻ phát triển bản thân thông qua việc xây dựng sự tự tin, xây dựng mục tiêu và rèn luyện để đạt được mục tiêu cá nhân, cũng như vượt qua những rào cản tâm lý đang cản trở mỗi người.

4. Vì sao giới trẻ gặp nhiều khủng hoảng thế?

So với các thế hệ trước, dường như Gen Z gặp nhiều khó khăn hơn trong việc hòa nhập với các cộng đồng xung quanh mình và việc đi tìm ý nghĩa của cuộc sống. Mặc dù khủng hoảng căn tính và những băn khoăn có tính hiện sinh như “tôi là ai?” đã xuất hiện từ lâu, nhưng thế hệ Z gặp bất lợi ở chỗ những giải pháp mà thế hệ trước để lại nhiều khi không hiệu quả trong xã hội tư bản hiện đại, nơi chủ nghĩa tiêu thụ lên ngôi.

Dù xã hội tư bản tập trung vào khía cạnh con người cá nhân, nó lại làm con người ta trở nên cô đơn hơn. Trong thời đại “phú quý sinh lễ nghĩa,” nhiều mối quan hệ thân cận bị chi phối bởi tiền bạc, làm giảm ý nghĩa của những liên kết giữa người với người.

Bên cạnh đó, thế kỷ 21 là giai đoạn nhiều tư tưởng, định kiến, và hình thái xã hội được định nghĩa và xem xét lại. Gen Z đứng ở buổi giao thời giữa những giá trị cũ đã có chỗ đứng và những giá trị mới đang hình thành. Chính việc có quá nhiều lựa chọn về cách sống và tư tưởng khiến Gen Z cảm thấy khó thích nghi với thời đại của mình.

5. Nền kinh tế hiện sinh hoạt động như thế nào?

Trên nhiều khía cạnh, những băn khoăn về bản sắc cá nhân và ý nghĩa cuộc sống là những trăn trở khá tự nhiên của nhân loại. Mặt khác, chính chủ nghĩa tiêu dùng và xã hội tư bản đã phổ biến quan niệm về khủng hoảng hiện sinh, hay cụ thể hơn trong trường hợp của Gen Z là teenagerism.

Về cơ bản, chủ nghĩa hiện sinh đặt ra những câu hỏi về ý nghĩa cuộc sống và vị thế chủ động hay bị động của con người trong quá trình sản sinh ý nghĩa. Một trong những đáp án mà chủ nghĩa tư bản đưa ra đó là đi tìm ý nghĩa trong sự cố gắng của mỗi cá nhân để hướng tới thành công, sự đủ đầy và an lạc.

Để việc tiêu thụ trở thành mục đích sống của mỗi cá nhân, thì con người ta phải băn khoăn về sự sống trước đã. Đó chính là cơ sở của một nền kinh tế hiện sinh, nơi ai cũng phải trăn trở và đau đáu về cuộc đời và vị trí của mình trong đó; cũng là nơi những cuốn sách self-help chất đầy trên kệ hàng và những khóa hướng nghiệp, phát triển bản thân thành hình.