Stockholm syndrome là gì? Vì sao ta yêu người bạo hành mình? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Stockholm syndrome là gì? Vì sao ta yêu người bạo hành mình?

Stockholm syndrome là tên gọi của một hội chứng phổ biến trong ngành tâm lý học tội phạm. Hôm nay, hãy cùng Vietcetera 'bóc term' hội chứng tâm lý này nhé.
Stockholm syndrome là gì? Vì sao ta yêu người bạo hành mình?

Nguồn: Unsplash.com

1. Stockholm syndrome là gì?

Stockholm syndrome /ˈstɒk.həʊmˌsɪn.drəʊm/ (danh từ) là phản ứng tâm lý khi nạn nhân trở nên quý mến và đồng cảm với kẻ bạo hành mình.

Dù có chữ “syndrome” (hội chứng) trong tên của mình, song, hội chứng Stockholm không được xem như một loại rối loạn thần kinh. Trái với hội chứng Stockholm, Lima syndrome chỉ việc những kẻ bắt cóc nảy sinh tình cảm với con tin.

2. Nguồn gốc của Stockholm syndrome?

Nhà tâm thần học Nils Bejerot đã đặt tên cho hội chứng này theo ngân hàng Stockholm, nơi xảy ra vụ cướp năm 1973. Khi được cứu, các nạn nhân từ chối làm chứng, thậm chí còn trang trải phí bào chữa cho tên tội phạm. Sau này, tiến sĩ tâm thần học Frank Ochberg đã nghiên cứu và đưa ra định nghĩa cho hội chứng này.

Bên cạnh việc bắt cóc, hội chứng Stockholm có thể xảy ra trong một số trường hợp như bị bạo hành gia đình, lạm dụng tình dục, những mối quan hệ độc hại(theo healthline.com)

3. Vì sao hội chứng Stockholm trở nên phổ biến?

Theo "Nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình với phụ nữ ở Việt Nam" năm 2010, 58% phụ nữ đã kết hôn từng bị bạo lực ít nhất một lần trong cuộc đời. Tuy nhiên, 87% trong số đó chưa bao giờ tìm kiếm sự hỗ trợ từ các dịch vụ chính thống.

Hội chứng Stockholm giúp các nạn nhân giảm nguy cơ bị bạo hành. Tuy nhiên, hội chứng này khiến họ không muốn hợp tác trong lúc giải cứu hoặc chống lại người bạo hành mình vì cho rằng nếu xảy ra sai sót thì sẽ bị tra tấn dã man hơn trước. Đó cũng là một phần lý do khiến những người gặp phải mối quan hệ độc hại không dám thoát ra.

Cơ chế sinh tồn là nguyên nhân quan trọng tạo nên hội chứng Stockholm. Nỗi sợ bị gây đau đớn khiến mọi người chọn cách thỏa hiệp. Việc có cảm tình với kẻ bạo hành là một cách giúp não bộ của nạn nhân chống đỡ được những sang chấn. Trong tình trạng thiếu thốn tình cảm, nạn nhân dễ lầm tưởng việc kẻ bạo hành quan tâm mình là lòng tốt, hoặc tình yêu.

Vì không phải là bệnh, hội chứng Stockholm rất khó để tìm được cách điều trị cụ thể. Nếu phát hiện người thân mình có dấu hiệu của hội chứng này, bạn nên:

  • Liên tục đặt câu hỏi để nạn nhân tự đánh giá về mối quan hệ của mình và xác định những gì họ muốn làm;
  • Không nói xấu người kia trước mặt nạn nhân vì dễ xảy ra tác dụng ngược;
  • Tránh đưa ra lời khuyên;
  • Lắng nghe mà không phán xét.

4. Dùng từ Stockholm syndrome như nào?

Tiếng Anh

A: Why doesn't Mrs. Huyen want to divorce her abusive husband? He hits her all the time!

B: Maybe she has Stockholm syndrome.

Tiếng Việt

A: Sao bà Huyền không chịu ly hôn với ông chồng vũ phu đó vậy? Ổng đánh bà ấy hoài!

B: Chắc là bả mắc hội chứng Stockholm rồi.

#BócTerm là series bóc tem những từ ngữ mới đang thịnh hành cùng Vietcetera.