#HồiMột là series kể câu chuyện về hành trình thực hiện tác phẩm điện ảnh đầu tay của các đạo diễn trẻ.
Với loạt 3 bài đầu tiên của series, chúng tôi có cơ hội lắng nghe chia sẻ của 3 đạo diễn:
Cao Thúy Nhi với tác phẩm Nhắm Mắt Thấy Mùa Hè. (2018)
Lê Minh Hoàng với tác phẩm Sài Gòn Trong Cơn Mưa. (đang chiếu từ 6/11/2020)
Tạ Nguyên Hiệp với tác phẩm Trái Tim Quái Vật. (dự kiến khởi chiếu 20/11/2020)
Đây là phần cuối của chuỗi 3 bài viết về câu chuyện làm phim đầu tay của các đạo diễn trẻ.
Để tìm hiểu cơ duyên đưa họ đến con đường điện ảnh đầy gian nan, hãy bắt đầu với Phần 1: Phim đầu tay - đam mê có là tất cả?
Phần 3 tìm hiểu những bài học được các đạo diễn trẻ đúc kết về cả kỹ năng mềm lẫn kỹ năng cứng trong nghệ thuật làm phim.
Cao Thúy Nhi
Sau quá trình làm phim đầu tay, Nhi đã trưởng thành hơn, học hỏi thêm được rất nhiều điều.
Đối với Nhi thì điện ảnh chắc chắn là một ngành công nghiệp khắc nghiệt. Ngoài là công việc sáng tạo, nó còn liên quan đến rất nhiều thứ khác như phát hành phim, tài chính, marketing, truyền thông,... cần được chuẩn bị kỹ về sức lực, tinh thần và vốn kiến thức.
Trong khi đó đội ngũ làm phim ở Việt Nam thì luôn phải vừa làm vừa học, không có điều kiện tiếp cận các kiến thức điện ảnh của thế giới, và đang đi chậm so với thế giới rất nhiều.
Khi khán giả bỏ tiền và đặc biệt là thời gian ra rạp, họ mong muốn có một trải nghiệm thú vị và mới lạ. Đây luôn là một mối quan tâm lớn của những người làm phim. Áp lực đầu tiên là khi nhận một kịch bản hay, làm sao để mình tái hiện được không khí và câu chuyện lên màn ảnh một cách sống động và chân thực nhất.
Nhưng làm phim không chỉ là kỹ thuật tốt, mà còn là sự tương tác hiệu quả. Mình cần truyền đạt được cái mình nghĩ tới nhiều cái tôi khác nhau, đồng thời phát huy được chất riêng của mỗi người và giữ lửa cho đoàn phim.
Sau khi Nhắm Mắt Thấy Mùa Hè đã chiếu gần 2 năm, đón nhận nhiều luồng ý kiến khen chê khác nhau, thì giờ mình chỉ thấy vui thôi. Vì đó là một khoảng thời gian rất đẹp, là một hành trình không thể quên trong cuộc đời. Và nó cũng là bước đánh dấu cho lựa chọn về sự nghiệp của mình.
Lê Minh Hoàng
Tôi sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn. Nên tôi nghĩ nhịp sống đô thị sôi động, nhanh gọn, hiệu quả về tính thương mại,... ảnh hưởng đến cách làm phim của tôi. Ở phim dài đầu tay, dù tôi cố gắng tìm về thế giới bên trong mình, bình tĩnh và riêng tư, nhưng tôi cũng thừa nhận đôi khi mình vẫn gấp gáp, vẫn bị ảnh hưởng từ các xu hướng bên ngoài.
Nhưng tôi nghĩ những sự mâu thuẫn này cũng thú vị, nó làm mình hiểu bản thân mình nhiều hơn, điều mà tôi bắt buộc mình phải làm mỗi ngày.
Niềm tin là một loại áp lực với đạo diễn. Tôi nghĩ mình còn quá trẻ, kinh nghiệm sống lẫn kinh nghiệm nghề còn non. Chuyện khiến mấy trăm người trong ekip, trong đó có quá nhiều người lạ lần đầu tiếp xúc với mình, để họ hiểu và làm theo mình, không có gì khác ngoài niềm tin cả.
Nên khi làm phim, tôi cố gắng gần gũi để hiểu mọi người và tìm cách để mọi người hiểu được cái mình làm. Tôi không muốn họ làm bộ phim theo bổn phận mà còn có niềm hứng thú và yêu thích với công việc của họ.
Tạ Nguyên Hiệp
Với đạo diễn, mình nghĩ áp lực lớn nhất là luôn luôn làm mới mình trong sáng tạo. Mình là người rất cởi mở, thích xem sản phẩm của các bạn trẻ làm. Có những clip ngắn của các bạn trẻ làm, mình xem xong là sướng rơn người. Sau cái sướng đó, thường là cảm giác lo lắng, vì thấy năng lượng sáng tạo của các bạn ngồn ngộn quá, mới mẻ quá.
Người làm phim như mình, phải luôn luôn cập nhật các xu hướng giải trí mới, phân tích các yếu tố thu hút người xem và trau dồi bản thân.
Mình khá là khắt khe và cầu toàn với giai đoạn làm kịch bản. Nên để chuẩn, bản thân mình đòi hỏi 3 yếu tố:
Thứ nhất, kịch bản có Concept hay và mới. Concept đôi khi chỉ là lời kể tóm gọn của đạo diễn với nhà sản xuất hoặc là vài trang A4 biên kịch gửi cho đạo diễn… nhưng người tiếp nhận sẽ bị cuốn vào sự tò mò và hưng phấn, vì hay quá và mới mẻ quá.
Thứ hai, là sự chân thành của người viết dành cho nhân vật trong kịch bản chi tiết. Những miêu tả nhỏ và tinh tế của biên kịch về nhân vật, trong những tình huống nhân vật gặp thử thách, sẽ “chỉ điểm” rõ nhất tình cảm của người viết có đầy hay không.
Thứ ba, là đúng cấu trúc. Mình chọn con đường làm phim dành cho số đông, nên việc đáp ứng nhịp sinh học của khán giả trong phòng chiếu rất quan trọng với mình. Thay vì cố “bẻ cấu trúc” cho phim mới mẻ, mình sẽ làm mới bằng cách xây dựng thế giới – chất liệu – tình huống thật khác biệt. Những cái nho nhỏ đó là đủ để mình “khoe” phong cách và cá tính của mình.
Trái Tim Quái Vật của mình may mắn được anh Quang Huy làm Giám đốc sản xuất kiêm Nhà đầu tư. Theo mình một nhà sản xuất như anh Huy là hiếm có. Anh có những giấc mơ đẹp về phim ảnh, muốn tạo ra dòng phim Giải-Trí-Có-Giá-Trị-Sáng-Tạo, là những phim mà khán giả được thoả mãn phần “giải trí” khi xem, còn người làm phim thì được thoả mãn cái tôi “sáng-tạo” khi làm.
Những phần còn lại trong series: