Internet Explorer ơi, vĩnh biệt! | Vietcetera
Billboard banner

Internet Explorer ơi, vĩnh biệt!

Nhân dịp Internet Explorer “nghỉ hưu,” tôi nhớ về giai đoạn internet mới bùng nổ, và bản thân ngày còn tò mò, trong sáng.
Internet Explorer ơi, vĩnh biệt!

Nguồn: The Verge

Hết năm lớp một, mẹ đưa tôi đi tham dự lễ trao thưởng cho học sinh giỏi tại công ty. Phần trao thưởng chỉ diễn ra trong một lát, và khi đưa tôi về phòng làm việc, mẹ nhận ra rằng sẽ phải có cách để tôi ngồi yên chứ không chạy ầm ầm quanh nơi làm.

Một đồng nghiệp của mẹ nảy ra sáng kiến. Chú nhanh chóng mở máy tính bàn, bấm vào biểu tượng chữ “e” trên màn hình, và mở một website toàn trò chơi điện tử để “câu giờ” cho tôi ngồi một chỗ. Đó là lần đầu tiên tôi biết tới internet và công cụ “tối thượng” để khám phá thế giới mạng: Internet Explorer.

Bước vào thế giới và cùng “khám phá Internet”

Trong vài tháng sau lần chạm trán đầu, nhiều lần tôi đòi mẹ “mở chữ e” cho mình chơi điện tử. Khi ấy, tôi không biết internet là gì, cũng không biết cái “chữ e” đó là thế nào. Đứa trẻ lúc đó chỉ biết tới niềm vui thuần túy mà không màng tới những gì xung quanh.

scienceiegettyimages826879811jpeg
Công cụ khám phá Internet đầu đời của nhiều người.

Lớn dần, khi được học môn tin học ở trường, tôi bắt đầu làm quen với máy tính và mạng internet. Những buổi học không chỉ có gõ phím và bấm chuột, mà còn là những ngày ê a đọc cụm “in-tơ-nét ếch-plo-rờ” trong buổi trả bài, là những giờ trốn giáo viên để lên mạng chơi game hay nghe một bản nhạc Hàn mà cô bạn cùng bàn tôi cứ mê mẩn.

Khi ấy, nếu muốn truy cập mạng, Internet Explorer là sự lựa chọn duy nhất. Trong nhiều năm trước khi các trình duyệt như Firefox và Chrome ra đời, thì Internet Explorer độc chiếm thị phần người dùng internet. Vì thế, không ngạc nhiên khi chúng tôi bắt gặp chữ “e” nhỏ xinh màu xanh ấy cả ở nhà lẫn khi đi học.

Nhờ giáo dục tin học tại trường và một vài hướng dẫn nho nhỏ từ bố mẹ, tôi tự biết cách mở game chơi. Tuy nhiên, tôi dần nhận ra rằng internet có nhiều thứ hơn chỉ là nhạc và web game, và Internet Explorer có thể mang cho tôi nhiều thứ hơn là niềm vui nhỏ nhoi trong vài phút giây tiêu khiển.

Tôi tự mày mò ra các trang báo mạng, các trang truyện tranh và truyện chữ khác nhau, hay thậm chí là một số trang tiếng Anh mà tôi đánh vần cả tối cũng không ra từ nào. Lướt mạng trên trình duyệt chữ e và chat với bạn bè trên Yahoo trở thành phần thưởng dành cho tôi mỗi khi hoàn thành bài tập về nhà.

Nói vậy không có nghĩa là Internet Explorer là một công cụ tốt. Theo những gì mà tôi nhớ, trình duyệt này rất chậm, và thỉnh thoảng lại bỗng dưng tự tắt cái phụt mà không để lại thông báo gì. Đó là chưa kể những lỗi hiển thị, lỗi giao diện, và ti tỉ thứ lỗi khác mà Internet Explorer dành cho hàng triệu người dùng.

Mặc cho từng ấy vấn đề, tôi vẫn truy cập và giao tiếp với thế giới mỗi ngày bằng Internet Explorer. Càng đi sâu vào ngôi làng toàn cầu mang tên internet, tôi càng thấy nhiều thứ để đọc, để học, và để hỏi.

Lần đầu tiên trong đời, tôi nhận ra vị trí nhỏ bé của mình trong thế giới rộng lớn, và nhận ra thế giới rộng lớn bao bọc lấy tôi bé nhỏ đang ngồi trước màn hình máy tính to bản và cũ kỹ.

windows98internetexplorerjpeg
Một giao diện cũ của Internet Explorer. | Nguồn: Microsoft

Cái chết trong thời đại của tốc độ

Tôi nghĩ những gì mình vừa trần thuật là trải nghiệm khá phổ biến của lớp trẻ thành thị vắt giữa hai thế kỷ. Khác với lớp 9x đời đầu và đời giữa, những người tiếp xúc với internet khi đã phần nào qua giai đoạn “trẻ thơ,” lũ chúng tôi sinh ra và lớn lên trong sự bùng nổ của internet tại Việt Nam.

Cũng có thể nói rằng, thế hệ chúng tôi là thế hệ tiếp xúc với Internet Explorer trong những giờ phút hoàng kim cuối cùng của trình duyệt này. Trước sự ra đời của Mozilla Firefox và sau đó là “trình duyệt quốc dân” Google Chrome, Internet Explorer dần tụt lại trong cuộc đua.

Tới khoảng năm 2010, tôi cũng như rất nhiều người dùng đã chuyển sang những trình duyệt khác. Sự chuyển giao nhẹ nhàng như đổi một cây bút máy đem đi học. Cũng từ thời điểm ấy, tôi không còn thời gian dùng trí tò mò của mình để đọc, để học, và để hỏi những tri thức mới.

Trách nhiệm và áp lực của một cậu bé thành thị lớn dần lên trong thời đại con nhà ai cũng phải trở thành “con nhà người ta.” Cứ như vậy, tôi lớn lên, bỏ sự tò mò con trẻ ở lại cùng Internet Explorer - kẻ đến trước nhưng ngã ngựa trong cuộc đua do bị níu lại bởi sức trì của sự thành công.

Qua nhiều năm, các vấn đề của trình duyệt này không chỉ dừng lại ở lỗi giao diện hay lỗi hiển thị, mà là các lỗ hổng bảo mật lớn để cho các hacker khai thác. Không dừng lại ở đó, Internet Explorer rất chậm, và càng trở nên chậm hơn khi đặt cạnh những trình duyệt mới.

Trong thời đại người ta ăn đồ ăn nhanh, di chuyển nhanh, làm việc “công nghiệp” nhanh hết mức, thì thứ chậm chạp như Internet Explorer không thể trụ vững. Nhiều người trong và sau lứa của tôi chưa bao giờ thực sự dùng Internet Explorer. Họ chỉ dùng nó để tải những trình duyệt khác.

Thế nhưng, mãi cho tới khi Microsoft thông báo về sự ra đi của trình duyệt già nua này, tôi mới được biết rằng người ta vẫn dùng Internet Explorer tại Nhật Bản và Hàn Quốc. Bất ngờ thay, không chỉ một số lượng người dân, mà cả các công ty hành chính lẫn tư nhân cũng dùng trình duyệt này như một sự lựa chọn bắt buộc.

20jun2022photo41655453595466630525330jpeg
Sự ra đi của Internet Explorer sẽ tạo một cuộc khủng hoảng dữ liệu "nho nhỏ" tại một số nơi. | Nguồn: Reuters

Khi được hỏi tại sao họ vẫn dùng Internet Explorer, câu trả lời được đưa ra là do họ… quen rồi. Họ đã dùng trình duyệt này quá lâu, và dần trở thành thói quen khó bỏ. Cũng không thể trách họ, bởi mặc cho thế giới kia đang điên cuồng xoay, Internet Explorer vẫn ở đó sau mỗi bản cập nhật Windows, lặng lẽ chờ những người dùng già cỗi tìm tới.

Điều khiến tôi suy nghĩ là, cả Hàn và Nhật đều là hai quốc gia già cỗi về dân số. Việc hai quốc gia này vẫn kiên trì với một trình duyệt già nua cho thấy sức ì tiềm ẩn không chỉ trong mỗi người, mà là trong mỗi thế hệ. Chúng ta chuộng cái mới và thích sự tiện lợi, nhưng không phải ai cũng đủ can đảm để bước ra khỏi vùng an toàn.

Hệ quả là, ta cứ ở mãi một chỗ, ôm khư khư con người cũ của mình, và bỏ quên những hương hoa và quả ngọt của thế giới bên ngoài.

Lời từ biệt tới người bạn xưa

Tôi không thể nhớ nổi lần cuối cùng mình mở Internet Explorer là khi nào, và em gái tôi thậm chí còn không biết Internet Explorer là gì. Bên cạnh Chrome, người dùng cũng có nhiều sự lựa chọn khác để không phải quay về với chữ "e" màu xanh khi xưa.

Nếu như cái chết của Yahoo là điểm mở đầu cho cái chết của một thời đại, thì có lẽ cái chết của Internet Explorer là điểm kết thúc. 27 năm là một hành trình rất dài cho một ứng dụng công nghệ, và sau nhiều năm trì hoãn, cuối cùng Internet Explorer cũng có thể an dưỡng tuổi già.

Tôi có nhớ trình duyệt Internet Explorer không? Chắc chắn là không. Tôi đã quên nó được hơn mười năm, và tôi cũng nghĩ đúng ra nó phải chết từ cách đây vài năm rồi.

Nhưng tôi cho rằng, Internet Explorer sẽ không chết. Hay nói cách khác, nó sẽ sống một cuộc đời khác. Internet Explorer đã trở thành biểu tượng của sự chậm, sự trì trệ, nhưng cũng tượng trưng cho một thời tươi đẹp xa lắm.

Trình duyệt già nua ấy sẽ tiếp tục mua vui cho mọi người trong những chiếc meme và sống trong ký ức của thế hệ tôi như một cánh cổng diệu kỳ, đưa chúng tôi vượt ra khỏi thế giới nhỏ bé và đơn điệu thường nhật. Đó là một hành trình gập ghềnh với rất nhiều “error notification,” nhưng cũng là một trải nghiệm vô giá với một đứa nhóc.

Tạm biệt Internet Explorer. Bọn tôi không nhớ bạn đâu, nhưng sẽ nhớ về di sản của bạn, và về trí tò mò con trẻ một thời.