Những năm gần đây, ngày càng nhiều phụ nữ nắm giữ vai trò quan trọng trong các công ty công nghệ. Những nhà tuyển dụng dần bỏ qua yếu tố giới khi tuyển chọn nhân sự. Và nhiều nữ sinh theo đuổi lĩnh vực IT từ khi còn học phổ thông.
Bên cạnh đó, sự ra đời và phát triển mạnh mẽ của những nền tảng đào tạo lập trình trực tuyến như FUNiX đã góp phần thay đổi quan niệm về nữ giới học tập và làm việc trong lĩnh vực IT. Được hơn 18.000 học viên ở mọi lứa tuổi lựa chọn, FUNiX đã trở thành một trong những tổ chức giáo dục trực tuyến đào tạo lập trình hàng đầu Việt Nam.
FUNiX cũng là một trong những đối tác của hoạt động “Nguồn nhân lực cho Đổi mới sáng tạo - Hệ sinh thái khởi nghiệp” (USAID WISE) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ.
Cùng trò chuyện với chị Thảo Bùi, cán bộ chăm sóc học viên - Hannah FUNiX - để hiểu thêm về cơ hội của phụ nữ trong lĩnh vực công nghệ thông tin hiện nay.
Cơ duyên nào đã đưa chị đến với lĩnh vực IT và FUNiX?
Nhìn lại thời điểm năm 2021, khi thành phố Hồ Chí Minh bùng dịch, mình lúc đó đang làm trong lĩnh vực khách sạn - một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng mạnh mẽ nhất bởi dịch bệnh.
Sau khi quyết định nghỉ việc và tìm một công việc mới với ưu tiên có thể làm trực tuyến, mình đã vô tình thấy FUNiX đăng tuyển cán bộ chăm sóc học viên (Hannah). Đó là thời điểm niềm yêu thích với công nghệ thông tin trong mình trỗi dậy trở lại.
Công việc hiện tại của Hannah ở FUNiX gồm những gì?
Tại FUNiX có rất nhiều mảnh ghép đa dạng về tính cách, xuất phát điểm. Công nhân có, học sinh tiểu học có, nhân viên văn phòng có,... Bao nhiêu mảnh ghép là bấy nhiêu học viên Hannah cần chăm sóc. Mọi người hay gọi vui Hannah là “bảo mẫu".
Hannah là người gợi lại mục tiêu, thúc đẩy học viên khi họ bắt đầu nản chí và xuống tinh thần ở giữa chặng đường. Hannah cũng là người giúp đỡ học viên trong quá trình thi cử, giúp các bạn ôn bài và động viên các bạn qua mỗi kỳ thi.
Mọi người cũng có thể gọi Hannah là “cây cầu” vì Hannah kết nối học viên với mentor mỗi khi học viên ngại hỏi trực tiếp mentor. Ngoài ra, Hannah còn kết nối học viên với công ty, doanh nghiệp để đảm bảo công việc khi học viên đủ điều kiện đi làm.
Theo chị, để thành công trong lĩnh vực công nghệ thông tin cần những phẩm chất gì?
Đầu tiên, đó phải là người có khả năng tự học, tự tìm tòi. Công nghệ thay đổi theo từng ngày, từng giờ. Khó có giáo viên hay giáo trình nào có thể dạy bạn liên tục và nhanh như vậy. Điều bạn cần làm là luôn tự lên mạng, lên những diễn đàn công nghệ tìm hiểu.
Ai cũng biết ngành công nghệ thông tin có mức đãi ngộ cao hơn đa số những ngành khác. Tuy vậy, lương cao đi đôi với yêu cầu và mức độ căng thẳng trong công việc cao. Để vượt qua điều này cần tình yêu với nghề rất lớn cùng kỹ năng quản lý thời gian tốt. IT làm việc 12-18 tiếng một ngày là chuyện bình thường
Một người muốn tự học IT nên bắt đầu từ đâu?
“Chậm mà chắc". Đó là quan điểm của mình. Thay vì suy nghĩ “bắt đầu học IT là phải làm được phần mềm này", hãy luôn bắt đầu từ những kiến thức cơ bản nhất, đặt mục tiêu nhỏ như “mình phải hiểu được HTML, CSS, là gì" trước.
Sau khi làm quen với Code ở bước cơ bản, mình sẽ từng bước học lên những ngôn ngữ cao cấp hơn, sử dụng nhiều thuật toán phức tạp hơn. Bên cạnh đó, bạn cũng cần nắm bắt xu hướng và học những kiến thức mang tính cập nhật, ví dụ hiện nay đang thịnh hành web thì học về web sẽ cần thiết.
Bạn cũng có thể tìm tới những người có kinh nghiệm lâu năm trong ngành hoặc những tổ chức uy tín - như FUNiX - để có được cho mình hướng đi cũng như lộ trình rõ ràng hơn.
Điều không đúng nhất chị được nghe về phụ nữ học IT là gì?
Hẳn ai cũng nghe nhiều về việc “con gái học IT thường bỏ bê gia đình" rồi. Mình nghĩ đây là một nhận định rất sai. Tất nhiên IT có những đặc thù nghề nghiệp riêng, như việc thường xuyên phải OT (làm quá giờ), nhưng rất nhiều công việc cũng có tính chất như vậy. Nếu không biết sắp xếp thời gian thì hẳn là công việc nào cũng sẽ khiến bạn “bỏ bê gia đình".
Một nhận định nữa giống với suy nghĩ ngày trước của ba mẹ mình là con gái học IT thường “khổ". Nghề nào cũng vậy, muốn thu nhập cao thì phải có áp lực và sự đánh đổi. Đặc biệt là những người làm Coder (lập trình viên) thì tuổi thọ nghề thường không dài nên khoảng thời gian kiếm tiền được thì nhất định phải tranh thủ.
Thường phụ nữ làm IT sẽ gặp những khó khăn gì?
Đối với phụ nữ theo đuổi lĩnh vực công nghệ thông tin thì môi trường là một thách thức lớn. Đặc thù công việc làm việc với máy tính nhiều giờ liên tục có thể là một trở ngại vì đa số phụ nữ thường thích giao tiếp nhiều. Bên cạnh đó, việc thường xuyên phải thức đêm, thường xuyên đối mặt với áp lực và làm việc với số cũng là những khó khăn dành cho phái nữ.
Đặc biệt với những người phụ nữ có gia đình thì việc OT cũng sẽ là một thách thức. Tuy vậy, vẫn sẽ có những công việc phù hợp và nhẹ nhàng hơn cho phái nữ như Tester (kiểm thử phần mềm) - cần sự tỉ mỉ, kỹ lưỡng - hay Project Manager (quản lý dự án) - cần khả năng tính toán, quản lý chi tiết.
Theo chị, cơ hội nghề nghiệp cho các bạn học IT hiện nay như thế nào?
Trên thực tế, cơ hội việc làm trong lĩnh vực công nghệ thông tin cho nam nữ đều như nhau. Doanh nghiệp thường chỉ hướng đến lợi ích nhân viên mang lại cho họ, bất kể là nam hay nữ. Không có đơn vị tuyển dụng nào phân biệt giới tính khi tuyển nhân sự cả.
Trong lĩnh vực IT do tính chất nữ giới ít hơn nam khá nhiều nên mới có nhiều định kiến về cơ hội việc làm. Tuy vậy, hiện số lượng nữ giới theo đuổi ngành nghề này ngày một tăng nên chúng ta hoàn toàn có thể yên tâm rằng cơ hội cho cả nam và nữ là bình đẳng.
Mô hình của FUNiX có những ưu điểm gì để giúp học viên học tập hiệu quả hơn?
Ở FUNiX tạo ra môi trường học bình đẳng, cho phép học viên chủ động tìm kiếm mentor phù hợp. Bên cạnh đó, FUNiX tạo được một cộng đồng học tập nơi các học viên có thể chia sẻ với nhau, cũng là nơi các bạn học viên cũ quay lại làm tutor giúp đỡ các bạn khác.
FUNiX mở ra các cơ hội gặp mặt offline cho các bạn học viên như “xTour” - tour tham quan công ty và doanh nghiệp, câu lạc bộ bóng đá toàn quốc, những buổi cắm trại cho các bạn học viên nhỏ. Học tập ở FUNiX còn cho bạn cơ hội tham gia những chương trình rèn luyện kỹ năng mềm như câu lạc bộ Tiếng Anh, Tiếng Nhật, “xDebate" - luyện tập tư duy phản biện,...
Mình thấy thực sự ở FUNiX nữ giới có lợi thế hơn nhiều. Ở môi trường mà xung quanh toàn là nam thì sự xuất hiện của những bạn nữ hẳn nhiên sẽ được ưu ái hơn.
Điều gì khiến chị cảm thấy ý nghĩa nhất khi hỗ trợ các bạn học viên tại FUNiX?
Trong quá trình đi làm, mình nhận thấy không phải bạn học viên nào cũng phải (và có thể) về đích. Đôi khi, chỉ cần bạn vượt ra được vòng an toàn của bản thân đã là đủ.
Với mình, giúp đỡ được những bạn học viên như vậy khiến mình cảm thấy rất hạnh phúc. Đặc biệt với các bạn chuyển sang ngành IT khi lớn tuổi thì áp lực kinh tế sẽ đè nặng lên vai. Mình hiểu và luôn muốn giúp đỡ hết sức mình.
Nữ giới trong ngành công nghệ thông tin để thành công cũng cần vượt ra khỏi vùng an toàn của bản thân. Một vài gương mặt nữ giới tiêu biểu của FUNiX có thể kể đến bạn Khánh Linh - cô gái bắt đầu học FUNiX từ lớp 10, sau hơn 2 năm đã hoàn thành 8 chứng chỉ học tập, nhận chứng nhận tốt nghiệp tại FUNiX cho chương trình kỹ thuật phần mềm hay chị Phạm Hồng Hoa - người hoàn thành môn cuối cùng ngay trước thềm sinh nở.
Có lẽ, chúng ta nên dần xoá bỏ định kiến về phụ nữ học IT bởi họ hoàn toàn có thể thành công trong lĩnh vực mà nhiều người nhận định “chỉ dành cho nam giới" này.
* Bài viết này được thực hiện với hỗ trợ từ nhân dân Mỹ thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID). Nội dung bài viết thuộc trách nhiệm của FUNiX và Vietcetera và không nhất thiết phản ánh quan điểm của USAID hay Chính phủ Hoa Kỳ.