Chuyện viết hay sáng tạo cũng tương tự như đi trong sương mù, dù cho có lên kế hoạch kỹ tới đâu mọi chuyện vẫn có thể đi sai hướng. Đây là lúc cơn hoảng loạn ập tới khi mọi thứ chệch khỏi đường ray, bạn lạc lối trong chính câu chuyện mình xây dựng. Vậy kế hoạch rõ ràng có còn cần thiết?
Kentaro Miura là một tác giả truyện tranh người Nhật. Sức ảnh hưởng và sự sáng tạo của Miura vượt ra khỏi một khung truyện mà vươn ra toàn thế giới.
Miura còn là người thầy mà thế hệ tác giả trẻ sau này ngước nhìn ngưỡng mộ. Trong số đó có tác giả của Demonslayer, Castlevania hay Vagabond,... Đâu đó trong những tác phẩm này ta thấy một mảng màu có tên Miura.
Để hiểu về cách Miura làm sáng tạo, ta phải nhắc tới Berserk - tác phẩm kéo dài hơn 30 năm. Berserk mở đầu với khung cảnh đen tối, bạo lực về hành trình kinh điển của người anh hùng cô độc Guts, trên con đường trả thù người bạn thân của mình.
Kentaro Miura chia sẻ rằng khi vẽ truyện, việc đi lệch hướng với kế hoạch ban đầu là không tránh khỏi. Từ đó ông đúc kết được bài học cho chính mình:
“Tôi dần tin vào chính sự vô tư của mình. Mọi thứ cứ như dòng chảy thuận theo tự nhiên, chảy vào đúng chỗ của nó dù cho chẳng có kế hoạch gì."
Tuy nhiên trước khi đạt được sự “ngây thơ" trong việc sáng tác không kế hoạch, Kentaro Miura đã sáng tạo như thế nào?
Cảm hứng tới từ bản thân mình và những người xung quanh
“Nếu bạn không biến được quá khứ của mình thành câu chuyện thì bạn không thể trở thành họa sĩ truyện tranh.”
Đó chính xác là những gì Miura đã làm. Nhân vật chính, Guts được lấy cảm hứng từ một giai đoạn của cuộc đời mình. Sự gắn kết của nhân vật chính với những người xung quanh được ông dùng nguyên liệu là những mối quan hệ của bản thân.
Chia sẻ về quá trình làm Berserk, ý tưởng của Miura bắt đầu với một nhân vật được thúc đẩy bởi sự giận dữ. Sau đó, ông mới tính tới những yếu tố khác như nguyên nhân, câu chuyện và chướng ngại.
“Cảm xúc là thứ tới trước, sau đó là logic.”
Chắt lọc nhưng không lãng phí kiến thức
Khi mới bắt đầu vào nghề, cũng như bao người Miura đã bắt chước cách vẽ của thần tượng, đọc những gì mình thích. Sau này nghĩ lại ông cho đó là một điều dại khờ.
Về sau, Miura đọc, xem phim và tin tức rất nhiều. Như một miếng bọt biển, ông cố gắng hấp thu tất cả để có thể mở rộng thế giới quan. Tuy học hỏi từ nhiều nơi nhưng không phải cái gì Kentaro Miura cũng sử dụng.
“Nếu tôi không chắt lọc bằng tiêu chuẩn của mình, thì mọi thứ không thể diễn ra trôi chảy được."
Ta nhìn thấy được điều này trong cách Miura kết hợp thế giới của ông với "khu vườn" của Hieronymus Bosch, những con quái vật mang màu sắc của H.R Giger, hay không gian biến dạng của M.C Escher.
Khi mà nguồn nguyên liệu của bạn là thế giới, thì tất cả những gì bạn làm là để đôi mắt của bạn di chuyển ở khắp mọi nơi. Miura gọi những gì ông làm là “vẽ cửa sổ nhìn ra một thế giới".
Sự tỉ mỉ và bám vào triết lý công việc
Có một thời gian mà Berserk không ra được một tập mới nào. Mặc cho người đọc cứ kêu gào thì Miura vẫn tỉ mẩn vẽ từng khung truyện, ưu tiên đặt chất lượng lên đầu.
“Với manga, sự tỉ mỉ đôi khi không được ưu tiên bằng việc duy trì tiến độ, tuy nhiên đó không phải là thứ có trong những tác phẩm mà tôi của một thời say đắm… Tinh thần tôi theo đuổi là sự nhiệt huyết trong từng khung tranh.”
Từ ngay những khung truyện đầu tiên, Miura đã theo đuổi sự hoàn mỹ và đó là thứ tạo ra giá trị cho Berserk. Điều này cũng giúp Kentaro Miura giữ được niềm đam mê trong công việc.
“Tôi luôn vẽ các phân đoạn quan trọng một cách tỉ mỉ và hết mình... Nói cách khác, mỗi khi cầm cây bút vẽ lên, tôi luôn tự thử thách bản thân mình bằng cách cố làm điều gì đó mà mình chưa từng làm trước kia.”
Sự vô tư của Miura chính là thành quả của cả một cuộc đời sáng tạo theo triết lý làm việc riêng của bản thân. Chỉ như vậy thì những ý tưởng từ hư vô mới có thể kết nối lại, thuận theo dòng chảy sáng tạo, hình thành nên phong cách riêng biệt của Kentaro Miura.
Tưởng nhớ tới bậc thầy truyện tranh Kentaro Miura, tác giả của Berserk. Cảm ơn ông vì tất cả.