1. Tại sao Giang Ơi lên tiếng?
Bộ phim điện ảnh Cậu Vàng, phóng tác từ chùm nguyên tác của nhà văn Nam Cao, đã chính thức công chiếu vào ngày 08/01.
Sau 1 tuần công chiếu, tranh cãi về biên kịch, chất điện ảnh của bộ phim còn chưa nguội, Cậu Vàng đã phải hứng thêm một đợt sóng tẩy chay cực mạnh vì phân cảnh các chú chó cắn nhau, xuất hiện ngay trong trailer video. Cảnh này trong phim kéo dài đến 3 phút.
Sáng ngày 11/01, vlogger Giang Ơi đã thẳng thắn chỉ trích nhà làm phim trên fanpage cá nhân. Sau 24 tiếng, bài đăng của chị đã nhận về hơn 44 ngàn lượt like, và hơn 5 ngàn lượt chia sẻ.
2. Động vật trở thành diễn viên chuyên nghiệp từ khi nào?
Chó là loài vật đã mở đường cho sự nghiệp diễn xuất của các loài động vật nói chung. Năm 1905, khi nền điện ảnh thế giới vẫn còn xoay quanh phim câm, Blair, một chú chó giống Colly đã được chủ của mình, đạo diễn người Anh Cecil Hepworth, phân cho vai chính trong bộ phim ly kỳ dài 7 phút, Rescued by Rover. Blair sau đó còn xuất hiện thêm trong hơn 10 bộ phim khác.
Tại Việt Nam, cậu Vàng là chú chó đầu tiên có vai chính trong phim.
3. Tiêu chí chọn “diễn viên”?
Dạo quanh một vòng các agency quản lý “người mẫu, diễn viên” thú cưng tại Mỹ và một số nước châu Âu để thấy rằng, các ứng viên đều có hồ sơ cá nhân với ảnh cận mặt, ảnh toàn thân, mô tả tính cách và chứng chỉ hành nghề CGC! Thị trường này đã phát triển đến mức trở nên khắc nghiệt.
4. Các phân cảnh bạo lực đối với động vật được thực hiện thế nào?
Tại Mỹ, các yêu cầu như ép cân, kích động, có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng của các loài vật đều không được thực hiện. Quá trình quay các bộ phim có sự tham gia của động vật đều có sự chứng kiến và giám sát của Hiệp hội Nhân đạo Hoa Kỳ (AHA). Đối với trường hợp bắt buộc phải có cảnh quay bạo lực, giải pháp thay thế là công nghệ máy tính CGI, hoặc bố trí góc máy quay. Các bộ phim đạt chuẩn sẽ được gắn nhãn “No Animals Were Harmed”.
Tại Việt Nam, ngoài có sự theo dõi của các huấn luyện viên, các động vật tham gia diễn xuất vẫn chưa được bảo vệ bởi bất kỳ điều luật nào. Giới luật sư vẫn đang kêu gọi Việt Nam cần có thêm luật chống hành hạ động vật nói chung.
5. Động vật được bảo vệ thế nào trong thị trường giải trí?
Nhiều người cho rằng câu kiểm chứng “No Animal Were Harmed” vẫn chưa đủ độ uy tín. Bộ phim đoạt giải Oscar “Life of Pi” (2012) từng gặp phải rắc rối khi một nhà điều tra Hollywood tố cáo đoàn làm phim ngược đãi động vật. Theo những người có mặt trên phim trường, chú hổ King, trong vai Bengal, thậm chí còn suýt chết đuối trong khi quay, nhưng vẫn được Hiệp hội Nhân đạo Hoa Kỳ che đậy.
Không chỉ trong điện ảnh, câu hỏi nên hay không nên sử dụng động vật hoang dã để biểu diễn như trong rạp xiếc, sở thú vẫn còn để ngỏ. Các nhà hoạt động đã lên án nhiều rạp xiếc đánh đập, bỏ đói và nhốt động vật ở nơi thiếu vệ sinh và xếp chúng biểu diễn với lịch trình dày đặc.
Một số quốc gia như Thuỵ Điển, Phần Lan, Singapore, Costa Rica đã ban hành luật cấm sử dụng động vật cho ngành giải trí. Nước Anh thì từ đầu năm 2020 đã công bố cho ngưng tất cả rạp xiếc có sử dụng động vật hoang dã để biểu diễn.
6. Tương lai của phim ảnh sử dụng diễn viên động vật?
Một bộ phận lớn khán giả đang học cách xem động vật như một người bạn, chứ không chỉ là đạo cụ làm phim. Điều này khiến nhiều nhà làm phim phải để tâm và bắt đầu sử dụng hoàn toàn CGI, "animatronics" và các loại công nghệ khác, để đảm bảo không “diễn viên” nào bị ngược đãi.
Những bộ phim như The Lion King và The Jungle Book đã đưa Simba, Rafiki, Baloo và Shere Khan trở nên sống động mà không cần có sự tham gia của các loài động vật. Các show truyền trình như The Walking Dead và The Umbrella Academy cũng đã kết hợp công nghệ CGI chân thực tạo nên các nhân vật ấn tượng.
7. Sự cần thiết của chỉ điểm và tẩy chay?
Năm 2017, tổ chức động vật PETA kêu gọi khán giả tẩy chay bộ phim chuyển thể từ tựa sách nổi tiếng A Dog's Purpose (Mục Đích Sống Của Một Chú Chó). Một clip rò rỉ được đăng tải trên trang TMZ cho thấy rõ cảnh nhân viên trong đoàn phim đang bắt chú chó ném xuống dòng nước đang chảy cuồn cuộn. Vì dư luận nổi sóng, Universal Pictures buộc phải hủy bỏ buổi ra mắt phim vào ngày 19 tháng 1 tại Los Angeles.
Lời kêu gọi tẩy chay (canceling) của PETA vẫn không ngăn được bộ phim kiếm được doanh thu khủng, hơn 200 triệu USD, so với số vốn bỏ ra là 22 triệu USD. Nhưng hành động chỉ điểm (call-out) của họ vẫn được xem là cần thiết cho sự nhận thức và tiến bộ của xã hội rằng: “quyền của động vật là trách nhiệm của con người”.