Lời nói dối áp đặt: Khi nói dối đến từ "ý tốt" lại không tốt như bạn tưởng | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
04 Thg 11, 2020
Chất Lượng Sống

Lời nói dối áp đặt: Khi nói dối đến từ "ý tốt" lại không tốt như bạn tưởng

Bạn đã có bao giờ nói dối vì lợi ích của người khác? Chào mừng bạn đến với khái niệm lời nói dối áp đặt (paternalistic lie), khi nói dối không mang ngụ ý 'xấu'.
Lời nói dối áp đặt: Khi nói dối đến từ "ý tốt" lại không tốt như bạn tưởng

Nhi Thanh @obanhmis cho Vietcetera

Chúng ta thường được dạy từ bé rằng “đừng nên nói dối”. Nhưng thực tế rằng mỗi chúng ta đều đã từng nói dối nhiều lần trong đời, thậm chí là nhiều lần trong ngày. Tuy nhiên, không phải bất kỳ lời nói dối nào cũng mang ác ý. Có những lúc chúng ta nói dối bởi vì ta tin rằng đó là điều nên làm. Giống như việc nam giới hay nói dối khi người yêu/vợ hỏi rằng: “Trông em có béo không?”.

Nhưng ở một số trường hợp, lời nói mà ta tin rằng “tốt cho người khác” lại không hẳn đã tốt như ta tưởng

Paternalistic lie (Tạm dịch: Lời nói dối áp đặt )

'Lời nói dối áp đặt' là lời nói dối nhằm mang lại lợi ích cho đối phương. Lúc này, người nói dối đưa ra một giả định rằng họ biết điều gì là tốt cho người kia.

'Lời nói dối áp đặt' xuất hiện rất thường xuyên trong cuộc sống. Ví dụ, bác sĩ "nói giảm nói tránh" về tình trạng của bệnh nhân để giúp họ cảm thấy tích cực hơn. Hay việc bạn nói dối người yêu rằng mình ổn bởi bạn không muốn làm họ lo lắng.

Dù xuất phát từ ý tốt, nhưng theo nghiên cứu của trường đại học Harvard, người bị lừa dối không phải lúc nào cũng cảm thấy biết ơn hành động này, trái lại họ vô cùng tức giận. Ba lý do họ đưa ra bao gồm:

  • Người bị lừa không tin rằng người nói dối có ý tốt.
  • Người bị lừa vô tình bị tước đi quyền tự quyết định bởi những thông tin sai lệch mà họ nhận được.
  • Người bị lừa cho rằng người nói dối đã hiểu sai mong muốn của họ.
Lời noacutei dối aacutep đặt coacute thể lagrave con dao hai lưỡi
Lời nói dối áp đặt có thể là con dao hai lưỡi

Quyết định có nên nói dối hay không

Dưới đây là 3 điều có thể tham khảo để không vô tình mắc phải 'lời nói dối áp đặt':

1. Nếu bạn không chắc rằng lời nói dối của mình sẽ mang lại lợi ích cho đối phương, hãy nói sự thật

Một ngày nào đó, nếu người bạn thân tìm đến bạn và cầu cứu khi bị “bóc phốt”. Và bạn biết rõ người bạn ấy thật sự có lỗi thì bạn sẽ làm gì? Nói thật hay cố gắng an ủi bằng cách “nói giảm nói tránh”.

Khi nagraveo thigrave necircn noacutei sự thật
Khi nào thì nên nói sự thật

Lúc này, việc quyết định nói dối hay không là một điều khá khó khăn. Bởi vì, bạn không biết điều gì sẽ xảy ra nếu đối phương chọn tin vào lời nói dối của mình.

Nếu không chắc chắn về lợi ích (hay hậu quả) mà người kia nhận được, hãy nói sự thật và trả lại quyền quyết định cho họ.

2. Nếu bạn không biết rằng đối phương thích nghe điều gì hơn, hãy hỏi

Ở một tình huống khác, khi sếp muốn tham khảo ý kiến của bạn cho phần thuyết trình sắp tới trước công ty đối tác. Và bạn băn khoăn rằng liệu sếp đang muốn được khen hay thật sự muốn biết bạn nghĩ gì?

Trong một số nghiên cứu về 'lời nói dối áp đặt', việc hỏi về mong muốn của đối phương sẽ giúp bạn tránh ngộ nhận rằng mình "đi guốc trong bụng" họ.

Trở về ví dụ với sếp, bạn có thể hỏi rằng sếp muốn được góp ý cụ thể ở phần nào (nội dung, ý tưởng, cách diễn đạt,...). Câu hỏi sẽ giúp bạn tìm ra mong muốn thật sự của sếp.

3. Nếu đối phương vốn không tin bạn, thì bạn có giải thích như thế nào sau khi bị "vạch mặt" cũng vô dụng

Trong tình yêu, rất nhiều lần chúng ta nói dối với niềm tin rằng mình làm vậy để không tổn thương nửa kia.

Như đã đề cập ở trên, những người bị lừa dối thường không tin 'lời nói dối áp đặt' đến từ ý tốt. Họ cũng chẳng mấy vui vẻ với lời thanh minh sau khi biết được sự thật.

Chính vì vậy, trước khi nói dối, bạn cũng nên đặt mình vào vị trí của đối phương. Nếu là họ thì bạn sẽ phản ứng ra sao khi biết được mọi việc? Liệu bạn có tin vào lời giải thích của chính mình?