Nhạc của Trang tiến vào lòng người nghe với một chút indie, một chút folk, một chút ballad cùng rất nhiều tự sự. Cô dùng giai điệu và cả âm hưởng thể loại vào mục đích kể chuyện của mình, thường là về tình yêu. Vì thế, nhạc của Trang thường nhẹ nhàng, sâu lắng, và đôi khi day dứt.
Bài hát của em trích từ tuyển tập "người tình." (2017) là một trong những ca khúc tăm tối và tự sự như thế. Trang dẫn dắt người nghe vào một thế giới “trơ trụi quá" bởi một “bài ca buồn thương lắm”; và trên mỗi dòng ca là một dòng tự sự, trên mỗi nốt nhạc là một tiếng lòng được cất lên.
“Những lần hát vu vơ, tôi đều hát một câu nào đó của người khác mà không phải của mình. Những lời ca viết ra từ tâm tư, tại sao mình lại không nghĩ tới những khi suy tư?” - Trang tự hỏi mình khi sáng tác Bài hát của em.
Trang viết “Bài hát của em” trong hoàn cảnh nào?
Từ năm 2017; tính đến nay cũng đã được 5 năm. Đó là một câu chuyện diễn ra vào khoảng năm mình 20, 21 tuổi. Thời điểm đó mình có nhiều trải nghiệm mới, bắt đầu có những va chạm với mọi người xung quanh, với xã hội sau khi tốt nghiệp đại học.
Ngày đó, mình vẫn còn tự ti rất lớn với âm nhạc. Mình luôn cảm thấy những bài hát mình viết ra chưa đủ tốt, đủ hay. Còn trong các mối quan hệ xung quanh, mình cảm thấy thiếu sót và gây tổn thương đến rất nhiều người.
Những suy nghĩ đó cứ quẩn quanh trong đầu không chịu rời đi khi mình sáng tác ca khúc Bài hát của em.
Bài hát này đến với Trang theo cách nào?
Nó đến với mình khá tình cờ trong một cuộc gặp gỡ một người bạn ở trên sân thượng. Khi cuộc nói chuyện bất ngờ bị “khựng" lại, mình đã hát vu vơ vài câu ca của người khác.
“Tại sao em không bao giờ hát vu vơ nhạc của mình?” - Chính câu hỏi này khiến mình sáng tác Bài hát của em. Mình cũng tự truy vấn lại bản thân, tại sao mình lại không thích hát vu vơ những câu ca của mình? Phải chăng, những bài hát của mình sáng tác đều buồn thương?
Sau đó mình đã về nhà và bắt đầu sáng tác với những ca từ đầu tiên: “Em cứ ngân nga một bài ca của người ta vì bài hát của em buồn thương lắm.” Bài hát của em đã đến với mình và ra đời theo cách đó.
Trang còn Bài hát của em nào khác nữa?
Bài hát của em đại diện cho nhiều bài hát khác mình đã viết trong thời điểm đó trong tuyển tập “người tình.” như Thư cho anh, Bụi hoa giấy, Những khi đêm về… Tất cả những ca khúc này nếu không quá buồn sẽ là man mác buồn về một câu chuyện gì đó.
Theo Trang, “bài hát của em" khác gì so với “bài hát của người ta"?
Bài hát của em là những điều mình thực sự nghĩ và bài hát của người ta là điều mình nói ra là một cách hiểu khá hợp lý đối với mình ở thời điểm sáng tác ca khúc này.
Tất cả những bài hát mình viết nên đều là những suy nghĩ, suy tư mà mình không thể hiện được rõ ràng cảm xúc ở đời thực. Nhiều khi, mình lại còn muốn giấu đi những suy nghĩ và cảm xúc đó Ngược lại, mình hát “bài hát của người ta” không chỉ vì thích mà còn bởi nó bày tỏ cảm xúc rõ ràng hơn.
Từ "bài hát buồn thương lắm" đến bài hát "là ánh sáng rọi đêm thâu" là hành trình như thế nào?
Mình sáng tác bài hát này ở Hà Nội với tiết trời lạnh của một ngày mùa đông nhiều mây. Khi buồn, mình thường có cảm giác như mây đang bay ngang đầu mình và mọi thứ đều bị che lấp.
Du học trở về, mình bỗng thấy Hà Nội không còn giống như trước đây. Mình cảm thấy xa lạ: những năm tháng hồn nhiên mất đi, những người xung quanh nay đã lớn hơn, già đi.
Mình vốn tự ti với nhiều thứ, tình yêu không được như ý, thành phố quê hương lại trở nên quá khác lạ... Mình đã đưa tất cả những điều này vào trong Bài hát của em.
Trong khi nhìn đâu cũng thấy buồn thì mình nhớ mãi hình ảnh ánh đèn đường rọi đêm thâu. Ánh đèn đường đó giống như một niềm vui nho nhỏ mà mình và anh (bạn) đều nhớ về.
Tất cả những hình ảnh, câu chuyện trong Bài hát của em cùng ập đến một lúc hay riêng lẻ và được Trang gom góp lại?
Mình đã gom góp những hình ảnh, câu chuyện để viết lên Bài hát của em. Tuy nhiên, quãng thời gian đó cũng chỉ kéo dài trong khoảng 4, 5 tháng.
Bài hát của em phản ánh điều gì về Trang năm 20 tuổi?
Khi còn trẻ, chúng ta có rất nhiều rào cản khiến mình bước vào một mối quan hệ và cuộc sống nói chung. Riêng với mình, đó là sự tự ti về bản thân.
Rào cản này khiến mình bước vào những trải nghiệm mới vì mình không chấp nhận những điều mình còn thiếu sót. Mình muốn giấu nó đi và thể hiện ra bên ngoài những điều tốt đẹp như một cách bảo vệ chính mình.
Đó cũng là lý do tại do khiến mình tự xây dựng những bức tường ngăn cách trong các mối quan hệ. Và khi những bức tường này sụp đổ mình cũng rơi vào tình trạng không thể bảo vệ bản thân; hoài nghi và đặt ra những câu hỏi cho sự thất bại với những mối quan hệ xung quanh.
Giải pháp cho toàn bộ chuyện này, theo mình, chính là việc chấp nhận sự không hoàn hảo của bản thân; làm bạn với chính mình để vỗ vai và động viên vượt qua mọi chuyện khác trong đời.
Vậy khi phá bỏ những bức tường vô hình đó, Trang đã tự tin hát lên bài hát của em?
Theo trải nghiệm của riêng mình, điều này là đúng. Đến một thời điểm mình chấp nhận những điều thiếu sót của bản thân, khắc phục và cố gắng tự tin hơn… mình đã hát những sáng tác của mình và biết rõ phải truyền tải cảm xúc gì đến khán giả.
(Podcast Bít Tất Nhạc #5: Nhạc của Trang sẽ được phát sóng vào tối thứ 7, ngày 21/08/2021 trên Apple Podcast và Spotify. Tại đây, Trang sẽ chia sẻ nhiều điều thú vị về Bài hát của em và âm nhạc của cô.)