Không qua nổi “talking stage” khi hẹn hò? 3 Cách giúp bạn thoát ra | Vietcetera
Billboard banner
26 Thg 01, 2024
Cuộc SốngThươngThương Thân

Không qua nổi “talking stage” khi hẹn hò? 3 Cách giúp bạn thoát ra

Từ một người thức 2 giờ sáng nhắn tin cùng bạn đến… người lạ trong danh bạ - bạn không hề thích cảm giác này. Làm sao để “xé nháp” cho người hẹn hò sau luôn tốt hơn người trước đây?
Không qua nổi “talking stage” khi hẹn hò? 3 Cách giúp bạn thoát ra

Nguồn: Thịnh Trần @orkaboi cho Vietcetera.

Từ một người thức 2 giờ sáng nhắn tin cùng bạn đến… một người lạ trong danh bạ - lại một mối quan hệ nữa của bạn chấm dứt chỉ sau vài tuần. Bạn từng hào hứng khi thấy thông báo từ họ, cho đến khi lặng lẽ nhìn một cái tên (nữa) đi vào dĩ vãng.

Gen Z gọi đây là “talking stage” - thời gian hẹn hò thử nghiệm trước mối quan hệ chính thức (theo Urban Dictionary).

Nhắn tin thâu đêm, cafe ngẫu hứng, dạo chơi triển lãm,... 2 bạn có thể dành cả tháng trời xuất hiện trong cuộc sống của nhau. Mọi thứ vẫn ổn cho đến khi bạn bắt đầu “rút hầu bao” cảm xúc của mình quá nhiều và cần một danh phận chính thức, còn người kia thì không.

Vì sao bạn năm lần bảy lượt mắc kẹt lại ở talking stage? Và làm sao để nhận biết một talking stage nhiều "red flags"? Bài viết này sẽ giúp bạn giải đáp.

Vì sao bạn mãi không vượt qua talking stage? Lý giải từ tâm lý học

Mâu thuẫn về “thứ bạn tìm kiếm” và “thứ họ tìm kiếm”

Nếu bạn tìm tình yêu nhưng gặp người chỉ muốn mập mờ, thì cả 2 đã không nhìn về một hướng ngay từ vạch xuất phát. Dù bạn có cố gắng kéo dài talking stage đến 3 tháng hay 1 năm, kết cục đổ bể đã lấp ló từ đầu.

alt
Nhắn tin liên tục cả tháng trời - rồi sao nữa? | Nguồn: The Message.

Tuy vậy, người mập mờ chưa hẳn là người sai trong mối quan hệ.

Theo Nhà Tư vấn Stephanie Mintz, "Mập mờ sẽ ổn nếu họ làm rõ nhu cầu này với đối phương từ đầu. Mấu chốt nằm ở sự đồng thuận giữa 2 bên. Nếu cả 2 đều đến với nhau vì đều cần situationship, thì không có gì là sai vì cả 2 đều đã có thứ họ muốn".

Nhìn nhận khách quan, thì lý do talking stage bạn thất bại nằm ở sự khác biệt về mục đích của 2 người ngay từ khi bắt đầu.

“Để hạn chế mâu thuẫn, cách giải quyết hợp lý nhất là giao tiếp thẳng thắn về thứ mình tìm, trước khi bạn tiến tới talking stage” - Stephanie gợi ý.

Đối phương sợ cam kết, thuộc kiểu “gắn bó né tránh” (avoidant attachment)

Đây là lúc cả 2 nói chuyện hợp rơ, nhưng hễ bạn cần thêm sự quan tâm gần gũi thì họ càng đẩy bạn ra xa.

Theo thuyết gắn bó của nhà tâm lý học John Bowlby, tuýp người Gắn bó né tránh có xu hướng đặt lợi ích bản thân lên hàng đầu, gặp khó khăn trong việc thể hiện cảm xúc và trì hoãn những trách nhiệm của họ trong tình yêu.

Nhận biết được nguyên nhân rồi, làm sao để những cái tên trong talking stage không còn làm bạn bối rối?

3 Cách giúp bạn vượt qua Talking Stage thành công

Bước vào với một tâm thế thoải mái

Nhiều người ví việc hẹn hò thời nay như một "cuộc chiến tâm lý" (mind game), điều này hoàn toàn có lý do.

Tâm thế của bạn ngay từ khi bắt đầu talking stage sẽ là tiền đề để bạn định hình cách phát triển mối quan hệ. Nếu bạn bước vào nhắn tin với nỗi lo thường trực rằng họ sẽ bỏ mình, bạn đã ấn định vị trí bất an ngay từ đầu talking stage.

alt
Nếu bạn mặc định mình luôn "kèo trên" hoặc "kèo dưới" trong một mối quan hệ, tâm lý này sẽ âm thầm tác động đến cảm nhận của bạn xuyên suốt talking stage.

Phân tích mind game, Nhà văn Molly Burford khuyên rằng ta nên nới lỏng mọi kỳ vọng hoặc thậm chí... bắt đầu với nhau như bạn bè. Hãy đảm bảo talking stage diễn ra càng tự nhiên càng tốt. Bằng cách này, bạn được là chính mình và cũng chứng kiến người kia là chính họ.

Giữ tâm thế thoải mái cũng giúp bạn tự tin hơn khi gửi đi một tin nhắn, chào hỏi họ một câu, hay lên lịch với nhau một buổi hẹn. Bạn không quá kỳ vọng kết cục có hậu phải diễn ra, và điều này giúp bạn mạnh mẽ hơn trước kết quả khó lường của mối quan hệ.

Đừng im lặng đoán ý, hãy chủ động nói ra mong muốn của mình

Bạn sẽ nghĩ gì, khi một người mới tìm hiểu đã nghiêm túc nói cho bạn biết “họ tìm người yêu”?

Nghe có vẻ lỗi thời, nhưng giao tiếp thẳng thắn là con đường ngắn nhất để cả 2 được là chính mình trong talking stage.

Rào cản phổ biến của Gen Z ngày nay là cảm giác “ngại thể hiện mình cần tình yêu”. Một khi bạn dám vạch trần bạn thực sự thích họ, bạn đồng thời chấp nhận rủi ro họ sẽ “bỏ chạy” vì đã mất hứng thú.

alt
Khoảng cách duy nhất giữa 2 người là một lần dám ngồi lại giao tiếp thẳng thắn về nhau.

Vì vậy theo tờ Cosmopolitan, việc chia sẻ mình đang tìm mối quan hệ cam kết cần rất nhiều sự can đảm để một người rũ bỏ áo giáp của họ. Khi đã rõ ràng về mục đích cả 2 rồi, việc xây dựng talking stage cũng bớt đau tim và lành mạnh hơn cho người trong cuộc.

Học cách xác định "cờ đỏ" trong talking stage

Bạn đã bao giờ tìm kiếm lời khuyên từ khắp nơi vì cảm thấy bối rối bất an trong chính talking stage của mình?

Đối phương có thể nhắn tin cùng bạn cả năm trời nhưng chẳng có gì tiến triển, liên tục khiến bạn phải băn khoăn về tình cảm họ dành cho mình - Đây cũng là một red flag trong talking stage.

Theo Pooja Priyamvada - Life Coach tại Seattle, dưới đây là những red flags mà bạn nên rút lui ở talking stage:

  • Mối quan hệ diễn ra một chiều, ví dụ họ chỉ tìm bạn để xả bực dọc mà không quan tâm cảm nhận bạn ra sao (trauma-dumping).
  • Họ nhiều lần lảng tránh mỗi khi bạn đặt vấn đề nghiêm túc.
  • Sự quan tâm của họ lúc có lúc không, gây cảm giác khó chịu. Ví dụ họ chỉ nhớ đến bạn vào những thời điểm ngẫu hứng như 3 giờ sáng.
  • Họ muốn... nói chuyện mãi mãi mà không có động thái tiến xa hơn.

Phần lớn những cảm giác khó xử của ta đến từ việc phớt lờ red flags và cố chấp theo đuổi một tình yêu bất ổn. Quyết định dừng talking stage có thể khó khăn, nhưng sẽ cho bạn sự nhẹ nhõm về lâu dài.

Dù hành trình hẹn hò bạn đi gồ ghề hay thoải mái, hãy cho mình được thư giãn và hạnh phúc với mọi quyết định mình bỏ ra nhé!