Không riêng gì Tổng thống Mỹ, ai cũng có thể tái nhiễm Covid-19 | Vietcetera
Billboard banner

Không riêng gì Tổng thống Mỹ, ai cũng có thể tái nhiễm Covid-19

Và những hệ quả về sức khỏe từ việc tái nhiễm là không thể xem thường.
Không riêng gì Tổng thống Mỹ, ai cũng có thể tái nhiễm Covid-19

Nguồn: Bloomberg

1. Chuyện gì đang xảy ra?

Vào ngày 30/7, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo ông đã tái nhiễm Covid-19 sau khi mới âm tính vài ngày. Cách đó không lâu, Cố vấn Y tế của ông là bác sĩ Anthony Fauci cũng nhiễm và tái nhiễm trong một khoảng thời gian ngắn.

Trước đó vào cuối tháng 6, bác sĩ Ziyad Al-Aly cùng đồng nghiệp công bố nghiên cứu về hiện tượng tái nhiễm Covid. Nghiên cứu tiến hành trên hồ sơ bệnh lý của hơn 5.6 triệu quân nhân Mỹ, dù không thể đại diện cho toàn bộ dân số nhưng có giá trị tham khảo và định hướng cho các nhà nghiên cứu khác.

02aug202220001jpeg
Ông Biden họp online từ Nhà Trắng. | Nguồn: AP News

2. Tái nhiễm Covid có những rủi ro gì?

Theo Ziyad, hầu hết các ca tái nhiễm có triệu chứng rất nhẹ, tới mức một bộ phận không nhận ra là mình tái nhiễm. Nguyên nhân là bởi cơ thể đã có kháng thể nên có thể chống lại virus một cách hiệu quả hơn.

Nhóm tái nhiễm với tâm lý chủ quan và triệu chứng mơ hồ dễ lầm tưởng bản thân bị cảm cúm thông thường và không nhận ra mình là nguồn bệnh. Điều này không chỉ gây hại cho sức khỏe cộng đồng, mà cho chính sức khỏe của người mang bệnh.

Hội chứng Covid kéo dài (long Covid) là mối nguy lớn với những người tái nhiễm. Nhóm bệnh nhân này có tỉ lệ tử vong và tỉ lệ nhập viện cao hơn, tức sức khỏe của họ giảm sút theo nhiều cách khác nhau.

Việc mắc Covid nhiều lần khiến bệnh nhân dễ mắc các bệnh tim mạch, thần kinh, và khiến cơ thể suy nhược. Một trong các biến chứng nghiêm trọng là tổn thương lâu dài tại hệ hô hấp và hệ miễn dịch, đồng thời gia tăng nguy cơ đột quỵ.

Nhìn từ góc độ này, sự tái nhiễm không đánh gục bệnh nhân, mà dọn đường cho các bệnh khác trong tương lai xâm nhập và phá hủy cơ thể. Nhóm Ziyad cũng cho rằng có một số ít các trường hợp tái nhiễm với triệu chứng nặng và có thể dẫn tới tử vong.

3. Tại sao đã tiêm vaccine và đã bị Covid nhưng vẫn tái nhiễm được?

Một số người nghĩ bản thân đã tiêm vaccine và từng bị Covid nên cơ thể đã có hai tầng kháng thể chống lại sự xâm nhập lần hai của virus. Tuy nhiên, suy nghĩ này là không chính xác vì một số lý do khác nhau.

02aug2022feiyangwangecc2nipyrounsplashjpg
Một người đàn ông tại điểm tiêm vaccine lưu động ở Los Angeles, Mỹ. | Nguồn: Unsplash

Trước tiên, vaccine Covid không phải là “kim bài miễn tử” mà chỉ có thể tăng khả năng miễn dịch, từ đó giảm sự nghiêm trọng của các triệu chứng khi ta nhiễm bệnh. Thế nên chuyện người đã tiêm vaccine nhưng vẫn nhiễm hay tái nhiễm Covid không phải chuyện lạ.

Bên cạnh đó, mỗi biến chủng lại làm vaccine bớt hiệu quả đi một chút. Omicron và những biến thể của chủng này rất giỏi “né” hệ miễn dịch, từ đó giảm khả năng đề kháng mà cơ thể xây dựng từ vaccine và “kinh nghiệm” nhiễm bệnh trước đó.

Cuối cùng, hiệu quả của vaccine không phải là mãi mãi. Theo thời gian, khả năng chống virus của kháng thể sẽ phai dần nếu không có những mũi tiêm tăng cường, hé mở cánh cửa cho virus luồn lách vào cơ thể chúng ta.

4. Hiện tượng tái nhiễm nói gì về phòng dịch và miễn dịch?

Theo giới nghiên cứu, làn sóng Covid mới không chỉ tới từ biến thể BA.5, mà còn là một làn sóng tái nhiễm. Hầu hết những ca tái nhiễm đều không đi khám, không xét nghiệm vì triệu chứng nhẹ, do đó làn sóng này đang không được ghi nhận và phân tích đúng mức độ.

02aug2022mufidmajnunoi20ehignd4unsplashjpg
Nhiều người tái nhiễm không đi xét nghiệm nên không biết mình nhiễm bệnh. | Nguồn: Unsplash

Qua đó, chúng ta thấy tầm quan trọng của việc tiêm vaccine bổ sung nhằm đưa “viện trợ” cho hệ miễn dịch. Việc tiêm liều bổ sung ở thời điểm phù hợp vừa làm giảm nguy cơ nhiễm bệnh, vừa bảo vệ cơ thể khỏi các nguy cơ kèm theo nếu tái nhiễm.

Phòng dịch vẫn luôn là sự lựa chọn số một trong việc ngăn chặn virus. Trong bối cảnh bình thường mới, tâm lý chủ quan có thể khiến người dân vô tình “quên” mất là dịch bệnh vẫn tồn tại, và chống dịch là trách nhiệm chung của mọi người.

Cuối cùng, hiện tượng tái nhiễm càng cho thấy Covid sẽ ở với ta dài lâu, chứ không chợt tới và chợt đi. Điều quan trọng cần làm là thích nghi và phòng bị để luôn sẵn sàng cho những thay đổi mà virus có thể gây ra.

5. Sau hơn 2 năm chung sống, ta đã hiểu rõ về Covid chưa?

Các nhà khoa học và các bác sĩ cho rằng còn nhiều điều mà chúng ta chưa biết về Covid nói chung, và hiện tượng tái nhiễm nói riêng.

Mối quan hệ giữa tái nhiễm và hội chứng Covid kéo dài vẫn chưa rõ ràng bởi các nhà khoa học thiếu bằng chứng để đi sâu hơn. Đó là chưa kể tới việc bản thân hội chứng này và nguyên nhân của nó vẫn chưa được hiểu và nghiên cứu một cách thấu đáo.

Giới y tế cũng đang cố xác định hiệu quả thực sự của vaccine trong việc kiểm soát và ngăn chặn hiện tượng tái nhiễm. Các nghiên cứu như của nhóm Ziyad sẽ bổ sung những số liệu quý giá để hướng tới một chính sách chống dịch hoàn thiện hơn.

Nhìn chung, Covid cần thời gian để biến đổi, và chúng ta cần thời gian để hiểu thêm về căn bệnh này. Trong khi chờ đợi các bác sĩ và nhà khoa học, có lẽ ta nên thận trọng dù đã bị Covid và đã tiêm vaccine hay là chưa.