KTS Hồ Viết Vinh - Biểu đạt một tĩnh lặng vào trừu tượng thiên nhiên | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

KTS Hồ Viết Vinh - Biểu đạt một tĩnh lặng vào trừu tượng thiên nhiên

"Nó thực sự là một cách thể hiện của cuộc dấn thân vào trong thiên nhiên để thu lại một cảm xúc. Mọi tìm kiếm dừng lại ở chỗ, khi tâm mình tĩnh lặng.”
KTS Hồ Viết Vinh - Biểu đạt một tĩnh lặng vào trừu tượng thiên nhiên

Kiến trúc sư Hồ Viết Vinh. | Nguồn: Bobby Vũ.

Lotus và Vietcetera

“Mỗi con người đều có nhiều ‘hạt giống’ ở trong mình. Vấn đề là mình tưới tẩm hạt giống nào để nó có thể hiện lộ” - Đó là ẩn dụ tuyệt đẹp mà kiến trúc sư (KTS) Hồ Viết Vinh chia sẻ với Vietcetera trong cuộc trò chuyện gần đây. Thật vậy, bên trong mỗi người đều ẩn chứa những tài năng và thiên hướng, thứ ta chọn bồi dưỡng sẽ định nghĩa cuộc đời ta.

Với KTS Hồ Viết Vinh - anh xác quyết kiến trúc và hội hoạ là những “hạt giống lành”, giờ đây đã nảy mầm, đơm hoa kết trái. Gần 30 năm theo đuổi nghề kiến trúc sư, 8 năm cầm cọ vẽ đứng trước khung toan, anh càng tiến gần hơn với mong muốn của mình - hoà hợp với thiên nhiên thông qua nghệ thuật.

Anh kể, có những lần chạy vào rừng sâu, lặng nghe tiếng gió luồn qua kẽ lá va đập vào nhau, tiếng suối, bầu trời… Có những lần anh ngơ ngẩn trước rừng tràm bạt ngàn, ngồi xuống nhìn ngắm thật sâu vào những trầm tích. Để rồi, những công trình kiến trúc, những hoạ phẩm đã ra đời từ chính những lặng yên cảm nhận đó.

Trước thềm trưng bày cá nhân “In Motion" diễn ra từ ngày 01/09 - 10/09 tại Audi Charging Lounge sắp tới đây, Vietcetera có cơ hội trò chuyện với KTS Hồ Viết Vinh để hiểu thêm thế giới nghệ thuật và những tác phẩm hội hoạ “trừu tượng thiên nhiên" của anh.

Điều gì khiến một kiến trúc sư gần 30 năm kinh nghiệm như anh quyết định cầm cọ lên vẽ và tổ chức triển lãm cá nhân?

Là một KTS nhưng tôi có đam mê hội hoạ. Từ thời ở trường Kiến trúc, chúng tôi đã có truyền thống học cả hội hoạ lẫn điêu khắc. Các thầy giảng dạy cũng đã truyền cho chúng tôi nhiều cảm hứng thực hành nghệ thuật.

Năm 2015, tôi được mời tham gia thực hiện Bảo tàng hoạ sĩ Lê Bá Đảng (Huế.) Từ lúc tiếp xúc với nghệ thuật của ông, tôi được truyền thêm niềm đam mê hội hoạ. Niềm đam mê này giúp tôi vượt qua được giới hạn của mình để cầm cọ và vẽ theo những gì mình cảm xúc được. Đó còn là cả một quá trình tìm kiếm, và mong muốn được diễn đạt. Tuy đến với hội hoạ khá muộn, nhưng tôi có những cái duyên do tự mình tích luỹ; và được truyền cảm hứng từ những bậc thầy.

Các tác phẩm trưng bày lần này được sáng tác trong nhiều giai đoạn khác nhau nhưng cùng một ngôn ngữ. Các hoạ phẩm là thế giới quan chính tôi cảm nhận qua cảm xúc, và qua sự tĩnh lặng. Khi khán giả thưởng lãm những tác phẩm hội hoạ này, họ sẽ thấy một sự tĩnh tại. Mặc dù những đường nét rất sống động, màu sắc dù tối nhưng lại là một đêm tối vô cùng ấm áp. Những tác phẩm, tự nó có một câu chuyện để kể cho khán giả nghe.

alt
Nguồn: Bobby Vũ.

Tôi cho rằng, sự tìm kiếm chỉ được dừng lại, ở chỗ tâm mình tĩnh lặng. Khi mình nhìn ngắm thiên nhiên thì sự tĩnh lặng đó cũng được thể hiện trong bức tranh. Và sự tĩnh lặng, thực ra cũng là một tiếng nói rất có ý nghĩa.

Tại sao các tác phẩm gợi lên sự tĩnh lặng nhưng trưng bày cá nhân lần này lại có tên là Chuyển dịch?

Trong quan điểm của tôi, thiên nhiên vốn là một dòng chảy vô tận, xuyên qua không gian và thời gian. Dòng chảy này, cũng giống như các chuyển động khác, có lúc mượt mà nhưng cũng có lúc trăn trở, khúc khuỷu. Bản thể thay đổi theo thời gian còn con người thay thay đổi qua cảm xúc. Trạng thái cảm xúc này cũng thể hiện một phần thiên nhiên; các hình ảnh do 6 giác quan tiếp nhận được phản chiếu lại thực tại đó.

Những phản chiếu này, theo tôi, vẫn chưa phản chiếu được sự chân thật của thiên nhiên. Chính vì thế, sự trừu-tượng-thiên-nhiên là cách tôi nói lại bản thể đó qua cảm nhận của mình. Nhiều khi, ước muốn này là bất khả vì những chuyển động rất vi tế, diễn ra rất nhanh như cơn gió đi qua một cánh rừng. Khi ta vừa chạm vào sự dịch chuyển đó thì cơn gió đã đi qua mất rồi. Mình cũng không thể hiện được cả khu rừng đang rung lên vì cơn gió đó được nữa.

Sự chuyển động quá nhanh, mình lại không thể nắm bắt. Vì thế, cách nắm bắt là khi các giác quan của mình cảm nhận được sự chuyển động, chuyển thành trừu tượng và thể hiện nó vào trong tranh của mình. Đó là cách trừu tượng thiên nhiên, gói ghém tất cả cảm xúc bằng một phương thức thể hiện để làm sao mà người ta nắm bắt được nó. Thoạt nhìn bằng mắt chúng ta không thấy được nhưng bằng tâm thức, ta lại cảm nhận nó.

Khán giả vẫn có thể nhìn thấy cánh đồng, đêm trăng hay một dòng sông; vẫn thấy sự cuồn cuộn chảy nhưng nó khác với thực tế. Nó được tái hiện lại bằng tâm thức của người nghệ sĩ và sau đó là tâm thức của người thưởng lãm, không phải bằng mắt mà bằng tất cả giác quan. Khi đó, người xem tranh còn có thể cảm nhận được tiếng động phát ra từ những bức tranh; thấy được sự va đập của chuyển động.

Vì thế, nó đòi hỏi một cách thực hành hội hoạ khác từ chính bản thân anh?

Tôi là một người rất thích đi. Ví dụ như khi muốn vẽ một khu rừng, tôi sẽ phải ra khu rừng đó ngồi; hoặc sẽ phải viếng thăm nó nhiều lần. Trong những lần đi thăm đó tôi thường ngồi trong khu rừng rất lâu, lắng nghe các tiếng động của nó: tiếng gió thổi, tiếng chim kêu, tiếng suối chảy, tiếng lá va đập vào nhau. Tôi nghe thấy cả những âm thanh nhỏ nhất, để thấy rằng, nó hoà quyện lại với nhau thành một bản nhạc giao hưởng thiên nhiên. Và điều đặc biệt là bản nhạc thiên nhiên này, ở âm thanh và nhịp điệu của nó, không bao giờ giống nhau.

Sự chuyển động này khiến tôi có một cảm xúc rất đặc biệt. Tôi chuyển đổi âm thanh đó, năng lượng dịch chuyển trong khu rừng đó bằng nét cọ trên khung canvas của mình. Khi mình tĩnh lặng nhìn ngắm đủ lâu và đủ sâu thì đến một lúc nào đó, cảm xúc đó sẽ trào ra.

Và anh sẽ cầm cọ lên vẽ khi cảm xúc dâng tràn?

Khi vẽ, tôi vẽ rất nhanh. Bức tranh lớn (ghép từ 3 tấm) trưng bày trong triển lãm “In Motion” lần này tôi đã vẽ trong một ngày. Tôi tạm gọi đó là tốc hoạ. Tôi cũng không phải dặm lại đường nét, màu sắc hay chờ đợi hay chỉnh sửa nhiều lần bởi khi cảm xúc trào ra tôi phải thu nhận và thể hiện nó ra nhanh nhất. Nếu để lâu, cảm xúc sẽ không còn nữa.

Tôi vẽ bằng acrylic, một chất liệu khô rất nhanh cũng là bởi vì như vậy. Tôi phải vẽ wet on wet (ướt trên nền ướt.) Vì thế, tôi có thể pha màu và tạo ra hiệu ứng trên bề mặt tranh một cách nhanh nhất để nó hoà hợp với nhau, tạo ra một bảng màu mà mình không chủ định trước. Đó cũng là cách tôi tái hiện lại dòng chảy thiên nhiên đã vận hành trong thế giới thật, một cách nhanh chóng và ngẫu nhiên của sự dịch chuyển.

Người xem có thể thấy được độ rung động cũng như tính nhịp điệu của thiên nhiên trong tác phẩm của tôi. Có những lúc rất du dương nhưng cũng có những lúc rất hối hả; có lúc gập ghềnh lại có lúc sâu thẳm tuỳ theo cảm xúc lúc vẽ. Có những lúc tôi không điều khiển được cây cọ của mình và để tự nó hoà sắc ở trên toan. Nó thực sự là một cách thể hiện của cuộc dấn thân vào trong thiên nhiên để thu lại một cảm xúc.

Điều đó cũng đòi hỏi một cách thưởng lãm khác từ công chúng?

Tôi là người tìm kiếm cảm xúc trong sự di chuyển chứ không phải theo kiểu đứng yên và chờ đợi; hay phải tưởng tượng ra một khung cảnh bởi tất cả tác phẩm của tôi đều có khung cảnh thực sự của nó.

Ví dụ như khi vẽ về rừng U Minh Thượng, tôi đem lòng đam mê khu rừng tràm ấy cả trước đó. Bên dưới rừng U Minh Thượng đã chứa đựng một ký ức đẹp. Với những người khác, đó có thể chỉ là một khu rừng bình thường nhưng với tôi, nó là cả một huyền thoại ẩn dấu ở bên dưới.

Khi vẽ một thứ tưởng như bình thường như vậy lên tranh, tôi lại muốn thấy sự sâu lắng, sự huyền thoại, một cái gì đó nhuốm màu tâm linh mà khi khán giả xem tác phẩm, cũng nhận lại được cảm xúc như vậy.

Tôi cũng chủ trương không đặt tên cho những bức tranh. Tôi muốn người xem tái tạo lại cảm xúc theo trực giác, sáng tạo và kinh nghiệm của họ. Họ có thể thấy một đầm lầy, một vùng ngập nước; họ có thể thấy sự phản chiếu của ánh sáng và họ cũng có thể thấy và cảm nhận được những cảm xúc tôi đã nhận được.

Bất cứ ai cũng có quyền sáng tạo lại. Và nếu sáng tạo đó trùng khớp với tôi thì đó sẽ gọi là đồng cảm còn nếu khác thì đó là sự dị biệt. Tôi rất thích sự dị biệt bởi nó có thể tạo ra nhiều cung bậc của một tác phẩm. Nó tiếp tục được sáng tạo thêm thay vì chỉ chìm đắm trong một chủ đề đã được gọi tên.

Cảm xúc đâu là chân thực giữa đứng trước khung toan và/để thể hiện cảm xúc khi đứng trong một khu rừng?

Thực ra có hai “loại” cảm xúc ở đây. Trước hết, tôi muốn truyền tải cảm xúc chân thật mình có ở giây phút đó. Khi cảm xúc đủ đầy và dâng trào thì tôi mới vẽ được. Còn không, tôi sẽ phải trực hoạ hoặc chụp lại cảnh đó để vẽ đúng tinh thần của nó.

Tranh của tôi không có một hình thù gì cụ thể cả. Đó là những mảng màu đan xen vào nhau, những tối - sáng, những khoảng - trống, sự tĩnh lặng, sự va đập. Ngay cả khi tôi vẽ một cánh đồng lúa, nó cũng là khoảnh khắc của sự chuyển đổi từ sáng đến tối; nó là cảm xúc của cuộc giành giật giữa ánh sáng và bóng tối, sự rung lắc và cảm xúc đan xen chứ không đơn giản là một cách đồng giữa lúc chạng vạng.

Tôi trung thực với cảm xúc của mình và vẽ đúng cảm nhận của bản thân. Nhưng đôi lúc tôi cũng không làm chủ được chuyện này. Có những lúc tôi phải vượt qua khỏi giới hạn này để có những sáng tạo đi xa hơn cảm xúc của mình đang có. Nó thể hiện ra ở kỹ thuật vẽ mà tôi sử dụng, như vứt màu lên toan hoặc tạo ra những vệt rất nhanh chóng; đi những đường cọ không kiểm soát cảm xúc để thể hiện được tinh thần mình mong muốn.

alt
Nguồn: Bobby Vũ.

Nếu một tác phẩm không đạt được trạng thái cảm xúc như vậy thì với tôi đó là bức tranh chưa hoàn thành, sẽ dừng lại và không vẽ nó nữa. Tôi sẽ trở lại nghiên cứu và đợi đến một lúc đủ đầy cảm xúc mới có thể tiếp tục hoàn thiện. Nếu vẫn không thể hoàn thành, đó sẽ là một tác phẩm thiếu sự đủ đầy và nó cứ nhạt nhoà, nửa phong cảnh, nửa trừu tượng.

Tôi phá tất cả phong cảnh để đến với trừu tượng.

Anh có chia sẻ “chuyện tâm linh” trong thực hành kiến trúc; yếu tố này thể hiện thế nào trong thực hành hội hoạ?

Với tôi, bản chất của tâm linh là sự tĩnh lặng; và sự tĩnh lặng đó là để mình hoà vào nơi chốn đó. Khi tâm tĩnh lặng mình sẽ thu nhận được tất cả chuyển động của thế giới bên ngoài. Như một mặt hồ, chỉ khi tĩnh lặng ta mới có thể phản chiếu được mọi thứ xung quanh. Khi gợn sóng, tất cả hình ảnh sẽ bị rối loạn, xé nhỏ và ta không thấy được tổng thể của nó. Tâm mình cũng giống như một mặt hồ, không chỉ nhìn thấy mà còn lắng nghe được nhiều hơn nếu tĩnh lặng.

Dù là kiến trúc hay hội hoạ, hay bất kỳ hành động nào trong cuộc sống, nếu không đủ tĩnh lặng mình sẽ không xử lý một cách tốt nhất. Khi tĩnh lặng, tôi vẽ một bức tranh có chiều sâu hơn. Khi tĩnh lặng để thiết kế, kiến trúc đó được tổ chức bằng sự gắn bó cả bên trong lẫn bên ngoài. Lúc đó, tác phẩm sẽ một tiếng nói từ bên trong bản thể thể hiện ra bên ngoài.

Bền vững tâm linh hay đúng hơn là làm cho tâm của mình vững chãi trước sự biến đổi với môi trường bên ngoài. Chỉ lúc đó mình mới đủ độ sâu và thời gian để hiểu được sự chuyển động và hiểu được tinh thần của nơi chốn.

Không gian nào giúp anh thực hành hội hoạ nhiều cảm hứng nhất?

Tôi là một người vẽ kỹ lưỡng và nghiêm khắc. Để tạo ra một hoạ phẩm, tôi không vẽ bằng cảm xúc nhất thời mà khi đã đủ đầy. Tôi có thể vẽ từ sáng sớm cho đến khi hoàn thành tác phẩm vào lúc tối mịt, đêm khuya hoặc sang ngày hôm sau. Tôi không vẽ giữa chừng… rồi dừng lại vì không muốn cảm xúc của mình bị đứt quãng; hay dòng dịch chuyển cảm xúc của mình bị gián đoạn.

Không gian vẽ nhiều cảm hứng nhất là Nhà San Hô - Maison de Corail do tôi tự thiết kế. Tôi mất 4 năm để hoàn thành công trình này, từ ý tưởng về cây tràm - loài cây mà tôi yêu thích và cảm thấy thú vị. Nó là một cây phèn, sống ở vùng ngập nước. Nó có hình dáng, màu lá như một cây cổ thụ. Màu sắc lá của nó giống cây liu, thân của nó rất xù xì và tạo nên sự rung động đặc biệt. Tôi thiết kế cả khu nhà nhìn ra khu rừng tràm như vậy. Tôi cảm thấy cây tràm như những người bạn rất thân. Tôi có thể đồng cảm và nói chuyện với loài cây này.

Với anh, có gì khác biệt giữa thực hành hội hoạ và thực hành kiến trúc?

Tôi vẫn song hành giữa kiến trúc và hội hoạ, vì nó giúp tôi thể hiện và diễn đạt được câu chuyện của mình. Nhưng bạn nhìn thấy những kiến trúc tôi thực hiện, bạn cũng sẽ có cảm giác như khi xem tranh tôi vẽ. Nó đều là sự hoà hợp với thiên nhiên. Giữa hội hoạ và kiến trúc tôi không phân biệt cái nào trọng, cái nào khinh. Đó là phương tiện biểu đạt tâm hồn mình. Lúc nào và bất cứ ở đâu, khi có điều kiện tôi đều có thể thực hiện nó.

Nếu chúng ta quay trở lại với lịch sử mỹ thuật đều sẽ thấy, nhiều hoạ sĩ đồng thời là kiến trúc sư, nhà toán học, triết học. Tôi nghĩ rằng, bản thể của thế giới này là nhất nguyên. Mỗi con người có rất nhiều hạt giống ở trong mình. Vấn đề là mình tưới tẩm hạt giống nào để nó có thể biểu hiện. Không có việc con người này sinh ra chuyên về kỹ thuật, hay con người khác chuyên về mỹ thuật.... Tất cả họ đều có những hạt giống như vậy trong mình, họ chuyên chú điều gì thì điều đó sẽ đâm hoa kết trái hạt giống đó.

Nếu mình phân tách kiến trúc ra khỏi hội hoạ bằng việc phân ngành như hiện đại thì đúng là khả năng sáng tạo sẽ bị giới hạn. So với một kiến trúc sư thiết kế công trình sẽ phải thỏa hiệp rất nhiều với chủ đầu tư, nhà quản lý, với vấn đề tài chính, kỹ thuật, thị trường… Những điều này khiến hạn chế sự bay bổng của người kiến trúc sư để họ không vượt quá.

Đối với hội hoạ, chỉ có người nghệ sĩ đối diện với khung toan và sự sáng tạo của họ. Mục đích cuối cùng của sáng tạo, thì kiến trúc hay điêu khắc, hội hoạ, thi ca, hay kỹ thuật đều đi tới mục đích để mọi người có thể thưởng lãm được nó. Tất cả các nghệ thuật đều giống nhau, đều dâng hiến cho người xem một tác phẩm hoàn hảo.

Và vì thế, trở về cái gốc nguyên sơ và không phân định, họ đều là những người làm sáng tạo.

Câu chuyện “hạt giống” và sự nảy mầm có thể là một ẩn dụ tuyệt vời nhưng trong quá trình phát triển và sáng tạo, anh có loại bỏ hạt giống nào bên trong mình?

Chúng ta không thể làm được nhiều thứ cùng lúc như xưa bởi môi trường cạnh tranh rất khắc nghiệt, đòi hỏi sự sắc bén trong một vài lĩnh vực nhất định. Tôi chọn song hành kiến trúc và hội hoạ bởi hai cái này có sự bổ trợ cho nhau. Khi tôi làm hội hoạ, nó giúp mình “kiến trúc” được một tổng thể và cảm nhận. Và khi công trình hoàn thành, tôi muốn cảm xúc đầu tiên không biến mất như khi tôi vẽ một bức tranh.

Tôi không thực hành điêu khắc vì đòi hỏi một kỹ năng rất khác, so với khi thực hành kiến trúc hay hội hoạ. Điêu khắc cần một sở trường rất riêng biệt. Cách tạo hình của tôi là tạo cho người xem một ý niệm về điều mình muốn diễn đạt, nó có thể vượt xa khỏi công năng của nó. Những hạt giống như vậy, tôi sẽ giữ ở một góc độ, cho công trình kiến trúc của mình.

Quay lại với triển lãm, anh tôn trọng tính gợi mở và không đặt tên cho các tác phẩm. Làm sao để người xem có thể dễ tiếp nhận hơn khi bước vào triển lãm?

Bản thân tác phẩm đã cho người xem biết, nói chuyện và thể hiện mà không cần một lời bình chú nào khác. Đối với tôi, các tác phẩm lần này là trừu tượng thiên nhiên; và bản chất của nó là luôn chuyển động. Vì thế, tôi không đặt tên để người xem có thể cảm nhận theo chiều hướng của riêng họ. Tốc độ tư duy và kinh nghiệm, nhạy cảm của họ về thiên nhiên có thể vượt xa hơn những điều mà anh có thể nhìn thấy từ thiên nhiên.

alt
Một trong những tác phẩm của KTS Hồ Viết Vinh trong trưng bày cá nhân Chuyển dịch - In Motion. | Nguồn: Bobby Vũ.

Tôi không muốn đóng khung tác phẩm của mình bằng một cái tên, hay một dòng chú thích. Tôi muốn tác phẩm của mình được tiếp tục sáng tạo nữa chứ không phải “chết” ngay từ khi anh ký tên trên bản vẽ, hay trưng bày. Trong triển lãm lần này, Lotus Gallery cũng có một sáng tạo rất hay. Họ cho mọi người được bình luận ẩn danh, chia sẻ những tưởng tượng của mình khi thưởng lãm tác phẩm.

Đối với tôi, một tác phẩm đủ ấn tượng sẽ khiến người xem phải dừng lại. Chính khoảnh khắc đó, họ cũng sẽ tĩnh lặng và muốn biết tác phẩm thể hiện điều gì. Và họ có thể vượt qua và không để ý đến một tác phẩm nào đó cũng điều bình thường.

Điều quan trọng là mình tìm thấy sự đồng cảm ở một vài tác phẩm của một hoạ sĩ. Khi mình hạnh phúc với một tác phẩm nào đó, với tôi như thế là đủ mà không cần phải biết hay cảm nhận tất cả các tác phẩm đang trưng bày. Tôi cũng sẽ hạnh phúc nếu người xem yêu thích một số bức, thay vì cả 18 hoạ phẩm trưng bày lần này. Tôi cũng không kỳ vọng khán giả sẽ thưởng thức toàn bộ tác phẩm của mình và yêu thích tất cả.

Một hướng dẫn đặc biệt của anh nhằm giúp công chúng thâm nhập thế giới nội tâm trong các tác phẩm trưng bày lần này?

Trong triển lãm lần này, khán giả có thể tiếp xác với các tác phẩm theo nhiều hướng khác nhau và không có một quy trình nào cả. Tôi nghĩ người xem cứ tự do thoải mái chuyển dịch trong không gian đó; khi yêu thích một tác phẩm tác phẩm ấn tượng thì dừng lại và dành thời gian nhìn ngắm nó.

Tôi tin vào trực giác và nó luôn mách bảo những điều rất đúng đắn. Tư duy thường là lối mòn chỉ cho ta đi theo cách mình có kinh nghiệm từ trước. Còn nếu được trực giác dẫn đường, nó sẽ chỉ ra cho ta những thứ thực sự ấn tượng.

Trực giác đã bảo mình không quan tâm thì mình có nhìn hay ngắm cũng không hiểu được; nếu có hiểu được thì cũng có đóng góp được sự thoải mái hay niềm hạnh phúc của mình. Thoải mái, thả lòng và dừng lại ở tác phẩm mà bạn thấy hấp dẫn. Nếu không, xin cứ bỏ qua.

‘Chuyển dịch – In Motion’ – một trưng bày cá nhân của Kiến trúc sư Hồ Viết Vinh, được đồng tổ chức bởi Lotus Gallery và Audi Việt Nam cùng sự đồng hành của Vietcetera và Saigon Cider. Khai mạc sẽ diễn ra vào lúc 18:30 ngày 01/09/2023 tại Audi Charging Lounge (số 6B Tôn Đức Thắng, Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM) và kéo dài đến hết 10/09/2023. Trưng bày mở cửa tự do (không thu phí) hằng ngày từ 09h00 đến 18h00.