Tình yêu dành cho mẹ là thứ tình cảm vô cùng phức tạp và nhiều cung bậc. Tôi yêu mẹ, thương mẹ, mà cũng ghét mẹ, oán trách mẹ. Ký ức về mẹ tràn ngập yêu thương mà cũng đầy đau đớn và thương tổn. Nói thật là nhiều lúc tôi chỉ muốn có một người mẹ bình thường. Nhưng như thế nào là bình thường? Liệu có người mẹ nào thực sự bình thường hay không?
Đến tận bây giờ, mẹ vẫn nhắc đi nhắc lại: “Tao không phải là đàn bà. Tao không có thiên chức làm mẹ” như từng nói với tôi từ ngày tôi còn bé. Tuỳ vào từng thời điểm trong cuộc đời mà phản ứng của tôi khi nghe câu nói này lại thay đổi.
Có lúc tôi cảm thấy phẫn uất, chỉ muốn gào lên "Thế mẹ lấy chồng đẻ con làm gì. Sao mẹ không sống độc thân đi?" Có lúc tôi lại thấy thương mẹ, tính cách mẹ là do trời sinh như vậy, dù muốn hay không, mẹ cũng không có sự lựa chọn. Đâu phải cứ sinh ra là phụ nữ là sẽ có thiên chức làm vợ, làm mẹ, sẽ muốn làm vợ, làm mẹ.
Mẹ tôi và những đợt sóng cảm xúc không kiểm soát
Tôi nghi là mẹ bị chứng rối loạn lưỡng cực. Với mẹ, chỉ có hai trạng thái, hoặc là quá vui đến mức kích động, hai là buồn bã, giận dữ đến mức tàn phá những người xung quanh. Khi mẹ vui, cả nhà cũng vui vẻ và nhẹ nhõm. Khi mẹ lên cơn, ngôi nhà như con thuyền ra biển gặp bão, nghiêng ngả, như sắp tan vỡ ra thành từng mảnh.
Mẹ có thể làm mọi người bất hạnh chỉ bằng sự hiện diện của mình, bằng khuôn mặt cau có, bằng giọng nói to quát tháo, bằng thái độ giận dữ. Năng lượng tiêu cực của mẹ nhanh chóng tỏa ra khắp căn phòng khi mẹ bước chân vào. Khi mẹ vui, thì nguồn năng lượng ấy lại chuyển thành một luồng sinh khí. Mẹ nói cười, truyền cảm hứng đến tất cả những người xung quanh.
Hạnh phúc hay bất hạnh trong gia đình tôi luôn phấp phỏng phụ thuộc vào tâm trạng của mẹ. Mỗi lần mẹ lên cơn, cả nhà chịu trận, cứ thế chòng chành theo những cơn cảm xúc thay đổi như thời tiết của bà. Sáng nắng, chiều mưa, đến tối lại bão giật đùng đùng.
Hồi bé tôi hay tưởng tượng căn nhà của mình như quả bóng bay còn mẹ là cây kim, chỉ cần mẹ chọc một cái là bóng nổ tan tành. Đến giờ mẹ vẫn đủ khả năng làm điều này. Mẹ có khả năng tàn phá tất cả những cuộc nói chuyện bởi những bình luận, chỉ trích, đay nghiến của mình. Tâm mẹ tốt nhưng lời mẹ nói ra như con mãng xà.
Ngày bé, tôi sợ những buổi hội họp giỗ tết, những lần có khách đến nhà chơi. Nhà tôi ít khách, bố mẹ cũng ít mối quan hệ, người ta quan hệ với nhau nếu không phải máu mủ ruột rà thì phải thấy vui, chả ai dại gì làm bia đỡ đạn, phải nghe lời phàn nàn của người khác. Mẹ cứ vớ được ai là trút nỗi giận của mình lên người đó, không quan tâm họ có muốn nghe hay không.
Đối với mẹ, chỉ có mình mẹ trong thế giới của mẹ, những người khác không tồn tại. Mẹ chỉ quan tâm đến điều mẹ muốn nói, cảm xúc mà mẹ đang có. Mẹ sống hoang dại, bản năng, lúc nào cũng như núi lửa sắp phun trào, những người ở gần sẽ chết cháy trước tiên.
Cha mẹ tôi là cái nợ của nhau
Ông ngoại tôi mất lúc mẹ mới hai tuổi, còn quá bé để cảm nhận việc mình có một người cha trong đời. Bà ngoại hiền lành, ít nói, chiều và thương mẹ lắm, cứ thế ở vậy nuôi đứa con duy nhất của bà. Mẹ không có anh chị em nên cũng không học được cách chung sống với người khác. Mẹ đã quen với việc cái gì cũng phải theo ý mình.
Cụ ngoại tôi là một trong những bác sĩ đầu tiên ở Hà Nội, sống trong gia đình tiểu tư sản giàu có ở mặt phố. Mẹ thường kể ngày còn bé tiêu xài rất phung phí. Bố tôi thì ngược lại, gia đình đông anh em, ông nội lại mù lòa, bà nội phải bươn bả nuôi tám người con. Nhà nghèo nên bố tiết kiệm từng đồng từng hào, đến lúc có tiền tính cách đó cũng chẳng thay đổi.
Mẹ tôi và bố tôi xuất thân từ hai hoàn cảnh, hai gia thế hoàn toàn khác nhau nên tính cách cũng khác nhau. Mẹ thì tính đàn ông, phóng khoáng, bố thì nhẹ nhàng thư sinh kiểu phụ nữ. Người ta hay trêu là nếu hai người họ đổi giới tính thì sẽ sống hạnh phúc.
Đời người có nhiều nỗi khổ, yêu nhau lại không được ở với nhau còn ghét nhau như chó với mèo lại phải dính vào nhau. Bố mẹ tôi chính là trường hợp thứ hai. Mẹ tôi hay bảo là "nợ" kiếp trước. Lấy nhau rồi kinh tế chồng chất khó khăn, mâu thuẫn ngày một nhiều lên, đến giờ vẫn không giải quyết hết được.
Bố tôi hay mẹ tôi có lỗi? Theo tôi, cả hai người cùng có lỗi. Họ là cái nợ của nhau. Ghét nhau mà phải sống cạnh nhau ngần ấy năm. Chị em tôi là nạn nhân của một gia đình có bố mẹ mâu thuẫn, bất hoà, thù ghét nhau. Tôi mệt mỏi khi phải nghe những lời ca thán của mẹ về bố, tôi cũng ghét và giận bố khi bố chỉ trích mẹ bằng những lời cay nghiệt. Họ đều khẩu nghiệp và cứ làm cho nghiệp của mình ngày một nặng hơn.
Điều an ủi duy nhất là may mà họ lấy nhau, không thì sẽ có thêm ít nhất hai người nữa phải chịu khổ.
Cơn giận dữ của một người bất hạnh
Hồi bé mẹ đánh tôi rất nhiều, có lần đến suýt ngất làm bác tôi phải chạy sang can. Không có ai đánh tôi ngoài mẹ, mẹ đánh rất đau và có lúc còn ném đồ vào người tôi. Lúc đó mẹ như con mãnh thú lồng lộn, và tôi là đối tượng để mẹ trút vào tất cả sự giận dữ và bất mãn của mình. Mẹ ghét tôi vì tôi hư, không chịu học hành, chỉ thích xem phim và la cà bạn bè.
Nhưng tôi nghĩ lý do thực sự mà mẹ ghét tôi là vì tôi giống bố. Tôi giống bố về cả khuôn mặt và một số nét tính cách, những tính cách mẹ ghét cay ghét đắng ở bố giờ lại thấy biểu hiện ở tôi. Mẹ ghét bố nên ghét lây sang tôi.
Tôi nhận ra điều này khi đã làm mẹ. Đôi lúc tôi thấy ghét chính bản thân mình, và khi thấy con tôi có những biểu hiện giống tôi thì tôi cũng ghét nó. Chỉ đến khi tôi học được cách chấp nhận bản thân, chấp nhận những khiếm khuyết của mình, tôi mới thôi không ghét con một cách vô lý như thế.
Sau này, tôi đọc về đạo Phật và sách của thiền sư Thích Nhất Hạnh. Ông nói rằng ai mà giận dữ và trút sự giận dữ lên người khác phải là một người rất đau khổ. Vì không giải quyết được đau khổ của mình, họ chỉ có cách trút lên người khác mà thôi. Họ không muốn thế nhưng chính họ cũng đang bế tắc trong sự đau khổ và không tìm được cách thoát ra khỏi tù ngục của quá khứ.
Khi ngộ ra điều đó, theo thiền sư, trái tim mình ứa ra một giọt tình thương với người kia, mình không giận nữa mà thấy thương họ.
Có bao nhiêu người con cũng như tôi? Yêu mẹ, thương mẹ, xót mẹ nhưng cũng ghét mẹ, giận mẹ, oán trách mẹ. Vì đâu mà mẹ lại có nhiều quyền lực đến thế? Vì sao mẹ lại muốn kiểm soát cuộc đời chúng ta? Muốn nhào nặn chúng ta, muốn chúng ta phải thực hiện những điều mà mẹ cho là đúng và nên làm?
Chấp nhận mẹ là lựa chọn duy nhất tôi có
Tôi đã đọc hết cuốn sách "Hãy chăm sóc mẹ" của tác giả Shin Kyung-sook. Cuốn sách nói về việc người mẹ đột ngột mất tích để lại những khoảng trống trong lòng những người ở lại, trong đó có người chồng và những đứa con. Mọi người cứ thế hưởng thụ tình yêu thương của mẹ mà chẳng quan tâm đến việc mẹ thích gì, muốn gì, thậm chí còn chẳng hiểu mẹ là ai.
Tôi không thể so sánh người mẹ trong cuốn sách với mẹ mình. Tôi biết rõ về mẹ vì mẹ lúc nào cũng nói về bản thân. Thế mẹ có hiểu về tôi không? Mẹ có bao giờ hỏi tôi cảm thấy thế nào, đang vui hay đang buồn? Em gái tôi cũng có cảm nhận như thế. Mẹ chỉ trách móc mà chẳng bao giờ hỏi nó đang trải qua những chuyện gì.
Mẹ chẳng bao giờ dạy tôi nấu ăn, chẳng bao giờ dạy tôi cách buộc tóc, ăn mặc, trang điểm, cách chăm sóc bản thân, con gái lấy chồng thì phải thế nào. Những gì thuộc về tính nữ tôi đều không được học từ mẹ. Mẹ không thể dạy tôi cái mà mẹ không có. Nhưng tôi lại học được từ mẹ những điều khác, và quan trọng nhất là học từ những sai lầm của mẹ để không lặp lại.
Thế hệ của mẹ không được học cách bày tỏ tình cảm. Người Việt rất ít khi nói "yêu con, thương con" mà chỉ biểu hiện bằng hành động. Dù vậy, tôi vẫn không thể phủ nhận sự thật rằng mẹ là người ích kỷ. Em gái tôi bảo đó là chứng ái kỷ, chỉ yêu bản thân. Mẹ sẽ luôn là như vậy, chỉ có tôi phải học cách chấp nhận mẹ, chấp nhận số phận của mình.
Dù giận nhưng tôi vẫn ghét những người chỉ trích, trách móc mẹ. Dù sao bà cũng đã hy sinh cả tuổi xuân cho chị em tôi. Khi mẹ còn trẻ, khoẻ, xinh đẹp, tóc còn dài và đen nhánh, tôi đâu có nhớ. Tôi chỉ nhớ đến hình ảnh khi mẹ đã xế chiều, tóc đã rụng và bạc nhiều, người cũng không còn thon gọn mà xồ xề. Những nếp nhăn trên trán, những vết đồi mồi trên mặt như dấu vết của thời gian. Mẹ không thể quay trở lại làm cô gái trẻ tuổi, tóc dài, thanh lịch của tuổi 20.
Sau này, hẳn là con tôi sẽ không nhớ về tôi khi còn trẻ, lúc nó vẫn còn khen mẹ là xinh đẹp như bây giờ. Lúc ấy nó lại xót mẹ, khi thấy mẹ đã già nua héo úa. Thật là buồn khi hình ảnh một người mẹ đọng lại trong tâm trí những đứa con lại không phải là hình ảnh đẹp nhất tuổi thanh xuân của mẹ. Như tôi chỉ có thể xem lại những tấm ảnh cũ để tưởng tượng "mẹ đã từng đẹp như thế, đã từng trẻ như thế" và lưu lại hình ảnh đó trong tâm trí.
Lá thư này tôi sẽ chẳng bao giờ gửi mẹ, có lẽ mẹ cũng sẽ không bao giờ đọc được. Tôi muốn chia sẻ với bạn một trích đoạn trong đoản văn "Bông hồng cài áo" của thiền sư Thích Nhất Hạnh để thay lời kết. "Mẹ là một dòng suối, một kho tàng vô tận, vậy mà lắm lúc ta không biết, để lãng phí một cách oan uổng. Mẹ là một món quà lớn nhất mà cuộc đời tặng cho ta, những kẻ đã và đang có mẹ. Đừng có đợi đến khi mẹ chết rồi mới nói: "Trời ơi, tôi sống bên mẹ suốt mấy mươi năm trời mà chưa có lúc nào nhìn kỹ được mặt mẹ!"