Làm thế nào để tìm được ý nghĩa cuộc sống và giá trị của bản thân? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Làm thế nào để tìm được ý nghĩa cuộc sống và giá trị của bản thân?

Và làm sao để ta có thể duy trì bản sắc cá nhân, cũng như một cuộc sống có ý nghĩa?
Làm thế nào để tìm được ý nghĩa cuộc sống và giá trị của bản thân?

Nguồn: Khooa Nguyễn cho Vietcetera

Chúng ta thường nghe người khác nói rằng, đừng lo, hãy cứ là chính mình và mọi thứ sẽ ổn. Tuy nhiên, chẳng ai cho ta hay rằng phải tìm chính mình ở đâu, hay là làm sao để xác định đâu là chính mình giữa muôn vàn trạng thái cảm xúc, hay muôn vàn thứ bản sắc khác nhau mà ta vừa sở hữu, vừa tự dàn dựng lên với cuộc đời.

Thêm vào đó, sự phức tạp và đa diện của cuộc sống dễ khiến ta cảm thấy bối rối. Đối diện trước quá nhiều sự lựa chọn, phải cân nhắc giữa những lối sống khác nhau, làm sao để chúng ta có thể đưa ra quyết định đúng đắn và chắc chắn rằng đó là cuộc sống có ý nghĩa như mình mong muốn?

Ý nghĩa cuộc sống nằm ở mục đích hay hành trình sống?

Nhiều người sống với những mục đích và mục tiêu rõ ràng: năm nay tốt nghiệp, năm sau đi làm, tới lúc này thì tậu xe hay mua nhà, v.v. Với họ, cuộc sống giống như một danh sách to-do-list không hồi kết, và niềm vui sống của họ tới từ việc đánh dấu vào từng ô trống bên cạnh từng hạng mục trong danh sách đó. Chính những mục tiêu đó là thứ giúp họ thức dậy vào buổi sáng và tìm thấy năng lượng để có thể tiến vào ngày mới.

Nhưng cũng có những người coi mục tiêu, mục đích sống không quá quan trọng. Họ vẫn có những mục đích nhất định trong cuộc đời, nhưng trái với các chủ sở hữu của những to-do-list, họ không quá quan tâm tới chuyện mình có đạt được mục đích hay không. Điều quan trọng đối với những người này là họ đã dám làm, dám thử, dám dấn thân.

25aug2023dsc03793jpg
Ý nghĩa cuộc sống nằm ở hành trình hay ở điểm đến? | Nguồn: Khooa Nguyễn cho Vietcetera

Thứ tạo ra ý nghĩa cho cuộc sống của họ không phải là cảm giác thỏa mãn của việc đạt được mục tiêu, mà là những cơn sóng adrenaline chạy trong người khi họ sống và cố gắng đạt được những mục tiêu ấy. Ở hình hài cực đoan nhất, những người này không đặt ra mục tiêu hay mục đích nào mà sống một cách thoải mái, tự do di chuyển để nhìn ngắm thế giới và coi bốn bể là nhà.

Vậy ý nghĩa cuộc sống nằm ở trải nghiệm, hay ẩn nấp trong mục đích cuối cùng mà ta đề ra? Trên thực tế, hai quan điểm này như hai cực bổ sung cho nhau, bởi ở từng giai đoạn của cuộc đời, ta sẽ tìm thấy ý nghĩa ở một cực.

Bạn có thể nghĩ rằng, ồ tất nhiên rồi ý nghĩa nằm ở cả hai, quả là một câu trả lời “đúng bài.” Nhưng nếu thực sự phân tích và suy xét về cả hai mặt của đồng xu ý nghĩa, ta nhận ra rằng đồng xu buộc phải có hai mặt thì mới có thể tồn tại một cách vẹn nguyên nhất. Bởi nếu coi ý nghĩa chỉ nằm ở mục đích, tức là ta đang hi sinh những ngày tháng thường nhật và những điều nhỏ nhặt cho một viễn cảnh trong tương lai - điều mà chưa chắc đã xảy ra như ý ta muốn.

Nhưng nếu cứ đinh ninh rằng ý nghĩa cuộc sống nằm ở những trải nghiệm hàng ngày, ta dễ rơi vào vòng xoáy đơn điệu của những thứ thường nhật và dần trở nên vô định. Vì thế, để cân bằng cả hai, ta có thể xác định rằng mục đích sống nằm ở chính thời khắc hiện tại. Có thể đó chỉ là những điều nhỏ nhặt: nấu bữa ăn ngon, hoàn thiện công việc thật chỉn chu, v.v. Nhưng việc đặt mục đích theo ngày như vậy sẽ giúp ta có thể cân bằng giữa cả hai mặt của đồng xu.

Còn với những mục đích khác lớn hơn, chúng sẽ nằm ở thì tương lai, việc ta làm được hay không còn tùy vào nhiều yếu tố. Để sống một cách có ý nghĩa nhất, ta không nên quá kỳ vọng vào tương lai và dốc toàn lực cho hiện tại. Ta đi về tương lai bằng những viên gạch vững chắc của ngày hôm nay.

Tìm mình trong thế giới liên tục áp đặt ta

Sự sống của con người khởi đầu với một mâu thuẫn: ta sinh ra không có gì ngoài tiếng khóc và một cơ thể. Cuộc sống của một đứa trẻ mới sinh ra, đối với nó, là rỗng nghĩa. Ý nghĩa sẽ từ từ được đổ đầy khi đứa trẻ lớn lên. Nhưng ở chiều ngược lại, một đứa trẻ sinh ra - thậm chí chưa ra đời - đã phải nhận vô vàn ý nghĩa mà người khác gán cho nó.

25aug2023dsc03626jpg
Ý nghĩa không chỉ do ta đổ vào, mà còn do người khác xây dựng và áp đặt. | Nguồn: Khooa Nguyễn cho Vietcetera

Người bố muốn con mình sau này thành vận động viên bóng đá giống ông ta. Người mẹ thì mong rằng sau này con sẽ trở thành một kỹ sư tài năng. Bà của đứa trẻ thì chắc mẩm, cháu bà sẽ xinh đẹp lắm đây. Tất cả những thứ như vậy là ý nghĩa do người khác đổ vào ta, và dần dà, chúng trở thành những sự áp đặt theo nhiều mức độ khác nhau: phải đá bóng, phải học kỹ sư, phải xinh đẹp theo kỳ vọng của người khác.

Vậy làm thế nào để ta tìm thấy giá trị độc nhất của bản thân mà không lẫn lộn với những kỳ vọng xung quanh mình? Làm sao ta biết rằng đây thực sự là lựa chọn của ta, là ta đang chọn cái ta thực sự muốn, chứ không phải đang sợ bỏ lỡ hay chiều lòng người khác?

Câu trả lời trực diện nhất cho vấn đề này có lẽ là sự đầu tư vào bản thân. Để xác định mình là ai, tìm xem mình muốn gì hay cần gì, thì chẳng có cách nào khác ngoài gặp gỡ và trò chuyện với chính mình.

Điều này không nhất thiết phải thực hiện thông qua những hoạt động theo hơi hướng thiền định hay tự đối thoại, mà có thể là những hoạt động thể chất như tập thể thao hay đi du lịch. Rèn luyện cả thân thể lẫn tâm trí, ta sẽ từ từ nhận ra giá trị của mình. Và nếu như ta chưa thấy tính độc đáo, thì có lẽ là bởi ta chưa dành đủ thời gian cho bản thân đó.

Tuy nhiên, việc thuyết phục bản thân thực hiện những hoạt động đó không phải là dễ dàng. Có những khi ta quá tin vào trực giác khi thoáng nghĩ rằng, đây không phải việc mình muốn làm, không phải thứ mình muốn có. Trong khi đó, trực giác chỉ là một cảm nhận nhất thời và cũng có thể sai. Vì thế, ta cần tĩnh tâm để tránh nhầm lẫn những sự tùy hứng nhất thời với sự đúng đắn tuyệt đối.

Hãy dựa vào trải nghiệm và kinh nghiệm đã có để đánh giá chính xác xem đây có phải điều bản thân muốn làm hay không. Lúc năng lượng tràn đầy và lòng bình an chính là thời điểm phù hợp nhất để ra quyết định. Và cũng chỉ khi tâm ta lắng, thì ta mới có thể trả lời xem điều mình đang cảm thấy là đam mê nhất thời, hay là những giá trị lâu dài cho đời sống của ta.

Tập cuối cùng của podcast Bạn thân - Bản thân gồm những câu trả lời của thầy Minh Niệm cho những câu hỏi mà khán giả của chương trình đặt ra. Cùng lắng nghe những chia sẻ từ thấy và chiêm ngưỡng những khung hình bình dị, thanh thản, và dễ thương của thiên nhiên nhé.