Là một trong những nhà đầu tư Mỹ đầu tiên trở lại Việt Nam từ năm 1994, trải qua 26 năm với nhiều biến động từ môi trường, kinh tế và xã hội, Coca-Cola đã tạo ra hơn 2.300 việc làm, đóng góp trung bình mỗi năm khoảng 3.500 tỷ vào GDP quốc gia và đang cùng với các đối tác thực hiện những chương trình thực tiễn để đóng góp cho cộng đồng thông qua chiến lược phát triển bền vững của tập đoàn, trong đó tập trung vào 4 các yếu tố: nước, phụ nữ, nâng cao chất lượng sống cho cộng đồng, quản lý rác thải nhựa và tái chế.
Tuỳ vào thách thức mà cộng đồng đang đối mặt tại mỗi thời điểm cụ thể, Coca-Cola luôn có những chương trình phù hợp với chiến lược phát triển bền vững của công ty để cùng đối tác địa phương hỗ trợ cộng đồng. Như trong giai đoạn dịch COVID vừa qua, Coca-Cola Việt Nam đã ủng hộ 8 tỷ đồng cho cho đội ngũ ý bác sĩ và cộng đồng bị ảnh hưởng…
Để tìm hiểu kỹ hơn về những chương trình CSR của Coca-Cola cũng như cách để các doanh nghiệp có thể chủ động hơn trong công tác CSR của mình, chúng tôi đã trao đổi cùng chị Lê Từ Cẩm Ly, hiện là Giám đốc Đối ngoại, Truyền thông và Phát triển Bền vững Coca-Cola Đông Dương.
Coca-Cola dựa vào những tiêu chí nào để lựa chọn vấn đề và hạng mục cần phân bổ ngân sách CSR của doanh nghiệp?
Coca-Cola tập trung ưu tiên phát triển bền vững xoay quanh 4 trọng tâm: nước, phụ nữ, nâng cao chất lượng sống cho cộng đồng, quản lý rác thải nhựa và tái chế. Vì vậy, ngân sách CSR cũng sẽ được phân bổ cho các hoạt động nhắm đến 4 trụ cột quan trọng này. Trong năm 2017 và 2018, Coca-Cola đã đầu tư 86 tỷ đồng cho các sáng kiến CSR tại Việt Nam. Thời gian tới, công ty sẽ cố gắng tiếp tục đầu tư ngân sách cho các hoạt động này tùy theo nhu cầu và tình hình xã hội.
Các chương trình CSR của Coca-Cola mang đến giá trị gì cho cộng đồng tại Việt Nam và có ý nghĩa như thế nào đối với doanh nghiệp?
Coca-Cola luôn hướng đến việc mang lại sự hứng khởi cho thế giới, tạo sự khác biệt đối với cuộc sống của mọi người, cộng đồng và hành tinh của chúng ta (Refresh the world. Make the difference). Tầm nhìn của chúng tôi là tạo ra những thương hiệu đồ uống được mọi người yêu thích, được thực hiện thông qua hoạt động kinh doanh bền vững và kiến tạo một tương lai được sẻ chia tốt đẹp hơn.
Chúng tôi cũng nhận thấy rõ trách nhiệm trong việc lan tỏa tư duy, nhận thức và chia sẻ kinh nghiệm cho cộng đồng các doanh nghiệp trong nước; từ đó không ngừng hoàn thiện hình ảnh một đối tác đồng hành quan trọng và đáng tin cậy.
Các chương trình CSR không những thể hiện trách nhiệm của Coca-Cola đối với địa phương, đất nước nơi chúng tôi hoạt động, mà còn là động lực để Coca-Cola không ngừng đầu tư, đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững để mang đến nhiều hơn nữa những thay đổi tích cực cho cộng đồng địa phương.
Những yếu tố nào làm nên một chiến dịch hoặc chương trình CSR hiệu quả?
Một chiến dịch hay chương trình xã hội hiệu quả trước hết phải đáp ứng được nhu cầu địa phương, phù hợp với chiến lược ưu tiên của công ty, được triển khai dựa trên mối quan hệ hợp tác công tư, và có định hướng phát triển lâu dài.
Để thực sự thấu hiểu được những khó khăn và trăn trở của địa phương và giải quyết nhu cầu của họ, chúng tôi thường hợp tác cùng chính phủ, chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội trên mối quan hệ hợp tác công tư để từ đó đưa ra các giải pháp thực sự hiệu quả. Bằng cách làm này, những chương trình và chiến dịch CSR của Coca-Cola đã và đang đóng góp tích cực cho xã hội.
Chỉ riêng giai đoạn 2015-2018, chúng tôi đã bồi hoàn 31,8 tỷ lít nước cho cộng đồng và thiên nhiên. Thông qua các chương trình CSR của chúng tôi, đã có 82 ngàn người hưởng lợi trực tiếp và gián tiếp được tiếp cận nước máy và nước uống; 2.368 phụ nữ được hưởng lợi từ các chương trình chia sẻ kiến thức và hỗ trợ tư vấn kinh doanh; nhiều sáng kiến thu gom, tái sử dụng rác thải được triển khai trên cả nước.
Bên cạnh những kết quả tích cực này, các chiến dịch CSR của Coca-Cola cũng cho thấy sự hiệu quả khi được triển khai một cách bài bản và thuộc chiến lược ưu tiên phát triển bền vững lâu dài của công ty xoay quanh 4 yếu tố kể trên. Mỗi chương trình CSR mà chúng tôi thực hiện đều hướng đến một chiến lược chung, nhờ vậy, chúng tôi có thể nhìn thấy bức tranh toàn cảnh và vạch ra hướng đi đúng đắn, phù hợp với doanh nghiệp của mình và xã hội.
Chị có thể chia sẻ về một số chương trình CSR đang được thực hiện bởi Coca-Cola?
Về các dự án về nước sạch và bảo tồn thiên nhiên:
Từ năm 2015-2018, Coca-Cola Việt Nam đã bồi hoàn 31,8 tỷ lít nước cho cộng đồng và thiên nhiên với 82 ngàn người hưởng lợi trực tiếp và gián tiếp được tiếp cận nước máy và nước uống. Riêng sáng kiến EKOCENTER đã và đang cung cấp hơn 3 triệu lít nước sạch cho người dân tại 12 tỉnh/thành trên toàn quốc.
Coca-Cola cũng đầu tư 34,1 tỷ đồng để nâng cấp nhà máy xử lý nước thải tại Đà Nẵng; đầu tư 6,8 tỷ đồng vào dự án khu bảo tồn Tràm Chim hợp tác cùng WWF; hợp tác cùng IUCN triển khai dự án Monkey Cheek nhằm góp phần giảm bớt tình trạng hạn hán và lũ lụt trầm trọng đang diễn ra tại ĐBSCL, đầu tư 4,6 tỷ đồng cho dự án sinh kế bền vững dựa vào lũ cho người dân khu vực ĐBSCL; triển khai dự án Nước sạch cho cộng đồng ở các khu vực Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hòa và Hồ Chí Minh; dự án Nước uống sạch cho trường học Việt Nam; các dự án hợp tác cùng CFC…
Về các chương trình nâng cao năng lực kinh tế cho phụ nữ:
Thông qua hợp tác với Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam (VWEC) và Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Coca-Cola đã tổ chức các khóa đào tạo trực tuyến e-learning, tiếp cận hơn 1.300 học viên nữ để chia sẻ và hỗ trợ tư vấn kinh doanh để cung cấp kiến thức kỹ năng khởi nghiệp và kế hoạch tài chính hoàn chỉnh.
EKOCENTER, một dự án cộng đồng được Coca-Cola khởi xướng nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác công – tư trên toàn cầu đã được triển khai tại Việt Nam từ năm 2015.
Bên cạnh những tiện ích hoàn toàn miễn phí được xây dựng theo mô hình chuẩn, Trung tâm Hỗ trợ Cộng đồng EKOCENTER còn nổi bật bởi mục tiêu trọng tâm của dự án là hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực cho phụ nữ địa phương, tạo cho họ cơ hội làm chủ kinh tế, độc lập và tự chủ hơn trong thời đại mới, cũng như hỗ trợ vốn khởi nghiệp ban đầu cho người vận hành Trung tâm. Đến năm 2018, đã có 12 EKOCENTER được đưa vào hoạt động trên khắp cả nước
Về các chương trình sức khỏe & phúc lợi cộng đồng:
Chương trình “Vui tết cùng Coca-Cola” được tổ thức thường niên từ năm 2007 đã mang hàng ngàn phần quà và niềm vui đến cho những hộ gia đình khó khăn trên cả nước.
Từ năm 2011, Coca-Cola đã đóng góp hơn 245.000 USD cho Quỹ cứu trợ thiên tai khẩn cấp (DREF) của Hội chữ thập đỏ quốc tế, Hội chữ thập đỏ Việt Nam, đóng góp vào các hoạt động cứu trợ thiên tai và hỗ trợ hơn 42.000 nạn nhân gặp lũ lụt ở khu vực ĐBSCL.
Về quản lý rác thải và nhựa tái chế:
Coca-Cola triển khai chiến lược World Without Waste (Vì Một Thế Giới Không Rác Thải) từ năm 2018, xoay quanh ba trụ cột Thiết kế, Thu gom và Hợp tác.
Từ kinh nghiệm của mình, chị có thể chia sẻ cách để các doanh nghiệp khác có thể chủ động hơn trong công tác CSR của mình?
Doanh nghiệp chỉ có thể chủ động trong công tác CSR khi họ xem CSR là cốt lõi trong việc xây dựng doanh nghiệp bền vững. Công tác CSR cần phải được đặt vào trọng tâm của hệ sinh thái doanh nghiệp, tương tự như các hoạt động marketing, tài chính, kỹ thuật… chứ không phải là hoạt động thêm vào, chỉ khi có ngân sách doanh nghiệp mới nghĩ đến.
Tại Coca-Cola, chúng tôi luôn ưu tiên các mục tiêu phát triển bền vững bằng cách đẩy mạnh các hoạt động CSR của mình. Ví dụ, ngay cả trong giai đoạn khó khăn như COVID-19 vừa qua, Coca-Cola vẫn kiên định với định hướng này bằng việc cắt giảm ngân sách marketing để thực hiện các hoạt động cứu trợ cộng đồng.
Cuối cùng, chị có thể chia sẻ kế hoạch CSR sắp tới của Coca-Cola Vietnam?
Thời gian tới, chúng tôi vẫn cam kết theo đuổi chiến lược kinh doanh dài hạn trở thành công ty nước giải khát toàn diện. Về sản phẩm, chúng tôi sẽ liên tục cân nhắc đến khẩu vị đa dạng của khách hàng, đồng thời chú tâm nghiên cứu để điều chỉnh và cải tiến công thức, giảm lượng đường một cách hợp lý, hướng đến việc mang lại lợi ích đối với sức khỏe cho người dùng thông qua danh mục các sản phẩm.
Chúng tôi cũng sẽ đẩy mạnh cam kết của mình trong việc hoàn thiện chuỗi giá trị nội địa và tiếp tục ưu tiên các mục tiêu phát triển bền vững xoay quanh bốn yếu tố chính gồm nguồn nước, phụ nữ, nâng cao chất lượng sống cho cộng đồng, quản lý rác thải nhựa và tái chế.