Linda Lê: Trước khi viết "chất" hãy viết chuẩn | Vietcetera
Billboard banner

Linda Lê: Trước khi viết "chất" hãy viết chuẩn

Và quan trọng chẳng kém, lao động và không ngừng xem lại những gì ta đã viết.
Linda Lê: Trước khi viết "chất" hãy viết chuẩn

Nhà văn, nhà viết tiểu luận văn chương Linda Lê.

Linda Lê là nhà văn gốc Việt có những tác phẩm lớn trên văn đàn nước Pháp đương đại. Từ Tình ca ác quỷ đến Sóng ngầm, bà đã viết nên những truyện ngắn và tiểu thuyết không phải đẹp như mơ mà là xinh như ác mộng.

Tác phẩm của Linda Lê luôn tỏa ra khí chất riêng, bằng lối sử dụng tiếng Pháp nhuần nhuyễn, hành văn điêu luyện, linh hoạt. Nhưng ít ai biết rằng, nữ nhà văn gốc Việt thực chất là "giáo chủ thuần túy chủ nghĩa" khi mới vào nghề. Nghĩa là, bà chọn viết chuẩn trước khi viết "chất."

Linda Lê cũng chỉ ra ngụy biện mà không ít người viết mới vẫn tự "lừa dối" bản thân: viết thiếu cẩn trọng nhưng tưởng là đang sáng tạo, có chất riêng.

Đừng nhầm lẫn giữa viết thiếu cẩn trọng và viết có chất riêng

Hầu hết các tác phẩm của Linda Lê đều có nhân vật chính liên quan đến nghề viết lách hoặc đọc sách. Nhân vật chính trong Tình ca ác quỷ hay Sóng Ngầm đều là nhà văn, làm nghề hoàn thiện nội dung sách. Trong khi đó, nhân vật trung tâm trong tiểu thuyết Vượt Sóng là nhà văn và nhà báo mảng văn hóa - văn nghệ.

Điều này không chỉ phản ánh được sự phân thân hay hóa thân của nhà văn Linda Lê vào tác phẩm, mà còn minh chứng rằng, bà xem việc viết lách là lao động thiêng liêng, cần sáng tạo nhưng cũng phải cẩn trọng.

Trong tiểu thuyết Sóng Ngầm, Linda Lê đã để Văn - một người làm nghề hoàn thiện nội dung và viết sách chỉ ra lối viết sai mà cứ tưởng là chất của những người mới vào nghề.

Hồi mới vào nghề, tôi là giáo chủ thuần túy chủ nghĩa, không dung từ vay mượn tiếng Anh, những sự đại khái, lạm dụng từ mới, lẫn những lỗi sai núp bóng hiện đại.

Thậm chí, Linda Lê còn để nhân vật này "la làng khi tác giả nào viết bất thành cú, chấm phẩy loạn xạ, tự cho mình dùng những phép ẩn dụ được tiếng mạnh dạn nhưng rời rạc. Tôi gạch bỏ và nắn lại những câu rồng rắn đại từ quan hệ."

Linda Lê, thông qua lời của nhân vật Văn, cho rằng việc viết thiếu cẩn trọng chỉ làm hỏng mắt người đọc. Và chẳng chóng thì chầy, người viết sẽ ảo tưởng mình viết "chất", còn người kiểm duyệt nội dung và người đọc sẽ cảm thấy chán ngán, và muốn từ bỏ.

Làm sao để viết chuẩn mà vẫn ra "chất"?

Trên thực tế, Linda Lê có mẹ là người Pháp và cha là người Việt Nam. Bà viết văn bằng tiếng mẹ đẻ, nghĩa là tiếng Pháp. Trái khoáy là ở chỗ, bà học tiếng Pháp như một ngôn ngữ vay mượn thay vì ngôn ngữ đã làm quen từ bé là tiếng Việt. Các tờ báo lớn đánh giá trình độ tiếng Pháp của bà ở mức sáng tạo ngôn từ.

Cách học tiếng Pháp và thậm chí là ngôn ngữ của Linda Lê hết sức đặc biệt, không qua các tình huống mà qua cách đọc sách kinh điển của Victor Hugo, Honoré de Balzac...

Theo Linda Lê, chính việc đọc sách, đặc biệt là các tác phẩm kinh điển sẽ giúp cho khả năng viết, cảm thụ của chúng ta tăng lên rất nhiều. Việc làm chủ những tinh tế của ngôn ngữ (vay mượn) là bằng chứng cho sự bén rễ trong lĩnh vực viết lách, văn chương.

Cũng theo bà, những mẫu câu súc tích cô đọng hàm ý, hoặc một văn bản tràn ứ những từ hiếm, từ lóng có vẻ lỗi thời cũng giúp tạo ra lối viết riêng của một người.

Để tạo ra những con chữ đầy sức nặng, bí quyết của Linda Lê chính là lao động và không ngừng xem lại những gì mà ta đã viết. Chính việc đào sâu và không ngừng làm mới sẽ tạo ra một bộ mặt và độ sâu của một tác phẩm.

Điều này có lẽ thể hiện rất rõ ở tác phẩm đầu tay của bà, Tình ca ác quỷ. Trong đó, nhân vật chính trong vai nhà văn đã không ít lần "đập đi viết lại" để tạo ra một tác phẩm mẫu mực, và được mọi người công nhận.

Linda Lê không có những nề nếp thường nhật, ngoài việc đọc và viết về đêm, khi thành phố đã yên giấc. Tuy nhiên, ngoài đọc và viết, Linda Lê cũng chỉ ra một yếu tố khác là lắng nghe thế giới.

Bà cho rằng, đời thực khác xa với văn chương. Ám ảnh là thứ chất liệu để mỗi người kể câu chuyện riêng với giọng nói riêng thông qua viết lách. Nhưng chính việc lắng nghe thế giới sẽ giúp mình biết đang viết gì, viết như thế nào, và kể lại câu chuyện của riêng mình ra sao?

Và quan trọng hơn, theo Linda Lê, hãy gìn giữ, trong bất cứ việc gì, niềm đam mê của những khởi đầu.

Ngày 09/05/2022, nhà văn Pháp gốc Việt Linda Lê qua đời ở tuổi 59 sau một thời gian dài mắc bệnh. Bà đã để lại nhiều tác phẩm văn chương bao gồm tiểu thuyết, truyện ngắn, phê bình độc đáo. Linda Lê được đánh giá là nhà văn đương đại nổi bật và từng lọt vào chung khảo Goncourt, giải văn chương nổi tiếng bậc nhất nước Pháp.

Tạm biệt Linda Lê. Cảm ơn bà vì tất cả.