Lương tháng 13 ở các quốc gia: Nhiều điểm khác nhau, chung một ý nghĩa | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu

Lương tháng 13 ở các quốc gia: Nhiều điểm khác nhau, chung một ý nghĩa

Cứ tưởng chỉ nước mình có lương tháng 13, hóa ra nước khác còn có cả... lương tháng 14!
Lương tháng 13 ở các quốc gia: Nhiều điểm khác nhau, chung một ý nghĩa

Nguồn: The Wolf of Wall Street

Vài ngày trước, tôi trò chuyện với một người thân đang làm kỹ sư ở Nhật Bản. Giống như tất cả các cuộc trò chuyện dịp cuối năm, sau những câu chuyện nhỏ nhặt, chúng tôi hỏi nhau về lương và thưởng dịp lễ.

Khi tôi bày tỏ sự hào hứng của mình về lương tháng 13, anh nháy mắt bảo tôi rằng: "Đã nhằm nhò gì, ở Nhật còn có cả lương tháng 14." Điều này làm tôi ngạc nhiên, bởi nói vậy tức là người lao động ở nước này được thưởng hai tháng lương trong một năm.

Sự ngạc nhiên ấy khiến tôi tò mò: sao lại có chuyện nhận lương tháng 14 nhỉ? Thêm vào đó, rốt cuộc, việc phát lương, thưởng cuối năm ở các nước trên thế giới diễn ra thế nào? Và số tiền lương tháng 13 cũng như cách thức trao khoản này thay đổi ra sao theo từng vùng văn hóa?

Lương tháng 13: Có nơi bắt buộc, có nơi không

Gọi là lương nhưng không là lương?

"Lương" tháng 13 thực ra là một cái tên dân dã. Về bản chất, đây là một khoản thưởng cho người lao động vào các dịp lễ (thường là cuối năm). Khoản thưởng này vừa để động viên nhân viên, vừa giúp họ trang trải những chi phí cho một kỳ nghỉ lễ.

Cách gọi lương tháng 13 khiến cho nhiều người lầm tưởng rằng đây là một khoản chi bắt buộc của các công ty, và người làm động nghiễm nhiên được hưởng nó vào dịp cuối năm. Trên thực tế, không phải quốc gia nào cũng có quy chế áp đặt về khoản thưởng này.

Trong khi một số nước có quy định rõ về lương tháng 13 trong luật pháp, thì ở nhiều nơi việc trao thưởng phụ thuộc vào tập quán và văn hóa doanh nghiệp. Tại Việt Nam, đây là một khoản thưởng không bắt buộc.

Doanh nghiệp hoạt động trong nước hoàn toàn có thể từ chối trả lương tháng 13. Thế nhưng ít có doanh nghiệp nào làm vậy, vừa bởi văn hóa đi làm ở Việt Nam, vừa bởi lương tháng 13 là một sự đãi ngộ tốt để giữ chân và thu hút thêm người lao động về đơn vị của mình.

Quy định về lương tháng 13 tại các châu lục

23dec2022v384zqhqdy4a1png
Lương tháng 13 (và tháng 14) trên thế giới. | Nguồn: Reddit via u/Magister_Xehanort

Nhiều nước trên thế giới như Pháp, Nhật, Áo, Bỉ, Trung Quốc,... cũng có quy định và tập tục tương tự như Việt Nam về khoản thưởng này. Ở một số quốc gia khác thì việc trả lương tháng 13 là bắt buộc và có quy định rõ ràng trong hệ thống luật pháp.

Cụ thể, tại châu Âu, có bốn quốc gia là Hy Lạp, Tây Ban Nha, Armenia, và Bồ Đào Nha bắt buộc thưởng tháng 13. Con số cũng là bốn tại châu Á với Ấn Độ, Indonesia, Philippines, và Ả-rập Saudi.

Trong khi đó, thưởng cuối năm là chuyện đương nhiên tại hầu như tất cả các quốc gia tại châu Mỹ, ngoại trừ Hoa Kỳ, Canada, và Chile. Điều này có lẽ là hệ quả của sự ảnh hưởng về văn hóa, chính sách và chính trị từ Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha trong thời kỳ thuộc địa.

Trái ngược với châu Mỹ, chỉ có 3 trong số 54 nước châu Phi yêu cầu doanh nghiệp trả lương tháng 13 cho nhân viên, đó là Angola, Nigeria, và Nam Phi.

Một điều cần lưu ý rằng, không phải người lao động nào cũng được nhận thưởng dù cho quốc gia của họ có quy định về việc này. Trong nhiều trường hợp, việc có được nhận thưởng hay không, được bao nhiêu và nhận khi nào còn tùy thuộc vào loại hợp đồng và ngành nghề mà người lao động ở trong.

Ví dụ, tại Hy Lạp, chỉ những doanh nghiệp trong khu vực tư nhân mới phải bắt buộc trả lương tháng 13. Hay tại Philippines, trong quá khứ, lương tháng 13 từng không áp dụng cho các cơ quan nhà nước, và chỉ những người lao động có thu nhập dưới một con số nhất định mới đủ tiêu chuẩn nhận thưởng.

Lương tháng 13 là vậy, thế lương tháng 14 là thế nào?

Một số quốc gia trên thế giới còn có những quy định hoặc tập tục trao thưởng lương tháng 14. Khoản tiền này về cơ bản tương tự như lương tháng 13, tức người lao động sẽ được nhận số lượng thưởng tương đương hai tháng lương, thay vì chỉ một tháng.

Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha tiếp tục là hai quốc gia có chính sách bắt buộc đối với lương tháng 14. Hai đất nước này đều trao thưởng cho người lao động vào hai thời điểm khác nhau, lần lượt vào mùa hè (thường là tháng 7) và dịp lễ Giáng sinh.

Ở Nhật Bản, dù cả lương tháng 13 lẫn tháng 14 đều không bắt buộc, nhưng gần như tất cả các công ty đều chi trả hai khoản thưởng này cho nhân viên. Người Nhật gọi các khoản chi này là "tiền thưởng theo mùa" (seasonal bonuses). Cũng giống như Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, các công ty Nhật trao thưởng vào hai lần vào tháng 6 hoặc tháng 7, và tháng 12.

alt
Ôi nghĩ tới viễn cảnh được nhận 14 tháng lương... | Nguồn: Tenor

Giống như Nhật, một số doanh nghiệp tại Đức cũng trao thưởng hai lần, dù luật pháp không bắt buộc họ phải làm vậy. Các doanh nghiệp Đức thường sẽ trả thưởng cả hai khoản vào cùng một lúc. Trong đó, khoản lương tháng 13 sẽ cộng thẳng vào lương tháng 12, còn lương tháng 14 thì được tách riêng và làm rõ là thưởng Giáng sinh.

Sự khác biệt trong cách trả thưởng hay thời gian trả thưởng có thể ảnh hưởng tới số tiền thực tế mà người lao động có thể nhận, bởi trong nhiều trường hợp họ vẫn phải chịu thuế khi nhận thưởng. Ví dụ, trong trường hợp của Đức, bởi doanh nghiệp gộp thẳng lương tháng 13 vào lương tháng 12, nên khoản thuế người lao động phải đóng trong tháng 12 sẽ cao hơn.

Lương tháng 13 vốn không phải là tiền thưởng

Ít ai biết rằng Philippines là quốc gia đầu tiên trên thế giới đưa lương tháng 13 vào trong bộ luật lao động của mình từ năm 1975. Vào thời điểm đó, chính phủ Philippines muốn sử dụng khoản thưởng này để bù đắp khoảng cách thu nhập giữa các tầng lớp sau một thời gian dài mức lương cơ bản ở nước này không cải thiện.

Đó là lí do tại sao lương tháng 13 tại nước này ban đầu chỉ áp dụng cho những người có thu nhập thấp, và ở ngoài ngạch nhà nước. Khi nền kinh tế cải thiện và việc trả lương dần trở thành tập tục, chính phủ Philippines mới xóa bỏ rào cản về mức thu nhập tối đa và lĩnh vực làm việc để tất cả người lao động đều có thưởng cuối năm.

Như vậy, khởi điểm của lương tháng 13 thực tế không phải là một khoản thưởng, mà có ý nghĩa giống một khoản bồi thường hơn. Tới nay, gần như người lao động trên toàn thế giới đều có một cách nhìn, cách hiểu tương đồng nhau về khoản tiền này.

Nhưng như đã nói ở trên, việc trả lương tháng 13 sẽ khác nhau theo từng vùng văn hóa. Những sự khác biệt về tỉ lệ tiền thưởng, thời gian và cách thức trao thưởng cho nhân viên đều là hệ quả của những đặc tính văn hóa riêng.