Phải sống có dấu ấn để khoe với họ hàng ngày Tết? | Vietcetera
Billboard banner

Phải sống có dấu ấn để khoe với họ hàng ngày Tết?

Điều đọng lại trong mình sau khi trải qua một cái Tết mà phải tham gia đại hội khoe lương, khoe thưởng của những đứa em trong nhà.  
Phải sống có dấu ấn để khoe với họ hàng ngày Tết?

Nguồn: Unsplash

Chuyện xảy ra hồi năm ngoái, khi đó mình về quê ăn Tết với tâm thế vui chơi giải trí. Ngờ đâu, những đứa em bà con mang đến cho mình hết bất ngờ này đến bất ngờ khác.

Đầu tiên, chỉ sau một năm không cập nhật mà con đường công ăn việc làm của tụi nhỏ trong nhà đã thay đổi chóng mặt. Đứa nào cũng có việc làm ngon lành, thậm chí chưa ra trường mà đã làm những việc nghe thôi đã thấy thú vị. Chẳng hạn như con cô cô Tư mở một shop bán hàng online và khoe Tết chạy đơn hàng đến 2-3 giờ sáng. Hay con cậu Ba mới ra trường đã được nhận vào làm việc tại một công ty chuyên về an ninh mạng cho nhiều tập đoàn lớn.

Bất ngờ kế tiếp là màn khoe lương, khoe thu nhập đến từ vị trí của các bà mẹ. Nào là con năm nay được thưởng đến ba tháng lương, con ai tập tành kinh doanh thì các mẹ các dì khoe khéo hơn bằng việc đề cập như năm nay đã mua xe mới, góp tiền cho bố mẹ mua miếng đất… Trong một buổi tiệc gia đình, một người cậu còn cao hứng tuyên bố là mình (năm nay 27 tuổi) và vài anh chị em khác nên noi gương các em, tụi nhỏ giờ là "bộ mặt mới" của gia đình, các anh lớn phải phấn đấu hơn.

Nghe xong mặt mình cũng nóng râm ran. Mấy đứa nhóc tì ngày xưa còn ngây ngô chạy nhảy với mình, giờ đã trở thành gương mặt đại diện mới của dòng họ. Lại nghe tụi nó khoe lương, khoe thu nhập mình cũng có chút ren rén vì nếu khoe chân thật thì đúng là mình đang thua về mặt kiếm tiền với tụi nhỏ. Từ trước đến nay, quan niệm của mình về tiền bạc khá tự do, mình đặt cảm xúc, trải nghiệm tinh thần lên trên tích lũy tài sản. Thế nhưng lạc vào nơi khoe thưởng tháng 13 thì bỗng thấy áp lực quá chừng.

Thật lòng, thứ mình sợ nhất trước đây là năm mới già hơn năm cũ. Mấy đứa em ai cũng cao lớn, đẹp đẽ còn anh nó thì chiều cao khiêm tốn, tóc thì rơi rụng do thức khuya quá nhiều. Nhìn các em lớn lên, phổng phao từng ngày, đó mới là áp lực với mình các dịp Xuân trước đây. Ngờ đâu, năm nay mình nhận ra áp lực tiền bạc còn nặng gánh hơn nữa. Bởi vì nó xoáy sâu hơn vào một câu hỏi mình hay né tránh đó là có thể sống thư thả hay phải sống có thành tựu tài chính để làm nở mày nở mặt gia đình.

Mình nghĩ thật ra ai cũng có quyền tổng kết một năm lao động và khoe nó ra bởi đó cũng là chuyện đáng tự hào. Chỉ là khi nhìn sự thành công của mấy đứa em, mình lại rơi vào mâu thuẫn giữa trách nhiệm và tự do. Nhưng cũng chính nhờ sự phát triển rực rỡ của các em ấy, mình có dịp nhìn nhận lại cách mình đi làm, cách mình sống suốt thời gian qua.

Ở một góc nhìn khác, tình hình tài chính của các người em cho mình một cái nhìn thực tế về sự thay đổi của tính chất công việc, về sự vận hành của xã hội. Nghe các em nói về tài chính cá nhân, mình được cập nhật nhiều thứ mà ông anh “già” này vẫn còn ngơ ngác.

Qua đại hội khoe lương ngày Tết năm đó, mình nhìn ra những thứ cần cố gắng và đã có các điều chỉnh để tài chính ổn định hơn. Mình không để đến Tết mới thấy áp lực tiền bạc mà đã có những quyết tâm hơn trong công việc suốt cả năm, tất nhiên nó cũng cần phù hợp quan niệm sống của mình nữa.

Mình chắc chắn sẽ không “ghi danh” vào cuộc thi khoe thưởng này vào Tết năm nay rồi. Nhưng sẽ đi “phỏng vấn” người "thắng cuộc" để xem quan niệm của em ấy về tiền bạc như thế nào. Mình muốn lắng nghe xem điều gì giúp mấy đứa nhóc nhóc chơi trốn tìm với mình nay đã có thể trưởng thành như thế. Làm trong ngành truyền thông đã lâu, giờ đây mình mới hiểu thế nào gọi là “insight giới trẻ” thông qua những cuộc trò chuyện đầu năm thế này.

Viết đến đây mình thấy thấy nhẹ nhõm quá chừng. Vậy là rốt cuộc, điều lo lắng cuối cùng trong Tết chỉ còn việc sợ già mà thôi. Còn lại những điều khác cũng không thể khiến cái Tết của mình bớt vui được.