“Thao túng” cảm xúc ra sao để quyết định đúng đắn? | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu
12 Thg 03, 2023
Chất Lượng Sống

“Thao túng” cảm xúc ra sao để quyết định đúng đắn?

Theo Mark Manson, cảm xúc có thể là ân nhân hoặc kẻ thù lớn nhất của quá trình ra quyết định đúng đắn. Để làm chủ được chúng, bạn phải liên tục rèn luyện và tự vấn.
“Thao túng” cảm xúc ra sao để quyết định đúng đắn?

Nguồn: Aziz Acharki @ Unsplash

Tiếp nối bài viết “Giá trị, thiên kiến và nỗi sợ ảnh hưởng gì đến quyết định của bạn?”, dưới đây là phần tiếp theo của bài viết “How to Make Better Decisions”, đăng tải trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson.


Đối xử với cảm xúc như cún cưng của bạn

Phép so sánh này có vẻ lạc quẻ, nhưng để tôi phân tích cho bạn thấy sự tương đồng giữa cảm xúc và những chú chó.

Hầu hết những chú chó hư đều có chủ tồi tệ. Mức độ kỷ luật của chúng phản ảnh sự trưởng thành về mặt cảm xúc và khả năng tự kỷ luật của người chủ. Hiếm khi bạn thấy chú chó nào phá nhà và đi bậy lung tung, còn chủ thì luôn ngăn nắp đâu vào đấy.

Điều này xảy ra vì chúng ta có mối liên kết cảm xúc với chó. Nếu bạn không xử lý được cảm xúc của bản thân, thì cũng sẽ không thể dạy được chó của bạn. Thế nên nếu bạn không biết kiềm chế chính mình, không biết nói “không” khi cần thiết thì đừng nên nuôi chó.

Cảm xúc giống như chú chó đang sống trong tâm trí bạn vậy. Nó là phần “thô” nhất của con người bạn, khiến bạn chỉ muốn ăn, ngủ, quan hệ tình dục và chơi mà không nghĩ tới những hệ quả hoặc rủi ro trong tương lai.

Đó cũng chính là phần bạn cần phải rèn luyện, để không trở thành một chú chó vô kỷ luật cắn phá và đi bậy khắp nơi.

Cảm xúc tuy quan trọng nhưng lại rất bốc đồng. Chúng không thể nhìn thấu hậu quả và cân nhắc nhiều yếu tố trước khi hành động. Điều này xảy ra do chúng vốn là cơ chế sinh tồn, được hình thành để bảo vệ tổ tiên chúng ta trong quá trình săn bắt hái lượm. Khi sợ hãi thì phải chạy hoặc trốn, khi tức giận thì muốn đập phá đồ đạc.

May mắn là não bộ con người đã hình thành khả năng tư duy logic. Nó giúp chúng ta cân nhắc kỹ lưỡng về quá khứ, tương lai và mọi kết quả có thể xảy ra. Đó là điểm khiến nó khác biệt với não chó.

Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, phần “não chó” mới là thứ thực sự điều khiển hành vi của chúng ta. Chẳng hạn bạn thừa biết ăn kem vào bữa sáng không tốt, nhưng nếu “não chó” của bạn muốn ăn kem bằng được, thì rốt cuộc bạn vẫn sẽ làm.

Để vượt qua tư duy này, bạn phải dùng phần “não người” của mình để rèn luyện phần “não chó”. Bạn có thể độc thoại rằng, ăn kem buổi sáng không tốt nên hãy chọn món khác tốt hơn. Dần dần, phần “não chó” của bạn sẽ học được điều này, giúp bạn hình thành thói quen tốt.

04mar2023patrickhendryjd0hs7vhnaunsplashjpg
Cảm xúc giống như những chú chó trong tâm trí của bạn. | Nguồn: Unsplash

Cảm xúc tuyệt vời ở chỗ nó cho bạn đam mê và tinh thần mãnh liệt - những yếu tố tiềm năng giúp bạn làm nên việc lớn. Nó giống như cách một con chó rất giỏi việc chạy đi tìm đồ vật, đồng hành cùng con người và sủa lớn khi có kẻ lạ đột nhập vào nhà.

Nhưng bản thân con chó có giới hạn về tư duy. Nó không thể tự học cách hành xử có ý thức, mà phải nhờ vào người chủ. Và bạn cũng có trách nhiệm tương tự với phần “não chó” của mình. Bạn phải rèn cho nó ngồi xuống, im lặng và lắng nghe khi cần thiết.

Bạn cần tìm ra cách phản ứng phù hợp cho từng hoàn cảnh, và rèn luyện những thói quen tốt cho bản thân để ra quyết định đúng đắn hơn. Hãy khen thưởng chính mình khi chiến thắng cảm xúc, và trừng phạt chính mình khi điều ngược lại xảy ra.

Nói cách khác, bạn yêu thương cún cưng của mình, nhưng phải biết cách dạy bảo nó. Với cảm xúc cũng vậy - bạn nên biết yêu bản thân, nhưng cũng cần biết tự kỷ luật. Nhớ là thi thoảng hãy khen thưởng cho bản thân thật xứng đáng.

Tối ưu hóa cuộc sống để hạn chế sự hối tiếc

Hối tiếc được nhiều chuyên gia tâm lý cho là một cảm xúc “có lý trí”. Điều này không hẳn vì nó khiến bạn suy nghĩ lý trí hơn, mà do cách bạn dự đoán nó xảy ra trông có vẻ rất hợp lý.

Khi đưa ra quyết định, bạn thường sẽ xem xét các lựa chọn có sẵn, chọn 1 trong số đó rồi hình dung những hối tiếc nó có thể gây ra. Cứ như vậy, bạn lặp lại thao tác này với tất cả lựa chọn xem cái nào ít hối tiếc nhất. Khả năng này thật tuyệt vời, nhưng nó chỉ phát huy tác dụng nếu bạn nắm được những thông tin chính xác và đầy đủ nhất về tình huống.

Chúng ta hầu hết đều sợ thất bại hoặc làm hỏng cái gì đó. Nhưng chúng ta ít khi tự vấn bản thân “mình có hối tiếc về thất bại đó không?”. Nếu câu trả lời là không, thì bạn ngại gì mà không thử?

Cách chúng ta tư duy về thành công cũng tương tự như vậy. Đôi khi ta nhìn nhận nó theo cách vô thưởng vô phạt - có thì tốt mà không có cũng chẳng sao. Lý do vì chẳng ai muốn hy sinh tiền bạc hay công sức, trừ khi cảm thấy mình sẽ hối tiếc nếu không thử cơ hội đó một lần.

Câu hỏi then chốt ở đây là: nếu không thử, sau này bạn có hối tiếc không? Chỉ cần trả lời được nó, bạn sẽ ra được quyết định đúng. Một ví dụ điển hình là Jeff Bezos. Ông đã rời bỏ “việc nhẹ lương cao” ở ngân hàng đầu tư để thành lập Amazon, bởi ông biết mình sẽ hối tiếc khi về già nếu không thử.

06mar2023jb1678065419390jpg
Nếu Jeff Bezos không sợ hối tiếc, liệu bây giờ chúng ta có Amazon? | Nguồn: Business Insider

Rất nhiều người tôi biết cũng ra quyết định quan trọng trong đời dựa trên những lựa chọn để lại ít hối tiếc nhất. Và sau này họ đều nói rằng, đó là những quyết định đúng đắn nhất đời họ.

Thế nên thay vì dựa trên khả năng thành công/thất bại hay hạnh phúc/khổ đau, hãy chọn sự hối tiếc làm thang đo để cân nhắc. Bạn sẽ có những quyết định giá trị nhất cho bản thân về lâu dài.

Đôi khi bạn chỉ cần viết ra để gỡ rối

Khi bạn có một mớ bòng bong cảm xúc trong đầu, thì cách tốt nhất để loại chúng khỏi quá trình ra quyết định của bạn là viết chúng ra. Đây là phương pháp đơn giản nhưng vô cùng hiệu quả.

Không ít bạn đọc viết cho tôi những email dài như sớ kể lại những rắc rối trong đời họ, mà không yêu cầu tôi phải hồi đáp. Riêng việc viết ra thôi đã giúp họ thoải mái hơn rất nhiều rồi.

Khi viết, bạn buộc phải sắp xếp và cụ thể hóa mọi cảm xúc hỗn loạn đang quay cuồng trong đầu. Những cảm xúc mơ hồ được cấu trúc hóa và có thể đo lường được. Những gì đang mâu thuẫn trong bạn đều được phơi bày. Chỉ cần đọc lại chúng là bạn nhận ra mạch logic trong não (hoặc nhận ra mình đang thiếu logic), và cả những góc nhìn mới mà bạn chưa từng cân nhắc.

04mar2023pexelsrodnaeproductions5921788jpg
Đôi khi chỉ cần viết ra là bạn nhìn thấy được tất cả. | Nguồn: Pexels

Nếu gặp khó khăn khi cân nhắc một quyết định, bạn có thể viết ra những điều sau:

Bạn mất và được gì khi đi theo quyết định này?

Bạn có thể lập bảng phân tích chi phí & lợi ích cho quyết định đó, nhưng đừng chỉ cân nhắc mỗi 2 yếu tố này. Thay vào đó, hãy tách cột “lợi ích” thành ngắn hạn và dài hạn, và thêm một cột “hối tiếc” cho từng quyết định. Ghi chú lại bất kỳ khu vực nào bạn nhận thấy có tiềm năng thành công lâu dài.

Động lực nào khiến bạn đi đến quyết định đó? Nó có phải một giá trị bạn muốn xây dựng cho mình hay không?

Mọi quyết định lớn nhỏ bạn đưa ra đều được “thao túng” bởi ý định của bạn ở thời điểm đó. Có những lúc chúng rất đơn giản, như khi đói thì bạn sẽ có ý định ăn.

Nhưng cũng có những khi chúng không đơn giản như vậy. Vấn đề sẽ nảy sinh khi ý định của bạn không rõ ràng, hoặc mâu thuẫn với hệ giá trị của bạn.

Chẳng hạn bạn muốn mua ô tô vì bạn thực sự thấy nó có ích, hay vì bạn đang cố gây ấn tượng với người khác? Bạn xin giành quyền nuôi con vì muốn tốt cho chúng, hay chỉ vì muốn trả thù người cũ? Bạn khởi nghiệp vì thích những thử thách của nó, hay vì ghen tị với những người bạn kinh doanh thành công và thấy mình không bằng họ?

Nếu phát giác được những ẩn ức này khi cân nhắc quyết định, nên dừng lại để tự vấn bản thân xem chúng có phù hợp với hệ giá trị của bạn không. Và nếu bạn chưa biết mình muốn trở thành người thế nào, hãy lấy một tờ giấy khác để xác định nó trước đã.