Metaverse đang tạo điều kiện cho quấy rối tình dục? | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu

Metaverse đang tạo điều kiện cho quấy rối tình dục?

Thân thể bạn không còn an toàn, dù chỉ đang ngồi ở nhà!
Metaverse đang tạo điều kiện cho quấy rối tình dục?

Nguồn: Gettyimages

1. Chuyện gì đã xảy ra với Metaverse?

Tháng 12 năm 2021, Nina Jane Patel tạo một ảnh đại diện phiên bản hoạt hình của mình và tham gia Meta’s Horizon Venues, một thế giới kỹ thuật số 3D có sử dụng tai nghe thực tế ảo (VR). Chỉ trong 60 giây, cô bị 3-4 ảnh đại diện nam, với giọng nam, lập tức tiếp cận và quấy rối Nina.

Không chỉ quấy rối bằng lời nói, họ còn động chạm vào ảnh đại diện của Patel. Thậm chí, họ chụp lại ảnh và nói với cô rằng “Đừng giả vờ như cô không thích”.

Sự việc này để lại sang chấn lớn cho Patel. Nhưng cô không phải người duy nhất báo cáo về những chuyện tương tự trên Metaverse.

Một báo cáo từ công ty SumOfUs cho biết các nền tảng VR của Meta (Horizon Worlds và Horizon Venues) đang đối mặt với một vấn đề đáng lo ngại: mò mẫm ảo (virtual groping) và tấn công tình dục.

2. Động chạm ảo thì có là quấy rối thật?

Động chạm một chiếc ảnh đại diện trong thế giới ảo, mà không hề có động chạm thân thể ở thực tế, thì có được coi là tấn công tình dục?

Trả lời cho câu hỏi này, tiến sĩ Avinash D'Souza, Chủ tịch Hiệp hội Tâm thần Bombay, cho biết đây vẫn là một hình thức quấy rối tình dục khác, vì hình đại diện ảo chính là một phần mở rộng của người dùng.

“Nếu ai đó đang cố dò dẫm bạn hoặc cố chạm vào bạn trong thực tế ảo — tức là đang hướng vào bạn.”

Và tất nhiên, dù là động chạm ảo, nhưng nỗi ám ảnh với nạn nhân thì luôn là thật. Patel chia sẻ rằng ngay khi bị quấy rối, não cô hoàn toàn đóng băng. "Đó là một cơn ác mộng" - Patel chia sẻ sau khoảng thời gian đối mặt với cú sốc đến từ Metaverse.

Việc cố gắng để trải nghiệm của bạn ở thế giới ảo thật nhất có thể đang là một cuộc đua không ngừng.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Carnegie Mellon gần đây đã phát triển phần đính kèm VR, cho phép tai nghe truyền sóng siêu âm đến miệng. Telasuit cũng liên tục thử nghiệm bộ đồ xúc giác toàn thân, còn Meta đã cho ra mắt bản thử nghiệm của găng tay xúc giác cho phép mọi người cảm nhận trọng lượng và kết cấu của vật thể khi nâng nó lên trong thế giới kỹ thuật số.

Trước đây, quấy rối trên mạng chỉ đồng nghĩa với việc nhận những tin nhắn, video không thích hợp. Giờ đây, với sự phát triển của thực tế ảo, bạn đã có thể thực sự bị chạm vào dù chỉ đang ngồi ở nhà.

3. Quấy rối trên mạng phổ biến như thế nào?

Kết quả điều tra của UNICEF năm 2016 cho thấy, 74% trẻ em và trẻ vị thành niên ở Việt Nam tin rằng các em có nguy cơ bị xâm hại tình dục hoặc bị lợi dụng trên mạng.

Trong một khảo sát của Pew tại Mỹ năm 2020, 41% người lớn tại Hoa Kỳ chia sẻ họ từng bị quấy rối trên mạng. Trong đó, quấy rối được định nghĩa bằng việc: gọi tên xúc phạm, tạo ra sự bối rối có chủ đích, theo dõi, đe dọa về mặt thân thể, quấy rối trong thời gian dài và quấy rối tình dục.

Con số này được cho là cao hơn năm 2017, chứng tỏ việc quấy rối trên mạng không có dấu hiệu giảm xuống mà còn tăng cao theo thời gian.

4. Công nghệ đang tạo điều kiện cho quấy rối tình dục?

Metaverse không phải nguyên nhân gây nên việc quấy rối tình dục trên mạng. Việc quấy rối trên không gian ảo đã xuất hiện từ rất lâu về trước.

Năm 1993, trên LambdaMOO - thế giới trực tuyến bằng văn bản - người dùng tên Mr. Bungle đã tự viết nên một câu chuyện mà tại đó, những người chơi được phép thực hiện hành vi quan hệ tình dục vô cớ với những người chơi khác. Việc này đã dấy lên tranh cãi về các ranh giới giữa những hành vi nên và không nên làm của con người trên thế giới ảo và con người ở ngoài đời.

Nhưng dù cho cuộc tranh luận này đã diễn ra trong gần 30 năm, cộng đồng công nghệ vẫn chưa thể nhất trí về việc tấn công tình dục kỹ thuật số (digital sexual) có nghĩa là gì hoặc làm thế nào để ngăn chặn nó.

Chính những tranh cãi về đạo đức vẫn chưa ngã ngũ, cộng với việc có thể khó truy tìm được thủ phạm thực sự, đã khiến việc quấy rối tình dục trên mạng ngày càng nhân rộng. Công nghệ càng tiến bộ, điều kiện quấy rối lại càng thuận lợi và “thật” hơn.

5. Làm sao để bảo vệ bản thân khi bị quấy rối tình dục trên không gian ảo?

Bạn có thể lưu giữ chứng cứ để báo cáo với cảnh sát hay tắt ngay trang mạng xã hội khi thấy có điều bất ổn.

Luật về các vấn đề quấy rối tình dục vẫn chưa bắt kịp với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ. Tuy vậy, các nhà chức trách luôn cố để bảo đảm quyền của người bị hại. Tại Việt Nam, người quấy rối tình dục trực tuyến có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng tùy vào hành vi.

Ngoài ra, tùy theo mức độ nghiêm trọng mà thủ phạm có thể bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Các chính sách để về bảo vệ người dùng trên không gian mạng, của các mạng xã hội còn khá sơ sài, chủ yếu xoay quanh việc báo cáo hoặc chặn thủ phạm.

Phía đại diện Meta cho biết người dùng cần sử dụng "Vùng an toàn" - một công cụ để kích hoạt bong bóng bảo vệ xung quanh ảnh đại diện, ngăn việc có người chạm vào hoặc tương tác với bạn theo bất kỳ cách nào. Tuy nhiên, người dùng của Meta cũng chia sẻ rằng tính năng này rất khó sử dụng.

Và trước những cáo buộc về việc để lộ thông tin cá nhân của người dùng, cộng thêm việc những thông tin chi tiết hơn như hình dáng, xúc giác của bạn chuẩn bị được Meta sử dụng cho Horizon, có lẽ những công ty công nghệ lớn vẫn sẽ tiếp tục bỏ qua những vấn đề như quấy rối tình dục trên không gian ảo.