Mình nghĩ tuổi trẻ cần trải nghiệm nên không ngần ngại thay đổi công việc. Từ lúc ra trường đến giờ là gần 3 năm, mình đã trải qua khá nhiều công việc. Đầu tiên mình là thực tập sinh cho một công ty giải trí, sau đó “lăn lộn” với đủ thứ nghề khác. Đơn cử như làm nội dung cho một công ty truyền thông, quản lý fanpage mỹ phẩm, mở một quầy nước trong hội chợ, và làm nhiều project nho nhỏ về chụp ảnh.
Tất cả những công việc trên mình đều cảm thấy tự hào, đặc biệt là giúp cho mình nhiều bài học thú vị. Chẳng hạn như học cách quản lý dòng tiền khi đi bán hội chợ, rèn luyện thẩm mỹ khi chụp ảnh, thẩm định mỹ phẩm để nhập về… Nhưng từ đầu năm nay, sau thời gian “phiêu bạt”, mình muốn dành thời gian nhiều hơn cho một công việc có thể gắn bó lâu dài. Mình đã đi theo chiều ngang, giờ là lúc chiều dọc cũng nên được “tẩm bổ”.
Với sự tự tin, và tìm hiểu các JD (job description), mình quyết định nộp đơn vào một công ty quảng cáo đăng tuyển vị trí chuyên viên nội dung. Mình nghĩ rằng công ty làm về sáng tạo thì sẽ gặp được những anh chị có cái đầu mở, đón nhận đứa em “đa ngành” này. Nhưng lúc đó, mình chẳng hề biết nhiều anh chị thật ra lại là những chiếc cửa tự động, mở ra thật nhanh để rồi đóng sầm trở lại.
Ngay từ những phút ban đầu, chị HR bên công ty đã nói với mình rằng: CV em là CV manh mún nhất chị từng đọc vì mọi công việc đều có thời gian làm quá ngắn. Về điểm này mình đúng nhận thôi vì chưa có vị trí nào mình làm quá một năm cả. Tuy nhiên, mình sốc nhất khi anh quản lý nội dung (người-có-khả-năng-thành-sếp-mình) nhận xét rằng những kinh nghiệm mình có nó “phèn” quá. Anh bảo những thứ mình làm không thấy thú vị, giá trị thấp và cho thấy mình là người sống lộn xộn, không có định hướng cuộc đời. Và anh kết luận rằng mình chắc chắn sẽ rời công ty khi đã học được một vài thứ rồi chốt luôn “em sẽ là nhân viên phản bội sự đầu tư thời gian của anh”. Suýt tí nữa mình đánh rơi một giọt nước mắt ngay tại phòng phỏng vấn ấy.
Mình mất gần một tuần để vượt qua cảm giác hụt hẫng để suy ngẫm về những gì vừa trải qua. Cuộc phỏng vấn tuy khốc liệt nhưng nó giúp mình “review” chân thật nhất về những gì đã làm trong 3 năm qua. Nó phơi bày nỗi sợ của mình về chuyện làm nhiều nghề. Có những lúc mình cảm thấy trải nghiệm thì nhiều thật nhưng đâu đó vẫn mông lung. Chẳng lẽ cứ trải hoài, bao giờ ngồi nghiệm đây? Đồng thời, cuộc phỏng vấn còn giúp mình chấp nhận chuyện không phải ai cũng hiểu trải nghiệm của mình. Khi chọn một công ty để làm, đâu đó chúng ta cũng không thể tránh khỏi những phán xét đau lòng.
Tuy nhiên, có một điều mình hoàn toàn tự tin là mình đã có những ngày sống ở một thế giới rộng mở. Được tiếp xúc, được làm quen, tích lũy cuộc sống một cách chân thực nhất. Hôm trước mình đọc bài viết “Điều gì làm nên một công việc có ý nghĩa?” trên Vietcetera, mình hiểu những công việc mình từng làm đều có giá trị. Bài viết cho rằng một công việc sẽ mang nhiều ý nghĩa hơn cho một người khi nó phục vụ trực tiếp cho khách hàng đích, tăng tính kết nối và yếu tố con người.
Có thể nhà tuyển dụng muốn nghe một điều gì đó lớn lao, những project long lanh. Nhưng mình tin rằng những kết nối rất cơ bản, rất con người mà những công việc mình làm đã giúp mình có được kỹ năng thấu hiểu. Những trải nghiệm đó thậm chí ngày nay nhiều người phải mua ngược lại bằng tiền. Mình thấy nhiều anh chị từng “đóng hộp” trong văn phòng giờ phải chi trả nhiều chi phí chỉ để gặp gỡ bạn mới, học cách lắng nghe, cách giao tiếp.
Mình sẽ nghiền ngẫm lại CV và tiếp tục nộp đơn cho những công ty khác. Thế giới tuyển dụng sẽ có những tiêu chí mà mình vẫn chưa hiểu được. Nhưng mình tin mỗi người luôn có một chặng đường công việc riêng và đều đáng được nhìn nhận khách quan và tôn trọng. Mình không biết sắp tới có còn gặp thêm một màn phỏng vấn rưng rưng nữa hay không. Nhưng chắc chắn mình sẽ không để bản thân “nhỏ bé” nữa mà sẽ tự tin kể lại những điều mình học được từ mỗi công việc đã trải qua.
Bài viết thực hiện qua lời kể của bạn N.C