Mình từng "solo tay đôi" với các bình luận tiêu cực trên mạng xã hội | Vietcetera
Billboard banner

Mình từng "solo tay đôi" với các bình luận tiêu cực trên mạng xã hội

Cách để đối phó với sự ác ý của cộng đồng mạng từ Chao - một trong những nhà sáng tạo nội dung thành công nhất của thế hệ Gen Z tại Việt Nam.
Mình từng "solo tay đôi" với các bình luận tiêu cực trên mạng xã hội

Nguồn: Chao cho Vietcetera

metub x Vietcetera

"Chao ăn lắm thế" - một bình luận vu vơ như thế này đã làm Chao suy nghĩ cả ngày. Chao không lo nó sẽ ảnh hưởng tới mình, mà đắn đo nhiều hơn về việc có nên trả lời bình luận không, và nếu có thì trả lời thế nào.

Nếu bạn có theo dõi Chao trên mạng xã hội, chắc hẳn bạn sẽ biết rằng mình thích đăng tải những nội dung về đời sống cá nhân. Từ những thứ thường nhật như mặc gì, ăn sao, nấu thế nào, tới những trải nghiệm riêng tư của mình như một ngày đi học, tất cả đều là những câu chuyện mà mình muốn chia sẻ để lan tỏa nguồn năng lượng tích cực tới cộng đồng.

04jan2024snapinstaapp3567984549978558312410246469999608414344264n1080jpg
Mình muốn lan tỏa sự tích cực bằng những câu chuyện của bản thân. | Nguồn: Chao cho Vietcetera

Tất nhiên, không phải lúc nào sự tích cực ấy cũng được đáp trả tương đương. Những bình luận tiêu cực, khiếm nhã, hay thậm chí là vô duyên và công kích vẫn thường xuyên xuất hiện ở phần bình luận của những nội dung mình đưa lên mạng xã hội.

Dù vô tình hay cố ý, chúng có thể bám vào tâm trí ta và gây ra những mặc cảm. Bình luận "ăn lắm" mà Chao kể ở trên có lẽ cũng chỉ là một câu đùa vu vơ mà người nói không mang ác ý, nhưng hoàn toàn có thể ảnh hưởng tới lối sống và hành động của người tiếp nhận.

Nếu là Chao của những năm tháng trung học, có lẽ bình luận này sẽ làm mình day dứt rất nhiều. Khoảng thời gian ấy - khi Chao mới 14, 15 tuổi - cũng là lúc mình bắt đầu sáng tạo nội dung và tiếp xúc với sự tiêu cực của cộng đồng mạng xã hội.

Đủ các loại bình luận, từ miệt thị ngoại hình tới công kích về gia cảnh, từ trêu đùa ác ý tới những từ ngữ tục tĩu. Chúng khiến mình rất bức xúc, tới mức đã nhiều lần nhảy thẳng vào phần bình luận mà "ăn thua" đủ với những sự tiêu cực đó.

Nhưng dần dần, Chao nhận ra rằng, tại sao mình phải tự "mua việc" như vậy? Một ngày đã đủ bận rộn, tại sao cứ phải đem sự tiêu cực vào bản thân mình? Từ đó, Chao đã học cách đối phó với sự tiêu cực nhẹ nhàng hơn.

Chao tự dặn bản thân rằng, đa số những bình luận tiêu cực không thực sự là về mình. Chỉ đơn giản là người bình luận có tâm trạng không tốt, và cần một nơi để giải tỏa cảm xúc. Vì thế, mình chọn cách không tương tác với sự tiêu cực và để chúng tự tiêu tan.

Điều đó không có nghĩa là Chao sẽ lờ chúng đi hoàn toàn. Nếu cần phải bảo vệ bản thân, hoặc bảo vệ gia đình và những người yêu quý, mình vẫn sẽ lên tiếng. Nhưng nếu chúng đơn thuần chỉ là năng lượng tiêu cực và sự ác ý, cách tốt nhất là để chúng lọt qua bộ lọc của tâm trí.

Cũng có người nói rằng Chao chẳng qua quá nhạy cảm, rằng bình luận như vậy chỉ là góp ý cho mình tốt lên. Qua nhiều năm sáng tạo nội dung, Chao học được cách phân biệt lời khuyên và góp ý của những người yêu quý mình với những lời công kích. Một bên sẽ sử dụng từ ngữ lịch sự, thân thiện, bên kia thì chỉ tập trung vào việc "vạch lá" tìm điểm xấu nơi mình.

Suy cho cùng, có lẽ ta không nên coi những sự tiêu cực đó là về mình. Nghĩ như vậy, ta sẽ đón nhận chúng một cách nhẹ nhàng hơn. Và khi cần lên tiếng, thì ta cũng không cần phải gay gắt hay cay nghiệt lại với người ta, mà nên đối đáp với sự lịch sự và tử tế.

Đó cũng chính là cách mà mình đã giải quyết bình luận "ăn nhiều" ở trên, thông qua một story trên Instagram. Qua đó, mình mong tất cả chúng ta có thể thấu hiểu và nhẹ nhàng với nhau hơn.

03jan2024z503221618240374380792892b1fffdf2dd2f0870d00aajpg
Nguồn: Chao cho Vietcetera

Câu chuyện dựa trên chia sẻ của nhà sáng tạo nội dung Chao.