Vì sao tiếng nhai chóp chép lại gây khó chịu đến thế? | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu
25 Thg 11, 2020
Tâm Lý HọcBổ Não

Vì sao tiếng nhai chóp chép lại gây khó chịu đến thế?

Khi ai đó nhai chóp chép ồn ào, chúng ta lại cảm thấy khó chịu, nghĩ rằng người đó thật kém duyên phải không nào? Bạn có biết đó là một hiện tượng tâm lý không?

Vì sao tiếng nhai chóp chép lại gây khó chịu đến thế?

Nhi Thanh @obanhmis cho Vietcetera

Bạn đã bao giờ cảm thấy vô cùng khó chịu vói những tiếng động bình thường trong cuộc sống? Đó có thể là tiếng nhai chóp chép, tiếng gõ bàn phím máy tính, tiếng đồng hồ tíc tắc, tiếng bô xe...

Nếu đã từng thì bạn có lẽ là một trong 20% người trên thế giới mắc hội chứng mang tên “Misophonia”.

Misophonia trong tiếng Hy Lạp mang nghĩa là “căm thù âm thanh”. Người mắc chứng này thường có phản ứng tiêu cực (lo âu, tức giận, hoảng loạn,...) đối với những âm thanh mà người khác có thể chẳng để ý.

Vì sao chúng ta ghét những âm thanh đó tới vậy

Hoạt động của não bộ

Theo nghiên cứu, hội chứng này liên quan đến hoạt động bất thường giữa 3 vùng của não bộ

  • Hệ thống limbic: chịu trách nhiệm cho việc điều chỉnh cảm xúc.
  • Hệ thống thần kinh tự chủ: kiểm soát hoạt động vô thức của cơ thể như nhịp tim, tiêu hóa, hô hấp, phản ứng con ngươi,...
  • Vỏ não thính giác: chịu trách nhiệm cho việc nghe và diễn giải âm thanh. 

Khi nghe những âm thanh khó chịu, sự kết hợp giữa 3 phần trên của não bộ sẽ kích hoạt phản ứng “chiến hoặc chạy” (fight or flight), khiến người mắc hội chứng có cảm xúc tiêu cực như (tức giận, khó chịu, lo âu,...) và mong muốn được thoát khỏi tình cảnh hiện tại.  

Âm thanh khó chịu sẽ kích hoạt phản ứng
Âm thanh khó chịu sẽ kích hoạt phản ứng "chiến hoặc chạy" của người mắc misophonia

Khi tiến hành quét não bộ, các nhà khoa học cũng thấy sự khác biệt giữa cách mà não bộ của người mắc misophonia phản ứng với âm thanh, so với những người bình thường.

Phản xạ có điều kiện (Classical conditioning)

Đây là một dạng nhận thức học tập được phát hiện ra bởi nhà sinh lý học người Nga - Ivan Pavlov. Chắc hẳn bạn đã từng nghe qua thí nghiệm của Pavlov với những chú chó.

Trong thí nghiệm này, Pavlov thường rung chuông trước khi mang đồ ăn cho chó. Hành động này, khi được lặp đi lặp lại, đã dạy cho chú chó rằng mỗi khi nghe tiếng chuông thì nó sẽ được ăn. Từ đó, nó sẽ tự động nhỏ dãi khi chuông rung.

Chú chó đã quen với việc này đến mức, kể cả khi Pavlov rung chuông mà không mang thức ăn tới, nó vẫn nhỏ nước dãi như bình thường. Qua thí nghiệm này, ông đã phát biểu rằng “Hành vi là kết quả của quá trình thành lập phản xạ có điều kiện”. 

Trở lại với chứng dị ứng âm thanh, nếu như một âm thanh chóp chép gắn liền với trải nghiệm tiêu cực lúc bé (ví dụ như bố mẹ cãi nhau trong bữa ăn), khả năng cao là nó sẽ thành lập cảm xúc tiêu cực (lo âu, sợ hãi, khó chịu,...) mỗi khi nghe lại những âm thanh này.

Ảnh hưởng của một số hội chứng tâm lý 

Việc nhạy cảm với các tiếng động thông thường xảy ra với những người mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD), rối loạn lo âu hội chứng Tourette (một bệnh lý hệ thần kinh khiến bệnh nhân bị co giật).

Lerner (bác sĩ và giáo sư tại đại học NYU) đã nói rằng rất nhiều người mắc các bệnh tâm lý trên cũng mắc misophonia. Triệu chứng của chúng thường có sự tương đồng.

Ví dụ, người mắc chứng rối loạn lo âu và misophonia có thể cảm thấy nhịp tim tăng cao, đổ mồ hôi hột mỗi khi ở trong một tình huống khiến họ căng thẳng. Điều này diễn ra tương tự mỗi khi họ nghe những loại âm thanh khó chịu.

Phương thức "chung sống" với Misophonia

Thật không may, hiện vẫn chưa có cách chữa trị triệt để hội chứng này. Để chung sống với nó, một liệu pháp mà vẫn thường được sửa dụng đó chính là…đeo tai nghe. 

Mặc dù hơi
Mặc dù hơi "hiển nhiên" nhưng đeo tai nghe là cách để giảm bớt sự khó chịu của rối loạn này

Để có thể phần nào kiểm soát sự khó chịu, có một số liệu pháp như sau:

  • Liệu pháp phục hồi chứng ù tai: nhằm tăng khả năng chịu đựng tiếng ồn.
  • Liệu pháp nhận thức hành vi: giúp thay đổi mối liên hệ tiêu cực mà bạn có với tiếng ồn. 

Ngoài ra theo bác sĩ Johnson, những âm thanh dễ chịu như tiếng mưa rơi được chứng minh là có hiệu quả rõ rệt trong việc cải thiện các vấn đề về bệnh lý.