Mông lung và cảm thấy cuộc sống vô nghĩa? Có thể bạn đang gặp 2 khủng hoảng này | Vietcetera
Billboard banner
Khảo Sát Về Thói Quen Tiêu Thụ Nội DungBắt Đầu
09 Thg 09, 2024
Chất Lượng Sống

Mông lung và cảm thấy cuộc sống vô nghĩa? Có thể bạn đang gặp 2 khủng hoảng này

Một khủng hoảng khiến bạn tự hỏi mình là ai? Và một khủng hoảng làm bạn hoài nghi cuộc sống của mình có nghĩa lý gì?
Mông lung và cảm thấy cuộc sống vô nghĩa? Có thể bạn đang gặp 2 khủng hoảng này

Nguồn: Pexels

Bạn có từng rơi vào trường hợp như thế này? Vào một buổi sáng, khi cuộc sống ngoài kia vẫn diễn ra như thường nhật, bạn ngồi bên cửa sổ, nhìn ra ngoài, hàng bánh mì vẫn tấp nập khách bên đường, bố mẹ ngược xuôi chở con tới trường. Thế nhưng trong bạn lại có gì đó bất ổn. Bạn bắt đầu tự hỏi ý nghĩa của tất cả những điều mình đang làm là gì? Những niềm tin giá trị bạn từng "sống chết" với chúng nay trở nên thật mơ hồ.

Đó có thể là dấu hiệu bạn đang bước vào một trong hai, hoặc thậm chí cả hai cuộc khủng hoảng mà mình nghĩ ai cũng trải qua trong đời nhưng không phải ai cũng nhận ra và gọi chúng thành tên được. Đó chính là khủng hoảng hiện sinh và khủng hoảng bản sắc.

Cụ thể chúng là gì, và có dấu hiệu nào để nhận biết mình đang ở trong cuộc khủng hoảng nào hay không?

Trong bài viết này, mình sẽ chưa bàn quá sâu về cách đối mặt và vượt qua hai loại khủng hoảng. Vì mình nghĩ chúng ta cần nhận biết được điều gì đang diễn ra trước khi vội lao đi tìm cách giải quyết hiệu quả.

Khủng hoảng hiện sinh và khủng hoảng bản sắc có gì giống nhau?

Cả hai đều có một biểu hiện chung là khiến chúng ta liên tục đặt ra những câu hỏi tự vấn về bản thân, chúng ta đến Trái Đất này để làm gì?

Đây đều là những câu hỏi lớn không dễ tìm ra câu trả lời trong một sớm một chiều. Thế nên cả hai khủng hoảng này đều khiến chúng ta chìm ngập trong sự bất an một thời gian dài.

Ngoài ra chúng có điểm chung về nguyên nhân xuất phát. Khủng hoảng hiện sinh hay khủng hoảng bản sắc đều xuất hiện vào những thời điểm cuộc sống của bạn có chuyển biến lớn, bất kể là ở độ tuổi nào. Thậm chí, hai dạng khủng hoảng này còn có thể là hệ quả của nhau. Nếu sau một thời gian dài bị khủng hoảng bản sắc cá nhân và không tìm được câu trả lời, bạn rất dễ gặp phải khủng hoảng hiện sinh ngay sau đó, hoặc ngược lại.

Đó là những điểm chung giữa khủng hoảng hiện sinh và khủng hoảng bản sắc. Còn sự khác biệt nằm ở đâu để ta có thể nhận biết đúng chính xác vấn đề mình đang gặp phải?

Khủng hoảng bản sắc cá nhân

alt
Nguồn: Pexels

Trước tiên hãy cùng tìm hiểu về cụm từ “bản sắc cá nhân”, hiểu được nó là gì thì ta mới hiểu được khủng hoảng bản sắc cá nhân cụ thể là gì.

  • Carl Jung: Bản sắc cá nhân là sự kết hợp duy nhất của các đặc điểm và trải nghiệm của mỗi người, mà không ai khác có thể có.
  • Oscar Wilde: Hãy là chính bạn, vì những vai khác đã có người đảm nhiệm rồi.
  • Erik Erikson: Bản sắc cá nhân là sự hiểu biết về bản thân, hình thành từ sự tương tác giữa con người với xã hội và những trải nghiệm cuộc sống.
  • Sigmund Freud: Bản sắc cá nhân bao gồm cả những phần vô thức và ý thức, được hình thành từ những ham muốn, động lực, và trải nghiệm cá nhân.

Tổng hợp các định nghĩa phía trên, cộng với suy nghĩ của bản thân thì hiện tại mình thấy định nghĩa thuyết phục nhất đó là: “Bản sắc cá nhân là tổng hòa của cách người khác nhìn tôi, cách tôi nhìn tôi và vô tận tiềm năng của tôi”.

Từ đó suy ra khủng hoảng bản sắc cá nhân là khi có sự rối ren và mâu thuẫn giữa 3 yếu tố này. Loại khủng hoảng này đặc biệt xuất hiện nhiều ở giai đoạn chúng ta chuyển từ học sang làm, bắt đầu phải tự chịu trách nhiệm cho nhiều sự lựa chọn của mình.

Ngày xưa, mình quyết định chọn học thiết kế chứ không nghe theo lời khuyên của gia đình. Sang tới năm thứ 2, khi bắt đầu thực hiện đồ án chuyên ngành đòi hỏi nhiều kỹ năng vẽ và yếu tố thẩm mỹ, mình tự thấy bản thân vô cùng yếu kém, cố gắng cỡ nào điểm số vẫn thấp lèo tèo.

Gần như cả năm đó, mỗi lần có điểm xong, mình lại tự hoài nghi không biết bản thân có hợp với thiết kế không nữa? Hồi đó nghe lời gia đình thì có khi đỡ mệt hơn không? Vừa phải tự kiếm tiền lo học phí, điểm số thì chẳng đâu vào đâu, sau này biết sống thế nào với nghề này?

Đi qua những tháng ngày ấy mình nhận thấy có những dấu hiệu sau để bạn nhận biết bản thân có đang gặp khủng hoảng bản sắc cá nhân hay không:

  • Bạn cảm thấy lạc lõng hoặc mất kết nối với bản thân, không hiểu được mình muốn gì, mình muốn là ai trong tương lai.
  • Nội tâm của bạn thường xuyên xảy ra mâu thuẫn giữa những gì bạn tin tưởng và những gì bạn muốn làm. Giống như trong câu chuyện của mình, dù tin là mình hợp với nghề thiết kế, nhưng mình lại không muốn luyện vẽ để cải thiện kỹ năng chút nào.
  • Hai dấu hiệu trên dẫn tới dấu hiệu thứ 3, bạn thường xuyên gặp khó khăn trong việc đưa ra quyết định. Bởi vì bạn không biết rõ bản thân mình thực sự muốn gì hoặc điều gì là đúng đắn cho mình.
  • Và rồi cuối cùng, bạn dần thu mình lại, do cảm thấy lạc lõng, không hiểu được chính mình, cũng không thể bày tỏ, kết nối được với người khác. Bạn dần dần rút khỏi các mối quan hệ xung quanh, mặc dù trong sâu thẳm, bạn mong muốn có được sự công nhận từ mọi người.
  • Trong một số trường hợp xấu hơn, bạn thậm chí sẽ vô cùng cực đoan trong việc tìm kiếm sự công nhận từ người khác mà có thể gây hại cho bản thân.

Khủng hoảng hiện sinh

alt
Nguồn: Pexels

Một người gặp khủng hoảng hiện sinh thường xuyên đặt ra những câu hỏi về sự tồn tại của mình, ý nghĩa của cuộc sống, cái chết, và những khái niệm rộng lớn hơn về vũ trụ và bản chất của tồn tại.

Nếu như khủng hoảng bản sắc sẽ xuất hiện ở giai đoạn chúng ta có sự chuyển biến lớn về mặt trách nhiệm với xã hội thì khủng hoảng hiện sinh lại hình thành sau những sự kiện tạo ra kết quả không thể nào thay đổi, làm lung lay nền tảng cốt lõi về ý nghĩa, mục đích, và giá trị sống. Chẳng hạn như sự ra đi của người thân, trải qua một cơn bạo bệnh sinh tử, hoặc những sự kiện gây sốc tinh thần.

Chính vì thế, thời điểm khủng hoảng hiện sinh xuất hiện ở mỗi người rất khác nhau bất kể độ tuổi. Với mình nó xảy ra vào năm 33 tuổi, khi ba mình mất. Chính xác, khủng hoảng bắt đầu gõ cửa từ năm 32 tuổi, khi bác sĩ thông báo với gia đình về tình trạng sức khỏe của ba, và mình đã có một năm để chuẩn bị tinh thần.

Có thời điểm, mình đã nghĩ bản thân có thể bình thản đón nhận, tưởng rằng mình sẵn sàng đối mặt với sự kiện này. Thế nhưng khi nó xảy ra, mình vẫn ngập ngụa trong những dòng cảm xúc tiêu cực. May mắn là tới thời điểm này mình đã vượt qua nó, và rút ra được một vài biểu hiện để bạn có thể hiểu hơn về trạng thái khủng hoảng này:

  • Mình bắt đầu đặt những câu hỏi về ý nghĩa của cuộc sống, ý nghĩa của cái chết, những câu hỏi về những thứ vốn rất hiển nhiên như: sao mình lại có mặt ở cõi đời này, làm con của ba mẹ, làm công việc này, và tại sao lại phải trải qua những điều này. Chúng là những câu hỏi nếu bình thường mình nói ra, chưa cần người khác phản ứng, tự mình cũng cảm thấy ngu ngốc và buồn cười.
  • Hàng ngày, mình thức dậy cùng cảm giác vô nghĩa. Những giá trị, niềm tin đã từng là nền tảng cuộc sống giờ không còn ý nghĩa gì với mình. Ở đây không có sự mâu thuẫn như khủng hoảng bản sắc, mà thay vào đó là sự chối bỏ, mình không còn tin thứ mình tin, không còn làm thứ mình muốn làm, và không còn cần thứ mình từng cần.
  • Mình cảm thấy xa lạ với cuộc sống, với thế giới và mọi người xung quanh. Ngay cả người thân nhất trong gia đình là mẹ, mình cũng nghĩ là bà không thực sự hiểu. Mình hoàn toàn cô lập bản thân với thế giới bên ngoài.
  • Thậm chí, mình nghĩ nhiều về cái chết theo cách rất tiêu cực, hoặc sự vô nghĩa của việc sống mà đằng nào cũng chết. Nhưng may mắn là từ từ nó chuyển dần sang mặt tích cực.
  • Dấu hiệu cuối cùng, đó là mình bắt đầu quan tâm nhiều tới Triết học và Thần học hơn. Thật ra mình cũng không chắc đây có phải là dấu hiệu đúng với tất cả mọi người, vì trước đó do bản tính tò mò nên mình cũng đã quan tâm sẵn tới nhiều lĩnh vực ngoài thiết kế.

Suy nghĩ cuối

Hy vọng qua những gì vừa chia sẻ, bạn có thể dễ dàng phân biệt hai dạng khủng hoảng này. Từ khủng hoảng bản sắc có thể dẫn tới khủng hoảng hiện sinh, một khi cảm thấy không chắc chắn mình là ai có thể dẫn đến những câu hỏi lớn hơn về ý nghĩa và mục đích của cuộc sống. Tương tự ở chiều ngược lại khủng hoảng hiện sinh dễ tạo ra cảm giác không còn tin tưởng vào những vai trò và danh tính mà trước đây mình đã tự định nghĩa cho mình.

Thật ra mình không thích cách dùng từ “khủng hoảng” cho lắm, vì nó vô hình chung dán nhãn tiêu cực, tạo xu hướng tránh né. Mình thích dùng từ "thách thức" hơn.

Thách thức thì có thể vượt qua hoặc không, nhưng ít nhất nó cho mình hy vọng nếu mình đối mặt và đương đầu thì sẽ mở ra cơ hội để phát triển, học hỏi và trưởng thành.

Như ý kiến của Carl Sagan (nhà thiên văn học và tác giả người Mỹ), việc cảm nhận sự nhỏ bé của mình giữa vũ trụ bao la chẳng hề dễ chịu. Nhưng ông cũng tin rằng việc chấp nhận mình nhỏ bé và rồi hiếu kì về vũ trụ ngoài kia có thể mang lại cho ta thêm kiến thức, sự an ủi và biết đâu là một mục đích sống. Mình hẹn bạn ở bài viết tới, nơi chúng ta sẽ cùng tìm kiếm con đường để vượt lên những khủng hoảng này.