Việt Nam - Một gia đình trung lưu bứt phá bẫy thu nhập trung bình | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu
02 Thg 12, 2020
Khởi Nghiệp

Việt Nam - Một gia đình trung lưu bứt phá bẫy thu nhập trung bình

Nếu ví mỗi quốc gia như là một gia đình, thì Việt Nam chỉ vừa mới vừa thoát khỏi danh sách hộ có thu nhập thấp vào năm 2009.
Việt Nam - Một gia đình trung lưu bứt phá bẫy thu nhập trung bình

Nguồn: Unsplash

1. Kinh tế Việt Nam: Gia đình mới vào tầng lớp trung lưu

Theo định nghĩa của World Bank, quốc gia có thu nhập thấp có Tổng thu nhập quốc dân trên đầu người (GNI per capita) dưới $1.000/năm. Nếu ví mỗi quốc gia như là một gia đình, thì Việt Nam chỉ vừa mới vừa thoát khỏi danh sách hộ có thu nhập thấp vào năm 2009, với mức GNI per capital $1.010.

Mười năm sau, vào 2019, mức thu nhập trung bình của Việt Nam tăng trưởng tới $2.540. Chúng ta đã trở thành một gia đình trung lưu.

việt nam startup
Việt Nam, một gia đình trung lưu. | Nguồn: Unsplash

Tuy nhiên, mức trung lưu này còn rất khiêm tốn, cũng mới là có chút của ăn của để. Nếu muốn có cuộc sống thực sự thoải mái, nhà cao cửa rộng, có xe hơi đi lại, cho gia đình đi du lịch thường xuyên, gửi con đi du học… thì gia đình này vẫn còn phải cố gắng rất nhiều.

Việt Nam còn một con đường rất dài nữa để có thể vượt qua bẫy thu nhập trung bình- middle income trap (GNI per capita nằm trong vùng từ $1.000 đến $12.000). Khoảng cách từ $2.540 tới $12.000 vừa là một cuộc đua marathon vì nó còn quá xa, vừa là một cuộc đua nước rút - vì nếu không tiến gần tới đó sớm thì sẽ mất đi cơ hội cạnh tranh và dần bị bỏ lại phía sau trong cái bẫy thu nhập trung bình, giống như là Nam Phi, hay Brazil.

Để tìm ra định hướng thúc đẩy một quốc gia với 96 triệu dân khỏi bẫy thu nhập trung bình, các nhà lãnh đạo Việt Nam không ngừng nhìn ra thế giới để tìm kiếm những mô hình gia đình đã bứt phá thành công.

Ruby Nguyễn
Ruby Nguyễn, COO của Vietcetera, tại TechFest Vietnam 2020. | Nguồn: TechFest

2. Gia đình hạnh phúc và hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Năm 1873, nhà văn Leo Tolstoy mở màn cuốn tiểu thuyết Anna Karenina với câu nói “Tất cả các gia đình hạnh phúc đều giống nhau, nhưng mỗi gia đình bất hạnh lại khổ sở theo cách riêng.”

Trong bối cảnh của câu chuyện, Tolstoy muốn nhấn mạnh rằng một gia đình hạnh phúc thì phải có những chuẩn mực hay điều kiện nhất định. Thiếu một trong những yếu tố này thôi thì chắc chắn sẽ dẫn tới những kiểu trục trặc khác nhau, mỗi nhà mỗi cảnh.

Cuốn tiểu thuyết này sau đó trở thành một trong 10 tác phẩm văn học vĩ đại nhất của mọi thời đại. Còn câu mở màn ấy về sau trở thành “nguyên lý Anna Karenina” và được ứng dụng rộng rãi trong rất nhiều lĩnh vực, bao gồm toán học, sinh học, vật lý, kinh tế… (Nguồn: nyu.edu)

Nói một cách ngắn gọn, thành công hay thất bại trong mọi lĩnh vực, đều tuân theo nguyên lý như sau:

“Tất cả thành công đều hội tụ đầy đủ những yếu tố giống nhau, sự vắng mặt hoặc thiếu hụt với một trong những yếu tố này dẫn đến nhiều cách thất bại khác nhau.”

Khi các nhà lãnh đạo Việt Nam nhìn vào các quốc gia như Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Israel... là những người đã chuyển mình từ “nhà nghèo” để trở thành “nhà giàu"một cách bứt phá, họ nhận thấy rằng các gia đình này đều “hạnh phúc giống nhau”, bất kể xuất phát điểm của họ khác nhau. Lý do là bởi vì họ đã hội tụ được đầy đủ các yếu tố cần thiết để thành công trong một mô hình được gọi là hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Startup Ecosystem).

Hảo trần
Hảo Trần, CEO Vietcetera, tại TechFest Vietnam 2020. | Nguồn: TechFest

Năm 2009, năm mà Việt Nam vừa thoát khỏi nhóm thu nhập thấp, cũng là năm mà chính phủ Việt Nam bắt đầu hành trình xây dựng Startup Ecosystem với dự án IPP (chương trình hợp tác đổi mới sáng tạo cùng chính phủ Phần Lan).

Liên tiếp sau đó là các chương trình hợp tác đổi mới sáng tạo cùng với chính phủ Bỉ, Thuỵ Sỹ, Úc, và World Bank. Nhờ vào đó, hệ sinh thái bắt đầu hình thành với cơ sở hạ tầng cơ bản, và những hạt giống mới bắt đầu nảy mầm, đơm hoa kết trái, thu hút ong bướm. Các "sin h vật" từ nơi gần nơi xa bắt đầu tìm đến để sinh sôi và phát triển…

Trong tự nhiên, hệ sinh thái là một hệ thống mở hoàn chỉnh gồm các thành phần sống (quần xã) và các thành phần không sống như không khí, nước và đất khoáng (gọi chung là sinh cảnh).

Tương tự như vậy, hệ sinh thái khởi nghiệp bao gồm các “quần xã” như các doanh nghiệp khởi nghiệp; các quỹ đầu tư; lực lượng nhân sự; các trường đại học và cơ sở nghiên cứu khoa học; các tổ chức hỗ trợ và dịch vụ. Còn các yếu tố “sinh cảnh” bao gồm thị trường; chính sách; pháp lý; văn hoá.

Một hệ sinh thái khởi nghiệp tốt không tự nhiên mà có. Để nó có thể hình thành đầy đủ và phát triển, cần có vai trò thúc đẩy của chính phủ, và được điều phối bởi bộ Khoa học và Công nghệ.

Theo anh Phạm Dũng Nam, Giám đốc Văn phòng 844, bộ Khoa học và Công nghệ: “Năm 2016, Việt Nam chỉ thu hút được 4% tổng số vốn đầu tư và đứng hạng thấp nhất về hệ sinh thái trong khu vực Đông Nam Á. Tới 2019, Việt Nam đã thu hút 17% tổng số vốn đầu tư và đứng hạng thứ 3 trong khu vực, chỉ sau Indonesia và Singapore.” (Nguồn: dean844.most.gov.vn)

3. Đánh bật thiên nga đen và trở thành hổ Châu Á?

Năm 2020, cả thế giới đối diện với một cuộc khủng hoảng về y tế và kinh tế do “thiên nga đen" covid-19 mang tới.

Nhờ chính phủ có những chiến lược quyết đoán và hành động nhanh chóng, dịch bệnh đã được kiểm soát một cách hiệu quả. Kết quả là các hoạt động kinh doanh có thể mở cửa lại, và nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng 3% so với 2019, trong khi các quốc gia khác đang phải đối diện với suy thoái nặng nề.

Cũng trong năm 2020, theo Global Innovation Index, Việt Nam vượt qua kỳ vọng và trở thành quốc gia có chỉ số đổi mới sáng tạo cao nhất trong nhóm lower middle-income economies - vượt qua cả Ấn Độ, Philippines, Indonesia.

Bởi vì những thành công vượt kỳ vọng này của Việt Nam, cả thế giới đang tò mò với câu hỏi: liệu Việt Nam sẽ trở thành một “con hổ châu Á" tiếp theo - sau những con hổ trước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, và gần đây nhất là Trung Quốc?

techfest
TechFest Vietnam 2020. | Nguồn: TechFest

Bên thềm chương trình TechFest Vietnam 2020, trả lời câu hỏi này, lãnh đạo của bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: “Việt Nam có đầy đủ các yếu tố cần thiết để có thể phát triển bứt phá.”

Trong 5 năm tới, chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc hỗ trợ và củng cố hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tập trung phát huy những lợi thế sẵn có của Việt Nam như Nông nghiệp; Y tế; Fintech; Smart city; Thương mại điện tử; Du lịch; High tech…

Từ đó, Việt Nam sẽ có được một hệ sinh thái độc lập, bền vững để thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia về dài hạn.