Trong quý I/2017, có khoảng 39.580 mô hình khởi nghiệp có mặt tại thị trường Việt Nam, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Và sự thật là chỉ có khoảng 3% trong số đó có khả năng thực sự thành công.
Nói về thị trường thời trang trong nước, dù đang trên đà phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng hằng năm vào khoảng 22,5% trong giai đoạn 2017-2020, thì cũng đến 60% thị phần là do các thương hiệu thời trang nước ngoài chiếm giữ. Nếu không kể đến các thương hiệu thời trang “quốc dân” như Blue Exchange, Ninomax, PT 2000 hay Couple TX, thì các local brands nổi tiếng (thuộc mô hình doanh nghiệp vừa và nhỏ – SMEs) như Coco Sin, TheBlueTshirt, và Nosbyn cũng đã có mặt trên thị trường từ cách đây 5-6 năm.
Có thể thấy, thị trường thời trang trị giá 3,5 tỷ USD của chúng ta là nơi mang tính “sát thương” rất cao đối với các mô hình khởi nghiệp. Vậy, nếu muốn thâm nhập vào thị trường thời trang thì người khởi nghiệp phải làm thế nào?
“Xây dựng một ứng dụng thời trang!” – Đó là câu trả lời của Kinh Văn Quân Dao, nhà sáng lập trẻ tuổi của Phleek – ứng dụng mua sắm và tư vấn thời trang.
Cùng lắng nghe Dao chia sẻ về chặng đường khởi nghiệp của mình, bắt đầu từ một ý tưởng khi còn là sinh viên theo học tại Đại học RMIT Việt Nam, sự kết hợp phát triển ứng dụng với Conceptual Studio, thành công tại Shark Tank và những dự định cho tương lai.
Chào Dao, bạn có thể cho chúng tôi biết từ khi nào một cô gái trẻ như Dao lại bắt đầu nung nấu ý tưởng khởi nghiệp không?
Ý tưởng khởi nghiệp với Phleek chợt đến vào một ngày năm 2016. Khi đó, mình vẫn còn chưa tròn 20 tuổi và đang thực tập tại một công ty quảng cáo nổi tiếng. Nhiệm vụ chính của mình là lên ý tưởng và phát triển nội dung. Công việc tuy có phần áp lực nhưng rất thú vị vì mình được tự do thỏa sức sáng tạo, và môi trường làm việc cũng lý tưởng. Thật sự mà nói, tại thời điểm đó, mình chẳng có lý do gì để phải nghỉ việc, cũng chưa bao giờ có suy nghĩ sẽ khởi nghiệp và làm “sếp” chính mình cả.
Nhưng một ngày nọ, mình chợt suy nghĩ tại sao ở Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung có quá ít người quan tâm đến các sản phẩm, và trải nghiệm “cá nhân hoá”, trong khi ở Mỹ và các nước châu Âu, người tiêu dùng vốn đã quá quen thuộc với việc có người tư vấn trang phục (stylist) và thậm chí là trợ lý mua sắm (personal shopper).
Đó là chưa kể, thời trang còn là một thứ khá mâu thuẫn – chúng ta luôn mang theo mình một nỗi đắn đo “hôm nay mang gì” nhưng lại không có quá nhiều thời gian để đầu tư cho việc chọn lựa trang phục, nhất là khi guồng quay của công việc và hàng tá mối quan tâm khác cứ tăng lên theo cấp số nhân. Mình cũng vậy. Nhưng mình ý thức được rằng khi ăn mặc đẹp, chỉnh chu thì tinh thần cũng sẽ phấn chấn hơn nhiều. Và vì thế, mình muốn các bạn nữ khác cũng có được những cảm giác như vậy.
Nhận thấy được nhu cầu đó, mình quyết định mua một hộp bánh doughnut, lao thẳng đến văn phòng… xin nghỉ việc và bắt đầu với Phleek từ con số không.
Quả là một quyết định táo bạo. Nhưng lúc đó, và cho đến tận bây giờ, bạn có mang trong mình một nỗi sợ nào không?
Thật sự là mình không có quá để tâm đến chuyện “biết sợ” mặc dù quyết định này mang đầy rủi ro. Không những vậy, mình còn cho rằng đây là một điều may mắn – vì nghĩ ra được một ý tưởng kinh doanh khi còn trẻ. Ở độ tuổi này, con người ta ít nghĩ đến những rủi ro, và hậu quả. Lúc nào cũng tràn trề năng lượng và sẵn sàng chinh phục mọi thứ.
Nghĩ lại thì đúng là mình có hơi “lì” thật. Nhưng thôi, điều đó cũng không còn quá quan trọng nữa.
Ý nghĩa của cái tên Phleek là gì? Và tại sao bạn lại khởi nghiệp thời trang bằng một ứng dụng thay vì tự thiết kế, sản xuất?
Cái tên này bắt nguồn từ “fleek”, trong tiếng Anh có nghĩa là “chuẩn không cần chỉnh”. Đó chính xác là trải nghiệm mà mình muốn các bạn nữ có được khi khoác lên mình những bộ trang phục họ yêu thích. Và mình gọi là “Phleek” để nghe thân thuộc với người Việt hơn.
Sỡ dĩ mình không chọn hướng thiết kế và sản xuất vì mình không có hứng thú với công việc này. Hiện tại trên thị trường cũng đã có rất nhiều thương hiệu rồi mà mình thì không hề có ý muốn cạnh tranh. Mục đích của mình khi sáng tạo ra Phleek chỉ đơn giản là để mang lại cho các bạn nữ một trải nghiệm mua sắm và tạo dựng phong cách dễ dàng hơn. Sứ mệnh của Phleek là giúp phụ nữ tự tin thể hiện cá tính của chính họ, chứ không phải là trở thành ai đó một cách gượng ép.
Và nếu được, mình muốn khuyến khích các bạn nữ trở nên “liều lĩnh” hơn với các lựa chọn thời trang – thử những trang phục mới. Thời trang là một thú vui cơ mà.
Những cô gái “Phleek” là ai?
Đó là những cô gái hiện đại, không ngừng phấn đấu cho sự nghiệp, nhưng không vì thế mà quên mất việc tận hưởng cuộc sống. Họ thường xuyên sử dụng các thiết bị công nghệ cao, nhạy bén trong việc cập nhật xu hướng và thường lui tới những địa điểm mới. Họ hay mua sắm (ít nhất mỗi tháng một lần), thích chia sẻ cũng như lắng nghe tư vấn từ bạn bè và đồng nghiệp.
Bạn có thể chia sẻ về quá trình hợp tác phát triển ứng dụng với Conceptual Studio? Tại sao bạn lại chọn Conceptual Studio?
Thật ra không phải là Phleek chọn Conceptual Studio, mà là cả hai cùng hợp tác phát triển. Cả mình và Petr Jumar – người sáng lập Conceptual Studio – đều khởi nghiệp dựa trên những ý tưởng mơ hồ. Có cùng xuất phát điểm khiến chúng mình thấu hiểu nhau hơn và cuộc hợp tác vì thế mà cũng diễn ra thuận lợi hơn. Dao luôn cảm thấy mình rất may mắn khi có cơ hội gặp gỡ và làm việc cùng họ.
Tuy nhiên, quá trình phát triển ứng dụng quả thật là vẫn rất gian nan. Ngày mình tham gia kêu gọi đầu tư tại Shark Tank, Phleek vẫn mới chỉ là một trang web để quảng bá mô hình ứng dụng chứ chưa có ứng dụng. Shark Tank là bệ phóng hoàn hảo để Phleek được biết đến rộng rãi, chúng mình không thể nào bỏ phí cơ hội này. Vì thế trước ngày chương trình phát sóng tập 12, cả hai bên đã chạy hết tốc lực để kịp ra mắt ứng dụng.
Với sức ép về mặt thời gian, chúng mình biết rằng không thể nào cho ra mắt một ứng dụng hoàn hảo được, nhưng chắc chắn là phải ra mắt. Vậy mà cả hai vẫn làm được một điều không tưởng, đó là ra mắt một ứng dụng vừa có khả năng tương tác, vừa nhanh và rẻ. Phiên bản này được áp dụng cho hệ điều hành iOS và giới thiệu trên App Store chỉ một ngày trước khi Shark Tank lên sóng.
Bạn có thể hướng dẫn chúng tôi cách sử dụng Phleek được không?
Dĩ nhiên rồi. Phleek rất dễ sử dụng, hạn chế ràng buộc và không thu phí khi sử dụng và theo dõi.
- Bước 1: Tải ứng dụng về máy và đăng nhập bằng tài khoản Facebook.
- Bước 2: Hoàn thiện hồ sơ cá nhân với các thông tin liên quan đến phong cách yêu thích, chiều cao, cân nặng và số đo ba vòng.
- Bước 3: Sau khi hoàn thiện các thông tin, hệ thống sẽ tự động kết nối bạn với một stylist trong đội ngũ của Phleek. Và stylist sẽ dựa vào các thông tin cá nhân để đưa ra gợi ý trang phục cho bạn theo tuần cùng với những món đồ đơn lẻ được chọn lựa theo phong cách mà bạn yêu thích.
- Bước 4: Bạn có thể tất cả các loại quần áo có trong ứng dụng. Và nếu chọn mua cả bộ trang phục được gợi ý, bạn sẽ được giảm giá 7%. Tuyệt đối không có các chi phí phụ thu hoặc phí tư vấn phong cách.
Ba bài học mà bạn rút ra được từ việc xây dựng Phleek là gì?
#1. Học cách làm quen với những áp lực thường xuyên xảy đến trong công việc: Khoảnh khắc vinh quang thì ngắn ngủi và vụt qua rất nhanh so với những khó nhọc và thử thách. Vì thế bạn phải tự thúc đẩy bản thân để đến gần hơn với mục tiêu. Đừng nản lòng!
#2. Biết quan sát và tiếp thu: Không phải lúc nào quan điểm của bạn cũng chính xác. Phải biết chịu khó quan sát và nhìn nhận vấn đề từ nhiều phương diện khác nhau.
#3. Cuộc sống khởi nghiệp không hề hào nhoáng và mọi thứ ít khi diễn ra suôn sẻ. Sẽ rất khó nhọc để có thể theo đuổi ước mơ nhưng dù thế nào bạn cũng không được bỏ cuộc.
Chặng đường sắp tới của Phleek sẽ diễn ra như thế nào?
Ra mắt ứng dụng mới chỉ là bước khởi đầu, sắp tới sẽ còn rất nhiều thứ phải hoàn thành. Chúng mình đang cố gắng hoàn thiện ứng dụng Phleek cho hệ điều hành iOS và thêm vào chế độ ngôn ngữ tiếng Việt. Thêm vào đó, Phleek trên nền tảng Android cũng đang bước vào giai đoạn hoàn tất.
Ngoài ra, chúng tôi còn dự định phát triển các tính năng thú vị khác. Ví dụ như tính năng “ví tiền” để khách hàng có thể cài đặt hạn mức mua sắm. Hoặc liên kết với các nhân vật có tầm ảnh hưởng trong làng thời trang Việt để ra mắt các sản phẩm giới hạn trên ứng dụng chẳng hạn. Cùng chờ đón nhé!
Cuối cùng, Vietcetera có thể trò chuyện với nhân vật nào tiếp theo đây?
Mình rất ngưỡng mộ nhà sáng lập của MultiLingual, chị Phượng Bồ. Nhận thấy số lượng người nước ngoài đến Việt Nam sinh sống và làm việc ngày càng nhiều, chị đã sáng lập một mô hình kinh doanh chuyên về các dịch vụ thông dịch để phá bỏ các rào cản ngôn ngữ. Đó là một trong những tấm gương sáng mà mình muốn học hỏi trong việc trở thành một nữ doanh nhân thành đạt.
Xem thêm:
[Bài viết] Ru9 và ước mơ cải thiện giấc ngủ cho mọi người
[Bài viết] Ladan – Nguồn cảm hứng đương đại từ vẻ đẹp người phụ nữ Việt Nam