Một sáng thức dậy, làm sao nếu thấy nhà mình bỗng dưng… chăng dây? Hoảng loạn không phải cách, hãy để Vietcetera giúp bạn ‘giải ngố’ ít điều về các khu vực bị phong tỏa nhé!
1. Không phải lúc nào chăng dây cũng là phong tỏa dài lâu
Chăng dây không đáng sợ đến thế! Trong trường hợp khu vực có người nghi nhiễm, lực lượng chức năng sẽ chăng dây quanh khu vực. Việc này để tiến hành khử khuẩn và điều tra truy vết để khoanh vùng. Đây gọi là phong tỏa tạm thời.
Dây sẽ được gỡ bỏ khi công tác khử khuẩn và khoanh vùng đã xong, cũng như xác định không có thêm ca nghi nhiễm hoặc xác nhận âm tính với COVID-19 từ người bị nghi nhiễm trước đó.
2. Shipper có đến được không?
Mỗi nơi bị phong tỏa sẽ có một chốt kiểm soát. Các mặt hàng có thể được gửi tại chốt kiểm soát để người trong khu vực bị phong tỏa đến nhận.
Nếu thèm trà sữa, bạn cũng có thể order gấp một ly. Nhưng việc shipper có chịu nhận đơn hàng hay không thì ‘tùy vào số phận’ nhé!
3. Người bị kẹt ở ngoài sẽ phải làm sao?
Nếu trót không kịp về nhà trước lúc khu vực nhà mình bị phong tỏa, đừng sợ việc biến thành người “vô gia cư” chỉ trong một đêm. Chỉ cần khai báo y tế tại chốt kiểm soát, chứng minh mình có hộ gia đình trong khu vực, cửa vào sẽ đón chào bạn.
Nhưng đây là con đường không có lối ra, cho tới khi lệnh phong tỏa được gỡ bỏ.
4. Nếu bỗng dưng nhà… hết đồ ăn?
Bạn có thể nhờ người quen ở ngoài mua hàng và gửi ở chốt kiểm soát để đến nhận hoặc được lực lượng chức năng trao tận tay.
Ngoài ra, lực lượng chức năng sẽ đảm bảo các gia đình đều có đủ lương thực qua các chuyến vận chuyển thực phẩm vào từng hộ gia đình. Thực phẩm cũng sẽ đến từ những mạnh thường quân.
5. Phong tỏa bao lâu thì hết?
Block A1 ở Sunview Town tại Thủ Đức với 510 căn hộ đã được gỡ bỏ lệnh phong tỏa sau 16 ngày. Vào tháng 2, khu chung cư CC1-Felix Homes tại quận Gò Vấp với 336 căn hộ được gỡ bỏ phong tỏa chỉ sau 13 ngày.
Trong giai đoạn phong tỏa, cơ quan y tế sẽ thu nhập các khai báo y tế và lấy mẫu xét nghiệm ở những người liên quan đến ca nhiễm/nghi nhiễm COVID-19.
Tùy vào số lượng hộ dân trong khu vực mà việc này có thể nhanh hay chậm. Thông thường đều trên 10 ngày.
6. Khu vực bị phong tỏa có được báo trước không?
Lệnh phong tỏa khẩn cấp thường được quyết định ngay sau khi ca nghi nhiễm được xác minh dương tính, hoặc qua các buổi họp khẩn. Với khoảng thời gian ngắn như vậy, khó mà thông báo đến từng hộ gia đình.
Để không lâm vào cảnh “Ủa alo, chuyện gì vừa xảy ra?”, bạn có thể theo dõi nhanh những kênh sau để nắm tình hình và kịp có sự chuẩn bị cần thiết:
7. Ai được phép ra vào khu vực bị phong tỏa?
- Các cán bộ y tế trực tiếp thực hiện nhiệm vụ lấy mẫu xét nghiệm
- Lực lượng chức năng (công an, quân đội) lo việc cung cấp các nhu yếu phẩm cho người dân và trực chốt kiểm soát
- Các tình nguyện viên tham gia hỗ trợ vận chuyển nhu yếu phẩm, hỗ trợ người dân khi cần thiết
8. Nên làm gì khi nhận lệnh bị phong tỏa?
- Bình tĩnh theo dõi các thông tin về khu vực mình ở cũng như về COVID-19 bằng các nguồn tin chính thống
- Giữ một tinh thần khỏe mạnh bằng các bài tập ổn định tâm lý
- Tuân thủ các quy định về phòng chống dịch
9. Những việc luôn cần chuẩn bị ở nhà trong mùa dịch
- Luôn kiểm tra và sửa chữa các đồ điện tử kịp thời, bởi giai đoạn bị phong tỏa sẽ rất khó để đem đồ điện tử đi sửa
- Có sẵn các vật dụng y tế cá nhân: bông băng, thuốc men...
- Luôn đảm bảo các yếu tố chăm sóc bản thân đều thật đầy đủ: các sản phẩm 'hứng dâu' cho phái nữ, sản phẩm chăm sóc da...
- ‘Thủ sẵn’ các loại đồ khô và snack (càng healthy càng tốt) để dành những khi buồn miệng nếu không may khu vực của bạn bị phong tỏa