Khi được nghe những câu chuyện theo kiểu cụ bà A táo bạo đi du lịch nước ngoài một mình, ông lão B liều lĩnh chinh phục một đỉnh núi, hay vợ chồng cụ C cá tính trong trang phục đôi, mọi người đa phần đều cảm thấy trầm trồ và thích thú.
Những khái niệm “bố mẹ nhà người ta”, “ông bà thời data” cũng vì thế mà dần ra đời để ám chỉ những người lớn tuổi dám làm điều mà người ta cho là khác người như vậy.
Thế nhưng, hầu hết thế hệ trẻ bây giờ lại không nghĩ bố mẹ có thể làm những điều tương tự như thế. Với những đứa con đã lớn, bố mẹ và trẻ em luôn là đối tượng cần được quan tâm đặc biệt.
Tại sao người lớn tuổi chọn ở nhà?
Thông thường, nếu phải lựa chọn giữa việc đi du lịch ở một nơi nào đó và ở nhà, người lớn tuổi sẽ có xu hướng chọn vế thứ hai. Nếu lựa chọn có rơi vào vế đầu, nó cũng đi kèm với điều kiện là có con cháu đi cùng.
Mọi người thường lý giải cho trường hợp này là vì bố mẹ đã có tuổi, sức khoẻ không còn như trước nên hạn chế việc đi lại. Hơn nữa, việc ở cạnh con cháu, cả nhà bên nhau là điều người lớn mong muốn nhất ở cái tuổi ‘xế bóng cuộc đời’.
Những suy nghĩ trên không phải vô căn cứ. Tuy nhiên, có bao giờ những người con thử nghĩ, lựa chọn đó có thể bắt nguồn từ tâm lý tự ti và e ngại các định kiến xã hội?
Bố mẹ Việt vẫn mang trong mình tư tưởng sống cả đời vì con cái. Lúc còn trẻ, họ cố gắng làm việc để mang đến cho con cuộc sống đầy đủ nhất. Khi con đã trưởng thành, đáng ra là lúc họ tận hưởng cuộc sống, thì họ lại tự ti về sức khỏe hiện tại, về việc không còn khả năng lao động. Họ lo ngại bản thân trở thành gánh nặng cho con cháu.
Người cao tuổi còn ngại những tiếng nói ngoài kia, rằng “già mà còn ham hố”, rằng “chắc con cháu không chịu lo”, và lùi bước bởi chính tiếng nói từ đứa con, “Bố mẹ có tuổi rồi, cứ ở nhà cho lành”.
Bố mẹ cần một lời động viên
Giữa guồng quay hối hả của cuộc sống trưởng thành, có khi nào bạn quên rằng bố mẹ đã từng gánh vác cả gia đình, sự nghiệp?
Con người ta thường có tâm lý rụt rè, e ngại, và thậm chí là phản kháng khi phải tiếp xúc với một điều gì đó quá mới mẻ, nằm ngoài vùng an toàn của bản thân. Bố mẹ cũng không phải ngoại lệ. Đôi khi không phải là họ không thể hay không thích trải nghiệm cuộc sống, chỉ là họ cần một lời động viên.
T., một đứa con luôn khuyến khích bố mẹ “đừng lo cho con nữa” chia sẻ, “Hồi trước ba má mình cho rằng du lịch là ‘cái trò phí tiền, mất thời gian’’, rồi đi thì nhà cửa ai trông. Đến lúc mình đi làm, có tiền mua vé cho nguyên nhà đi chơi, năn nỉ ỉ ôi mãi ông bà mới chịu đi. Bây giờ thì năm nào ông bà cũng đi 2, 3 lần, có khi đi riêng luôn cho chị em mình ở nhà trông nhà”.
Làm sao để động viên bố mẹ trải nghiệm cuộc sống?
1. Lắng nghe bố mẹ
Rất có thể, đằng sau khuôn mặt vui vẻ “Bố mẹ sao cũng được!” là những mong muốn ẩn sâu mà bố mẹ cũng không biết cách cất lên thành lời.
Đừng đơn giản nghe người ta nói, khoan hãy tin vào những giả định của bản thân. Hãy hỏi bố mẹ về giấc mơ chu du thời còn trẻ, về những sở thích, sở trường của họ trước khi vướng bận con cái.
2. Nhắc họ rằng bạn sẽ rất vui khi thấy họ sống cho bản thân
Ở cái tuổi ngoài 50, bố mẹ vẫn còn có thể thử những chuyện mà bản thân chưa từng nghĩ tới: đi bar, cùng nhau du lịch đến một nơi xa, thử dùng thứ mạng xã hội, chụp ảnh tự sướng và tạo dáng kỳ lạ, xem bộ phim thần tượng mới ra…
Những điều bình thường với thế hệ chúng ta có thể là cả một sự khám phá với bố mẹ. Hãy để bố mẹ biết rằng, sống cho chính mình là cách sống vì con tuyệt vời nhất.
3. Hãy để bố mẹ yên tâm về bạn
Với bố mẹ, con cái là mối lo cả đời. Hãy cho bố mẹ thấy bạn đã trưởng thành, rằng bạn có thể tự chăm sóc cho bản thân, về cả vật chất và tinh thần. Như vậy, bố mẹ sẽ yên lòng sống cho bản thân nhiều hơn.
Để có thể thay đổi suy nghĩ của bậc sinh thành, những người vẫn còn mang nặng tư duy của thế hệ trước là một điều không dễ dàng. Vì vậy, hãy kiên trì với bố mẹ. Trò chuyện với bố mẹ nhiều hơn, động viên họ làm điều họ mong muốn và luôn tin rằng họ có thể làm được. Cho họ biết họ có thể dựa vào bạn như bạn từng dựa vào họ.
Bài viết được thực hiện bởi Chu.