Nguyễn Khắc Ngân Vi: “Khi yêu thứ gì, mình càng cẩn trọng với nó hơn” | Vietcetera
Billboard banner
Khảo Sát Về Thói Quen Tiêu Thụ Nội DungBắt Đầu

Nguyễn Khắc Ngân Vi: “Khi yêu thứ gì, mình càng cẩn trọng với nó hơn”

Nguyễn Khắc Ngân Vi chia sẻ gì về hành trình nhiều chữ qua hai quyển sách Phúc Âm Cho Một Người và Đàn Bà Hư Ảo, cũng như đời sống báo chí và điện ảnh của mình?
Nguyễn Khắc Ngân Vi: “Khi yêu thứ gì, mình càng cẩn trọng với nó hơn”

Nguồn: Tín Phùng cho Vietcetera

Trước khi ghi dấu trong văn đàn với hai quyển sách Phúc Âm Cho Một Người và Đàn Bà Hư Ảo, Nguyễn Khắc Ngân Vi đã là một cây bút lâu năm, chuyên phụ trách mảng xã hội. Cô mang khả năng đặt những câu hỏi về cuộc sống vào những bài phỏng vấn xuất sắc, vào những tác phẩm văn chương, và giờ đây là vào thế giới điện ảnh của mình. Cô viết nhiều về phim, và cũng đang là một biên kịch.

Những suy ngẫm gì về cuộc sống đã tạo nên Nguyễn Khắc Ngân Vi ngày hôm nay, và cả cô trong tương lai nữa? Chúng tôi có một cuộc chuyện trò với Ngân Vi để khám phá điều này!

Càng yêu thứ gì, mình càng cẩn trọng với nó

Ngân Vi gia nhập giới văn chương từ khá sớm. Cô đã có khoảng thời gian dài viết truyện ngắn (mà không để tên thật, vì mỗi lần viết là mỗi lần… crush một ai đó) và viết thơ. Dường như cả thế giới đều nói Ngân Vi phải ra sách càng sớm càng tốt. Nhưng đến tận năm 27 tuổi, cô mới có cuốn sách đầu tiên.

Hai quyển saacutech của Ngacircn Vi Nguồn toquocorg
Hai quyển sách của Ngân Vi | Nguồn: toquoc.org

Thời còn trẻ, chúng ta luôn háo hức viết về tình yêu. Chúng ta sẽ luôn thấy tình yêu của mình độc đáo. Càng va đập và “quằn quại” với nhiều mối tình, việc sản xuất chữ lại càng nhanh. Nhưng vì tình yêu dành cho văn chương quá lớn, Ngân Vi chọn cách cẩn trọng với chữ nghĩa. Chờ đợi thời gian chín muồi sẽ đến lâu, còn câu chữ thì luôn tuôn ra rất nhanh.

Viết tiểu thuyết không giống làm báo chí. Thời còn đi phỏng vấn nghệ sĩ, nếu tò mò về đời sống hôn nhân của Hồ Ngọc Hà hay là bước chuyển mình của Sơn Tùng, Ngân Vi có thể lập tức hỏi ngay. Vì trách nhiệm của báo chí là đưa thông tin. Nhưng nghệ thuật thì không đơn giản như thế.

Nghệ thuật không phải là nói rõ thứ mà tác giả muốn người đọc biết. Nó bao gồm sự chuẩn bị rất kỹ càng, trải nghiệm sống và lựa chọn trong từng chi tiết, để “nói mà như không nói”. Ngoài ra, tác giả nên cấu trúc được hết mọi thứ trong đầu trước khi xây dựng thế giới trong quyển sách của mình, cũng như một số đạo diễn luôn biết trước cảnh quay sẽ thế nào trước khi bấm máy.

Nguồn Tiacuten Phugraveng cho Vietcetera
Nguồn: Tín Phùng cho Vietcetera

Sự cẩn trọng theo Ngân Vi trong việc học - thứ bao trùm cuộc sống của cô. Sẽ có nhiều người trên thế giới này “nhảy” liên tục giữa các môn học vì sự hứng thú, nhưng cô thì chọn rất kỹ thứ mình sẽ theo học. Bởi nếu đã dành ra 3 tiếng học một thứ gì đó, Ngân Vi sẽ theo đến cùng vì tiếc 3 tiếng đã bỏ ra.

Trước đây, cô viết về phim. Sự cẩn trọng mang cô đến việc tìm hiểu thêm về phim, rồi đến Gặp Gỡ Mùa Thu, thậm chí đến chương trình thạc sĩ về cải biên ở Thượng Hải. Và giờ đây, Ngân Vi là một biên kịch đang làm việc với nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc (người đứng sau phim Người Vợ Ba).

Quan điểm về việc học tập, một cách cẩn trọng, của Ngân Vi rất mạnh mẽ. Nhắc đến chuyện làm phim, cô khẳng định: “Không phải ai cũng có thể nghĩ rằng mình chỉ nên là một người yêu điện ảnh đơn thuần. Ai cũng nghĩ mình nên làm phim, chuyện đó nguy hiểm lắm.”

Vì điện ảnh đúng là thuộc về tất cả, nhưng làm được nó hay không thì cần lượng thời gian chuẩn bị và suy tư rất lớn từ trước đó.

Anh có sống hay không?

Ngân Vi hay được nhận xét là “trải đời” khi người khác đọc hai quyển tiểu thuyết và nhiều truyện ngắn của chị. Nhưng thực ra, trải nghiệm của mỗi người mỗi khác. Có những người yêu đương nhiều, nhưng những điều cơ bản của cuộc sống như tâm sự với mẹ hay… quét nhà thì không.

Vậy nên điều quan trọng là mình có quan sát trải nghiệm đó hay không. "Anh có đang thực sự sống hay không", cô nói.

Ngân Vi viết sách vì cảm thấy mình có một câu chuyện để kể. Khi nhìn xung quanh và thấy thế giới đang dần mất kết nối, Ngân Vi rất muốn viết về nó. Và đó là tiền đề của Phúc Âm Cho Một Người.

Nguồn Tiacuten Phugraveng cho Vietcetera
Nguồn: Tín Phùng cho Vietcetera

Khi làm báo thì cô hiểu rằng một câu chuyện có thông tin là đủ. Nhưng khi xây dựng một tác phẩm, cảm giác là điều quan trọng hơn cả. Hiểu về cô đơn như thế nà không quan trọng bằng việc ta xây dựng thế giới đó ra sao trong tác phẩm của mình.

Ngân Vi nhận thấy sự mất kết nối cao nhất là khi người phụ nữ đã có con và cô ta nghĩ đứa con ấy là của mình. Nhưng thực ra, con người, một khi đã ra khỏi bụng mẹ, thì anh cô đơn giữa cuộc đời này. Ngân Vi xây dựng một trạng thái. Khi nhìn trạng thái ấy, độc giả sẽ tự biết mình nên cảm thấy như thế nào.

Và để làm ra trạng thái ấy, sự tinh tế thôi không đủ, tác giả phải thực sự sống đã.

Quan trọng nhất, vẫn là sự chân thành

Thời viết về điện ảnh, Ngân Vi đã có những buổi bàn luận sâu sắc về vấn đề “Tại sao một cảnh này ai nhìn cũng biết là sai, nhưng đạo diễn lại muốn giữ?”. Cô nhận thấy người biết cảnh quay sai hay đúng, đầu tiên, chắc chắn là tác giả. Sự chân thành với tác phẩm của mình mới thực sự giúp họ trong việc có giữ lại cảnh quay đó hay không.

Ngân Vi cảm thấy một người làm sáng tạo không nên quá chân thành. Khi đọc lại Đàn Bà Hư Ảo, cô luôn có chút gì đó không thích. “Mình đặt quá nhiều cảm xúc cá nhân của mình vào tác phẩm, sao lúc ấy mình thành thật quá!”, cô chia sẻ.

Nhắc đến việc viết truyện, Ngân Vi có nhận xét rằng cách thể hiện không bao giờ là điều quan trọng. Đương đại, hậu hiện đại hay bất kỳ thể loại nào cũng chỉ là cách thể hiện. Còn suốt vài trăm năm qua, con người vẫn cũng chỉ trải qua những câu chuyện như thế.

Nguồn Tiacuten Phugraveng cho Vietcetera
Nguồn: Tín Phùng cho Vietcetera

Vậy nên thử thách của tác giả không nằm ở việc chọn thể loại, mà là kể một câu chuyện “ai cũng biết”, bằng một cách khiến họ bất ngờ.

Ngân Vi viết sách mà chưa bao giờ kỳ vọng việc này sẽ mang lại cho cô tiền hay là tiếng tăm. Bởi nếu tác phẩm là “rác” thì thế nào cũng sẽ đến ngày mọi người lãng quên nó, cũng như tác giả, vì tác phẩm và tác giả tồn tại song hành. Cô chỉ thường tưởng tượng đến một ngày nào đó mình già và lên nhận giải thưởng lớn.

“Vậy nên điều quan trọng nhất là phải tìm cách… sống được cho đến lúc đó mà không bị mất trí nhớ”, cô cười.