Nhật Ký: Sài Gòn, nhìn từ một nhà có F0 | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
22 Thg 07, 2021
ThươngNhật Ký

Nhật Ký: Sài Gòn, nhìn từ một nhà có F0

Hàng xóm F0 của tôi là một cụ già...

Nhật Ký: Sài Gòn, nhìn từ một nhà có F0

Nguồn: Bloomberg

Hàng xóm F0 của tôi là một cụ già, không gia đình, không người thân, không quê quán, làm cho gia đình chủ đã ngót nghét 60 năm.

Hai năm trước tôi chuyển về khu này, gặp thì thấy bà còn lanh lợi nhưng trí nhớ bị lẫn. Mỗi một câu: "Chú mua nhà này à?" mà có ngày bà sang hỏi đến 20 lần. Đến mức người nhà phát cáu, phải gọi bà về.

Nửa năm trước bà bị ngã và bị liệt phải ngồi một chỗ. Cửa nhà luôn mở, bà ở tầng trệt, luôn ngó ra ngoài với ánh nhìn rất buồn. Chỉ ánh mắt thôi, còn tất tần tật ý niệm về thời gian cũng bị lãng quên theo trí nhớ. Đôi khi mới 9 giờ sáng, bà đã hỏi "Mấy giờ chiều rồi con?". Thấy nhân viên tôi đi làm về thì bà lại hỏi đi chợ nấu bữa trưa à.

Cách đây 1 tuần, khi xét nghiệm toàn khu phố thấy một nhà có người dương tính, người ta ngỡ ngàng vì ca này. Người duy nhất trong ngôi nhà 9 người ấy, dương tính. Có một cô trong nhà đi chợ Tân Định nhưng âm tính. Anh con trai hay đi lại, có hút thuốc với gia đình có ca nhiễm. Nhưng anh cũng âm tính luôn.

Vậy mà chẳng biết "cô vít" nơi đâu, tự dưng rơi vào một bà cụ gần như cả năm nay không tiếp xúc với người ngoài, không có khả năng đi lại để dính. Một tuần đã trôi qua, trong nhà ấy, cũng chỉ có mỗi bà cụ già này là dương tính. Không ai lây nhiễm cả.

Khi bà cụ bị được 3 ngày, gia đình đó rất hoảng. Nói gì thì nói, sống chung với một bệnh nhân với căn bệnh truyền nhiễm có thể nói là khủng nhất hiện nay, ai chẳng lo? Nhất là gia đình có người già, là bà, bệnh tật đầy mình và 3 đứa trẻ con.

Nhưng gia đình đó rơm rớm nước mắt. Họ thuyết phục đoàn chống dịch là đừng đưa bà vào bệnh viên dã chiến. Bà không đi lại được, rất khổ cho lực lượng chống dịch và khả năng tiếp xúc gần lây bệnh khá cao. Lại đang lúc quá tải, họ sợ bà cụ chết trong cô đơn...

Đúng lúc hệ thống y tế chống dịch ở Sài Gòn quá tải, không có chỗ cho bệnh nhân không triệu chứng, nên bà chưa được đưa đi. Họ cửa đóng then cài kín mít, dũng cảm sống cùng dịch bệnh trong một căn nhà với sàn có hơn 20m2, 9 con người. Sau đó một hôm thì có kế hoạch thí điểm để F0 không triệu chứng chăm sóc ở nhà. Thế là bà chính thức được ở lại.

Ông tổ dân phố gọi hỏi tôi thế nào khi phải sống cạnh gia đình có F0, tôi trả lời rằng tôi chẳng sợ gì cả.

Bà cụ đi, có khi còn tốt hơn cho mình trong phòng chống dịch bệnh. Nhưng tự nhiên tôi thấy mắt mình nặng nặng khi tưởng tượng ra hình ảnh một bà cụ tứ cố vô thân đi lên xe đến bệnh viện dã chiến. Có thể đó là chuyến đi cuối cùng của đời bà.

Và thế là tôi sống một cách bình thường cạnh F0 suốt hơn một tuần rồi. Tôi học cách sống cùng dịch bệnh một cách cẩn thận nhất từ tất cả mọi khâu, nhất là ăn uống và sinh hoạt.

Hôm qua đứa cháu tôi có kể những ngày này dọc hè phố Sài Gòn, đặc biệt là chỗ gần Lăng Ông Bà Chiểu, có nhiều người trên vai có cái ba lô, ngồi trên vỉa hè chờ phát cơm. Họ còn trẻ lắm.

Có thể họ là những thanh niên đi làm về nhưng không kịp vào khu nhà trọ vì khu đó bị phong tỏa, thế thôi ở ngoài đường luôn đến đâu thì đến. Có thể là những người bị thất nghiệp, rời Sài Gòn cũng không thể mà đi làm cũng chẳng ai thuê.

Nhưng họ không đói, vì vẫn còn đồng bào đùm bọc. Đồng bào vượt qua khó khăn dịch bệnh để đưa cho họ những hộp cơm cứu rỗi trong ngày tháng ngặt nghèo này.

(Chia sẻ từ anh Hoàng Nguyên Vũ)