Nhìn lại The Matrix qua góc nhìn của người chuyển giới | Vietcetera
Billboard banner
29 Thg 12, 2021
Sáng TạoĐiện Ảnh

Nhìn lại The Matrix qua góc nhìn của người chuyển giới

Được chắp bút và chỉ đạo bởi hai đạo diễn chuyển giới nữ, tác phẩm sci-fi kinh điển này đang muốn nói gì về trải nghiệm của cộng đồng trans-gender?
Nhìn lại The Matrix qua góc nhìn của người chuyển giới

Nguồn: The Matrix

Tháng 8 năm 2020, đạo diễn Lilly Wachowski đã chính thức đưa ra một xác nhận khiến cho cộng đồng yêu điện ảnh tràn ngập trong vui sướng: “The Matrix chính là một bộ phim nói về quá trình chuyển giới.”

"Thế giới vào thời điểm đó chưa sẵn sàng để hiểu ý nghĩa thật sự của bộ phim này... Loạt phim The Matrix bấy lâu nay là câu chuyện về khát khao được chuyển mình thay đổi và chúng được kể từ góc nhìn của một người chưa công khai xu hướng tính dục,” vị đạo diễn trả lời trong một video phỏng vấn với Netflix.

The Matrix trở thành một huyền thoại trong thể loại phim khoa học viễn tưởng vì những câu hỏi mang tính hiện sinh bộ phim đã đặt ra khi nhân loại đứng trước sự phát triển chóng mặt của công nghệ.

Giờ đây, qua góc nhìn mới, The Matrix còn là hành trình đi tìm ý nghĩa của việc được yêu thương, chấp nhận và tự do, những thứ vốn xa xỉ với cộng đồng người chuyển giới.

Những chi tiết ẩn dụ

Lana và Lilly Wachowski là hai đạo diễn chuyển giới nữ hiếm hoi. Vào thời điểm The Matrix ra mắt, cả hai người đều chưa công khai điều này với thế giới. Phải đến tận năm 2012 và 2016, hai chị em nhà Wachowski mới chính thức hoàn thành quá trình chuyển đổi giới và xác nhận với công chúng.

Ngay sau đó, khán giả và những nhà phê bình phim đã ngay lập tức nhìn lại các bộ phim của chị em nhà Wachowski qua một lăng kính mới: “Góc nhìn của người chuyển giới” (Trans Narrative). Từ đó, câu chuyện đầy cảm hứng về quá khứ khó khăn và hành trình tìm lại bản thân của hai vị đạo diễn bỗng hiện lên rõ rệt ở gần như qua tất cả tác phẩm, đặc biệt là The Matrix.

The Matrix lấy bối cảnh năm 2199, nơi hệ thống AI đã phát triển vượt ngoài tầm kiểm soát của nhân loại. Với tham vọng trở thành một thực thể tương tự Chúa Trời, hệ thống này đã hoàn toàn đánh bại và biến con người thành một nguồn năng lượng để nuôi sống máy móc. Bộ phim theo chân nhân vật Neo trên hành trình tìm ra sự thật và chống lại hệ thống AI này.

Một trong những chi tiết liên quan đến người chuyển giới có thể thấy ngay đầu phim là cách Neo muốn được gọi tên. Ở thế giới giả lập do AI tạo ra, Neo có tên thật là Thomas Anderson. Thế nhưng xuyên suốt bộ phim, Neo đã thẳng thừng từ chối được gọi bằng cái tên này khi gia nhập Ma Trận.

Đây là một sự liên kết chặt chẽ đến khái niệm “Deadname” trong cộng đồng người chuyển giới. Khi nhân vật Neo lựa chọn thay đổi và nhìn thế giới dưới một góc nhìn khác (góc nhìn Ma Trận) anh yêu cầu phải được gọi bằng danh tính anh chọn lựa. Giống như cách người chuyển giới cần thế giới tôn trọng danh tính và cái tên mới của họ.

Tại cảnh phim cuối cùng của The Matrix, camera đã zoom vào khoảng trắng tại dòng chữ “SYSTEM FAILURE” trên máy tính và để lại hai chữ cái “M F”.

Sự lựa chọn giữa hai bản dạng giới Male - Female (Nam-Nữ) | Nguồn: The Matrix

Lana Wachowski nói về hình ảnh biểu tượng cho sự lựa chọn bản dạng giới này: “Một chữ cái M (viết tắt của Male - Nam) cho tôi những lợi thế về kinh tế và địa vị, chữ cái còn lại F (Female - Nữ) đóng lại những cơ hội đó trước mặt tôi.”

Những yếu tố tương đồng với trải nghiệm của người chuyển giới còn hiện diện ở cách hai vị đạo diễn chỉ đạo những cảnh quay của họ.

Theo một bài phân tích đến từ nhà nghiên cứu Cáel Keegan về cảnh quay Bullet Time nổi tiếng của The Matrix, “Đường đi của những viên đạn tạo cảm giác chúng đang tồn tại cùng lúc ở hai thực tại song song…. Một hiệu ứng truyền tải trải nghiệm của sự chuyển đổi giới tính và những người chuyển giới xuyên suốt lịch sử.”

Tại phiên bản ban đầu của The Matrix, nhân vật Switch được Lana và Lilly Wachowski xây dựng là một ẩn dụ cho người chuyển giới. Nhân vật này có cơ thể là nam ở thế giới thật, nhưng tại Ma Trận, Switch lại là một người phụ nữ. Tuy nhiên, hãng phim Warner Bros lại cho rằng khán giả đại chúng sẽ không hiểu ẩn ý và ý tưởng đã bị bác bỏ.

“Thế giới vẫn chưa sẵn sàng cho ý nghĩa thật sự của bộ phim... thế giới của những tập đoàn vẫn chưa sẵn sàng,” Lilly Wachowski nói khi nhìn lại nhân vật Switch.

Viên đỏ hay viên xanh — Tiếp tục giấu mình hay sống thật

Giờ đây, khi cả Lana và Lilly Wachowski đã bước ra khỏi “vỏ bọc”, họ ủng hộ cách khán giả nhìn nhận và xem lại các tác phẩm của cả hai dưới một góc nhìn mới.

Sự lựa chọn giữa hai viên thuốc đỏ và xanh chính là một trong những ẩn dụ của hai vị đạo diễn này về một quyết định bất kì người chuyển giới nào cũng phải đối diện. Nếu Neo chọn viên thuốc màu xanh, anh quay trở về với thế giới giả lập và quên đi mọi thứ. Nếu uống viên thuốc màu đỏ, anh sẽ tiếp cận với thế giới thật.

Sự lựa chọn của Neo có sự tương đồng với trải nghiệm của người chuyển giới | Nguồn: The Guardian

Tượng trưng nhà tù của tâm trí, viên thuốc màu xanh cho Neo quay về với một cuộc sống mà anh luôn cảm thấy “có gì đó không đúng”. Một thế giới yên bình, không có nỗi sợ nhưng cũng thiếu vắng mưu cầu phát triển bản thân của Neo.

Mặt khác, tất cả những gì viên thuốc màu đỏ mang đến sẽ là một tương lai đầy biến động và tàn nhẫn. Thứ duy nhất Neo chắc chắn nhận được là sự tự do.

Trong cuộc sống thực tế, những viên thuốc hormone mà người chuyển giới uống thường có màu đỏ. Dù chúng gây cho người sử dụng rất nhiều những cơn đau dai dẳng và những biến đổi thất thường. Những viên thuốc hormone này chính là cánh cửa để những người chuyển giới có thể trở thành phiên bản của bản thân mà họ luôn ao ước.

Trải nghiệm của những “quả trứng”

“Quả trứng” là cách gọi cộng đồng chuyển giới dành cho những người trong cộng đồng vẫn chưa nhận ra bản thân là một người chuyển giới, hay vẫn còn băn khoăn về bản dạng giới (gender identity) của bản thân.

Lana và Lily Wachowski nói rằng câu chuyện của The Matrix có nhiều điểm tương đồng với câu chuyện của cộng đồng này trên Internet.

Chị em Lilly và Lana Wachowski | Nguồn: GameK

Từ khi những người chuyển giới nữ còn chưa nhận ra rằng họ có bản dạng giới là nữ, họ đã bắt đầu đi vào các phòng chat ẩn danh với danh tính là một người nữ. Tại đây, họ nhận ra rằng mình đang cảm thấy thoải mái hơn rất nhiều khi được sống với phiên bản này của bản thân.

Ở cuối bộ phim, Neo đã nói: “Tôi biết bạn đang sợ… Bạn sợ chúng tôi. Bạn sợ thay đổi.”

Thế giới thực có lẽ chưa bao giờ thật sự nhân từ với cộng đồng người chuyển giới. Sự kì thị và sợ hãi đến từ những tư tưởng vốn tồn tại hàng ngàn năm không phải là một điều dễ dàng để xã hội có thể vượt qua. Cộng đồng người chuyển giới bỗng nhiên trở thành những con người đáng ghê tởm chỉ vì họ muốn được sống với bản dạng thật sự của bản thân.

The Matrix là bộ phim về hành trình vượt qua khỏi những giới hạn của cơ thể, và khám phá những gì trí não chúng ta có thể làm được khi sẵn sàng chấp nhận và thay đổi. Qua The Matrix, chị em nhà Wachowski đã làm rõ rằng hệ thống giới tính vốn chỉ là một hệ tư tưởng có thể dễ dàng bị phá bỏ nếu mỗi con người trong xã hội đều hiểu được điều này.

Kết

Trong một thế giới mà quyền đi vệ sinh ở căn phòng nào của họ cũng bị lên án và miệt thị, cộng đồng người chuyển giới dường như không có bất kì sự lựa chọn nào tốt đẹp trong thế giới thật.

Lựa chọn giữa việc sống trong một quả trứng yên bình nhưng giả dối, hay bước ra một thế giới vốn tàn nhẫn luôn là điều khiến cho cộng đồng này luôn băn khoăn. Vì quá trình trả lời cho câu hỏi “tôi là ai?” của một người chuyển giới còn đi kèm với cụm “và tôi sẵn sàng hi sinh những gì vì điều đó?”

Trong một bài phát biểu của Lana Wachowski, cô nói rằng dù bạn đang làm gì, câu hỏi ấy vẫn là một câu hỏi quan trọng. Dù sẽ phải trải qua những thử thách có thể kéo dài cả cuộc đời, chắc chắn ở cuối chặng đường đó sẽ là một thứ đẹp đẽ và hoàn hảo. Đó chính là con người thật của bạn.