Những ai phải chịu trách nhiệm cho cái chết của Lee Sun Kyun? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Những ai phải chịu trách nhiệm cho cái chết của Lee Sun Kyun?

Trong những ngày tháng cuối năm, ta bày tỏ lòng thương tiếc cho một tài năng điện ảnh vụt tắt ở đỉnh cao.
Những ai phải chịu trách nhiệm cho cái chết của Lee Sun Kyun?

Nguồn: Yonhap/Getty Images

1. Chuyện gì đã xảy ra?

Ngày 27/12, cảnh sát Hàn Quốc phát hiện diễn viên Lee Sun Kyun qua đời trong xe ô tô cá nhân cùng với chiếc bếp than. Vì không tìm thấy dấu hiệu án mạng, cảnh sát kết luận đây là một vụ tự tử của nam diễn viên nổi tiếng. Trong sự nghiệp điện ảnh và giải trí kéo dài hơn 20 năm của mình, nam diễn viên giữ hình tượng trong sạch song song với tài năng diễn xuất.

Trước khi ra đi, Lee Sun Kyun đang bị điều tra về bê bối liên quan tới ma túy và quan hệ ngoài luồng. Theo Yonhap News, người tố cáo anh là quản lý của một quán bar nổi tiếng cho giới thượng lưu của Hàn Quốc, cùng với một người hàng xóm sống gần nơi diễn viên ở.

29dec2023taitukysinhtrungjpeg43311698562146jpg
Lee Sun Kyun tại sở cảnh sát vào ngày 28/10. | Nguồn: Hani

Vụ điều tra bắt đầu diễn ra từ giữa tháng 10. Trong suốt hai tháng, nam diễn viên đã cộng tác với cơ quan điều tra trong quá trình thẩm vấn và xét nghiệm. Tất cả các mẫu thử tóc và nước tiểu của anh đều cho kết quả âm tính với ma túy. Ngoài lời khai của hai người tố cáo, cảnh sát không tìm được bằng chứng khác.

2. Lee Sun Kyun đã phải chịu những áp lực gì trong hai tháng qua?

Trong quãng thời gian điều tra, những ai theo dõi vụ việc có thể thấy nam diễn viên trở nên tiều tụy và suy sụp hơn qua từng ngày hay từng lần xuất hiện trước truyền thông. Toàn bộ cuộc sống của anh và gia đình đã đảo lộn.

Áp lực đầu tiên là sự soi xét của khán giả và truyền thông. Việc một tài tử từng đoạt Oscar, lại có đời tư trong sạch nay dính líu với chất cấm là một quả bom cho giới truyền thông kích nổ. Mặc dù chưa có kết luận chính thức, bản thân việc tên diễn viên xuất hiện với các từ khóa như “ma túy” hay “quan hệ ngoài luồng” là đủ để khán giả đưa ra những lời đồn đoán của riêng mình.

29dec2023gcf0bkqacaaxpy4jpg
Đám tang của Lee Sun Kyun. | Nguồn: X @ABSCBCNews

Nhưng thứ áp lực trực diện nhất, thứ đã bào mòn anh qua từng ngày chính là áp lực điều tra. Buổi thẩm vấn cuối cùng của Lee Sun Kyun đã kéo dài tới 19 tiếng - một cuộc thi thể lực theo đúng nghĩa. Trước khi mất, anh cũng đã đệ đơn kiện hai người tố cáo mình và kêu oan với cảnh sát.

Ngoài ra, một gánh nặng khác lơ lửng trên đầu nam diễn viên và gia đình anh là sức ép tài chính từ các nhãn hàng, các hợp đồng quảng cáo, hay một số dự án điện ảnh mà họ tham gia. Khi tin tức về vụ việc xuất hiện, tất cả những bên ký hợp đồng cộng tác với anh và vợ đã đồng loạt quay lưng và đòi tiền bồi thường, tổng số tiền lên tới 10 tỉ won, tương đương khoảng 180 tỉ đồng.

3. Ai đã đẩy nam diễn viên tới bờ vực?

Câu trả lời nhanh nhất mà chúng ta có thể nghĩ tới chính là hai người đã tố cáo Lee Sun Kyun. Nhưng nếu nhìn sâu hơn vào vụ việc, ta nhận ra rằng không chỉ anh hay hai người đó, mà còn những bên khác có trách nhiệm với cái chết của anh.

Về vụ việc này, cựu Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho rằng phương thức điều tra và cách đưa tin “lạc hậu” của cảnh sát và truyền thông Hàn là một trong những nguyên nhân trực tiếp.

29dec2023mun42751703751473jpg
Cựu Tổng thống Moon Jae-in. | Nguồn: Yonhap News

Ông viết: “Người trong cuộc bị lôi ra trước ống kính một cách quá đà, gây tổn thương lớn tới danh dự và nhân phẩm của người đó. Những sự việc dẫn đến lựa chọn cực đoan như thế này, đã đến lúc cần chấm dứt.”

Việc công bố thông tin điều tra nam diễn viên trong khi anh chưa phải là nghi phạm đã khiến cho hàng loạt bài báo mang tính suy diễn xuất hiện. Ở điểm này, cơ quan điều tra Hàn Quốc chịu trách nhiệm trước tiên vì đã để lộ thông tin, sau đó tới bộ máy truyền thông hoạt động theo cách phi nhân.

Mặt khác, làm cách nào mà một lời cáo buộc gần như không căn cứ và thiếu vắng bằng chứng xác đáng lại có thể trở thành công cụ điều tra? Đây là những vấn đề mà hệ thống tư pháp Hàn Quốc cần phải đối diện.

Bên cạnh đó, tính phi nhân của những hợp đồng quảng cáo hay các dự án điện ảnh cũng có vai trò khiến nam diễn viên lựa chọn cực đoan. Về lý, họ không sai khi nói rằng nam diễn viên đã vi phạm hợp đồng.

Nhưng về tình, các đơn vị này hoàn toàn có thể đợi tới khi có kết luận cuối cùng của cơ quan điều tra rồi mới đưa ra yêu cầu đền bù. Việc tất cả các bên liên quan đồng loạt quay lưng cho thấy điều họ quan tâm chỉ là hình ảnh của mình.

4. Các nền giải trí khác phản ứng với bê bối ngôi sao thế nào?

So sánh nền giải trí Hàn Quốc với Hollywood, ta sẽ thấy những ngôi sao trong hai môi trường văn hóa này có những cách phản ứng rất khác nhau trước scandal. Trong khi các sao Hollywood có nhiều thời gian và không gian hơn để xử lý tình huống, thì nhiều sao Hàn chọn sự ra đi một cách chóng vánh trước áp lực từ truyền thông, dư luận, và cơ quan điều tra.

Có vô vàn câu chuyện về những “ngôi sao nghiện ngập” tại Hollywood, những người từng mài mặt trên các bài báo về chuyện cai nghiện hay ăn chơi. Truyền thông khai thác họ, nhưng tới cuối cùng, những ai có nghị lực và muốn quay đầu thì vẫn có thể trở lại một cách ngoạn mục.

Những diễn viên như Robert Downey Jr., Jamie Lee Curtis, hay Winona Ryder là các ví dụ điển hình.

29dec2023download2jpg
Robert Downey Jr. cũng từng có một quá khứ bất hảo. | Nguồn: AP

Tại Việt Nam, nơi có những trang tin cập nhật đời tư ngôi sao theo từng giờ, mọi thứ không giống như Hollywood nhưng cũng khác nền giải trí Hàn. Những ca sĩ hay diễn viên vướng scandal tình ái hoặc lạm dụng chất cấm sẽ bị tẩy chay, nhưng hiếm có ai chịu áp lực tới mức phải tự tử.

Họ chỉ lặng lẽ rơi vào quên lãng, thậm chí nếu may mắn, còn có thể trở lại ngành công nghiệp giải trí với một sản phẩm đủ tốt.

5. Khi nào ngành giải trí Hàn bớt tàn khốc?

Chúng ta đã nghe nhiều về cỗ máy giải trí Hàn Quốc và khả năng đào thải, thanh lọc của nó. Đằng sau hào quang của những ngôi sao là biết bao thực tập sinh không được trao cơ hội, bao công ty phá sản và nhiều vụ việc bê bối, lạm dụng.

Nhưng có lẽ ta mới chỉ quan tâm tới một đầu của sự đào thải mà đã quên đi đầu kia: sự đào thải của chính những ngôi sao đã thành danh. Những người may mắn nhất thì chỉ già đi và kết thúc sự nghiệp. Còn Lee Sun Kyun, hay trước anh là ca sĩ Kim Jong-hyun (SHINEE), ca sĩ Sulli, v.v. thì không được như vậy.

Gần như năm nào cũng có những ngôi sao Hàn Quốc tự tử, hoặc vì bê bối cá nhân, hoặc vì bị lạm dụng trong những mặt tối của ngành công nghiệp giải trí, hoặc vì vấn đề sức khỏe tâm lý. Điều này không chỉ cho thấy sự khốc liệt của ngành công nghiệp nơi đây, mà còn thể hiện rằng các công ty chủ quản và những người làm chính sách chưa thực sự bảo vệ người làm nghề. Vậy, tới khi nào thì ta mới có thể ngừng thương khóc cho những người như Lee Sun Kyun?