Những đứa trẻ lớn sớm: “Chín nghề” có đồng nghĩa với “chín ép”? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Những đứa trẻ lớn sớm: “Chín nghề” có đồng nghĩa với “chín ép”?

Ta có thể “sống” hoặc “chín,” nhưng không nhất thiết phải “ép.”
Những đứa trẻ lớn sớm: “Chín nghề” có đồng nghĩa với “chín ép”?

Amy Anh @hi.amyanh cho Vietcetera

Chúng ta có thể bắt gặp meme về yêu cầu kinh nghiệm làm việc của các công ty lớn trên bất cứ diễn đàn tuyển dụng nào ở Việt Nam. Có thể không phải sinh viên mới ra trường nào cũng được nhà tuyển dụng hỏi “Em đã có 10 năm làm việc trong lĩnh vực… hay chưa?”, song yêu cầu người lao động có “tuổi nghề” là nỗi ám ảnh rất lớn đối với người trẻ.

Nếu nhu cầu của thị trường việc làm là “chín nghề” theo nghĩa chất lượng lao động của người được tuyển luôn “out trình” người khác nhờ số năm rèn luyện, thì ít người trẻ tìm thấy vị trí của mình trong công việc. Họ sẽ phải vật lộn với “9 nghề” để mưu sinh, hoặc phải “chín ép” từ nhỏ.

Một đứa trẻ "chín ép" phát tác khả năng thần kỳ của chúng từ khi còn rất ít tuổi, hoặc rèn luyện kỹ năng từ rất sớm. Từ đó, chúng có “10 năm kinh nghiệm” ngay từ 15-16 tuổi, nhiều khả năng kiếm được bộn tiền và trở thành "con nhà người ta" trong câu chuyện bàn ăn của các phụ huynh.

Điều ta có thể thấy ở những hình ảnh cường điệu này là áp lực từ kỳ vọng xã hội người trẻ gặp phải. Rất nhiều hệ quả có thể xảy đến khi ta ép bản thân trở thành những hình mẫu này. Tôi sẽ trình bày 2 kiểu "chín ép" phổ biến trong xã hội sau đây:

Còn trẻ phải cống hiến

Motif "chín ép" đầu tiên là tận dụng "sức trẻ" của mình từ nhỏ để sau này có năng lực chuyên môn tốt hơn đối thủ. Kịch tính như phim Hàn Quốc nhưng cũng khá phổ biến trong thực tế ở Việt Nam là nhiều đứa trẻ đã học môn năng khiếu từ bé. Phổ biến hơn, nhiều trẻ con sinh ra ở thành thị từ đầu 2000 đã được học qua chương trình Toán lớp 2 từ trước khi đặt chân đến trường tiểu học.

Sức trẻ hay được ví với sự “thần kỳ,” và đôi lúc còn được coi như một nguồn tài nguyên quý giá của các quốc gia. Người ta không chỉ "chín ép" để phục vụ chỉ lợi ích của bản thân mình.

Trên phương diện quản lý nhà nước, thì tuổi trẻ là nguồn lao động chủ yếu đằng sau những tăng trưởng kinh tế. Đó là lý do vì sao nhiều đơn vị tuyển dụng đặt giới hạn độ tuổi đối với nhân sự mình sẽ tuyển, và thi thoảng một số cơ quan còn tài trợ những chuyến du học tu nghiệp cho nhân sự của mình, những người vẫn ở độ tuổi còn có thể học tập.

Ở cấp độ phát triển cá nhân, chúng ta thường muốn tích luỹ kinh nghiệm, của cải, vốn liếng và địa vị xã hội khi lưng mình chưa gù và bệnh parkinson chưa mò đến. Khi có tuổi, ta hưởng thụ dựa trên những gì ta kiếm được khi còn trẻ. Lý tưởng cuộc sống là vậy, nhưng quan niệm “còn trẻ phải cống hiến” đặt áp lực rất lớn lên vai những ai còn đang ngồi trên ghế nhà trường.

httpsvietceteracomuploadsimages24feb2023chinepintext1jpg
"Tuổi trẻ phải cống hiến"

Cách đây không lâu, một trường chuyên ở Hà Nội lên danh sách các em được lựa chọn đại diện cho khối chuyên của mình tham gia một cuộc thi tài năng. Ý kiến trái chiều nổ ra khi một em học sinh cấp 3 có hồ sơ nghiên cứu ngang người gấp đôi số tuổi em, lại còn có tài năng nghệ thuật thiên bẩm.

Có hai luồng dư luận chính. Một luồng hết lòng ngợi ca những “tuổi trẻ tài cao” và tự so sánh chính mình với những hình mẫu người trẻ lý tưởng. Một luồng chất vấn tính trung thực của các bộ hồ sơ. Câu hỏi quan trọng hơn: sự “chín ép” mà các em học sinh đang trải qua có thực sự tốt cho bản thân các em? Ngay cả khi danh sách thành tích có vấn đề ở đôi chỗ, thì việc “đứng mũi chịu sào” trước truyền thông cũng là một trải nghiệm có phần “ép” mà người trẻ thế hệ trước không phải trải qua.

Nhưng chính các yếu tố "chín ép" này lại làm nên hình mẫu nhân tài hoàn hảo của xã hội: Trẻ tuổi; Có điểm GPA trên 9.0; Có giải thưởng quốc tế; Có năng khiếu nghệ thuật; v.v. Giỏi thôi là chưa đủ, một người cần nhiều sự hỗ trợ từ gia đình, xã hội, đồng thời hi sinh bao thứ làm nên tuổi thơ thì mới đạt tới hình mẫu này.

Dĩ nhiên, sự “chín ép” này có thể là sự đầu tư đúng hướng, khi người trẻ chỉ cần rèn luyện một số năng lực nhất định và trở thành những nhà chuyên môn giỏi. Song có hai hệ quả có thể xảy ra:

Thứ nhất, họ có thể cho rằng mình sinh ra chỉ để làm một thứ duy nhất, dẫn đến khi thất bại thì rơi vào suy sụp vì vừa không nhìn thấy lựa chọn cuộc đời khác, vừa gặp áp lực từ truyền thông.

Thứ hai, họ có thể thành công với chuyên môn của mình, nhưng đốt sức khoẻ và các nguồn lực sẵn có khác như một ngọn đuốc, chỉ chờ cháy đến tận tay cầm.

“Chín ép” vì còn trẻ phải trải nghiệm (bằng mọi giá)

Luồng quan niệm khác về "chín ép" là, khi còn trẻ và còn sức thì phải tích luỹ càng nhiều trải nghiệm sống càng tốt. Nếu như lao vào cuộc chiến giành bằng cấp giống như bắc một chiếc thang và leo lên đỉnh kim tự tháp, thì thu thập trải nghiệm giống như đi bộ theo phương ngang, quan sát và sống thử vô vàn cuộc đời khác mình.

Giáo dục đề cao trải nghiệm thực tế, cùng sự am hiểu cuộc sống, dường như là nỗ lực “phản pháo” giáo dục “tháp ngà” đề cao bằng cấp. Nhưng “chín ép” lại tiếp tục xảy ra khi việc thu thập trải nghiệm trở thành một cuộc đua.

httpsvietceteracomuploadsimages24feb2023chinepintext2jpg
"Còn trẻ phải cống hiến"

Thay vì cạnh tranh về số lượng bằng cấp, thì người trẻ lao vào cuộc chiến xem ai có nhiều trải nghiệm sống hơn ai. Nếu người hơn kẻ kém không được phân định bằng điểm SAT, thì sẽ được so sánh bằng số ngôi làng nghèo đói ở Châu Phi mà họ đã tới tình nguyện, số start-up họ đã thành lập trước tuổi 20, và quãng đường xa nhất họ vượt qua khi cố gắng đi bộ xuyên lục địa.

Điểm chung của tất cả những trải nghiệm này là chúng đều đắt đỏ. Bởi lẽ, các xã hội Á Đông gần đây ám ảnh hơn với thành tích trải nghiệm bởi xu hướng du học phương Tây ngày một phổ biến. Tại các hồ sơ xét tuyển, trải nghiệm phong phú trở thành điểm cộng bên cạnh tổng số văn bằng.

Các vấn đề xảy ra đối với người trẻ “chín ép” theo kiểu này thì chúng ta đã thấy giống như bằng mọi giá phải cống hiến ở phần trên. Họ gặp áp lực từ mọi phía, tốn kém tiền bạc và thời gian, cùng khả năng không gượng dậy được sau khi đã gục ngã.

Nhưng vấn đề nghiêm trọng hơn là họ luôn phải đặt các trải nghiệm bên cạnh nhau và so sánh xem trải nghiệm nào nhiều giá trị hơn trải nghiệm nào. Nếu điểm số là những thông tin định lượng, có thể được so sánh với nhau dễ dàng, thì trải nghiệm là định tính và chỉ có thể được xếp hạng bằng thiên kiến cá nhân.

Nếu không trải qua các biến cố cuộc đời nghiệt ngã, ta phải leo một ngọn núi và bơi qua một dòng sông để được so sánh với người khác trong sự tôn trọng. Và nhiều khả năng ta sẽ cảm thấy trống rỗng trong ngày ta tự hỏi xem mình có thực sự muốn và cần những điều này hay không.

Liệu cơm gắp mắm

Bằng cấp và trải nghiệm thực ra không hề tiêu cực nếu như sự tích luỹ những điều này không biến thành cuộc đua.

Chúng ta không nhất thiết phải quay lưng lại với sự “chín ép.” Vẫn có nhiều người thành công với sự nỗ lực vượt bậc từ khi họ còn nhỏ tuổi. Nhưng nhóm này không phải số đông, và quả ngọt họ hái không đến từ chỉ khả năng tự thân của họ. Và việc lấy họ làm hình mẫu phấn đấu cần phải được soi sáng bằng những câu hỏi:

Trước khi bắt đầu hành trình, có thể hỏi: Tôi thực sự muốn tôi biết gì, hay tôi chỉ làm những thứ xã hội cho là cần thiết?

Khi đã thành công bước đến cuối, có thể nghĩ: Mình hoàn thành nhờ nỗ lực tự thân, hay nhờ sự vun đắp của các điều kiện xã hội khác?

Tuổi trẻ cày cuốc vì bằng cấp hay trải nghiệm, thực sự không phải hai lựa chọn duy nhất, và buộc ta phải thốt lên "either-or" (hoặc cái nọ, hoặc cái kia). Nhiệm vụ của cuộc đời ta không phải là nuông chiều con mắt của các nhà tuyển dụng hay xỏ vừa chân vào đôi giầy của những lý tưởng xã hội.

Vì những tình huống lý tưởng rất ít khi xảy ra, nên trước khi lao vào những cuộc đua, chúng ta có thể “liệu cơm gắp mắm.” Một cái nhìn sâu hơn vào cách xã hội đang vận hành và những con đường ta có thể đi, dù với tâm thế nhanh hay chậm, dễ dàng hay khúc khuỷu… là cần thiết trong thời đại của áp lực đồng trang lứa. Xác định được tâm thế là xác định được các giá trị ta theo đuổi trong cuộc đời.

Hơn nữa, không có công thức chung cho một cuộc đời đáng sống. Trở thành “tuổi trẻ tài cao” bằng nỗ lực “chín ép” không nhất thiết phải là tiêu chuẩn cho một cuộc sống hoàn hảo. Điều quan trọng là giữa mọi tiêu chuẩn chằng chịt, ta tìm thấy một góc nhỏ cho mình, nơi những đứa trẻ có thể suy nghĩ như người lớn, và những cụ già có thể nhìn đời bằng con mắt trẻ thơ mà không bị phán xét.

Vậy chúng ta sẽ "sống" hay "chín" khi không "ép" chính mình?