1. Chuyện gì đang xảy ra?
Vào sáng ngày 10/4, tại phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Nguyễn Anh Trí đã trình bày những nội dung điều chỉnh vào đề nghị xây dựng Luật Bản dạng giới. Một trong ba nội dung chính mà ông đề xuất điều chỉnh là cho phép công dân được chọn giới tính mới khác với giới tính khi sinh.
Ông Nguyễn Anh Trí là giáo sư, tiến sĩ y khoa, nguyên viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương. Ý tưởng về Luật Bản dạng giới thực chất đã được ông đề xuất, thảo luận với các đại biểu khác và nộp hồ sơ đề nghị lên Quốc hội từ ngày 15/2 năm nay.
Theo ông, chuyển đổi giới tính là một quyền nhân thân cơ bản, công dân có quyền tự xác lập bản dạng giới của mình. Do đó, việc bổ sung dự án luật này vào chương trình xây dựng luật sẽ đảm bảo đời sống bình đẳng cho người chuyển giới và hoàn thiện hệ thống luật pháp về quyền con người của nước ta.
2. Việt Nam đã có quy định về việc chuyển giới chưa?
Trong những năm gần đây, các nhà làm luật đã và đang chú ý tới các vấn đề về giới tính cũng như về cộng đồng LGBTQI+ tại Việt Nam. Chưa cần đợi tới đề xuất luật của đại biểu Nguyễn Anh Trí, Bộ Y tế đã có kế hoạch nghiên cứu và xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính từ tháng 8/2022.
Trong quá trình thảo luận tại Quốc hội vào tháng 2, ông Trí chỉ ra rằng bộ Luật Dân sự 2015 đã nhắc tới quyền xác định lại giới tính và quyền chuyển đổi giới tính của công dân. Tuy nhiên, luật mới chỉ ghi rằng “việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của pháp luật” chứ chưa thực sự có quy định và hướng dẫn cụ thể.
Điều này gây khó khăn cho cả công dân lẫn cơ quan có thẩm quyền trong việc công nhận chuyển đổi giới tính và những vấn đề liên quan như hộ khẩu, hộ tịch, giấy tờ tùy thân, can thiệp y khoa, v.v. Từ góc nhìn này, ông Trí cho biết “có khoảng nửa triệu người chưa được bảo vệ quyền nhân thân trọn vẹn, thậm chí còn bị xâm hại, ngược đãi.”
3. Tại sao cần có Luật Bản dạng giới?
Luật Bản dạng giới sẽ tạo hành lang pháp lý, bổ sung thêm quy định về các vấn đề giới và chuyển giới vào hệ thống pháp luật của nước ta. Bên cạnh đó, bản thân sự tồn tại của bộ luật là một sự công nhận đối với cộng đồng LGBTQI+, rằng họ là một phần tất yếu của xã hội và của mỗi thế hệ người, chứ không phải là những cá nhân lệch lạc, lệch chuẩn.
Ông Trí giải thích thêm về bộ luật rằng: “Luật sẽ tạo cơ sở để phát triển kỹ thuật can thiệp y học giúp chuyển đổi giới tính, giúp nhà nước tăng nguồn thu ngân sách, tránh bị chảy máu ngoại tệ do người Việt Nam ra nước ngoài chuyển đổi giới tính.” Bên cạnh đó là những quy định về cơ sở khám chữa bệnh được phép tiến hành thủ thuật chuyển đổi.
4. Có gì trong bộ luật?
Đề cương chi tiết dự thảo của bộ luật có 5 chương và 27 điều. Cấu trúc nội dung của từng chương như sau:
- Chương I: giới thiệu các thuật ngữ và khái niệm, xác định phạm vi điều chỉnh của luật, xác định hành vị bị nghiêm cấm và quyền, nghĩa vụ có liên quan.
- Chương II: quy định về điều kiện, hồ sơ, thủ tục công nhận bản dạng giới.
- Chương III: quy định về hỗ trợ tâm lý, can thiệp y tế, và việc điều trị cho người chuyển giới.
- Chương IV: sự quản lý của Nhà nước đối với việc chuyển đổi giới tính.
- Chương V: các điều khoản thi hành
Những nội dung chi tiết của các điều luật có thể được tóm gọn thành ba ý chính, cũng là ba nội dung điều chỉnh mà ông Trí đề xuất mới đây. Trước tiên, luật khẳng định công dân có quyền chuyển đổi giới tính nếu thỏa mãn các tiêu chí: đủ 18 tuổi, có đủ năng lực hành vi dân sự, tình trạng hôn nhân là độc thân, không trong thời gian truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chấp hành án phạt, và đã thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính.
Tiếp theo, công dân có quyền yêu cầu được công nhận giới tính mới khác giới tính khi sinh. Nội dung này bổ trợ cho nội dung ở trên và đặt ra nền tảng cho các quy định về việc thay đổi giới tính trên các giấy tờ định danh thông qua việc đăng ký thay đổi hộ tịch.
Cuối cùng, công dân có quyền được lựa chọn hình thức can thiệp y học để chuyển đổi giới tính tại những cơ sở khám, chữa bệnh thỏa mãn đủ điều kiện. Quyền này được thực hiện trên nền tảng là các nguyên tắc bắt buộc khi thực hiện can thiệp y học. Tuy nhiên, bộ luật chưa làm rõ về những điều kiện cho cơ sở y tế cũng như các nguyên tắc bắt buộc trong trường hợp thực hiện thủ thuật y khoa để chuyển giới.
5. Đâu là những phần mà dự thảo luật cần điều chỉnh?
Dựa vào bảng tiếp thu giải trình các ý kiến về dự thảo luật này, có thể thấy rằng các bộ, các tổ chức, cũng như nhiều cá nhân đồng tình với dự thảo luật và ghi nhận những nỗ lực của ông Nguyễn Anh Trí. Tuy nhiên, còn nhiều khía cạnh mà luật cần phải làm rõ và phát triển thêm.
Một trong sáu tổ chức tham gia góp ý cho bản hồ sơ dự thảo luật là It’s T Time nhận xét rằng luật chưa có khái niệm “phi nhị nguyên giới” (non-binary) và mới chỉ tập trung vào người chuyển giới. Tổ chức này cũng nêu ra một số khái niệm quan trọng khác cần được bổ sung và ghi nhận trong luật như: phiền muộn giới/bức bối giới, xu hướng tính dục, thể hiện giới.
Từ góc nhìn của nhà quản lý, vấn đề gần gũi nhất là những thay đổi về mặt hành chính để công nhận việc chuyển đổi giới tính của công dân, cũng như những công việc quản lý cần phải làm sau khi sự công nhận ấy diễn ra. Theo Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long thì việc chuyển đổi giới tính không chỉ là sự can thiệp y khoa hay thay đổi thông tin hộ tịch, mà sẽ “thay đổi một loạt nhóm, vấn đề khác nhau trong hệ thống pháp luật.”
Một số ý kiến góp ý hướng tới việc thay đổi các quy định và điều kiện được phép chuyển giới nhằm giảm thiểu những rắc rối về mặt hành chính và pháp lý. Một trong nhiều góp ý nổi bật ở khía cạnh này là việc chỉ người có tình trạng hôn nhân độc thân mới được phép đề nghị công nhận giới tính mới.
Điều này không chỉ đòi hỏi quá nhiều thủ tục pháp lý, mà còn có thể “gây ra những tổn thương tâm lý khó chữa lành trong trường hợp họ được chấp nhận bởi người bạn đời về việc xác nhận lại giới tính, hoặc cả hai người trong mối quan hệ hôn nhân đều có nhu cầu xác định lại giới tính…”