Những tấm ảnh gia đình — Chứng nhân cho sự đổi thay của xã hội | Vietcetera
Billboard banner

Những tấm ảnh gia đình — Chứng nhân cho sự đổi thay của xã hội

Giá trị nghiên cứu không ngờ của những tấm ảnh gia đình từ thế hệ trước. Cùng Vietcetera khám phá sự thay đổi của một gia đình theo từng thời kỳ nhé
Những tấm ảnh gia đình — Chứng nhân cho sự đổi thay của xã hội

Những tấm ảnh gia đình — Chứng nhân cho sự đổi thay của xã hội

Trước khi có sự xuất hiện của máy ảnh, chỉ những gia đình trên mức trung lưu mới có khả năng chi trả cho các họa sĩ để vẽ những bức tranh gia đình. Chính vì đó, những bức họa gia đình cũng phần nào thể hiện đẳng cấp của chủ sở hữu nó. Về sau, sự xuất hiện của máy ảnh đã thúc đẩy nhu cầu được lưu giữ khoảnh khắc của con người lên cao hơn, bất kể giai tầng, địa vị khác nhau trong xã hội. Từ đó, những tấm ảnh gia đình trở nên phổ biến hơn trong cộng đồng cho đến tận bây giờ.

Việc chụp ảnh với đông đủ thành viên trong gia đình những dịp đặc biệt đã trở thành truyền thống tại một số quốc gia. Nhưng liệu những tấm ảnh gia đình chỉ đơn thuần nhằm mục đích lưu giữ khoảnh khắc?

Từ cấu trúc xã hội...

Những bức ảnh gia đình có thể kể cho bạn nghe vô số câu chuyện về cuộc sống xã hội tại thời điểm họ đang sống. Thông qua đó, ta có thể quan sát được sự khác biệt trong cấu trúc xã hội qua từng thời kỳ, ở từng quốc gia.

Tại các nước phương Tây, xu hướng sống độc lập rất phổ biến trong xã hội. Những người trẻ thường sống xa nhà để tìm kiếm cơ hội làm việc và phát triển, trong khi bố mẹ họ an dưỡng tuổi già tại một nơi khác. Vì lẽ đó mà những tấm ảnh gia đình phương Tây phần lớn vắng bóng ông bà.

Trong những thế kỉ trước, tại nhiều nước châu Á đơn cử như Việt Nam, không khó bắt gặp các gia đình đa thế hệ do ảnh hưởng từ quan niệm truyền thống — con cái nên ở gần để tiện bề phụng dưỡng cha mẹ. Vì thế, những gia đình đơn hay gia đình hạt nhân (chỉ bao gồm cha mẹ và con cái) chỉ chiếm phần nhỏ trên tổng số, còn đa số là các gia đình ba thế hệ gồm ông bà, cha mẹ và con cái.

Không dừng lại tại đó, những tấm ảnh gia đình cũng thể hiện địa vị, giai tầng xã hội hay điều kiện sống của nhân vật được chụp. Theo tập san học thuật xuất bản bởi Đại học Toronto, tầng lớp xã hội của gia đình cũng là yếu tố ảnh hưởng đến những vấn đề xung quanh như vai trò của các thành viên, phong cách sống và đôi khi là cả số lượng ảnh hay mục đích mà họ chụp ảnh.

Chẳng hạn, những gia đình thuộc tầng lớp trung lưu sẽ có xu hướng lưu giữ nhiều hình ảnh hơn, đồng thời chủ thể được chụp không chỉ gói gọn trong một gia đình hạt nhân mà có thể là với bà con xa, bạn bè hoặc thậm chí là toàn thể đại gia đình. Còn với tầng lớp lao động, việc chụp ảnh gia đình thường xếp sau những ưu tiên công việc mưu sinh khác. Họ cũng ít đầu tư về trang phục, phong thái hay dáng điệu và thường chỉ chụp vào những dịp đặc biệt. Điều đó giải thích vì sao số lượng, chất lượng và nội dung ảnh thường thấp hơn rất nhiều so với những gia đình khá giả.

Ký giả April Saul từng giành chiến thắng “Bức ảnh của năm” trong cuộc thi “Feature Picture Story” vào năm 1992 nhờ tấm ảnh chụp một gia đình người Mỹ gốc Dominica.

Đến những nghiên cứu về nhân dạng

Những tấm ảnh gia đình như một “cuốn hộ chiếu” được lưu hành nội bộ, truyền qua từng thế hệ trong một dòng họ. Bởi lẽ nó chỉ ra chính xác và cụ thể nguồn gốc sinh trưởng của mỗi người về mặt xã hội học, giúp thế hệ sau nhận dạng được tổ tiên lẫn chính bản thân mình trong một “tổ hợp” các mối quan hệ ruột thịt, họ hàng, bà con xa gần.

Hơn thế, đây còn là vật thể hữu hình, mang đậm tính cá nhân mà người ta có thể để lại trước khi họ ra đi, là minh chứng cho sự tồn tại của họ trong một tập thể, một gia đình.

Thời bé, tôi đã từng dành hàng giờ chỉ để ngồi lục lọi, xem lại những cuốn album cũ của gia đình, mân mê từng tấm ảnh bạc màu, sờn rách. Khi nhìn vào những gương mặt xa lạ có, gần gũi có, thậm chí chỉ “nhìn quen quen" và được cho biết đó là ai, tôi nhận ra gia đình mình không phải là một vòng tròn nhỏ chỉ gồm cha mẹ và ông bà, mà là một cây cổ thụ với vô vàn nhánh nội – ngoại toả ra tứ phía.

Không chỉ là nguồn tham khảo dồi dào trên phương diện gia phả, những tấm ảnh gia đình còn là tư liệu xác đáng và chân thật về văn hoá và xã hội. Chúng giúp các nhà nghiên cứu có cái nhìn tổng quan về phong tục tập quán, phong cách thời trang, những ảnh hưởng của thời cuộc lên hình thái bên ngoài của con người, cơ cấu tổ chức gia đình ở một số quốc gia, dân tộc. Từ đó chúng ta hiểu được tường tận sự thay đổi trong tiến trình phát triển của loài người, thuận tiện cho việc khôi phục, gìn giữ và tiếp nối những truyền thống tốt đẹp từ thế hệ trước.

Thời kỳ số hóa

“Ảnh gia đình” nay đã được số hóa với nhiều tiện ích hơn. Chúng ta có thể kiểm tra chất lượng ảnh ngay khi vừa chụp, dễ dàng chuyển sang các thiết bị khác nhau, và hơn cả là chia sẻ nhanh chóng hơn khi xưa.

Giờ đây, những tấm ảnh gia đình đôi khi không phải là vật thể hữu hình, thay vào đó chúng được lưu giữ thông qua một nền tảng khác, một thư viện vô tận: mạng xã hội. Phương thức này giúp bảo quản tư liệu hữu hiệu và lâu dài, tránh được những mối lo như phai nhoà theo thời gian hoặc rủi ro thất lạc trong những lần chuyển nhà chẳng hạn.

Kết

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ không ngừng len lỏi qua từng ngõ ngách trong cuộc sống và cả trong tư duy của chúng ta, không khó hiểu khi những tấm ảnh gia đình đang dần được “số hoá". Tuy nhiên, chúng vẫn mang nặng ý nghĩa truyền thống vốn có của mình.

Chúng ta chưa thể khẳng định sự tác động đó là tiêu cực hay tích cực, nhưng không thể phủ nhận sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ trong việc lưu giữ “vật chứng lịch sử”, giúp hậu thế có cái nhìn khách quan hơn về thế hệ trước. Từng tấm ảnh gia đình dẫu ở thời đại nào thì đều mang một giá trị vượt thời gian và là “của hồi môn” của thế hệ trước dành cho khoa học.

Bài viết này được thực hiện bởi M.Nhi.