“On This Day” và cách quá khứ giúp bạn sống hạnh phúc hơn | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

“On This Day” và cách quá khứ giúp bạn sống hạnh phúc hơn

Nếu Facebook trao cho bạn một "kỷ niệm", bạn sẽ làm gì với nó?
“On This Day” và cách quá khứ giúp bạn sống hạnh phúc hơn

Nguồn: Unsplash

Con người thường nhớ lại quá khứ, đôi khi thảo luận về những hồi ức này với người khác và sống trong hoài niệm. Tuy nhiên, không nhiều nghiên cứu trước đây xem xét về các nỗi nhớ được ghi dấu trên mạng xã hội.

"Ngày này năm đó" theo phong cách kỹ thuật số | Nguồn: Meta

Theo tiến sĩ Julia Shaw, phó giáo sư và nhà nghiên cứu tại Đại học London South Bank cho biết “Thuật toán không biết bạn thực sự thấy ký ức nào quan trọng và mức độ phức tạp của nó trong cuộc sống thực của bạn như thế nào. Điều này có nghĩa là những lời nhắc nhở về kỷ niệm của Facebook, nhiều khả năng gây ra tác động tiêu cực, khiến chúng ta nhớ lại những ký ức không mong muốn vào những thời điểm tồi tệ.

Tuy nhiên, không phải lúc nào ký ức “On This Day” cũng mang đến cho chúng ta những trải nghiệm khó chịu. Theo thời gian, tâm trạng và suy nghĩ của chúng ta đã có thay đổi ít nhiều. Đôi khi, chính sự trở đi trở lại của một ký ức sẽ nhắc nhở cho chúng ta thấy bản thân đã trưởng thành và vượt qua những thử thách ra sao. Bằng cách thay đổi góc nhìn, On This Day cũng có thể là ngày bạn buông bỏ những tiêu cực và sống thật hạnh phúc.

Tìm lại điểm khởi đầu của những tồn đọng dai dẳng

Bỗng một hôm, Facebook gợi nhớ lại một khoảng thời gian rất khó khăn, ký ức về một người bạn đã không còn, hay đơn giản là một ngày cô đơn nào đó được bạn biên thành thơ trên “tường nhà”. Khi nhìn lại những điều này, tâm trạng của bạn thế nào? Nhân chuyện kỷ niệm không rủ cũng tới, bạn có thể thay đổi cách nhìn nhận chúng và đúc kết những bài học mới cho mình.

Giữa cuộc sống với vô vàn khoảnh khắc, đôi khi lại là may mắn khi Facebook hay Instagram giúp chúng ta tìm lại chính xác một thời điểm nào đó trong cuộc đời mình. Theo Audrey Sherman, tiến sĩ về rối loạn chức năng gián đoạn, thông tin ẩn giấu trong quá khứ thực sự là chìa khóa để mở ra tương lai. Bạn có thể tìm lại những khoảng thời gian, sự kiện khiến bạn gặp một cảm xúc nào đó như tự ti, buồn bã, thất vọng hay vui vẻ, tràn đầy cảm hứng. Và chuyến du hành thời gian đó có thể chỉ điểm chính xác nguồn gốc của những nỗi đau dai dẳng hay một lấn cấn nào đó trong đời mà bạn đã quên bẵng nó có từ khi nào.

Mạng xã hội có thể giúp bạn tìm lại những khoảnh khắc mình đã trải qua trong cuộc sống | Nguồn: Unsplash

Việc nhìn lại quá khứ còn là hình thức tự soi chiếu bản thân để đánh giá sự phát triển của bạn đang đi theo hướng nào. Đừng sợ phải gặp lại những điều mình không thích vì các nhà khoa học ở Harvard Business Review đã có một nghiên cứu thú vị. Họ thực hiện một khảo sát hơn 400 giám đốc điều hành và yêu cầu suy ngẫm xem kinh nghiệm nào thúc đẩy sự phát triển nghề nghiệp của họ nhiều nhất và giúp họ trở thành những nhà lãnh đạo tốt hơn.

Kết quả cho thấy 3 dạng kinh nghiệm quá khứ ảnh hưởng nhất là: sự bất ngờ, nỗi thất vọng và cảm giác thất bại. Những suy ngẫm liên quan đến một hoặc nhiều cảm giác này được chứng minh là có giá trị nhất trong việc giúp các nhà lãnh đạo học hỏi và phát triển trong sự nghiệp của họ. Vậy nên, được mạng xã hội gợi nhớ quá khứ chính là cơ hội tuyệt vời để bạn củng cố bản thân, nghiền ngẫm những bài học để sống tiếp. Bạn có thể “review” lại cách mình giải quyết chuyện đó ngày xưa và kết quả của nó đến hiện tại. Từ đó có thể đưa ra những điều chỉnh phù hợp để tiếp tục hoàn thiện.

Nhìn nhận rõ hơn các “khuôn mẫu” tình yêu

Có bao giờ bạn được Facebook nhắc lại những ngày chập chững bước vào yêu ? On This Day có thể là ngày hạnh phúc, cũng có thể là nỗi cô đơn. Bên cạnh cảm xúc của kỷ niệm, điều bạn có thể nhìn rõ hơn chính là cách bạn yêu ai đó và yêu bản thân mình trong suốt thời gian qua.

Theo nghiên cứu của tiến sĩ Susan Krauss Whitbourne đăng trên Psychology Today, có đến 12 khuôn mẫu tình yêu. Trong đó có thể kể đến khuôn mẫu về người yêu mơ mộng/thực tế, yêu bằng cảm xúc/lý trí, tình yêu hướng nội/hướng ngoại,... Những khuôn mẫu này cho chúng ta những giá trị nhất định như giúp các cặp đôi hiểu nhau hơn, chọn cách giao tiếp và thay đổi động lực của mối quan hệ.

Bạn có thể đã quên cách mình yêu ai đó trong quá khứ, nhưng On this day thì không | Nguồn: Unsplash

Việc tìm lại lịch sử tình yêu có thể giúp bạn thấy quá trình “con tim” của bạn đã thay đổi thế nào. Bạn có thể cười ngượng khi Facebook nhắc lại chuyện bạn từng sến ra sao, hay từng thể hiện một quan điểm tình yêu mạnh mẽ nào đó trên mạng. Nếu đang trong một mối quan hệ, On This Day còn giúp người dùng đánh giá sự phát triển của mối quan hệ theo thời gian. Họ có thể nhìn lại chặng đường đã qua và cùng nhau xem xét những thử thách và thành công trong quá trình yêu nhau.

Việc nhìn lại lịch sử tình trường qua những gợi nhớ từ Facebook còn giúp chúng ta có một kinh nghiệm quan trọng: Cách dùng mạng xã hội để thể hiện chuyện tình cảm. Đơn cử như bạn nhận ra “khuôn mẫu” hễ mỗi lần yêu ai mà đăng lên mạng thì lại có trục trặc xảy ra vì nhiều lời bàn tán. Từ đó bạn sẽ có học cách thận trọng hơn khi chia sẻ tình yêu lên mạng trong các mối quan hệ kế tiếp.

Chọn tha thứ để bắt đầu lại các mối quan hệ

Trong trường hợp lý tưởng, On This Day sẽ nhắc lại kỉ niệm đẹp về một mối quan hệ vẫn còn tồn tại. Những lời nhắc như “tôi và bạn đã biết nhau 10 năm” có thể gia tăng tình cảm và tính gắn bó giữa hai con người với nhau. Tuy nhiên, nếu Facebook gợi nhớ về một người bạn không thích thì sao?

Nếu chuyện này xảy ra, bạn đừng vội xóa kỉ niệm mà hãy thử nghĩ theo hướng tích cực hơn. Bạn có thể tự hỏi liệu tôi có thể làm bạn lại với người này không? Họ hiện tại có phát triển thành phiên bản tốt hơn?

Bạn có thể dùng On This Day để tìm và hàn gắn những mối quan hệ đã lâu không gặp | Nguồn: Unsplash

Lý do cho những câu hỏi này vì đôi khi mối quan hệ của ta với ai đó gặp trắc trở bởi những chuyện rất nhỏ nhặt, không đáng hoặc là do cả hai đều chưa đủ trưởng thành. Khi đã “có tuổi” một chút, chúng ta có thể tự tha thứ cho nhau và tìm cơ hội để làm lành. Việc Facebook nhắc ta nhiều về ai đó minh chứng cho một điều: Người đó từng quan trọng và có những gắn kết sâu sắc hơn so với rất nhiều mối quan hệ khác bạn có trong đời.

Trong một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Tâm lý học Thực nghiệm, hai tác giả Langeslag và Sanchez đã khám phá tính hiệu quả của các chiến lược khác nhau để đối phó với những lời nhắc nhở về người yêu cũ. Trong số đó có một chiến lược được gọi là đánh giá lại nhận thức. Bạn sẽ có một cuộc đánh giá lại cảm xúc dành cho người đó. Nếu còn sót lại tình yêu thương thì cũng không có gì phải chống lại chuyện đó cả.

Bạn cũng có thể áp dụng cách thức này với những mối quan hệ khác như bạn bè, đồng nghiệp. Mục đích cuối cùng là giúp bạn “ghi đè” cảm xúc của mình với một ai đó để có thể tự giải thoát bản thân khỏi những suy nghĩ tiêu cực. Trong trường hợp lý tưởng hơn, cả hai có thể kết nối lại để đưa mối quan hệ sang trang thay vì cứ mắc kẹt mãi ở những chuyện không vui.