1. Panic buy là gì?
Panic buy /ˈpæn.ɪk ˌbaɪ/ (động từ), chỉ hành động mua sắm số lượng lớn để tích trữ vì lo sợ thiếu nguồn cung, hay giá thành sản phẩm tăng. Hiện tượng này thường xảy ra trước bối cảnh đại dịch, thiên tai hay khủng hoảng, khi tâm lý người tiêu dùng trở nên bất an.
Đợt dịch thứ 4 của thành phố Hồ Chí Minh đã khiến nhiều gia đình đứng ngồi không yên. Sáng 07/07/2021, nhiều người đã tụ tập đông đúc ở các siêu thị với xe đẩy chất đầy đồ ăn.
Điều này dẫn đến sự quá tải với những hàng người dài đứng chờ đợi nhiều giờ. Thậm chí cả hệ thống online của các chuỗi siêu thị lớn cũng tạm thời "sập" khi không kịp phản hồi với các đơn mua.
2. Nguồn gốc của panic buy?
Hiện tượng panic buy mới xuất hiện vào thế kỷ 20. Đây là khoảng thời gian xảy ra nhiều sự kiện lớn từ chiến tranh tới khủng hoảng kinh tế, tạo ra những sang chấn cho những người sống ở thế hệ này. Đây cũng là cách mà thói quen tích trữ được hình thành để đối phó với những nguy cơ tiềm ẩn.
Không chỉ giới hạn ở lương thực mà các hình thức tích trữ này có thể bao gồm ngoại tệ, vàng bạc hay cổ phiếu, đặc biệt trong những đợt suy thoái kinh tế.
3. Vì sao panic buy trở nên phổ biến?
Theo Google Trends, lượng tìm kiếm từ khóa này gia tăng đột ngột từ khoảng cuối năm 2019, cùng thời điểm mà COVID-19 bắt đầu xuất hiện khiến cả thế giới chao đảo. Tại Mỹ, người người đổ xô đi càn quét mọi siêu thị chỉ để tích trữ đủ giấy vệ sinh. Trong lúc đó, Việt Nam cũng đang bước vào một trong những "kỳ nghỉ Tết" dài nhất lịch sử.
Sự hoảng loạn và căng thẳng được đẩy lên cực độ bởi “tâm lý bầy đàn" cùng hiệu ứng FOMO khiến chúng ta mua nhiều hơn cần thiết. Sự ám ảnh tích trữ (hoarding) này là hệ quả của việc lo lắng và căng thẳng lâu dài. Việc mua sắm lại phần nào giúp ta xoa dịu đi những cảm xúc tiêu cực.
Sức mua dồn dập làm những kệ đồ ăn trở nên trống rỗng. Nghịch lý ở chỗ cái gì càng ít càng khiến người ta tin nó có giá trị. Cảm giác sợ hãi vơi dần cùng những đơn hàng.
Tại thành phố Hồ Chí Minh, vì bất an khi nghe tin 3 chợ đầu mối đóng cửa, nhiều người quên mất những lý do ta không nên tụ tập mua sắm tích trữ:
- Hành vi tập trung đông người có thể làm gia tăng khả năng lây nhiễm;
- Hàng hóa và nhu yếu phẩm được các cơ quan chức năng đảm bảo đầy đủ;
- Việc mua sắm dồn dập sẽ làm ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng, khiến các hệ thống bị quá tải.
Tuy nhiên hành vi này cũng dễ hiểu khi là hệ quả của một chuỗi các phản ứng tâm lý gây ra bởi đại dịch. Để đối mặt với hiện tượng này, Vietcetera gợi ý cho bạn một số giải pháp:
- Chỉ mua 10 loại thực phẩm cần thiết để trong tủ lạnh;
- Thương thân mình với các bí quyết ổn định tâm lý trong đại dịch;
- Tỉnh táo trước thông tin, đặc biệt là tin giả;
- Cập nhật các kiến thức về dịch bệnh cũng như tiêm vaccine;
- Có những hoạt động lành mạnh giúp vượt qua sự cô đơn vì cách ly.
4. Dùng panic buy như thế nào?
Tiếng Anh
A: Should we head out to buy some food? I saw many people went out today for groceries.
B: It's oke! We still have enough food at home. In times like this, we should stay calm instead of panic buying.
Tiếng Việt
A: Mình nên ra ngoài mua thêm đồ ăn không? Sáng nay tớ thấy nhiều người đi siêu thị quá.
B: Không sao đâu mình còn đủ đồ ăn mà. Trong thời điểm này mình nên bình tĩnh thay vì đi mua sắm tích trữ vì hoảng loạn.