“Peel da” – Làm đẹp hay “lột” luôn nhan sắc? | Vietcetera
Billboard banner
03 Thg 07, 2022
Thời TrangBeauty

“Peel da” – Làm đẹp hay “lột” luôn nhan sắc?

Thay da mới, trắng mịn, xóa nám… là những quảng cáo có cánh về peel da. Tuy nhiên, không phải ai lột xong cũng đạt kết quả như mình mong muốn. Lý do vì đâu?
“Peel da” – Làm đẹp hay “lột” luôn nhan sắc?

Peel da cần có sự theo dõi của bác sĩ | Nguồn: Stylecraze

Những ngày qua, cộng đồng làm đẹp tại Việt Nam xôn xao về hình ảnh da lột thành từng mảng của một nhân vật nổi tiếng. Những bức ảnh này gây nên nhiều tranh cãi bởi tính chất có phần ghê rợn khi làn da bị peel (lột da hóa học) rất mạnh, đỏ ửng và bong tróc.

Thực tế, peel da hóa học là một hình thức làm đẹp phổ biến đã được ứng dụng từ lâu. Các nghiên cứu ghi nhận từ thời Ai Cập cổ đại dùng các loại thảo mộc để peel trong làm đẹp.

Tuy nhiên, đây là là một hình thức làm đẹp cần chuyên môn của bác sĩ với kiến thức và tay nghề cao để có thể kiểm soát quá trình peel. Trong khi đó, phần lớn người dùng hiện nay lại xem peel như chuyện dễ như ăn bánh và có thể làm tại nhà. Ngành công nghiệp làm sản phẩm peel da thì phát triển nhanh chóng.

Trong khi đây là những sản phẩm cần được nghiên cứu rất kĩ (vì tính chất hóa học mạnh của axit) thì nay rất nhiều hàng nội địa trôi nổi, kém chất lượng lại được quảng bá là sản phẩm peel da thần kỳ.

Có thể nói, làn da người dùng chưa bao giờ mong manh và dễ bị tàn phá nhất như lúc này.

alt
Nguồn: BS Phạm Hồ Thanh Thanh

Vietcetera mời bác sĩ chuyên khoa da liễu Phạm Hồ Thanh Thanh để tham vấn về kỹ thuật peel da an toàn.

Tự peel tại nhà không thể biết điểm “cháy da”

Peel da hay còn gọi là chemical peel, là phương pháp điều trị thẩm mỹ liên quan đến sử dụng axit để thay mới tế bào trên da. Mục đích của peel là hỗ trợ cho việc nhanh lành sẹo, điều trị các vấn đề sắc tố…

Việc peel da thông thường sẽ tác động nhiều đến lớp biểu bì (bề mặt da) với việc bong tróc nhẹ tế bào chết. Đối với việc “lột” những tầng sâu hơn như trung bì, hạ bì thì cần sự chỉ định y khoa của bác sĩ.

alt
Tự peel da tại nhà có nhiều rủi ro | Nguồn: Stylexraze

Bác sĩ Thanh Thanh cho biết: “mức độ đi sâu vào lớp nào của da đôi khi bác sĩ cũng không thể xác định chính xác. Lý do vì phương pháp peel hiện nay đa phần là quét hoặc bôi lên da. Vì vậy, độ thẩm thấu sẽ không thể nhìn thấy mà chỉ dựa vào kinh nghiệm của người làm.”

Bác sĩ sẽ cảm nhận da với độ dày, độ mỏng khác nhau để dự đoán khả năng thẩm thấu. Điều cốt lõi của peel da là bác sĩ sẽ theo dõi sát sao để nhận ra điểm giới hạn chịu đựng của một làn da. Vì nếu vượt qua ngưỡng đó, các axit sẽ gây ra nhiều tổn hại cho làn da của bạn.

Vì vậy, nếu bạn tự mua các loại axit để peel tại nhà thì nguy cơ không an toàn rất cao. Người dùng hầu hết không có kinh nghiệm, không biết nhìn điểm giới hạn da và không thể xác định các cảm giác của da khi peel là bình thường hay dấu hiệu của bỏng da.

Peel da cơ bản là dùng axit (AHA, BHA, TCA, Phenol…) trên mặt và theo quan điểm y khoa của chuyên gia Zein Obagi (người phát minh ra phương pháp peel), peel da không nên tự ý sử dụng tại nhà.

Nhiều người dùng nghĩ rằng mình đang dùng dược mỹ phẩm đã được kiểm nghiệm là an toàn trên da. Tuy nhiên, về bản chất các sản phẩm peel đều là axit nên khi dùng cần có sự chỉ định về tần suất cụ thể.

Bong tróc da thế nào trong ngưỡng an toàn?

Hiện tại, trên thị trường có những loại peel da với công dụng tẩy tế bào chết tại nhà. Với loại peel da này, tình trạng bong chỉ dừng lại ở mức khô và bong tróc nhẹ nhàng. Tuy vậy, các loại peel này không góp phần hỗ trợ cho quá trình điều trị da.

Còn dạng peel da từng mảng (peel xâm lấn) thì cần có bác sĩ để kiểm soát. Nếu bạn thấy da bong từng mảng, sạm đen, đỏ mạnh thì đó là da đã bị bỏng do axit. Đây là lúc phải đến ngay cơ sở y tế để thăm khám nếu không muốn biến chứng nặng hơn.

alt
Khó xác định ngưỡng bong da an toàn khi làm tại nhà | Nguồn: Monodist

Peel da không an toàn còn gây ra tình trạng tăng sắc tố sau viêm, gây nám mảng hoặc mất sắc tố không điều trị được. Ngoài ra, việc lột da quá mức có thể gây sẹo trên dạ, gây tình trạng xước da đến lớp hạ bì. Hậu quả là làn da uốn lượn, gồ ghề hệt như những vết da bị bỏng.

Những ai tuyệt đối không nên tự peel da tại nhà

Với những bạn có nền da mỏng, rối loạn sắc tố, hoặc có bệnh lý viêm da tiết bã thì nên tạm “chia tay” với các thể loại peel da. Hoặc nếu từng khổ sở vì thuốc rượu, kem trộn và da đã yếu sẵn cũng không nên peel.

Tuy nhiên, điều trớ trêu là những người có làn da khỏe khi peel cũng rất khó đoán. Tỉ lệ thành công, thất bại là 50 - 50. Nếu bạn tự peel tại nhà mà vẫn ổn thì rất có thể là do may mắn chứ không phải là da bạn hợp để peel.

Ngoài ra, peel da chỉ là một mắt xích trong một quá trình điều trị da. Nhiều người chỉ đủ chi phí để mua sản phẩm peel nhưng không mua các bộ phục hồi, dưỡng. Trong khi đó, theo quan điểm y khoa thì dược mỹ phẩm là sản phẩm đi theo bộ. Nếu chỉ dùng peel mà không sử dụng thêm chống nắng, dưỡng ẩm… thì cũng chẳng khác gì “nước đổ đầu vịt.”

alt
Những làn da mỏng, yếu ớt không nên sử dụng peel da | Nguồn: Chemical Peel Skin

Trong trường hợp gặp phải biến chứng peel da, bạn đừng tự cấp cứu tại nhà mà hãy đến gặp bác sĩ ngay. Khi đó, bác sĩ sẽ chọn phác đồ như điều trị da bỏng để chữa. Tuy nhiên, với các tình trạng tăng sắc tố hay mất sắc tố thì không thể điều trị hết 100%, vẫn còn vài dấu vết trên da.

Hiểu lầm về việc peel giúp da đẹp hơn

Peel da thực tế là một công cụ giúp tiến trình điều trị diễn ra nhanh hơn. Nói nôm na, peel da giống quá trình chuẩn bị một mảnh đất tốt để gieo trồng những hạt giống. Thay vì phải đợi thay da một thời gian lâu thì khi peel, bạn có thể rút ngắn lại. Tuy nhiên, nhiều người vẫn lầm tưởng là peel da giúp trị mụn, trị thâm, trị nám…

alt
Peel da chỉ là bước đệm cho các liệu trình điều trị da kế tiếp | Nguồn: Net A Porter

Trong khi để điều trị các vấn đề này lại phụ thuộc vào những sản phẩm sau peel. Tùy mục đích điều trị của bạn là gì mà các bác sĩ sẽ kê những liệu trình phù hợp. Vậy nên, không phải peel da xong là đẹp, peel không phải phương pháp thần thánh để trị mọi vấn đề của da.

Một vài loại mỹ phẩm bạn cần tránh sau peel có thể kể đến như AHA, BHA vì cũng là các dạng axit. Với tình trạng bong nhẹ thì bạn có thể giảm tần suất hoặc ngưng trong vài ngày. Nếu muốn da hồi phục nhanh hơn, bạn có thể sử dụng thêm Niacinamide trong các bước chăm sóc da. Niacinamide giúp da nhanh lành, dịu da và giảm khả năng kích ứng.

Kết

Tóm lại là, peel da không xấu nhưng sẽ làm kiểu làm đẹp “chơi với lửa” nếu không được sự theo dõi từ bác sĩ. Những hậu quả do peel da gây ra một lần nữa cảnh tỉnh những ai đang tự mày mò làm bác sĩ khi chăm da.

Nhìn rộng hơn, khi dược mỹ phẩm phát triển và các thành phần hoạt tính mạnh được đưa ra thị trường, nguy cơ một làn da trở nên xuống cấp hóa ra lại đến từ việc sử dụng không đúng các sản phẩm làm đẹp!