Group anti... những chú chó, sữa đặc ông Thọ "lột xác" và 1001 chuyện cần theo dõi cuối tuần | Vietcetera
Billboard banner

Group anti... những chú chó, sữa đặc ông Thọ "lột xác" và 1001 chuyện cần theo dõi cuối tuần

Đến chó cũng bị lập group anti? Sữa đặc ông Thọ thay đổi? Erik vừa tái xuất đã lọt top trending? Cuối tuần nhâm nhi "trà" gì cùng Vietcetera?
Group anti... những chú chó, sữa đặc ông Thọ "lột xác" và 1001 chuyện cần theo dõi cuối tuần

Nguồn: Hân Nguyễn cho Vietcetera

1. Sữa đặc ông Thọ "lột xác"

alt
Nguồn: Game8

Không còn nữa hình ảnh lon đong gạo trong ký ức, sữa đặc ông Thọ vừa hé lộ diện mạo dạng tuýp mới, với khối lượng nhỏ gọn 165g. Vừa rò rỉ trên mạng, hình ảnh tuýp sữa đặc ông Thọ đã nhanh chóng viral trên mạng xã hội. Không còn cảnh “mẹ tôi để quên sữa trên bếp buổi sáng, đến chiều cả họ nhà kiến ghé thăm”, cũng chẳng cần đau đầu tìm cách đục lỗ lon sữa hay thổi hụt hơi để có sữa mà dùng, “ông Thọ” mới đang được cộng đồng hưởng ứng nhiệt liệt.

Du nhập vào Việt Nam từ trước 1975, sữa đặc vốn là thức quà trong mơ thời “ông bà anh” vì giá thành đắt đỏ. Lon sữa Foremost với hình ảnh ông già cầm quả đào tiên là của quý của các gia đình, chỉ người già và trẻ nhỏ mới có cơ may thưởng thức để bồi bổ. Sau khi được hãng Vinamilk tiếp quản, sữa đặc dần trở nên phổ biến hơn.

Các ông lớn giờ đây cũng phải bước vào giai đoạn chuyển mình để 'lấy lòng' người dùng, việc Hảo Hảo ra mắt sản phẩm muối chấm là một ví dụ. Một điều chắc chắn là, dù sữa đặc ông Thọ có thay hình đổi dạng thế nào, hẳn nhiên hình ảnh lon sữa bò huyền thoại với đủ thứ công dụng (đong gạo, đong nước hay thậm chí để chơi… tạt lon) vẫn sẽ in sâu trong tim thế hệ 8x, 9x.

2. Mình ghét thì mình lập group anti thôi!

alt
Nguồn: Hoa Học Trò

Trào lưu lập group anti đang ngày càng phổ biến, từ Hương Giang, Châu Bùi-Binz, giờ đến cả tiệm photocopy của trường Đại học hoặc thậm chí là chú chó trong tiệm cũng được tạo hẳn một trang anti với rất nhiều followers.

Có lẽ trước những chuyện "có cố cũng không thể thay đổi được" (người nổi tiếng thì chỉ có thể theo dõi chứ khó mà góp ý, tiệm photocopy và chú chó chỉ có ban giám hiệu mới "đuổi" được), việc phản kháng duy nhất chúng ta có thể làm là lập nhóm anti và thể hiện sự bất mãn. Lúc này, nhu cầu được xoa dịu cơn giận lớn hơn chuyện thay đổi sự việc khiến ta 'nổi lửa'. Ghét cũng có yếu tố lây lan, đôi khi nhiều người theo dõi các group anti không phải vì thực sự ghét, mà vì ảnh hưởng từ những người trước đó.

Trang anti chú chó vừa ra mắt đã nhanh chóng viral. Các bài đăng từ 1,000 tương tác trở lên, với content mặn mà và không hề mang tính chỉ trích nặng nề. Hẳn quy luật "thương cho voi cho rọt, ghét cho ngọt cho bùi" chỉ đúng với... những chú cún? Vì 'thái độ' của tiệm photocopy vẫn đang bị các sinh viên 'ném đá'.

3. Diện mạo mới của Erik là trung tâm bàn tán?

Music video vừa ra mắt của Erik đang dẫn đầu bảng trending tuần vừa qua không phải vì giai điệu hay lời nhạc mà vì sự xuất hiện của chính chủ. Với mái tóc dài và mái xéo hơi hướng nữ tính, Erik được đặt lên bàn cân nhan sắc với các tên tuổi như Thu Minh hay Trần Thu Hà vì phong cách giống đến đáng ngạc nhiên.

Âm nhạc giờ đây không chỉ là cuộc chơi của giai điệu, mà còn là sân chơi chữ nghĩa với những lời nhạc càng dễ thuộc và bắt trend nhanh (Mlem Mlem Mlem của MIN, Đi Về Nhà của Đen và Justatee) càng dễ "lọt top" và cuộc đua phong cách như Đôi Khi của Suboi và tác phẩm mới của Erik. Sở hữu một diện mạo dễ tạo meme và thành trend ngay khi lên sóng, hẳn cũng gọi là một thành công nhất định!

4. "30 chưa phải là hết" và câu chuyện remake phim ở Việt Nam

alt
Nguồn: Phim "30 chưa phải là hết"

"30 chưa phải là hết" đã tạo cơn sốt không hề nhỏ tại Trung Quốc và cộng đồng yêu phim Hoa Ngữ tại Việt Nam. Qua hành trình của 3 cô bạn thân, bộ phim nói về những hoang mang và mỏi mệt của tuổi 30 - khi tuổi xuân đã qua mà vẫn chưa có thành tựu đáng kể, chuyện gia đình lại còn trục trặc tới lui.

Sau khi đài jBTC của Hàn Quốc (chủ thầu của các bộ phim nổi tiếng dạo gần đầy như Thế giới hôn nhân, Sky Castle...) thông báo mua bản quyền để remake bộ phim này, Việt Nam cũng "rục rịch" dự định ấy. Chưa biết bản làm lại sẽ thế nào, chỉ biết dân tình vừa nghe đã "ném đá" không thương tiếc. Các bộ phim tiền nhiệm của ngành công nghiệp remake phim dạo gần đây như She Was Pretty, Hậu Duệ Mặt Trời hay xa hơn là Glee cũng đều nhận cơn bão chỉ trích.

Không phải tất cả phim remake đều bị nói "không", các Tiệc Trăng Máu, Tháng Năm Rực Rỡ... đều thắng lớn là ví dụ điển hình. Nhưng dù là phim "làm lại" hay không, sự gần gũi với người xem là điều tối quan trọng. Khán giả không thể nhìn những nhân vật mà họ không quen thuộc, nghe những lời thoại họ chẳng bao giờ nói với nhau ngoài đời. Đặc biệt với những chương trình thường được xem vào thời điểm cả gia đình cùng chăm chú vào màn hình ti-vi sau bữa cơm tối, yếu tố kết nối lại càng cần được đặt lên hàng đầu.

Có nhiều lý do để hãng phim quyết định remake: kịch bản sẵn có nên không tốn quá nhiều chi phí cho việc chỉnh sửa, có sẵn thước quay từ phim nước ngoài để học hỏi... Nhưng nếu biên kịch và đạo diễn không tạo nên những bộ phim mang đậm yếu tố Việt, sự quay lưng của khán giả vẫn sẽ là điều hiển nhiên.

5. Covid-19 khiến mình quên mất chuyện ô nhiễm?

Còn nhớ cách đây 1 năm, chuyện ô nhiễm là trung tâm bàn tán của người người, nhà nhà. Khẩu trang chống bụi mịn được rao bán khắp nơi. Năm nay, với Covid-19 được treo lơ lửng trên đầu, ô nhiễm dường như là một câu chuyện xa vời. Chỉ số chất lượng không khí ở Hà Nội đã được đánh giá là không tốt cho người nhạy cảm, hoặc thậm chí ở mức báo động đỏ trong những ngày qua.

Đứng trước những việc không ảnh hưởng đến bản thân ngay lập tức, con người thường có xu hướng "để sau rồi giải quyết". Nhưng lũ lụt, cháy rừng, bụi mịn, băng tan... Càng ngày, hậu quả của không bảo vệ môi trường càng trầm trọng hơn. Có nhiều hơn một cách để không phải tiếp tục "nơm nớp" vì tình trạng sức khỏe luôn bị ảnh hưởng trước ô nhiễm (giải rác, bảo vệ rừng...) nhưng tất nhiên, những vấn đề hệ trọng, vẫn luôn cần hành động của nhiều hơn một người.