Phong tục Tết xưa có gì khác Tết nay? | Vietcetera
Billboard banner

Phong tục Tết xưa có gì khác Tết nay?

Ngày xuân con én đưa thoi, đi xem tranh Tết ấy là thú vui; và cũng là để hiểu Tết Việt xưa như thế nào?
Phong tục Tết xưa có gì khác Tết nay?

Nguồn: Họa sĩ Phùng Phê.

alt

Tết Việt xưa - nay tuy mỗi lúc khác nhau song niềm vui và sự phấn khởi bao giờ cũng dồi dào. Nhưng liệu bạn đã bao giờ tò mò Tết xưa của người Việt mình như thế nào? Sự "tiến hóa" của phong tục đón Tết và trò chơi ngày Tết ra sao theo thời gian?

Nếu bạn muốn tìm câu trả lời cho tất cả câu hỏi trên thì nên ghé đến Lotus Gallery dịp này. Từ ngày 01/01 - 15/01/2023, Lotus Gallery sẽ trưng bày tranh Tết tập hợp nhiều tác phẩm của các họa sĩ Vương Duy Biên, Phùng Phê & Mai San.

Các tác phẩm trong lần trưng bày này mang đến cho người thưởng lãm dư vị khác biệt, từ tập tục chuẩn bị đón Tết cho đến không khí lễ hội cũng như quang cảnh mùa xuân, đặc biệt là tại vùng cao Tây Bắc của đất nước.

Phong tục đón Tết xưa thực sự như thế nào?

Nếu đi một triển lãm học một sàng khôn thì đến Lotus Gallery thời gian này bạn sẽ cảm nhận được không khí Tết thật gần hơn nữa. Trong nhiều bức họa cảnh Tết được trưng bày, tranh của Vương Duy Biên sẽ mang đến không khí chuẩn bị đón Tết thật rộn ràng và gần gũi.

Chủ đề cũng như đối tượng trong tranh Tết của Vương Duy Biên rất nhỏ, rất xinh, và ẩn chứa những mộc mạc trong nét truyền thống. Trong đó, những họa phẩm của ông không chỉ chép lại mà còn lưu dấu những tập tục, sinh hoạt người Việt lâu đời.

alt
Tác phẩm vẽ cây Nêu của họa sĩ Vương Duy Biên.

Một trong những chủ đề trong tranh Tết của Vương Duy Biên chính là cây Nêu. Ông bà xưa nay vẫn có tục cây Nêu có thể xua đuổi tà ma, quỷ ám. Én bay về báo xuân sang, cây Nêu dựng lên coi như thông báo Tết đã đến vậy.

Khi cây Nêu bắt đầu được dựng lên, nghĩa là Tết cũng bắt đầu đến. Cũng từ đây, Vương Duy Biên đưa người thưởng lãm "xuyên không" về với những ngày cận kề Tết Việt vào thế kỷ thứ 19. Những ngôi nhà bắt đầu được trang hoàng và tinh tươm hơn, từ quét vôi hoặc sơn mới, những câu đối hay bức hoành phi thếp vàng được sửa sang hoàn chỉnh.

Họa sĩ Vương Duy Biên, thông qua hội họa, còn gợi mở về những món ăn ngày xuân khác nữa. Trong đó, ẩm thực là một chủ đề được ông đặc biệt chú ý. Bánh cuốn, bánh Tiêu... ấy vậy mà lại đậm đà bản sắc tết Việt xưa chẳng thua kém gì bánh Chưng, bánh Tét. Hay như các nhạc cụ, đồ chơi truyền thống như trống cơm cũng mang cả một nguồn cội phong tục ngày Tết.

alt
Tác phẩm của họa sĩ Vương Duy Biên.

Những công việc chuẩn bị cứ gối nhau như vậy mà thành cái nếp chuẩn bị Tết Việt. Tết về với màu đỏ tươi, vàng sáng như để chào đón một năm mới nhiều tài lộc. Phong tục ngày Tết còn nhiều hơn thế nữa, cùng với đó là không khí hào hứng tăng lên dần cho đến giao thừa, ngày đầu năm mới.

Không khí lễ hội và quang cảnh mùa xuân ngày xưa ra sao?

Nếu như những họa phẩm của Vương Duy Biên đưa ta đến những phong tục chuẩn bị đón Tết, thì các tác phẩm của hai họa sĩ Phùng Phê & Mai San lại gợi mở về không khí lễ hội và quang cảnh mùa xuân, đặc biệt là tại vùng cao Tây Bắc.

Việt Nam vốn là một đất nước nông nghiệp, trồng lúa nước, và cũng gắn liền với cây đa, bến nước, sân đình. Mùa Xuân miền Bắc tỏa ra từ những cuộc thăm đồng, viếng chùa, trẩy hồi. Họa sĩ Phùng Phê không tìm những chủ đề đâu xa mà chính từ cái nét rất Việt này. Cũng vì thế, tranh xuân của tác giả này thường chọn chủ đề khơi gợi sự đông vui, tấp nập, của sự ấm no, trù phú.

Từ chủ đề gặt hái cho đến du xuân đều toát lên cái năng lượng của một năm mới đủ đầy. Từng mảng màu ấm nóng, tươi vui cho đến cách diễn hoạt quang cảnh đều cho thấy nhựa sống của những ngày đầu năm mới hết sức tràn trề.

alt
Nguồn: Họa sĩ Phùng Phê.

Không dừng lại ở đó, Phùng Phê còn rất yêu thích những lễ hội ở vùng Tây Bắc; những trang phục sặc sỡ, những phiên chợ đầu năm như gói lại cả cái hồn xuân vùng cao, - người xem dễ dàng bắt gặp những nét duyên ấy thông qua chuỗi tác phẩm đón Tết lần này của hoạ sĩ.

Cũng khai thác chủ đề vùng cao Tây Bắc, nhưng khác với Phùng Phê, họa sĩ Mai San lại có một cách truyền tải rất riêng. Bà vẽ cảnh và phụ nữ dân tộc theo tinh thần chủ nghĩa lãng mạn vốn được ưa chuộng trong lứa họa sĩ của bà. Lồng tinh thần cá nhân vào trong tranh về chủ đề mùa Xuân, Mai San tạo ra một hướng tiếp cận và cảm nhận khác biệt về Tết Việt.

Dấu ấn cá nhân trong tranh Mai San nằm ở đường cọ mạnh, cách tạo hình không theo quy chuẩn hội hoạ cổ điển. Trong các bức tranh về chủ đề Tết của nữ họa sĩ cũng toát lên được điều này.

alt
Tác phẩm của nữ họa sĩ Mai San.

Những người phụ nữ đội mâm quả, bánh lên đầu hay những người phụ nữ tự do nhảy múa trong tranh của Mai San mang đến một cái nhìn phóng khoáng về khái niệm "truyền thống". Vẫn là chủ đề Tết, vẫn là những quang cảnh rất Tết, hay không khí du xuân Tây Bắc nhưng Tết của Mai San đã vượt khỏi những mỹ cảm quen thuộc.

Ngắm tranh Tết xưa, hiểu (và yêu thêm) Tết nay

Tùy theo thời gian, sự biến đổi từ phát triển kinh tế vă hóa xã hội mà Tết nay khác đi phần nào đó. Nhưng không thể phủ nhận được rằng, tinh thần đón Tết và du xuân xưa nay vẫn luôn vậy. Những giá trị về đoàn viên, nhớ về nguồn cội và tỏ bày sự xúc động trước một khởi đầu mới vẫn luôn như vậy.

Tết chính là khoảng thời gian để khởi lên những tình cảm và ước định cho một năm mới dồi dào. Dù là thời đại nào, phong vị Tết đổi mới ra sao thì chúng ta vẫn trân trọng những giá trình tinh thần không bao giờ biến mất.

Ngày xuân con én đưa thoi, mà đi xem tranh Tết xưa thực sự là một thú vui bạn nên thử. Không chỉ thưởng lãm và cảm nhận tết xưa, những họa phẩm của Vương Duy Biên, Phùng Phê và Mai San còn gợi mở về truyền thống, văn hóa của Việt Nam.

Nhưng quan trọng không kém, ngắm tranh Tết xưa, còn là để hiểu và yêu thêm Tết nay.

Ngày 08/01 tới đây, Lotus Gallery sẽ tổ chức Gallerist Tour với chủ đề Từ Văn đến Họa vào hai khung giờ 10-11AM và 4-5PM. Gallerist Tour sẽ mang đến trải nghiệm cuộc đối thoại giữa Họa và Văn trong không khí Tết đến xuân về.

Các tác phẩm của những họa sĩ như Vương Duy Biên, Phùng Phê, Mai San, Trương Đình Hào, Bùi Quỳnh được sáng tác dựa trên các bài thơ, tiểu thuyết Việt ra đời từ những năm 1930 sẽ mang đến một hành trình đi từ hình thức tả thực (truyền thần) của hội hoạ đến các thể nghiệm “tả ý văn” của hoạ sĩ.

Đăng ký tham dự Gallerist Tour tại đây.